Chương 1. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ TIỀN LƯƠNG VÀ PHÁP LUẬT VỀ TIỀN LƯƠNG TRONG DOANH NGHIỆP
1.3. Pháp luật về tiền lương trong doanh nghiệp một số quốc gia trên thế giới và kinh nghiệm với Việt Nam
1.3.1. Pháp luật về tiền lương trong doanh nghiệp một số quốc gia trên thế giới
1.3.1. Pháp luật về tiền lương trong doanh nghiệp một số quốc gia trên thế giới
1.3.1.1. Pháp luật về tiền lương trong doanh nghiệp của Trung Quốc Pháp luật về tiền lương trong doanh nghiệp của Trung Quốc được quy định trong Luật lao động năm 1994. Cũng giống như Việt Nam, Trung Quốc không ban hành Luật riêng để điều chỉnh về tiền lương tối thiểu, mà tiền lương tối thiểu được quy định 02 điều trong Luật lao động năm 1994 (Điều 48 và Điều 49). Theo quy định tại Điều 48 Luật lao động 1994 của Trung Quốc quy định: “Nhà nước sẽ thực hiện một hệ thống lương tối thiểu bảo đảm. Những tiêu chuẩn tiền lương tối thiểu cụ thể sẽ được quy định bởi chính quyền nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và khu tự trị và báo cáo Hội đồng Nhà nước để đăng ký. Người sử dụng lao động phải trả lương cho người lao động không thấp hơn tiêu chuẩn địa phương về tiền lương tối thiểu”.
Theo đó, Trung Quốc quy định các tiêu chuẩn lương tối thiểu áp dụng trên toàn quốc và không phân biệt theo vùng, ngành, khu vực kinh tế, hình thức sở hữu. Tuy nhiên, do Trung Quốc là quốc gia có diện tích rất rộng, các yếu tố ảnh hưởng đến mức thu nhập và tiêu dùng của dân cư, chênh lệch nhau khá nhiều, nên Luật lao động của Trung Quốc cho phép các cơ quan lao động địa phương phối hợp với công đoàn và tham khảo đại diện người sử dụng lao
24
động để đưa ra mức tiền lương tối thiểu, để đề nghị Chính phủ cho phép địa phương ban hành, áp dụng. Ngoài ra, các địa phương còn có nhiều bậc lương tối thiểu khác nhau và mức tiền lương cũng khác nhau.
Ở Việt Nam theo quy định của Bộ luật lao động năm 2012 thì mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương Quốc gia. Đồng thời, Chính phủ không ủy quyền cho các tỉnh, thành phố ban hành hay công bố mức lương riêng như Trung Quốc. Tuy nhiên, để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, tường địa phương, Việt Nam cũng cần nghiên cứu học tập kinh nghiệm của Trung Quốc cho phép các địa phương công bố mức lương tối thiểu áp dụng riêng đối với địa phương.
Về các căn cứ để xác định tiền lương tối thiểu: theo quy định tại Điều 49 Luật lao động 1994 của Trung Quốc quy định:“Tiêu chuẩn lương tối thiểu sẽ được ấn định và điều chỉnh lại với sự tham khảo toàn diện các nhân tố sau:
(i) Chi phí sinh hoạt thấp nhất của bản thân những người lao động và những thành viên gia đình mà họ phải nuôi dưỡng;
(ii) Mức lương trung bình của xã hội;
(iii) Năng suất lao động;
(iv) Tình hình việc làm;
(v) Sự khác biệt về mức độ phát triển kinh tế giữa các địa phương”.
Theo đó, pháp luật Trung quốc đã quy định rất cụ thể về các căn cứ xác định tiền lương tối thiểu, quy định như vậy là phù hợp với điều kiện địa lý, kinh tế - xã hội của Trung Quốc. Do có nhiều khác biệt về điều kiện kinh tế - xã hội giữa các vùng, miền; đồng thời, vừa thực hiện được mục tiêu quản lý nhà nước về tiền lương tối thiểu, vừa tạo sự tự chủ cho địa phương, đảm bảo việc áp dụng tiền lương tối thiểu theo vùng.
Khác với Trung Quốc, pháp luật Việt Nam quy định tiêu chí xác định còn chung chung: (i) nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; (ii) điều kiện kinh tế - xã hội; và (iii) mức tiền lương trên thị trường, trong đó quá nhấn “mạnh mức lương tối thiểu phải bảo đảm như cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”.
