1.4. TÌNH HÌNH SẢN XUẤT CHẾ PHẨM SINH HỌC DIỆT TUYẾN TRÙNG TRÊN THẾ GIỚI VÀ TẠI VIỆT NAM
1.4.2. Tình hình phòng trừ bệnh tuyến trùng cây hồ tiêu tại Việt Nam
Một trong những vấn đề lớn thường gặp đối với đa số hộ trồng hồ tiêu ở khu vực Tây Nguyên là sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật và tự ý tăng liều lượng.
Mục đích của người trồng hồ tiêu là mong muốn tăng cao năng suất nhưng họ lại không quan tâm đến chất lượng sản phẩm. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho tình trạng hồ tiêu thành phẩm của nước ta xuất khẩu ra thị trường quốc tế có tồn dư chất bảo vệ thực vật vượt quá giới hạn cho phép. Đa số các hộ trồng có diện tích nhỏ, ít khi quan tâm đến chu trình canh tác lẫn phòng chống dịch bệnh và cách bón phân cho cây hồ tiêu. Người trồng hồ tiêu chủ yếu xử lý theo hướng dẫn của người bán phân bón, bán thuốc bảo vệ thực vật, không quan tâm đến việc bón phân hữu cơ cho cây. Một số hộ chăn nuôi thì có sử dụng số lượng ít phân chuồng để bón còn lại chủ yếu vẫn là sử dụng thuốc trừ sâu hóa học. Việc sử dụng thuốc hóa học đúng liều lượng quy định chưa được tuyên truyền rộng rãi.
Trước tình hình gây hại của tuyến trùng trên cây hồ tiêu tại một số tỉnh Nam Trung Bộ, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh, Chi cục Bảo vệ thực vật, trạm Bảo vệ thực vật các huyện thuộc địa bàn tỉnh đã hướng dẫn người trồng Hồ tiêu ở những vùng bị tuyến trùng gây hại nặng, áp dụng một số biện pháp nhằm giảm tác hại của tuyến trùng xuống mức thấp nhất. Hầu hết các biện pháp mà các Chi cục Bảo vệ thực vật các tỉnh chỉ đạo người dân phòng bệnh là chính, điều tra phát hiện và xử lý kịp thời. Áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp như (1) Không trồng xen với các loại cây họ cà, ớt, làm sạch cỏ tăng cường bón phân hữu cơ ủ với men vi sinh chứa nấm đối kháng, (2) Đào rãnh thoát nước xung quanh vườn, đặc biệt là đối với những vườn hồ tiêu thoát nước kém, tránh ứ đọng nước trong bồn vào mùa mưa, (3) Những vườn bị tuyến trùng cần hạn chế tưới tràn để tránh lây lan.
Biện pháp hóa học: sử dụng Maplogic 90WP, Palila 500WP, NoKaph 20EC, Vimoca 10GR vào 3 lần (đầu, giữa và cuối mùa mưa) và một số hỗn hợp như Sincosin 0.56SL + Agrispon 0.56SL. Mặc dù vậy hiệu quả của các loại thuốc hóa học không cao, những cây bị nhiễm tuyến trùng nặng thường phải nhổ bỏ.
35
Một số loại chế phẩm sinh học diệt tuyến trùng đang sử dụng trên thị trường Việt Nam hiện nay như: Tribac (có thành phần là chi Trichodesma sp.) dạng bột đóng gói 1 kg; Tribi dạng dịch thể, Oligochitosan dạng dịch thể, GC Mite...
Đối với cây hồ tiêu trồng mới, một số biện pháp được áp dụng như sau:
+ Không trồng ở những loại đất có độ sét cao.
+ Đối với đất khai hoang: cần làm đất kỹ, rà sạch rễ, gốc cây sau đó tiến hành trồng cây họ đậu để cải tạo đất từ 1-2 năm sau đó mới trồng.
+ Xử lý hố trước khi trồng 10-15 ngày, mỗi hố rải 300 g vôi bột, 30 g một số thuốc hóa học như Nokaph 10G hoặc Furadan 3G rải đều trên mặt hố, kết hợp bón phân hữu cơ hoai mục.
+ Chọn giống sạch sâu bệnh, không lấy giống ở vùng bị nhiễm tuyến trùng.
+ Trồng trên ụ cao để hom hồ tiêu không bị úng nước, thối rễ, che nắng hợp lý trong mùa khô và trồng cây chắn gió xung quanh vườn.
Nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã sản xuất, thử nghiệm chế phẩm SH-BV1 gồm 6 loài vi sinh vật và tiến hành thử nghiệm trên đối tượng cây hồ tiêu đang trong thời kỳ kinh doanh, 9 năm tuổi và 12 năm tuổi. Quy mô thử nghiệm 1 ha/ 2 mô hình tại thôn 6, xã IaBlang, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Thời gian triển khai từ 2012 và thử nghiệm ba năm liên tục cho hiệu lực diệt tuyến trùng từ 59,6 đến 82,98% [1].
Trong thời gian từ năm 2011 đến năm 2015, Chương trình Tây Nguyên 3, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Trung tâm Phát triển công nghệ cao chủ trì thực hiện đề tài: "Nghiên cứu phát triển và ứng dụng một số chế phẩm có nguồn gốc sinh học trong canh tác chè, cà phê, hồ tiêu theo hướng phát triển bền vững tại Tây Nguyên". Nhóm nghiên cứu đã thu được những kết quả đối với cây Hồ tiêu: Đã thực hiện mô hình thử nghiệm ứng dụng tổng hợp các sản phẩm sinh học cho cây Hồ tiêu trên 2 ha thí nghiệm và 0,5 ha đối chứng tại thị trấn Nhơn Hòa huyện Chưpưh, Gia Lai và 2 ha thí nghiệm và 0,5 ha đối chứng tại Phường Yên Thế, TP Pleiku, Gia Lai trong 2 vụ từ năm 2013 đến 2015. Mô hình thay thế được phân chuồng bón lót bằng phân hữu cơ được xử lý phế thải đồng rộng bằng chế phẩm Vixura, giảm 25%
36
lượng phân bón hóa học bằng việc bổ sung chế phẩm HOTIEU-HTD 03 và phun thuốc SH-01 phòng chống sâu bệnh làm cho môi trường sinh thái đồng ruộng được cải thiện. Sinh trưởng và năng suất ở các lô thí nghiệm cao hơn lô đối chứng từ 8,3 đến 10%. Tuy nhiên, chế phẩm SH-01 chưa đề cập đến hiệu lực và thời gian diệt tuyến trùng.
Năm 2018, Nguyễn Thị Hai và cs., đã thực hiện đề tài “Đánh giá hiệu quả gây chết tuyến trùng Meloidogyne sp. hại cây hồ tiêu của chế phẩm nấm Paecilomyces lilacinus từ chủng Paecilomyces lilacinus HT1 được phân lập từ đất vùng rễ của cây Jatropha bị bệnh tuyến trùng Meloidogyne sp.” Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm chế phẩm sinh học dạng bột (liều lượng 30 kg/ha) từ chủng Paecilomyces lilacinus HT1 với mẫu đối chứng là thuốc vifu super 5GR (carbosulfan) và mẫu không sử dụng thuốc diệt tuyến trùng với số lượng cây thử nghiệm là 12 cây/lô, tiến hành lặp lại 3 lần. Thiết kế thí nghiệm thử nghiệm không thấy đề cập đến lựa chọn cây hồ tiêu giống nào, bao nhiêu tháng tuổi, điều kiện thử nghiệm. Kết quả nghiên cứu cho hiệu lực diệt tuyến trùng của chế phẩm sinh học là 73,67%, hiệu lực diệt của vifu super 5GR là 70,08% sau 15 ngày thử nghiệm [6].
Tháng 8 năm 2019, theo tổng quan của Nguyễn Viết Vinh về nấm Paecilomyces lilacinus và khả năng phòng trừ tuyến trùng hại hồ tiêu, Paecilomyces lilacinus có tác dụng kích thích sự phát triển của hồ tiêu dẫn tới tăng năng suất nhưng chưa cụ thể là tăng bao nhiêu phần trăm, quy mô thử nghiệm, thời gian, địa điểm tiến hành thử nghiệm (Nguồn: Trung tâm nghiên cứu và phát triển cây hồ tiêu).
Mặc dù tiềm năng diệt tuyến trùng của chi Paecilomyces là rất lớn nhưng việc nghiên cứu sử dụng chi này ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Việc tạo chế phẩm sinh học từ nấm sợi và thử nghiệm hiệu quả diệt tuyến trùng nhằm làm tăng năng suất trên cây hồ tiêu vẫn là vấn đề cấp thiết và luôn được các nhà khoa học quan tâm. Các nghiên cứu gần đây như đã đề cập ở trên cho thấy hiệu quả diệt tuyến trùng cây hồ tiêu của chế phẩm chưa cao, vì vậy việc tăng cường nghiên cứu phát triển chế phẩm sinh học nhằm tăng năng suất cây hồ tiêu là rất cần thiết.
37 Chương 2