ĐỐI VỚI HỘ KINH DOANH CÁ THỂ TẠI CHI CỤC THUẾ ĐỒNG HỶ.
Để có thể hoàn thiện công tác quản lý thuế TNCN ở Chi cục thuế Đồng Hỷ, cần phải xuất phát từ những giải pháp đối với các nội dung của công tác quản lý thuế TNCN hiện nay, căn cứ vào các nhân tố tác động đến công tác quản lý thuế TNCN và những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý thuế TNCN ở huyện Đồng Hỷ giai đoạn 2010- 2012. Mặt khác, căn cứ vào bối cảnh và những mục tiêu định hướng chung trong công tác quản lý thuế TNCN để từ đó đề ra những giải pháp phù hợp nhằm hoàn thiện công tác quản lý thuế TNCN đến năm 2015 và giai đoạn tiếp theo của huyện Đồng Hỷ.
4.2.1 Hoàn thiện về nội dung và yêu cầu của hệ thống pháp luật và chủ trương chính sách, các quy định về thuế của Đảng và Nhà nước.
Hệ thống pháp luật và chủ trương chính sách, các quy định về thuế TNCN của Đảng và Nhà nước có ý nghĩa tầm quan trọng trong công tác quản lý thuế TNCN đối với hộ kinh doanh cá thể.
Việc hoàn thiện hệ thống chính sách thuế cũng như mỗi sắc thuế cần phải căn cứ vào vai trò tác dụng của chúng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội theo chủ trương của Đảng và Nhà nước từng thời kỳ. Để bảo đảm sự thống nhất giữa chính sách và biện pháp ngay từ đầu, đòi hỏi các nhà soạn thảo luật cần phải giải trình các biện pháp và cơ quan lập pháp chỉ thông qua từng chính sách khi các biện pháp được giải trình có tính khả thi, trả lời được rõ ràng, cụ thể và có sức thuyết phục những câu hỏi còn vướng mắt khi áp dụng chính sách thuế. Cần phải hoàn thiện luật về thuế TNCN trong việc quy định cụ thể về NNT, các khoản thu nhập chịu thuế, giảm thuế, kỳ tính thuế, căn cứ tính thuế, giảm trừ gia cảnh, thuế suất, cách tính thuế, đăng ký, kê khai, quyết toán, hoàn thuế.
4.2.2. Hoàn thiện về nội dung và yêu cầu của tổ chức bộ máy quản lý thuế TNCN và tăng cường công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế.
Hiện tại Đội tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế của chi cục thuế Đồng Hỷ chỉ có một đội trưởng, không có cán bộ giúp việc. Vì thế gây khó khăn cho công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế. Vì vậy, lãnh đạo Chi cục cần sắp
xếp thêm cán bộ cho Đội tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế để công việc của Đội được thuận lợi hơn. Đội tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế cần thực hiện một số nội dung sau để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế được tốt và hiệu quả hơn:
- Đổi mới phương thức, phát triển đa dạng, phong phú các hình thức tuyên truyền. Tuyên truyền giáo dục, thuyết phục để người nộp thuế ý thức đầy đủ, trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế. Triển khai rộng rãi công tác tuyên truyền phổ biển về thuế qua các phương tiện thông tin đại chúng, các tổ chức Đảng, đoàn thể, chính quyền các cấp, cộng đồng dân cư.
- Tổ chức tập huấn, hướng dẫn kịp thời chính sách thuế cho người nộp thuế, nhất là người nộp thuế mới ra kinh doanh. Tuyên dương kịp thời thành tích các tổ chức, cá nhân chấp hành tốt nghĩa vụ thuế, đối thoại với người nộp thuế để giải đáp kịp thời những vướng mắc trong việc thực hiện chính sách thuế.
- Tiếp tục triển khai, hướng dẫn trực tiếp người nộp thuế hoặc qua trang thông tin điện tử của ngành thuế để người NNT dễ dàng tìm hiểu chính sách thuế, các thủ tục về thuế và các nội dung khác có liên quan.
- Phát triển các dịch vụ, hỗ trợ người nộp thuế thông qua cơ chế hợp tác với hệ thống các ngân hàng thương mại. Cơ quan thuế tiếp tục duy trì cơ chế phối hợp thu với kho bạc nhà nước, các ngân hàng thương mại để tạo điều kiện cho người nộp thuế thuận lợi kê khai thuế, nộp tiền vào ngân sách nhà nước.
4.2.3. Nâng cao trình độ và phẩm chất đạo đức của đội ngũ lãnh đạo cán bộ thuế.
Để đáp ứng được yêu cầu nâng cao trình độ và phẩm chất đạo đức thì cán bộ thuế cần giải quyết các vấn đề sau:
- Trước hết chuẩn hoá cán bộ đối với từng loại chức danh ngạch, bậc công chức của từng đơn vị, quy định các tiêu chuẩn về: phẩm chất chính trị, đạo đức, nghiệp vụ, các kiến thức, kỹ năng của từng loại ngạch bậc công chức.