25
Khoản 1 Điều 91 Bộ luật lao động năm 2012 quy định mức lương tối thiểu phải bảo đảm “nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”8. Tuy nhiên, việc xác định nhu cầu sống tối thiểu là rất khó định lượng, bởi sự không rõ ràng về các yếu tố cấu thành nhu cầu tối thiểu của người lao động và gia đình họ và các cơ quan chịu trách nhiệm xác định các yếu tố này.
Trên thực tế, việc xác định nhu cầu sống tối thiểu còn gây nhiều tranh cãi về phương pháp tính và căn cứ tính.
Về tiền lương làm thêm giờ và hình thức trả lương được quy định tại Điều 44, Điều 50 Luật lao động 1994 của Trung Quốc, về quy định này thì pháp luật Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng và giống nhau về tiền lương làm thêm giờ, hình thức trả lương.
1.3.1.2. Pháp luật về tiền lương trong doanh nghiệp của Hàn Quốc Khác với Trung Quốc, Hàn Quốc lại ban hành luật riêng về tiền lương tối thiểu (Luật Tiền lương tối thiểu năm 1986). Tại Điều 1 Luật tiền lương tối thiểu năm 1986 của Hàn Quốc quy định: “Mục đích của Luật này là nhằm ổn định cuộc sống của người lao động, nâng cao chất lượng của lực lượng lao động bằng việc đảm bảo cho họ một mức lương tối thiểu nhất định và để thúc đẩy họ đóng góp vào sự phát triển kinh tế đất nước”.
Theo đó, mức lương tối thiểu được coi là mức lương thấp nhất do pháp luật quy định như là mức sàn thấp nhất để các doanh nghiệp thỏa thuận, trả lương cho người lao động, pháp luật cũng không quy định mức lương tối thiểu áp dụng cho đối tượng lao động cụ thể nào.
Ở Việt Nam, pháp luật lao động quy định: “mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc đơn giản nhất, trong điều kiện lao động bình thường”. Theo đó, pháp luật Việt Nam đã quy định cụ thể đối tượng là người lao động làm công việc đơn giản nhất nên sẽ làm hẹp phạm vi, hạn chế vai trò, chức năng của tiền lương tối thiểu trong nền kinh tế thị trường.
- Về các yếu tố xác định mức lương tối thiểu: theo quy định của Luật tiền lương tối thiểu năm 1986 thì các yếu tố làm căn cứ xác định tiền lương
8 Khoản 1 Điều 91 Bộ luật Lao động năm 2019 sửa thành: Mức sống tối thiểu
26
tối thiểu gồm: (i) mức sống của người lao động; (ii) mức tiền lương của lao động cùng loại; (iii) năng suất lao động; (iv) tỷ lệ phân phối thu nhập9.
Khoản 2 Điều 91 Bộ luật lao động năm 2012 của Việt Nam cũng quy định các tiêu chí: (i) nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ;
(ii) điều kiện kinh tế - xã hội; và (iii) mức tiền lương trên thị trường. Tuy nhiên, tiêu chí nêu trên còn chung chung, chưa rõ ràng. Vì vậy, cần phải nghiên cứu bổ sung thêm một số tiêu chí như pháp luật tiền lương của Hàn Quốc.
Theo quy định Luật tiền lương tối thiểu năm 1986 của Hàn Quốc thì mức lương tối thiểu được xác định trên cơ sở một giờ, một ngày, một tuần hoặc một tháng. Khi lương tối thiểu được xác định theo ngày, theo tuần hoặc theo tháng thì cũng phải ghi chú mức lương theo giờ. Theo đó, mức lương tối thiểu ở Hàn Quốc được xác định rất linh hoạt khi trả lương theo một giờ, một ngày, một tuần hoặc một tháng.
Ở Việt Nam, theo quy định tại khoản 1 Điều 91 Bộ luật lao động năm 2012 thì mức lương tối thiểu được xác định theo tháng, ngày, giờ và được xác lập theo vùng, ngành. Tuy nhiên, khi quy định tại Nghị định về mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, Chính phủ mới chỉ quy định việc xác định lương của các vùng được tính theo tháng.
Vì vậy, cũng cần nghiên cứu, học tập kinh nghiệm nêu trên Hàn Quốc để áp dụng vào Việt Nam cho phù hợp.
