CHƯƠNG I: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ ĐỘNG LỰC LÀM VIỆC VÀ NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN ĐỘNG LỰC LÀM VIỆC CỦA ĐỘI NGŨ CÁN BỘ CÔNG CHỨC
1.2 Các lý thuyết về động lực làm việc
1.2.1 Học thuyết về nhu cầu
Các thuyết tiêu biểu của học thuyết nhu cầu gồm có: học thuyết nhu cầu thứ bậc của Maslow (Theo Maslow, 1943), học thuyết hai nhân tố của Herzberg Frederick (Theo Herzberg Frederick, 1959), học thuyết nhu cầu thành đạt của
McClelland (Theo McClelland, 1985), học thuyết ERG của Clayton P.Alderfer (Theo Nguyễn Ngọc Quân và Nguyễn Tấn Thịnh, 2012).
1.2.1.1 Thuyết nhu cầu thứ bậc của Maslow
Nhà tâm lý học Abraham Maslow (1908-1970) được xem như một trong những người tiên phong trong trường phái tâm lý học nhân văn. Năm 1943, ông đã phát triển một trong các lý thuyết mà tầm ảnh hưởng của nó được thừa nhận rộng rãi và được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Đó là lý thuyết về thang bậc nhu cầu của con người. Trong lý thuyết này, Maslow sắp xếp các nhu cầu của con người theo một hệ thống trật tự cấp bậc. Trong đó, các nhu cầu ở mức độ cao hơn muốn xuất hiện thì các nhu cầu ở mức độ thấp hơn phải được thỏa mãn trước.
Theo Maslow, con người có nhiều nhu cầu khác nhau mà từ đó họ khao khát được thỏa mãn nhu cầu trong công việc, nhu cầu con người có năm loại cơ bản và chúng được sắp xếp tùy theo mức độ quan trọng theo thứ bậc gồm có nhu cầu cơ bản, nhu cầu an toàn, nhu cầu xã hội, nhu cầu được tôn trọng và nhu cầu tự hoàn thiện. Maslow chia năm loại nhu cầu thành các cấp bậc khác nhau. Nhu cầu cơ bản và nhu cầu an toàn là các nhu cầu bậc thấp. Nhu cầu xã hội, nhu cầu được tôn trọng và nhu cầu tự hoàn hiện là các nhu cầu bậc cao. Nhu cầu bậc thấp và nhu cầu bậc cao khác nhau bởi các nhu cầu bậc cao được thỏa mãn từ bên trong con người.
Trong khi, các nhu cầu bậc thấp được thỏa mãn từ bên ngoài bởi lương, hợp đồng và chức vụ. Mặc dù không có nhu cầu nào có thể được thỏa mãn hoàn toàn nhưng nếu nhu cầu này được thỏa mãn thì nó sẽ không tạo ra được động lực nữa, mà nhu cầu tiếp theo sẽ chiếm vai trò ưu thế.
- Nhu cầu cơ bản: đó là các đòi hỏi cơ bản để con người có thể sống được và duy trì cuộc sống như thức ăn, nước uống, chỗ ở và ngủ…
- Nhu cầu an toàn: là nhu cầu cần được bảo vệ về cả vật chất và tinh thần, một cách ổn định và chắn chắn hoặc là nhu cầu tự bảo vệ.
Tự hoàn thiện Được tôn
trọng Xã hội
An toàn
Cơ bản
Hình 1.1: Tháp nhu cầu cấp bậc của Maslow
Nguồn: Stephen P.Robbins, Timothy A.Judge (2012, tr.246)
- Nhu cầu xã hội: bao gồm các vấn đề về tâm lý như: được xã hội thừa nhận, tán thưởng, ủng hộ, mong muốn được hòa nhập… hay nói cách khác đó là nhu cầu bạn bè và giao tiếp.
- Nhu cầu được tôn trọng: đó là nhu cần về địa vị xã hội, với mong muốn được người khác công nhận và tôn trọng, cũng như nhu cầu tự tôn trọng mình.
