Chương 3: THỰC TRẠNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ TỪ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TẠI TỈNH HÀ NAM
4.1. Phương hướng hoàn thiện quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vận tải từ ngân sách nhà nước tại tỉnh Hà Nam
4.1.1. Bối cảnh quốc tế, trong nước và thực tiễn phát triển của tỉnh Hà Nam
4.1.1.1. Bối cảnh quốc tế
Hiện nay, trong xu thế toàn cầu hóa, khu vực hóa, Việt Nam đã và đang tham gia hội nhập ngày càng sâu rộng với các nền kinh tế trên thế giới với những tổ chức kinh tế quốc tế và khu vực như Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng châu á (ADB), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam á (ASEAN)... Do đó, những xu hướng biến đổi của môi trường kinh tế - xã hội toàn cầu sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển kinh tế - xã hội và các hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản nói chung và ĐTXD KCHTGTĐB nói riêng ở Việt Nam.
Từ phát triển kinh tế mà trực tiếp là phát triển sản xuất sẽ kéo theo phát triển giao thông và sự tác động của phát triển giao thông làm cơ sở để phát triển sản xuất. Trong đó phát triển GTĐB ở các nước trong mối quan hệ phát triển lan tỏa giao thông đường không, sắt, thủy.
Ở cấp độ quốc gia và cấp tỉnh, quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng sẽ kéo theo sự phát triển KCHTGTĐB. Một mặt, mở rộng sang các nước có chung đường biên giới lãnh thổ (Lào, Campuchia, Trung Quốc) hình thành vành đai kinh tế, các trục kinh tế gắn kết các nước. Mặt khác, xây dựng các tuyến đường mới; mở rộng, nâng cấp tuyến đường hiện hữu, xây dựng hệ thống
cầu cống đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển. Bối cảnh đó đã tác động trực tiếp đến sự phát triển KCHTGTĐB của tỉnh Hà Nam trong những năm tới.
Thế giới hiện nay với những giàu nghèo, chính trị và các liên minh, liên kết các tổ chức kinh tế, chính trị mang tầm quốc tế; sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia, các vùng lãnh thổ đã tạo nên những nét đa dạng khác nhau trong việc phát triển kinh tế. Vấn đề xung đột sắc tộc, tôn giáo, tranh giành tài nguyên thiên nhiên, lãnh thổ và cả vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu... đã tạo ra các áp lực lớn để các quốc gia trên thế giới cần phải hợp tác với nhau, cùng đề ra các chính sách có hiệu quả hơn góp phần phát triển kinh tế - xã hội toàn cầu ổn định và bền vững.
4.1.1.2. Bối cảnh trong nước
Trải qua hơn 30 năm đổi mới kể từ Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986, Việt Nam đã thay đổi trên nhiều lĩnh vực. Từ một nước nghèo (GDP năm 1986 mới chỉ ở mức 26,34 tỷ USD với thu nhập bình quân đầu người đạt 437,13 USD) [77] với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp, lại vừa trải qua hai cuộc chiến tranh ác liệt, Việt Nam đã vươn lên, vượt ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước quốc gia có thu nhập trung bình (GDP năm 2016 đạt 202,62 tỷ USD, và thu nhập bình quân đầu người đạt 2.185,89 USD) [77] và là một nền kinh tế thị trường năng động, hội nhập mạnh mẽ, sâu rộng vào hệ thống kinh tế toàn cầu.
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam liên tục, ổn định và bao trùm (tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm bình quân giai đoạn 2000-2017 đạt 6,45%), mọi người dân được hưởng lợi từ quá trình phát triển. Trong hai thập kỷ vừa qua, hơn 40 triệu người dân Việt Nam đã thoát nghèo, bởi vào thời điểm năm 1993, hơn một nửa dân số sống dưới mức 1,90 USD/ngày, thì hiện nay, tỉ lệ nghèo cùng cực đã giảm xuống còn 3% [19]. Đây là thành công ấn tượng và là niềm tự hào của Việt Nam, trong đó không thể không kể đến sự hợp tác, giúp đỡ quý báu của cộng đồng quốc tế.
Xét trên phương diện vĩ mô, trong giai đoạn 2011-2017, kinh tế đất nước đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, quy mô và tiềm lực được nâng lên;
kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý, từ năm 2013 dần phục hồi, năm sau cao hơn năm trước. Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và thực hiện ba đột phá chiến lược được tập trung thực hiện, bước đầu đạt kết quả tích cực. Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, xã hội, y tế có bước phát triển. An sinh xã hội được quan tâm nhiều hơn và cơ bản được bảo đảm, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện...