- Tiến hành điều tra khảo sát, đánh giá thực trạng và trình độ cán bộ thuế. Căn
cứ vào mục tiêu đào tạo để xây dựng các kế hoạch đào tạo hàng năm của Chi cục.
- Đào tạo nâng cao năng lực cán bộ tập trung vào những nội dung chủ yếu như: mở các lớp tập huấn bổ sung, cập nhật kiến thức kinh tế tài chính, kinh tế thị trường, thương mại quốc tế, chế độ kế toán, tài chính doanh nghiệp cho tất cả cán bộ thuế. Đào tạo nâng cao kiến thức về tin học, ngoại ngữ, quản lý Nhà
nước để có thể sử dụng thành thạo máy tính trong quản lý thuế, khai thác và xử lý thông tin về NNT. Đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng quản lý thuế như: Kỹ năng tuyên truyền, kỹ năng xử lý tờ khai, thanh tra, kiểm tra thuế, quản lý nợ và
cưỡng chế thuế; kỹ năng quản lý thuế đối với hộ kinh doanh cá thể...
- Công tác bồi dưỡng cán bộ thuế cần phải được tiến hành thường xuyên hàng năm đối hầu hết cán bộ thuế theo chuyên đề. Đào tạo bồi dưỡng phải gắn với sát hạch, kiểm tra, thi để đánh giá và nâng cao chất lượng đào tạo; gắn đào tạo với đánh giá, phân công sử dụng cán bộ.
4.2.4.Tăng cường cơ sở vật chất của ngành thuế
- Cần phải phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các khâu quản lý thuế; cung cấp thông tin nhanh chóng chính xác phục vụ yêu cầu quản lý; cung cấp các dịch vụ thuế đầy đủ, kịp thời, nhanh chóng với chất lượng cao.
Trong thời gian tới, công nghệ thông tin phải đáp ứng được các yêu cầu quản lý cốt lõi về xử lý thông tin thuế đạt từ 95% đến 100% so với nhu cầu. Xây dựng hệ thống mạng máy tính thống nhất, hiện đại, bền vững đồng thời đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống tin học ngành Tài chính, tạo nên hệ thống thông tin tài chính quốc gia hiệu quả và hiện đại.
- Để tạo điều kiện cho cán bộ thuế thực hiện các chức năng quản lý thuế được nhanh chóng, hiệu quả đáp ứng yêu cầu của cơ chế quản lý thuế mới, ngành Thuế phải đầu tư xây dựng mới và nâng cấp hệ thống công sở, trang thiết bị làm việc hiện đại, đồng bộ.
+ Đầu tư, sửa chữa, cải tạo mở rộng trụ sở làm việc đối với các trụ sở làm việc thiếu diện tích, không còn phù hợp với điều kiện sử dụng.
+ Trang bị phương tiện làm việc phục vụ công tác quản lý thuế theo
hướng mua sắm mới các phương tiện làm việc cho các đơn vị chưa được trang bị, đặc biệt ưu tiên các đơn vị mới thành lập do chia tách địa bàn quản lý; thanh lý và đổi các phương tiện đã hết hạn sử dụng theo đúng tiêu chuẩn và định mức của Nhà nước.
4.2.5. Cải tiến phương thức thanh toán chủ yếu trong dân cư
Các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt mới đang được hình thành, thói quen, tập quán ưa thích chi tiêu bằng tiền mặt của người dân còn cao. Vì vậy cần phải khuyến khích người dân không dùng tiền mặt để thanh toán. Có như vậy việc quản lý thuế mới đạt được hiệu quả.
4.2.6. Tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật thuế của hộ kinh doanh.
Ý thức hiểu biết về thuế TNCN của người dân vẫn còn thấp. Vấn đề đặt ra là phải thường xuyên tuyên truyền Luật thuế TNCN bằng nhiều phương tiện, hình thức phong phú, mở rộng đối tượng tuyên truyền. Định kỳ tổ chức phát phiếu điều tra trắc nghiệm đối với người nộp thuế để đánh giá mức độ hiểu biết pháp luật về thuế TNCN, phiếu lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của khách hàng về cách phục vụ của cơ quan Thuế (cần thăm dò, đánh giá được sự hiểu biết về chính sách thuế TNCN của người dân từ đâu, từ các phương tiện thông tin đại chúng, từ công tác tuyên truyền của cơ quan Thuế, ..., và tỷ lệ người hiểu biết về chính sách thuế TNCN trên tổng số người được thăm dò), qua đó nắm bắt được ý kiến nguyện vọng của dân. Làm tốt công tác này thì sẽ hạn chế được trường hợp trốn thuế, gian lận về thuế; hạn chế thất thu ngân sách nhà nước.