Phần 2. Cơ sở lý luận và thực tiễn
2.2. Cơ sở thực tiễn
2.2.1. Kinh nghiệm giảm nghèo bền vững của một số nước trên thế giới
Những năm cuối thập kỷ 50, đầu thập kỷ 60 Hàn Quốc vẫn ở tình trạng một nước kém phát triển, thu nhập bình quân đầu người thấp, 2/3 dân số sống ở khu vực nông thôn, 80% sống ở nhà tranh vách đất, sử dụng đèn dầu. Nguồn tài chính quốc gia hạn hẹp, nền sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ, kỹ thuật lạc hậu, lũ lụt, hạn hán thường xuyên xảy ra, lương thực dự trữ không có, nạn đói triền miên. Phong trào Saemaul Undong- phong trào xây dựng và phát triển Làng mới (PTLM) (1970) là một bước đột phá giúp Hàn Quốc từ một quốc gia lạc hậu, nghèo đói trở thành một trong những nước phát triển hàng đầu. Bằng cách thành lập các ban phát triển tự quản ở cấp thôn do nông dân tự nguyện tổ chức. Cộng đồng làng là cấp xây dựng, lập kế hoạch, huy động nguồn lực và tổ chức thực hiện các mục tiêu (dự án phát triển nông thôn) của mình, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần và bằng hiện vật (xi măng, sắt thép), đào tạo kỹ thuật…không hỗ trợ cho không bằng tiền, nếu hỗ trợ thì cho vay có điều kiện.
Mục tiêu của PTLM là cuộc sống đầy đủ về kinh tế nhưng không quên hướng tới một cuộc sống có ý nghĩa, hạnh phúc và trong sạch về lối sống, văn hóa. PTLM bao gồm các nội dung: xóa đói nghèo, tăng thu nhập, làng xóm quan tâm giúp đỡ nhau, tiết kiệm và có cảnh quan đẹp.
Trong thời gian thử nghiệm từ tháng 10/1970-02/1971, chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ 335 bao xi măng (40kg/bao) cho 33.267 thôn để người dân tự thực hiện các dự án. Kết quả sau hơn 1 năm thử nghiệm có 16.600/33.267 thôn thực hiện dự án có kết quả vượt mong đợi, nhà ở được cải tạo mái, đường giao thông được bê tông hóa, trạm bơm nước sạch được xây dựng, nhiều hợp tác xã chăn nuôi gia cẩm, ngân hàng gia súc, các nông trường được thành lập (Đỗ Thị Phượng, 2015).
Sau năm 1971, chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra nguyên tắc hỗ trợ ưu tiên cho làng ưu tú. Những cộng đồng không có tinh thần chăm chỉ, tự lực, chính phủ sẽ giảm hoặc cắt khoản hỗ trợ.
Từ năm 1972-1981, Hàn Quốc đã xây dựng kế hoạch phát triển lâu dài PTLM dưới dạng phong trào hiện đại hóa nông thôn. Cụ thể xây dựng các dự án chuẩn về cơ sở sản xuất, nâng cao thu nhập, phủ xanh đồi trọc, môi trường phúc lợi, giáo dục sinh hoạt tiết kiệm, xóa bỏ tệ nạn, tổ chức hợp tác nhân dân, đơn giản hóa các tập tục hủ tục, giảm tăng dân số, mỗi hộ tiết kiệm 20.000 won trở lên, lập quỹ xã 1 triệu won trở lên...PTLM mới được mở rộng theo mức độ tăng dần (Đỗ Thị Phượng, 2015).
Sau 30 năm thực hiện, phong trào Saemaul Undong đã “mang cả nước đến với nông dân”, hỗ trợ để nông dân tự quyết định và tổ chức cuộc sống của mình.
Kết quả lớn nhất là những người nông dân đói nghèo trở nên tự tin, nông thôn trở thành xã hội năng động, có khả năng tự tích lũy, tự đầu tư, và nhờ đó mà có khả năng tự phát triển. Về bản chất thì phong trào Làng mới chính là việc phát huy vai trò tự quản của địa phương. Trong số rất nhiều giải pháp làm nên thành công ấy, bài học kinh nghiệm được rút ra là để người dân làm chủ quá trình phát triển nông thôn, cuộc sống của mình.
Nếu xét từ góc độ giảm nghèo thì phong trào này có rất nhiều điểm tương đồng với công cuộc xây dựng nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam hiện nay. Với phương châm “huy động nội lực của nông dân, phát triển các cộng đồng nông dân tại mọi làng xã, phát huy tinh thần làm chủ, ý chí sáng tạo, tự tin của người dân”, cùng nguồn hỗ trợ vật chất (xi măng, sắt thép), phong trào Saemaul Undong được triển khai thành công, đóng góp tích cực vào công tác hiện đại hóa nông thôn (Minh Quang, 2015).
2.2.1.2. Kinh nghiệm giảm nghèo ở Brazil
Nếu như trước kia, Brazil được coi là một trong những quốc gia có sự chênh lệch giàu nghèo lớn nhất thế giới, thì ngày nay, đất nước của những vũ điệu Sam-ba được coi là một trong những quốc gia đang phát triển đi đầu trong cuộc chiến chống đói nghèo trên thế giới.
Kinh nghiệm từ mô hình xóa đói nghèo Fome Zero của Brazil mang đến nhiều bài học quí giá cho các nước đang phát triển. Chương trình phúc lợi xã hội lớn nhất tại Brazil này đã góp phần giúp xứ sở vũ điệu samba vừa đạt được
Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của mình: giảm tỷ lệ hộ nghèo đến 50% chỉ trong 5 năm (2003-2008), trong đó diện đặc biệt nghèo giảm đến 48% (Thuận Hải, 2011).