Tuy nhiên, đổi mới chưa đồng bộ và toàn diện; một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt kế hoạch; nhiều chỉ tiêu, tiêu chí trong mục tiêu phấn đấu theo tinh thần của Đại hội XII của Đảng là “đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” chưa đạt được… Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi…
Bối cảnh này đã có những ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình phát triển của đất nước, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu cần đổi mới mạnh mẽ hơn với những hành động quyết liệt, năng động, sáng tạo hơn; tranh thủ tốt hơn những thời cơ, thuận lợi; đồng thời vượt qua khó khăn, thách thức để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững và hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Với tỉnh Hà Nam, sau 20 năm tái lập (1997-2017), từ một tỉnh nghèo, Hà Nam đã vươn lên trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển nhanh, quy mô ngày càng lớn và đến năm 2017 quy mô tổng sản phẩm đạt hơn 33.000 tỷ đồng;
bình quân đầu người đạt hơn 48,6 triệu đồng, tăng 24 lần so với năm 1997; tỷ trọng khu vực nông nghiệp giảm xuống còn 10,6% trong cơ cấu kinh tế (năm 1997 nông nghiệp chiếm gần 50% cơ cấu kinh tế); hiện Hà Nam nằm trong
top 10 địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, với 770 dự án đầu tư còn hiệu lực (218 dự án FDI và 552 dự án trong nước) với vốn đăng ký trên 2,6 tỷ USD và trên 100.000 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu tăng từ 3,7 triệu USD năm 1997 lên hơn 2,02 tỷ USD năm 2017 (gấp hơn 546 lần) [57]. Cùng với đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, nhất là hệ thống giao thông đường bộ, các khu, cụm công nghiệp;
thương mại, dịch vụ có bước phát triển.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2011-2017, chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, tạo nhiều khởi sắc. Năm 2017, toàn tỉnh Hà Nam có 78/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2/6 huyện, thành phố đủ điều kiện công nhận huyện nông thôn mới. Hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư có trọng điểm, hiệu quả, bộ mặt đô thị, nông thôn đổi mới. Tỉnh Hà Nam đã chuẩn bị tốt các điều kiện tạo tiền đề trở thành trung tâm dịch vụ chất lượng cao cấp vùng về y tế, giáo dục và du lịch. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội đảm bảo, đời sống nhân dân được cải thiện [57].
Tuy nhiên, quy mô kinh tế của tỉnh Hà Nam còn nhỏ, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa còn thấp, hạ tầng cơ sở chưa đồng bộ, công tác quy hoạch, quản lý đất đai, khoáng sản, bảo vệ môi trường… có mặt còn hạn chế; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu…
Vì vậy, có thể nói, trong bối cảnh hiện nay, tình hình thế giới và khu vực có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, Việt Nam nói chung và tỉnh Hà Nam nói riêng cần tiếp tục phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, tiềm năng, lợi thế của địa phương; tiếp tục đổi mới tư duy, đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, chú trọng đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững. Đặc biệt, Hà Nam cần ưu tiên phát triển
các ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, công nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản xuất khẩu, dược phẩm; thu hút đầu tư từ doanh nghiệp các nước công nghiệp phát triển; không tiếp nhận các dự án có hiệu quả thấp, nguy cơ ô nhiễm môi trường, sử dụng công nghệ lạc hậu.
Đồng thời, Hà Nam cần chú trọng củng cố, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hạ tầng và các dịch vụ hỗ trợ gắn với tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu, cụm công nghiệp; khai thác tối đa lợi thế về hạ tầng giao thông sẽ hình thành trong giai đoạn mới, phù hợp với điều kiện của địa phương. Đi cùng với đó là tăng cường kết nối, liên kết mở rộng không gian phát triển với các địa phương, nhất là với Thủ đô Hà Nội;
nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nghề; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm tốt các cam kết với các nhà đầu tư; đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, phát triển đô thị bền vững...
4.1.2. Mục tiêu, quan điểm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ từ ngân sách nhà nước của tỉnh Hà Nam
4.1.2.1. Mục tiêu chung
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội là căn cứ pháp lý định hướng nội dung quan trọng của quản lý nhà nước các cấp ở cả phạm vi quốc gia nói chung, cũng như mỗi địa phương nói riêng. Đây là cơ sở quan trọng cho việc chuẩn bị tiền đề cần thiết để chủ động, đúng hướng, nhằm mục đích đạt được hiệu quả cao nhất trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như của địa phương. Bất cứ việc hoạch định hay quản lý trên các mặt nào của một địa phương đòi hỏi phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đó. Có như vậy, mới có thể phát huy được tối đa các nguồn lực sẵn có cũng như các nguồn lực cần thiết để phục vụ công tác hoạch định cũng như quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.
Theo Quyết định số 1226/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Nam đến năm 2020, mục tiêu là xây dựng Hà Nam đến năm 2020 có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, hiệu quả, bền vững, trong đó chú trọng chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 phấn đấu vượt mức trung bình của Vùng đồng bằng sông Hồng; từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu thời kỳ phát triển tiếp theo; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân;
bảo đảm quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững. Cụ thể:
- Về phát triển kinh tế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm thời kỳ 2011 - 2020 đạt 14,2%/năm, trong đó giai đoạn 2016 - 2020 đạt 15%/năm. Tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế của Tỉnh đến năm 2020 là 58,6% - 33,2% - 8,2%. Phấn đấu tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu tăng bình quân 23%/năm giai đoạn 2011 - 2020, trong đó tăng 32% giai đoạn 2016 - 2020; tỷ lệ thu ngân sách chiếm khoảng 11 - 12% GDP vào năm 2020 [52].