- Nhu cầu tự hoàn thiện: theo Maslow đây là nhu cầu cao nhất trong phân cấp các nhu cầu của ông. Đó là nhu cầu được trưởng thành và phát triển, làm cho năng lực của mình hoàn thiện đạt tới mức độ tối đa nhằm đạt được các thành tích mới hay có ý nghĩa khác là nhu cầu sáng tạo.
Tuy nhiên, theo Maslow các cá nhân khác nhau thì sẽ có những nhu cầu khác nhau. Vì vậy, con người sẽ hành động theo nhu cầu và chính sự thỏa mãn nhu cầu.
Đồng thời, về nguyên tắc chung thì các nhu cầu ở cấp bậc thấp hơn phải được thỏa mãn trước khi con người mong muốn được thỏa mãn nhu cầu ở bậc cao hơn.Từ lý thuyết này, các nhà quản trị muốn tạo động lực cho nhân viên thì cần nhận biết họ đang ở thang bậc nhu cầu nào, từ đó tìm cách đáp ứng các nhu cầu đó một cách phù hợp.
Hiện nay, lý thuyết nhu cầu của Maslow được nhiều nhà quản lý công nhận bởi tính lôgic và dễ hiểu. Tuy nhiên, giá trị của nó không được giới nghiên cứu công nhận do không đưa ra được minh chứng thực tế, nhưng cũng có một số nghiên cứu ủng hộ giá trị của lý thuyết này và tiềm kiếm lý thuyết để chứng minh giá trị của nó nhưng không thành công.
1.2.1.2 Thuyết hai nhân tố của Herzber
Herzberg Frederick là nhà tâm lý học người Mỹ, cha đẻ của thuyết hai nhân tố.
Để xây dựng học thuyết hai nhân tố, Herzberg đã tiến hành phỏng vấn 203 nhân viên kế toán và kỹ sư tại Mỹ. Việc lựa chọn hai đối tượng trên để phỏng vấn được lý giải bởi tầm quan trọng của các nghề này trong hoạt động kinh doanh ở Mỹ. Phát hiện của Herzberg đã tạo ra một sự ngạc nhiên lớn vì nó đã đảo lộn nhận thức thông thường. Các nhà quản lý thường cho rằng đối ngược với thỏa mãn là bất mãn và ngược lại. Nhưng, Herzberg lại cho rằng đối nghịch với bất mãn không phải là thỏa mãn mà là không bất mãn và đối nghịch với thỏa mãn không phải là bất mãn mà là không thỏa mãn.
Đây là lý thuyết về thúc đẩy động lực cho con người dựa trên các yếu tố tạo nên sự thỏa mãn và không thỏa mãn của con người trong công việc. Herzberg quan niệm rằng quan hệ cá nhân đóng vai trò thiết yếu và quan điểm trong công việc có thể quyết định sự thành công hay thất bại. Theo Herzberg các yếu tố liên quan trực tiếp từ công việc như sự thách thức của chính công việc, trách nhiệm của cá nhân, sự công nhận của mọi người, sự thành đạt, triển vọng nghề nghiệp được xem như là các yếu tố tạo sự thúc đẩy và là nguồn gốc của sự thỏa mãn trong công việc.
Các điều kiện làm việc, các chính sách và cách quản trị của tổ chức, chất lượng quản lý, mối quan hệ với các đồng nghiệp, lương bổng, địa vị xã hội và sự an toàn của công việc được xem là các yếu tố thuộc về bên ngoài của công việc và là nguồn gốc của sự không thỏa mãn trong công việc.
Các yếu tố thuộc về nội tại như sự thách thức của chính công việc, trách nhiệm của cá nhân, sự công nhận của mọi người, sự thành đạt, triển vọng nghề nghiệp gắng với sự hài lòng trong công việc. Mặt khác, những yếu tố gắn liền với sự bất mãn trong công việc thường xuất phát từ các yếu tố bên ngoài như điều kiện làm việc, các chính sách và cung cách quản trị của tổ chức, chất lượng quản lý, mối quan hệ với các đồng nghiệp, lương bổng, địa vị xã hội và sự an toàn của công việc.
