CHƯƠNG I: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO
1.3. Những yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo
1.3.1. Chương trình đào tạo
Chương trình đào tạo (CTĐT) trong bảng từ vựng tiếng Việt về giáo dục có 2 nghĩa khác nhau.
Nghĩa thông thường, CTĐT là một văn bản quy định mục đích và các mục tiêu cụ thể đặt ra đối với một ngành đào tạo, các khối kiến thức và các môn học, tổng thời lượng cùng thời lượng dành cho mỗi môn mà nhà trường tổ chức giảng dạy để trang bị các kiến thức, kỹ năng, thái độ cần thiết cho HS, SV theo học một ngành nào đó.
Nghĩa thứ hai, CTĐT là nội dung, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và các hoạt động học thuật của một đơn vị đào tạo (thường là cấp khoa hoặc bộ môn tuỳ theo cơ cấu tổ chức của từng đơn vị) đang triển khai để đào tạo một ngành học trong một bậc học nhất định, thường được ký hiệu bằng mã ngành.
CTĐT trong luận văn này được hiểu theo nghĩa thứ nhất.
Trong lịch sử phát triển của giáo dục, có ba cách tiếp cận phổ biến về chương trình giáo dục đó là cách tiếp cận nội dung, cách tiếp cận mục tiêu và cách tiếp cận phát triển.
Với quan niệm giáo dục là quá trình truyền thụ nội dung kiến thức, cách tiếp cận nội dung đưa ra định nghĩa: “Chương trình giáo dục là bản phác thảo về nội dung giáo dục qua đó người dạy biết mình cần phải dạy những gì và người học biết mình cần phải học những gì”. Theo cách tiếp cận này thì Chương trình = Nội dung.
Cách tiếp cận mục tiêu, quan niệm giáo dục là công cụ để đào tạo nên các sản phẩm với các tiêu chuẩn đã được xác định sẵn. Vì vậy, chương trình giáo dục là một kế hoạch giáo dục phản ánh các mục tiêu giáo dục mà nhà trường theo đuổi, nó
Phân tích thực trạng chất lượng đào tạo tại Trường CĐXD số 1 và giải pháp nâng cao chất lượng
cho biết nội dung cũng như phương pháp dạy và học cần thiết để đạt được mục tiêu đề ra. Theo cách tiếp cận này: Chương trình = Nội dung + Mục tiêu + Phương pháp.
Theo quan niệm, chương trình giáo dục là quá trình, còn giáo dục là sự phát triển, cách tiếp cận phát triển cho rằng: Chương trình giáo dục là một bản thiết kế tổng thể cho một hoạt động giáo dục (có thể kéo dài một vài giờ, một ngày, một tuần hoặc vài năm). Bản thiết kế tổng thể đó cho biết toàn bộ nội dung giáo dục, chỉ rõ những gì có thể trông đợi ở người học sau khi học, nó phác họa ra quy trình cần thiết để thực hiện nội dung giáo dục, nó cũng cho biết các phương pháp giáo dục và các cách thức kiểm tra đánh giá kết quả học tập và tất cả những cái đó được sắp xếp theo một thời gian biểu chặt chẽ.
Như vậy, tùy theo các quan niệm khác nhau của các cách tiếp cận để có khái niệm về chương trình giáo dục khác nhau. Có thể khái quát các khái niệm về chương trình giáo dục nêu trên như sau: “Chương trình giáo dục là một tập hợp của các hoạt động gắn kết với nhau nhằm đạt đến mục tiêu giáo dục của nhà trường”.
Định nghĩa về chương trình giáo dục theo Luật Giáo dục năm 2005 như sau:
“Chương trình giáo dục thể hiện mục tiêu giáo dục; quy định chuẩn kiến thức, kỹ năng, phạm vi và cấu trúc nội dung giáo dục, phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động giáo dục, cách thức đánh giá kết quả giáo dục đối với các môn học ở mỗi lớp, mỗi cấp học hoặc trình độ đào tạo” (Điều 6).
Điều 41, Luật Giáo dục năm 2005 cũng quy định “Chương trình giáo dục đại học thể hiện mục tiêu giáo dục đại học; quy định chuẩn kiến thức, kỹ năng, phạm vi và cấu trúc nội dung giáo dục đại học, phương pháp và hình thức đào tạo, cách thức đánh giá kết quả đào tạo đối với mỗi môn học, ngành học, trình độ đào tạo của giáo dục đại học; bảo đảm yêu cầu liên thông với các chương trình giáo dục khác”.