- Về phát triển xã hội: Tiếp tục duy trì vững chắc kết quả thực hiện chương trình phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở, phổ cập giáo dục trung học đạt tiêu chuẩn quốc gia; 100% trường học được kiên cố hóa vào năm 2020. Phấn đấu đạt trên 9 bác sỹ/1 vạn dân, ít nhất 25 giường bệnh/1 vạn dân vào năm 2015; giảm tỷ lệ thất nghiệp đô thị xuống dưới 5% vào cuối thời kỳ quy hoạch, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 60%
vào năm 2020. Giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3% theo quy định chuẩn nghèo;
tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng dưới 15% và tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đến năm 2020 đạt 60% [52].
- Về bảo vệ môi trường: Đảm bảo tỷ lệ che phủ của rừng 7% vào năm 2020 nhằm bảo vệ tốt môi trường sinh thái, bảo vệ đất đai, điều hòa nguồn nước và góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế cũng như giảm nghèo. Giải quyết tốt vệ sinh môi trường đô thị, vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường các khu công nghiệp, khu du lịch trên cơ sở giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế, phát triển công nghiệp, dịch vụ và bảo vệ tài nguyên môi trường [52].
- Về quốc phòng - an ninh: Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị nhằm xây dựng nền quốc phòng toàn dân kết hợp với thế trận an ninh nhân dân, đẩy mạnh công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, trật tự và an toàn xã hội [52].
Như vậy, để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nam đến năm 2020 cần phải thực hiện đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, trong đó cần đặc biệt chú trọng tới công tác QLNN về ĐTXD KCHT giao thông nói chung và KCHTGTĐB nói riêng, bởi kết cấu hạ tầng giao thông có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, công tác quản lý đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải phù hợp với Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhằm tránh lãng phí các nguồn vốn đầu tư cũng như các nguồn lực khác và phát huy tối đa các nguồn lực sẵn có.
4.1.2.2. Mục tiêu cụ thể về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ từ ngân sách nhà nước của tỉnh Hà Nam đến năm 2025
Căn cứ vào báo cáo chính trị Tỉnh Đảng bộ Hà Nam khóa XIX, nhiệm kỳ 2016-2020. Triển khai kế hoạch cụ thể theo những mục tiêu sau:
Thứ nhất, phấn đấu hoàn thành cải tạo, nâng cấp các tuyến Quốc lộ 21B, 38B, nối cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình với Hà Nội - Hải Phòng; phối hợp hoàn
thành cầu Thái Hà, cầu Hưng Hà; hoàn thành tuyến đường Vành đai V thủ đô nối 2 cao tốc (ĐT499), đường nhánh vành đai V thủ đô (ĐT 495B); xây dựng mới tuyến QL37B điểm đầu từ QL38 kết nối các khu vực đô thị của Duy Tiên với các đô thị mới của huyện Bình Lục; xây dựng đường gom song hành với đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Thứ hai, tập trung cải tạo, nâng cấp 100% các tuyến đường tỉnh đạt cấp IV đồng bằng; xây dựng và nâng cấp các tuyến đường tỉnh ĐT 491, ĐT 493, ĐT 494, ĐT 492, ĐT 496.
Thứ ba, tiếp tục chỉnh trang, nâng cấp các tuyến đường đô thị hiện có.
Xây dựng mới các tuyến đường trục chính trong các khu đô thị mới theo quy hoạch được duyệt. Xây dựng các tuyến đường vành đai kinh tế: Tuyến T1, T2, T3, đường Lê Công Thanh giai đoạn 3. Tăng mật độ đường đô thị, từng bước đầu tư xây dựng và quản lý hệ thống giao thông nội thị theo tiêu chuẩn quy định.
Thứ tư, xây dựng các tuyến đường gắn với phát triển hành lang du lịch:
đường khu du lịch tâm linh đền Trần (nối Nam Định với Trần Thương), đường nối Khu du lịch Tam Chúc (Hà Nam) với Bái Đính (Ninh Bình).
Thứ năm, đầu tư xây dựng mới một số tuyến đường kết nối với các tuyến quốc lộ, các tuyến trục chính, một số cầu vượt để kết nối, phục vụ dân sinh, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội.
4.1.2.3. Quan điểm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của tỉnh Hà Nam
Một là, quy hoạch phát triển KCHTGTĐB phải gắn với quy hoạch GTVT và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Quy hoạch phát triển KCHTGTĐB phải đi trước một bước để tạo tiền đề, làm động lực phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ kịp thời cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng cường an ninh, quốc phòng của địa phương và khu vực.