1.2. NỘI DUNG, NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG QUẢN LÝ THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN ĐỐI VỚI HỘ KINH DOANH CÁ THỂ
1.2.1. Nội dung quản lý thu thuế TNCN đối với hộ kinh doanh cá thể
1.2.1.1. Quản lý thu thuế hộ kinh doanh cá thể.
Quản lý thu thuế nói chung, quản lý thuế TNCN đối với hộ kinh doanh cá thể nói riêng là một trong những nội dung cơ bản của quản lý thuế, gồm các nội dung cơ bản sau:
Quản lý các thủ tục hành chính về thuế:
Các hộ kinh doanh cá thể sau khi được cơ quan thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thì có trách nhiệm đến cơ quan thuế để làm thủ tục đăng ký thuế. Các hộ kinh doanh mới ra lần đầu phải tiến hành kê khai đăng ký thuế để được cấp MST. Các hộ trước đó đã được cấp MST nhưng nghỉ kinh doanh dài hạn, sau đó kinh doanh trở lại thì vẫn phải thực hiện đăng ký nộp thuế lại với cơ quan thuế, nhưng không cấp MST mới nữa. Đội thuế Liên xã, thị trấn có trách nhiệm phối hội với chính quyền địa phương và Hội đồng tư vấn thuế của các xã, thị trấn để điều tra số hộ có sản xuất, kinh doanh trên địa bàn mình
quản lý để từ đó nắm bắt tình hình hoạt động của các HKD, kịp thời cập nhật số hộ mới ra kinh doanh, số hộ nghỉ kinh doanh, số hộ di chuyển địa điểm kinh doanh để đôn đốc đăng ký thuế.
Quản lý các thủ tục hành chính thuế là hoạt động của CQT nhằm tạo điều kiện cho NNT đăng ký thuế, kê khai thuế và thực hiện nộp theo đúng quy định.
Các thủ tục hành chính thuế gồm: Đăng ký thuế, kê khai thuế, ấn định thuế, nộp thuế, giải quyết hoàn thuế, miễn thuế, giảm thuế và xóa nợ thuế, xử phạt về thuế.
Hình 1.1: Quy trình đăng ký thuế TNCN qua website tncnonline.com.vn (Nguồn: Tổng Cục thuế)
Giám sát việc tuân thủ pháp luật thuế: Quản lý thông tin về NNT: Là quá trình CQT thực hiện các bước công việc từ khâu quản lý đăng ký thuế, nhập và xử lý dữ liệu khai ban đầu của NNT.
Quản lý quy trình thu thuế: Lập dự toán thu thuế, dự toán thu thuế là bảng tổng hợp số thu dự kiến về thuế trong một thời kỳ nhất định, không tách rời dự toán NSNN; Tuyên truyền hỗ trợ về thuế là các hoạt động của CQT nhằm triển khai, phổ biến chính sách thuế, thông tin, hướng dẫn để HKD hiểu biết đầy đủ các quy định về chính sách thuế và các thủ tục hành chính thuế; tổ chức bộ máy thu thuế, đây là khâu quan trọng trong công tác quản lý thuế, bao gồm việc xác định cơ cấu tổ chức bộ máy cơ quan thuế các cấp và phân bổ đội ngũ cán bộ
công chức một cách hợp lý đảm bảo tính thống nhất, thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các chức năng quản lý thuế.
1.2.1.2. Quản lý kê khai nộp thuế.
Kê khai nộp thuế là việc người nộp thuế tự xác định số thuế phải nộp phát sinh trong kỳ kê khai thuế theo quy định của Luật quản lý thuế. Người nộp thuế sử dụng hồ sơ khai thuế của từng loại thuế theo quy định của Luật quản lý thuế để kê khai số thuế phải nộp với cơ quan thuế và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của các số liệu trong hồ sơ khai thuế.
Người nộp thuế phải khai chính xác, trung thực, đầy đủ các nội dung trong tờ khai thuế theo mẫu do Bộ tài chính quy định và nộp đủ các loại chứng từ, tài liệu quy định trong hồ sơ khai thuế với cơ quan thuế. Đây là nội dung rất quan trọng do: Tờ khai thuế là một chứng từ trong hồ sơ khai thuế, là căn cứ pháp lý thể hiện hành vi tính toán số thuế phải nộp của chủ thể có nghĩa vụ thuế;
tờ khai thuế cung cấp những dữ liệu, thông tin cần thiết cho cơ quan thuế thực thi nhiệm vụ quản lý thuế.
Việc kê khai thuế có vị trí vai trò và ý nghĩa rất quan trọng, vì khi kê khai thuế đúng thì sẽ xác định được đúng số thuế phải nộp trong kỳ, tránh tình trạng kê khai sai phải điều chỉnh số thuế phải nộp, số thuế được khấu trừ.