Fome Zero kêu gọi tất cả người dân Brazil chung tay xóa đói, giảm nghèo.
Mọi cá nhân được khuyến khích đóng góp thức ăn và tiền bạc cho các hội từ thiện địa phương hoặc trực tiếp cho chương trình.
Ông Ananias cùng các cộng sự của mình đã chỉ đạo nhân rộng Fome Zero trên toàn đất nước với những chương trình ngắn hạn và dài hạn. Trong đó, Bolsa Familia (chương trình trợ cấp tiền cho các hộ nghèo) là chương trình mục tiêu ngắn hạn chính, giúp Brazil gia tăng đáng kể nguồn quỹ, từ 649 triệu USD năm 2001 lên 4,95 tỉ USD năm 2009. (Thuận Hải, 2011). "Bolsa Familia" là chương trình chống đói nghèo được đánh giá có quy mô lớn nhất thế giới và được nhiều nước quan tâm nghiên cứu áp dụng. Bolsa Familia cho phép các hộ nghèo nhất đất nước nhận hỗ trợ tài chính trực tiếp từ chính phủ. "Bolsa Familia" hiện là chương trình chuyển giao tiền mặt lớn nhất thế giới, giúp cắt giảm nạn suy dinh dưỡng của trẻ em Brazil tới 45%.
Theo báo cáo của ActionAid và LHQ, chương trình chiếm 2% tổng nguồn ngân sách liên bang Brazil đến được với khoảng 13 triệu hộ gia đình (số người được hưởng chiếm khoảng 25% dân số đất nước). Nhờ các chính sách đúng đắn của chương trình, tỷ lệ trẻ em tới trường tăng cao, trong khi tỷ lệ tử vong ở trẻ giảm mạnh trong thập kỷ qua. Quốc gia Nam Mỹ này đã tiến xa trong nỗ lực diệt trừ tận gốc tình trạng nghèo khổ khi làm được một điều gần như là phép màu.
Dưới thời cựu Tổng thống Lula da Silva (2003-2010), với dân số hơn 190 triệu người, Brazil đã đưa 36 triệu người thoát khỏi cảnh nghèo đói, tạo thêm 15,4 triệu việc làm và giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp nhất là 6,5% (Kim Phượng, 2013).
Theo Giáo sư Andre Portela Souza thuộc Quỹ Getulio Vargas và là nhà nghiên cứu về kinh tế học gia đình, Brazil đã đạt được những mục tiêu thiên niên kỷ về chống đói nghèo mà LHQ đặt ra cho 25 năm chỉ trong vòng có 5 năm.
Hàng chục triệu người nghèo nay đã trở thành những người tiêu dùng nhờ những khoản trợ cấp của chính phủ. Với "Bolsa Familia", tỷ lệ nghèo đói đã giảm mạnh nhờ sự tập trung vào hai trụ cột chính là giáo dục và y tế. Trước đó, chương trình xã hội lớn duy nhất của Brazil là chế độ hưu trí cho người già. Quỹ trợ cấp này
chỉ đến với những người lao động trong lĩnh vực công, nhưng những người thực sự nghèo ở Brazil lại không kiếm được việc làm trong các cơ quan nhà nước.
Theo đó chương trình "Brazil không còn cực khổ" là dự án xã hội quan trọng nhất trong nhiệm kỳ của nữ Tổng thống D.Rousseff nhằm nâng cao mức sống của những hộ gia đình đang có thu nhập bình quân đầu người dưới 42 USD/tháng và mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ điện, nước sạch, y tế và giáo dục cho tầng lớp xã hội chịu nhiều thiệt thòi này. Mục tiêu trong năm 2014 của quốc gia lớn nhất Mỹ La tinh này là sẽ không còn gia đình có thu nhập bình quân đầu người hàng tháng dưới 70 real (tương đương 30 USD). (Kim Phượng, 2013).
Chương trình Fome Zero nhắm đến các hộ nông dân nhỏ, cung cấp vốn và kỹ thuật giúp họ có thể nuôi trồng và cung ứng thức ăn cho chương trình quốc gia về bữa ăn cho học sinh trong nhà trường. Điều này vừa đảm bảo phát triển nông nghiệp, vừa giúp cải thiện chất lượng bữa ăn trong các trường học. (Thuận Hải, 2011).
Ông Ananias chủ trương thành lập các chợ ven đường, nơi nông dân có thể trực tiếp bày bán các sản phẩm vừa thu hoạch. Với cách làm này, họ có thể cải thiện được thu nhập do không phải chịu ép giá từ thương lái, phí vận chuyển...
Đồng thời, người dân Brazil có điều kiện mua được thức ăn ngon với giá rẻ hơn rất nhiều vì giá thực phẩm đã qua nhiều trung gian có thể tăng 100% so với giá ban đầu. Các siêu thị cũng phải đồng loạt niêm yết giá và bán với giá “mềm” hơn để thu hút nguồn khách hàng. Những nhà hàng bình dân cũng được khuyến khích phát triển. Do nguồn cung cấp thực phẩm tại địa phương, các nhà hàng bình dân này cung cấp được thức ăn tươi ngon nhưng phù hợp với túi tiền của nhiều đối tượng trong xã hội hơn.
Sự hỗ trợ của Fome Zero còn mang đến việc tiêm vắc-xin đều đặn cho trẻ em và giúp ngày càng nhiều trẻ em được đi học. Hoạt động trợ cấp thức ăn của chương trình này cũng góp phần cải thiện an ninh lương thực tại Brazil. Sự thành công ấn tượng của các chương trình phúc lợi xã hội, mà đi đầu là công tác xóa đói giảm nghèo đã tạo niềm tin lớn lao trong dân chúng Brazil và giúp Đảng công nhân tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo. (Thuận Hải, 2011).