CHƯƠNG 3: MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM HOÀN THIỆN SAU CỔ PHẦN HOÁ TẠI CÔNG TY CP TƯ VẤN XÂY DỰNG ĐIỆN 1
3.4. GIẢI PHÁP 4: Xây dựng chiến lược kinh doanh và đầu tư xây dựng và mở rộng ngành nghề kinh doanh
3.4.1. Mục tiêu của giải pháp
- Công ty phải trở thành doanh nghiệp tư vấn mạnh nhất về uy tín, chất lượng, hiệu quả trong lĩnh vực tư vấn đầu tư xây dựng các công trình điện tại Việt nam, từng bước hội nhập thị trường khu vực và thế giới và mở rộng sang một số lĩnh vực tư vấn đầu tư khác.
- Công ty phải là nơi tập trung trí tuệ, cơ sở dữ liệu và là trung tâm nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực xây dựng chuyên ngành của ngành điện. Công ty phải có vị trí không thể thiếu trong ngành Điện Việt nam.
3.4.2. Nội dung của giải pháp
- Đầu tư xây dựng cơ bản: Đầu tư xây dựng nhà xưởng làm việc hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn diện tích làm việc với phương tiện làm việc thích hợp.
- Đầu tư mở rộng ngành nghề: Nghiên cứu phương án và thực hiện đầu tư xây dựng, quản lý vận hành, sản xuất kinh doanh điện năng các công trình điện. Liên doanh, liên kết nghiên cứu và thực hiện đầu tư vào các dự án mở rộng các dịch vụ kinh tế kỹ thuật khác thuộc các lĩnh vực Công ty có tiềm năng phát triển.
- Định hướng chính trong chiến lược phát triển của Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 1 là: Tập trung vào thị trường trong ngành với dịch vụ trọng tâm là tư vấn đầu tư xây dựng chuyên ngành (Nguồn điện, lưới điện, các công trình hạ tầng kỹ thuật...), tận dụng cơ hội để thực hiện các công việc tư vấn các công trình dân dụng công nghiệp khác, tích cực hợp tác quốc tế. Lấy con người làm trung tâm, phát triển công nghệ và các mối quan hệ, tích cực mở rộng thị trường và loại hình tư vấn, đưa Công ty trở thành một doanh nghiệp có sức cạnh tranh mạnh nhất trong lĩnh vực
Tư vấn xây dựng điện về thực lực và có dấu ấn nhất định đối với thị trường ngoài ngành điện.
- Vấn đề mấu chốt trong chiến lược kinh doanh của Công ty là: Mọi sự cố gắng và phấn đấu của mỗi thành viên và toàn Công ty phải tập trung cho sự hài lòng của khách hàng.
Để có tiền đầu tư các khoản nêu trên, các giải pháp cụ thể về tài chính là:
- Sử dụng có hiệu quả nguồn vốn khấu hao và quỹ đầu tư phát triển hàng năm của Công ty.
- Cơ cấu hợp lý nguồn vốn cố định, lưu động và sử dụng tối đa các dịch vụ tài chính như vay các ngân hàng Thương mại, thuê tài chính, phát hành cổ phiếu, trái phiếu…
- Rà soát, xây dựng, quản lý có hiệu quả các định mức chi phí lao động, vật tư, nguyên liệu, sử dụng máy móc thiết bị để tiết kiệm chi phí tối đa, tăng lợi nhuận, tăng quỹ đầu tư.
- Thực hiện việc liên doanh, liên kết rộng rãi trong đầu tư, đặc biệt là những khoản đầu tư lớn như đầu tư xây dựng và sản xuất kinh doanh điện năng.
- Xây dựng quy chế quản lý đầu tư thích hợp để phòng tránh rủi ro trong đầu tư.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 3
Những giải pháp chủ yếu được đưa ra nhằm hoàn thiện quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty sau khi cổ phần hóa. Trong thời gian tới tập trung vào các giải pháp vĩ mô, giải pháp về; Nâng cao năng lực tư vấn sắp xếp, tổ chức lao động khoa học và đào tạo phát triển nguồn nhân lực; huy động vốn, đầu tư xây dựng cơ bản, mở rộng ngành nghề kinh doanh và giải pháp tổ chức thực hiện.
Công ty cần thực hiện các giải pháp mang tính đột phá nhưng không xa rời thực tiễn, điều kiện và hoàn cảnh của Công ty như đẩy mạnh công tác đào tạo nhân lực, giải quyết những tồn tại đối với người lao động sau quá trình cổ phần hóa, mở rộng và nâng câo trình độ năng lực tư vấn của đội ngũ cán bộ kỹ thuật chuyên mốn nghiệp vụ và quản lý; xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm trong những năm tới, có cơ chế thu hút và đối đãi nhân tài và từng bước hoàn thiện cơ cấu tổ chức gọn nhẹ và hiệu quả.
KẾT LUẬN CHUNG
Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước là một trong những hướng quan trọng của quá trình cải cách doanh nghiệp Nhà nước - bộ phận không thể thiếu trong thành phần kinh tế Nhà nước. Trong đổi mới kinh tế, một vấn đề lớn được đặt ra là phải phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất và từng bước xây dựng quan hệ sản xuất mới phù hợp với trình độ lực lượng sản xuất. Để giải phóng lực lượng sản xuất, tất yếu phải phát triển mạnh mẽ nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, chuyển sang cơ chế thị trường và xây dựng thể chế kinh tế thị trường, đa dạng hóa các hình thức sở hữu, trong đó kinh tế Nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Muốn vậy, phải đổi mới mạnh mẽ các doanh nghiệp Nhà nước.
Thông qua cổ phần hóa sẽ huy động nguồn vốn của xã hội để đầu tư đổi mới công nghệ, tạo điều kiện cho người lao động trong doanh nghiệp và những người tham gia góp vốn cổ phần làm chủ doanh nghiệp, tạo cơ chế quản lý năng động thúc đẩy doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, bảo toàn và phát triển phần vốn Nhà nước.
Đề tài đãđạt được những kết quả chính sau đây:
Thứ nhất, hệ thống hóa cơ sở lý luận về cổ phần hóa trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Thứ hai, đề tài phân tích kết quả và hiệu quả sản xuất kinh doanh của Công ty Tư vấn Xây dựng Điện 1, những thành công và tồn tại của Công ty khi tiến hành cổ phần hoá, đặc biệt giai đoạn hoàn thiện sau cổ phần hóa.
Thứ ba, từ những tồn tại sau khi cổ phần hóa, đề tài đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và giải quyết những vấn đề tồn tại về lao động dôi dư của Công ty sau khi cổ phần hóa doanh nghiệp trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc hoàn thiện sau cổ phần hóa là vấn đề khá phức tạp và phạm vi nghiên cứu rộng. Vì vậy luận văn không tránh khỏi thiếu sót, rất mong nhận được sự góp ý của các thầy cô giáo và các bạn để luận văn hoàn thiện hơn./.