Việc quản lý kê khai nộp thuế phải đáp ứng được các yêu cầu sau:
Hồ sơ khai thuế bao gồm tờ khai thuế và các tài liệu liên quan làm căn cứ để người nộp thuế khai thuế, tính thuế với cơ quan thuế;
Người nộp thuế phải sử dụng đúng mẫu tờ khai thuế và các mẫu phụ lục kèm theo tờ khai thuế do Bộ Tài chính quy định, không được thay đổi khuôn dạng, thêm, bớt hoặc thay đổi vị trí của bất kỳ chỉ tiêu nào trong tờ khai thuế.
Đối với một số loại giấy tờ trong hồ sơ thuế mà Bộ Tài chính không ban hành mẫu thì thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
1.2.1.3. Quản lý quyết toán thuế, hoàn thuế
Thứ nhất, khai quyết toán thuế là việc xác định số thuế phải nộp của năm tính thuế hoặc thời gian từ đầu năm tính thuế đến khi chấm dứt hoạt động phát
sinh nghĩa vụ thuế hoặc thời gian tính từ khi phát sinh đến khi chấm dứt hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.
Cá nhân có thu nhập từ kinh doanh nộp thuế theo kê khai phải khai quyết toán thuế. Hồ sơ khai quyết toán thuế bao gồm: Tờ khai quyết toán thuế theo mẫu số 09/KK-TNCN, phụ lục theo mẫu số 09B/PL-TNCN, phụ lục theo mẫu số 09C/PL-TNCN ban hành kèm theo Thông tư này; Các chứng từ chứng minh số thuế đã tạm nộp trong năm.
Nơi nộp hồ sơ quyết toán thuế là Chi cục Thuế trực tiếp quản lý. Thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế chậm nhất là ngày thứ chín mươi, kể từ ngày kết thúc năm dương lịch.
Khai thuế đối với cá nhân kinh doanh chỉ hạch toán được doanh thu kinh doanh, không hạch toán được chi phí: hồ sơ khai thuế, căn cứ tính thuế, thời hạn nộp thuế được thực hiện như đối với cá nhân kinh doanh thực hiện đầy đủ chế độ kế toán hoá đơn, chứng từ. Riêng chi phí kinh doanh được xác định theo mức ấn định của cơ quan thuế.
Thứ hai, hoàn thuế. Cá nhân được hoàn thuế trong các trường hợp: Số tiền thuế thu nhập cá nhân đã nộp lớn hơn số thuế phải nộp trong kỳ tính thuế; Cá nhân đã nộp thuế thu nhập cá nhân nhưng có thu nhập tính thuế chưa đến mức phải nộp thuế; Các trường hợp khác theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Việc hoàn thuế thu nhập cá nhân chỉ áp dụng đối với những cá nhân đã đăng ký thuế và có mã số thuế.
Hồ sơ hoàn thuế gồm có: văn bản đề nghị hoàn thuế theo mẫu số 01/HTBT ban hành kèm theo Thông tư số 60/2007/TT-BTC ngày 14/6/2007 của Bộ Tài chính; Bản sao chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu; Tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân; Chứng từ khấu trừ thuế, biên lai thu thuế thu nhập cá nhân; Chứng từ xác định tình trạng kết thúc thời gian làm việc như quyết định nghỉ hưu, quyết định thôi việc, bản thanh lý hợp đồng lao động, bảng kê xác
định ngày cư trú...(nếu có); Giấy uỷ quyền trong trường hợp uỷ quyền khai hoàn thuế (nếu có).
Nơi nộp hồ sơ hoàn thuế : Đối với cá nhân có thu nhập từ kinh doanh, hồ sơ hoàn thuế nộp tại Chi cục Thuế nơi cá nhân thực hiện hoạt động kinh doanh;
Đối với cá nhân vừa có thu nhập từ tiền lương, tiền công vừa có thu nhập từ kinh doanh, hồ sơ hoàn thuế nộp tại Chi cục Thuế nơi cá nhân thực hiện hoạt động kinh doanh.
Sau khi xác định hồ sơ hoàn thuế là hợp lệ, cơ quan thuế ra quyết định hoàn thuế và gửi quyết định hoàn thuế cho Kho bạc nhà nước đồng cấp và gửi cho cá nhân được hoàn thuế.Kho bạc nhà nước đồng cấp nhận được quyết định hoàn thuế của cơ quan thuế có trách nhiệm hoàn trả lại tiền thuế cho cá nhân được hoàn thuế theo quy định của pháp luật.
1.2.1.4. Quản lý kiểm tra thuế thu nhập cá nhân
Theo từ điển Tiếng việt do Viện Ngôn ngữ học biên soạn “Kiểm tra là xem xét tình hình thực tế để đánh giá, nhận xét”.
Theo đại từ điển tiếng việt do Trung tâm ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam biên soạn, “Kiểm tra là xem xét thực chất, thực tế”.
Theo từ điển luật học, “Kiểm tra là xem xét tình hình thực tế thi hành pháp luật, thực hiện nhiệm vụ quyền hạn nói chung hay một công tác cụ thể được giao để đánh giá, nhận xét…”.