Về kết cấu tiền lương, theo quy định Luật tiền lương tối thiểu năm 1986 của Hàn Quốc thì các yếu tố như phụ cấp, tiền nghỉ phép năm, tiền thưởng, tiền làm thêm giờ, các khoản phụ cấp là các yếu tố không bao gồm trong tiền lương tối thiểu.
Ở Việt Nam, Bộ luật lao động năm 2012 đã quy định rõ kết cấu tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Quy định này đã tạo ra cách hiểu về tiền lương khác xa so với tinh thần của điều luật trong Bộ luật lao động. Mặc dù, khoản 1 của Điều 90 Bộ luật lao động đã xác định tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc, nghĩa là tất cả
9 Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội (2017), Báo cáo nghiên cứu, khảo sát chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội tại Indonesia và Hàn Quốc, Hà Nội, tr398-399
27
các khoản tiền mà người lao động nhận được từ việc thực hiện công việc, nó như là tổng thu nhập của người lao động. Tuy nhiên, khi nói đến khái niệm về tiền lương thì doanh nghiệp và người lao động đang hiểu và áp dụng theo hướng, đó không phải là thu nhập của người lao động mà chỉ là một phần thu nhập, tiền lương theo công việc trong thang lương, bảng lương (cao hơn lương tối thiểu vùng nhưng thấp hơn so với thu nhập thực tế).
- Về Hội đồng tiền lương tối thiểu: Theo quy định Luật Tiền lương tối thiểu năm 1986 thì Hội đồng tiền lương tối thiểu ở Hàn Quốc là một cơ quan thường trực thực hiện các cuộc trao đổi về tiền lương tối thiểu cũng như các vấn đề khác có liên quan với tiền lương tối thiểu. Hội đồng bao gồm 27 thành viên, gồm đại diện: phía người lao động (9); phía người sử dụng lao động (9);
và phía quản lý nhà nước (9). Có một ban thư ký; và Ủy ban kỹ thuật hỗ trợ các hoạt động của Hội đồng. Mỗi thành viên có nhiệm kỳ 03 năm và được chỉ định bởi Tổng thống Hàn Quốc theo đề cử của Bộ trưởng Bộ Việc làm và Lao động. Đại diện của người lao động được giới thiệu bởi tổ chức công đoàn và đại điện của người sử dụng theo nhóm được chỉ định bởi Bộ trưởng Bộ Việc làm và Lao động trong số các tổ chức của người sử dụng lao động trên toàn quốc. Các thành viên đại diện của các cơ quan quản lý nhà nước cũng được bổ nhiệm bởi Tổng thống với sự đề cử của Bộ trưởng từ những cán bộ, công chức, giáo sư hoặc các nhà nghiên cứu (đại diện nhóm lợi ích công) có hiểu biết sâu rộng và kinh nghiệm lâu năm về lĩnh vực lao động10.
Ở Việt Nam, theo quy định pháp luật lao động thì Hội đồng tiền lương quốc gia có 15 thành viên, bao gồm: 05 thành viên đại diện của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 05 thành viên đại diện của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và 05 thành viên đại diện của tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở Trung ương. Tuy nhiên, vai trò nhiệm vụ cơ cấu thành phần của Hội đồng tiền lương Quốc gia còn bất cập, nhất là việc quy định đại diện phía nhà nước chỉ bao gồm các thành viên của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong khi tiền lương tác động đến nhiều khía cạnh, nhiều chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị khác.
10 Tài liệu đãdẫn, tr399
28
- Để đảm bảo cho những quy định về tiền lương tối thiểu được thực hiện đúng, Luật tiền lương tối thiểu năm 1986 của Hàn Quốc cũng quy định những chế tài rất nghiêm khắc đối với những đối tượng thực hiện không đúng quy định của nhà nước về tiền lương tối thiểu như: Điều 28 Luật tiền lương tối thiểu năm 1986 của Hàn Quốc quy định: “Bất kỳ ai vi phạm các điều khoản của Điều 6 hoặc sẽ bị phạt tù đến ba năm hoặc bị nộp phạt đến 10 triệu Won hoặc chịu cả 2 hình phạt”. Quy định này, rất khác với quy định pháp luật Việt Nam, ở Việt Nam những vi phạm về Luật lao động chỉ bị xử phạt hành chính và phạt vi phạm bằng tiền chứ không đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự (phạt tù). Vì vậy, cũng cần nghiên cứu, học tập kinh nghiệm nêu trên Hàn Quốc để áp dụng vào Việt Nam cho phù hợp.