Herzberg cho rằng không bất mãn về công việc không có nghĩa là hài lòng.
Những nhân tố của sự hài lòng là tách rời và riêng biệt với nhân tố gây ra sự bất mãn. Vì vậy, việc nhà quản lý loại bỏ sự bất mãn trong công việc điều này chỉ đóng vai trò là tạo sự xoa dịu và không có nghĩa là tạo động lực làm việc cho nhân viên.
Nhiều nghiên cứu đã đưa ra kết quả không ủng hộ sự phân chia hai nhóm nhân tố như trên của Herzberg cũng như bác bỏ việc cho rằng các nhân tố duy trì không mang lại sự thỏa mãn trong công việc. Thực tế rằng các nhà quản lý phải ứng dụng đồng bộ cả hai nhóm yếu tố, những yếu tố như nạn vắng mặt, bỏ việc, sự bất bình hay năng suất thấp chỉ được giải quyết khi vận dụng thành công các yếu tố thúc đẩy.
1.2.1.3 Thuyết nhu cầu thành đạt của McClelland
McClelland (1917-1998) là một nhà tâm lý học người Mỹ, học thuyết của ông quan tâm đến các nhu cầu bậc cao của con người. Học thuyết tập trung vào ba nhu cầu được định nghĩa như sau:
- Nhu cầu thành tích: là động lực muốn vượt trội, thành đạt để vươn tới các thành tựu và thắng lợi.
- Nhu cầu hội nhập: là nhu cầu về các quan hệ xã hội, mong muốn các quan hệ thân mật và gần gũi giữa các cá nhân với nhau.
- Nhu cầu về quyền lực: là nhu cầu tác động đến người khác, muốn người khác cư xử theo một cách khác với cách thông thường của họ.
Trong ba nhu cầu trên, McClelland và cộng sự chủ yếu tập trung chú ý nhu cầu thành tích. Người có nhu cầu thành tích cao làm việc tốt khi xác định được cơ hội thành công là 50-50. Họ không muốn đánh cược với tỷ lệ cao vì không muốn thành tích đạt được nhờ cơ may và họ không thích đánh cược với tỷ lệ thấp vì khả năng của họ sẽ không được thử thách. Họ luôn mong muốn đặt ra mục tiêu hơi cao hơn so với năng lực của bản thân.
Học thuyết này quan tâm nhiều đến việc tạo động lực cho các các nhân viên cấp quản lý và những người có nhu cầu thăng tiến, để tạo động lực cho họ cần đặc biệt quan tâm đến nhu cầu thành đạt và quyền lực.
1.2.1.4 Học thuyết ERG của Alderfer
Học thuyết ERG của Clayton P.Alderfer là sự tiếp tục kiểm nghiệm và giải thích các tư tưởng của Maslow. Học thuyết ERG chia các nhu cầu con người thành ba loại gồm: các nhu cầu để tồn tại, các nhu cầu quan hệ, các nhu cầu phát triển.
- Các nhu cầu để tồn tại: đó là những nhu cầu về vật chất và những yêu cầu cơ bản như thức ăn, quần áo và chỗ ở.
- Các nhu cầu quan hệ: là các đòi hỏi về quan hệ giữa người với người được thỏa mãn thông qua quan hệ với gia đình, bạn đồng nghiệp, tổ nhóm lao động, cấp trên, cấp dưới, bạn bè.
- Các nhu cầu phát triển: là nhu cầu được làm việc sáng tạo, làm việc có năng suất và thực hiện các khả năng của mình.
Học thuyết ERG của Clayton P.Alderfer nhấn mạnh các nhu cầu bậc cao của con người, đồng thời học thuyết này khuyên nhà quản lý chú trọng đến việc thỏa mãn các nhu cầu học tập và phát triển của người lao động.