Để có cái nhìn tổng thể, ngoài việc hiểu khái niệm về CTĐT, cần nắm vững các khái niệm về các thuật ngữ khác được sử dụng trong chương trình như sau:
* Khung chương trình:
Phân tích thực trạng chất lượng đào tạo tại Trường CĐXD số 1 và giải pháp nâng cao chất lượng
Khung chương trình là văn bản của Nhà nước qui định khối lượng tối thiểu và cơ cấu kiến thức cho các chương trình. Khung chương trình xác định sự khác biệt về chương trình tương ứng với các trình độ đào tạo khác nhau.
* Chương trình khung (chuẩn chương trình):
Chương trình khung là văn bản Nhà nước ban hành cho từng ngành đào tạo cụ thể, trong đó quy định cơ cấu nội dung môn học, thời gian đào tạo, tỷ lệ phân bổ thời gian đào tạo giữa các môn cơ bản và chuyên môn; giữa lý thuyết với thực hành, thực tập.
Chương trình khung bao gồm khung chương trình và phần nội dung cứng, tức là những nội dung cốt lõi, chuẩn mực, tương đối ổn định theo thời gian và bắt buộc phải có trong CTĐT của tất cả các trường đại học và cao đẳng.
* Ngành và chuyên ngành đào tạo
Ngành đào tạo (ngành học) là một lĩnh vực khoa học, kỹ thuật hoặc văn hoá cho phép người học tiếp nhận những kiến thức và kỹ năng mang tính hệ thống cần có để thực hiện các chức năng lao động trong khuôn khổ của một nghề cụ thể;
ngành đào tạo phải được ghi trong văn bằng tốt nghiệp.
Chuyên ngành đào tạo là sự đào sâu kiến thức và kỹ năng của người học trong những phần hẹp hơn của một ngành, hoặc là sự thu nhận kiến thức và kỹ năng khi xâm nhập từ ngành này qua ngành mới khác chuyên ngành được ghi trong bảng kết quả học tập của người học khi tốt nghiệp.
Cấu trúc của CTĐT thường gồm bốn yếu tố cơ bản:
- Mục tiêu đào tạo;
- Nội dung đào tạo gồm hai khối kiến thức: Kiến thức giáo dục (GD) đại cương và kiến thức giáo dục chuyên nghiệp;
- Phương pháp hay quy trình đào tạo;
- Cách đánh giá kết quả đào tạo.
Quá trình thiết kế CTĐT phải tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Đảm bảo tính khoa học: Nội dung chương trình phải đảm bảo tính chính xác, cơ bản, hiện đại của hệ thống kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp trong các lĩnh vực khoa học công nghệ.
Phân tích thực trạng chất lượng đào tạo tại Trường CĐXD số 1 và giải pháp nâng cao chất lượng
- Đảm bảo tính thực tiễn: Nội dung chương trình phải phù hợp với trình độ phát triển thực tế, phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất và con người để đảm bảo tính khả thi.
- Đảm bảo tính vừa sức: Nội dung chương trình phải phù hợp với đối tượng tuyển sinh, với yêu cầu, mục tiêu đào tạo và các điều kiện đảm bảo khác.
- Đảm bảo tính hệ thống: Nội dung chương trình phải có khối lượng các môn học hợp lý và cấu trúc khoa học. Sắp xếp các môn học theo hình thức “xoáy trôn ốc” để các môn chuyên ngành không bị học quá muộn.
- Đảm bảo tính liên thông: Nội dung chương trình phải đảm bảo tính liên thông giữa các bậc học tiếp, đảm bảo liên thông trình độ quốc tế, đáp ứng yêu cầu tiên tiến; thống nhất các môn học để phù hợp với điều kiện trên.
- CTĐT phải có chuẩn đầu vào, chuẩn đầu ra và phải được công khai cho người học. Chuẩn đầu ra phải đáp ứng được yêu cầu của thực tế, phù hợp nguyện vọng của người học.
- CTĐT đáp ứng được điều kiện cơ sở vật chất hiện tại ở Việt Nam trong giai đoạn đầu, phải được cập nhật đổi mới theo nhu cầu thực tế (có hướng mở), để đáp ứng các yêu cầu: hội nhập trong khu vực, nhu cầu sử dụng của xã hội, doanh nghiệp.
- CTĐT phải được sự chia sẻ trách nhiệm đào tạo với các doanh nghiệp sử dụng lao động. Cần có sự phối hợp của các doanh nghiệp trong việc xây dựng CTĐT và trong quá trình vận hành chương trình, cụ thể là các học phần thực tập (thực tập nghề nghiệp, thực tập tốt nghiệp...).
Như vậy, CTĐT vừa là chuẩn mực để thực hiện công tác đào tạo, vừa là chuẩn mực để đánh giá chất lượng đào tạo. Với ý nghĩa này, CTĐT phải được thiết kế sao cho vừa đủ cả điều kiện chung (chương trình khung theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và đào tạo phê duyệt), vừa phải phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động để đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động cũng như nền kinh tế xã hội và nâng cao vị thế của trường.