1.3.1.3. Pháp luật tiền lương trong doanh nghiệp của Bồ Đào Nha - Về tiền lương tối thiểu
Theo quy định của Luật lao động Bồ Đào Nha (Luật số 07/2009 ngày 12 tháng 02 năm 2009), mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định hàng năm sau khi tham vấn các đối tác xã hội11.
Chính phủ Bồ Đào Nha đã ban hành Nghị định số 156/2017 ngày 28 tháng 12 năm 2017 quy định về mức lương tối thiểu quy định: (i) mức lương tối thiểu được quy định theo tháng, các công ty sau đó tính ra tiền lương theo giờ để áp dụng đối với các trường hợp làm việc bán thời gian; (ii) khi xác định mức lương tối thiểu, Chính phủ cần nhắc tới nhu cầu của người lao động, lạm phát về năng suất lao động; (iii) lương tối thiểu được áp dụng cho tất cả các công ty và công nhân ở đại lục; (iv) không có đối tượng nào được miễn áp dụng mức lương tối thiểu; (v) theo Luật lao động Bồ Đào Nha, hàng năm Chính phủ quy định mức lương tối thiểu, nhưng Chính phủ cũng có thể quyết định duy trì mức lương tối thiểu của năm trước đó; (vi) hàng quý, Chính phủ Bồ Đào Nha có một bản báo cáo mở rộng và tác động của việc tăng mức lương tối thiểu; (vii) Luật lao động Bồ Đào Nha quy định người sử dụng lao động không tuân thủ mức lương tối thiểu là vi phạm pháp luật hành chính
11 Tài liệu đã dẫn, tr402
29
nghiêm trọng và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Mức xử phạt được xác lập theo doanh thu và mức độ vi phạm của người sử dụng lao động12.
- Quản lý tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước: Bồ Đào Nha có một số doanh nghiệp nhà nước cả ở cấp quốc gia và địa phương. Tuy nhiên, pháp luật Bồ Đào Nhà không quy định cơ quan nào làm đại diện chủ sở hữu.
Về tiền lương đối với các doanh nghiệp nhà nước có thể được đàm phản ở cấp độ ngành hoặc doanh nghiệp, không áp dụng thang lương, bảng lương của cơ quan hành chính nhà nước. Mức lương của người quản lý được ấn định tại Đại hội đồng cổ đông của doanh nghiệp hoặc theo quy định chung của Chính phủ; người đại diện của nhà nước trong doanh nghiệp là cán bộ quản lý công, được bầu cử hoặc chỉ định bởi Nghị quyết của Hội đồng Bộ trưởng. Mức lương của những người đại diện được quy định bởi quy chế quản lý công, nhưng không bao giờ vượt qua mức lương của Thủ tướng Bồ Đào Nha. Tiền lương của người đại diện do ngân sách chi trả và được giám sát bởi Bộ Tài chính13.
Ở Việt Nam, đối với doanh nghiệp nhà nước thì người quản lý doanh nghiệp Nhà nước áp dụng bảng lương do Chính phủ quy định theo 06 hạng gắn với quy mô vốn, lao động, đầu mối quản lý và hiệu quả (mỗi chức vụ gồm 02 bậc lương theo hệ số nhân với mức lương cơ sở) để làm cơ sở xếp lương, đóng (hưởng) bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và thực hiện các chế độ khác theo quy định tại Nghị định số 52/2016/NĐ-CP; nhà nước cử người đại diện vốn nhà nước tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay thì cơ chế quản lý này không còn phù hợp. Vì vậy, cần nghiên cứu học tập kinh nghiệm Bồ Bào Nha thực hiện cơ chế quản lý tiền lương đối với các doanh nghiệp nhà nước theo cơ chế thị trường, giảm dần, tiến tới xóa bỏ sự can thiệp trực tiếp của nhà nước đối với các doanh nghiệp, các doanh nghiệp được tự chủ quyết định chính sách tiền lương (trong đó, có thang, bảng lương, định mức lao động) và trả lương phù hợp với tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, khả năng của doanh nghiệp.
12 Tài liệu đã dẫn, tr458, 459
13 Tài liệu đã dẫn, tr459
30