Theo giáo trình nghiệp vụ thuế của học viện tài chính, “Kiểm tra thuế là hoạt động của cơ quan thuế trong việc xem xét tình hình thực tế của đối tượng kiểm tra, từ đó đối chiếu với chức năng, nhiệm vụ yêu cầu đặt ra đối với đối tượng kiểm tra để có những nhận xét, đánh giá”.
Theo giáo sư Michel Bouviver, tác giả cuốn Nhập môn về luật thuế đại cương và lý thuyết thuế, “Kiểm tra thuế là hoạt động nhằm xem xét tính trung thực, tính chính xác của cơ sở tính thuế mà người nộp thuế đã kê khai”.
Tổng hợp các quan niệm trên, ta có thể hiểu: “Kiểm tra thuế là hoạt động giám sát của cơ quan thuế đối với các hoạt động, giao dịch liên quan đến phát
sinh nghĩa vụ thuế và tình hình thực hiện thủ tục hành chính thuế, chấp hành nghĩa vụ nộp thuế của người nộp thuế, nhằm đảm bảo pháp luật thuế được thực thi nghiêm chỉnh trong đời sống kinh tế-xã hội”.
Nội dung công tác kiểm tra bao gồm:
Kiểm tra việc ghi chép phản ánh các chỉ tiêu trong hồ sơ khai thuế.
Trường hợp phát hiện người nộp thuế không ghi chép, phản ánh đầy đủ các chỉ tiêu trong hồ sơ khai thuế, cán bộ kiểm tra thuế phải báo cáo Thủ trưởng cơ quan Thuế ra thông báo yêu cầu người nộp thuế bổ sung các chỉ tiêu chưa phản ánh trong hồ sơ khai thuế.
Kiểm tra các căn cứ tính thuế để xác định số thuế phải nộp; số tiền thuế được miễn, giảm; số tiền hoàn thuế... theo phương pháp đối chiếu so sánh như:
Đối chiếu với các quy định của các văn bản pháp luật về thuế; Đối chiếu các chỉ tiêu trong tờ khai thuế với các tài liệu kèm theo; Đối chiếu các chỉ tiêu phản ánh trong tờ khai thuế, các tài liệu kèm theo tờ khai thuế với tờ khai thuế, các tài liệu kèm theo tờ khai thuế tháng trước, quý trước, năm trước; Đối chiếu với các dữ liệu của người nộp thuế có quy mô kinh doanh tương đương, có cùng ngành nghề, mặt hàng kinh doanh; Đối chiếu với các thông tin, tài liệu thu thập được từ các nguồn khác.
Kiểm tra thuế có vai trò quan trọng, góp phần hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật về thuế. Hệ thống thuế ở nước ta hiện nay bao gồm nhiều sắc thuế khác nhau. Mỗi sắc thuế điều tiết đến một số đối tượng xã hội nhất định và có những phương pháp quản lý thu khác nhau. Về cơ bản mỗi sắc thuế khi được ban hành đều đã được nghiên cứu kỹ và chuẩn bị chu đáo nhưng do đặc điểm nền kinh tế nước ta đang ở thời kỳ chuyển đổi từ hành chính, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN nên không tránh khỏi những khiếm khuyết, bất cập. Chính vì vậy kiểm tra thuế là nơi cung cấp các căn cứ, các bằng chứng cụ thể phản ánh một cách chân thực, sống động các hoạt động diễn ra trong thực tế, để phục vụ cho việc hoàn thiện, bổ sung các chính sách cho phù hợp.
Kiểm tra thuế là phương tiện phòng ngừa hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm nảy sinh trong hoạt động quản lý thuế. Với tư cách là công cụ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, kiểm tra thuế chính là việc xem xét tại chỗ việc làm của các tổ chức, cơ quan và các cá nhân có đúng quy định của chính sách, pháp luật về thuế hay không? Qua đó sử dụng các biện pháp chế tài bằng mệnh lệnh hoặc các quyết định hành chính nhằm ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng nộp thuế. Thực tế cho thấy không có hệ thống pháp luật nào có thể đảm bảo là không khiếm khuyết. Đây chính là nguyên nhân để các đối tượng lợi dụng, cố tình lách luật để trục lợi cá nhân. Kiểm tra thuế phải phát hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực để ngăn ngừa kịp thời.
Kiểm tra thuế có vai trò quan trọng trong việc cải cách thủ tục hành chính cả về quy chế và tổ chức thực hiện. Thông qua hoạt động kiểm tra thuế giúp giảm đến mức tối đa các thủ tục, quy chế không cần thiết gây phiền hà đến người nộp thuế.
Xuất phát từ tầm quan trọng như trên, công tác kiểm tra thuế phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
Thực hiện kiểm tra, giám sát các loại hồ sơ khai thuế được giao mà người nộp thuế gửi đến cơ quan Thuế.
Chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra đối với các hồ sơ khai thuế được giao.
Giữ bí mật thông tin được phản ánh trong hồ sơ khai thuế của người nộp thuế trừ các trường hợp công khai thông tin vi phạm pháp luật về thuế của người nộp thuế theo quy định tại Điều 74 Luật Quản lý thuế.