Phần 2. Cơ sở lý luận và thực tiễn
2.1. Cơ sở lý luận
2.1.4. Nội dung nghiên cứu về sinh kế bền vững của hộ ngư dân ven biển
2.1.4.1. Nghiên cứu thực trạng sinh kế a. Môi trường dễ bị tổn ngư dân
Khi lựa chọn sinh kế khai thác hải sản, đồng nghĩa với việc ngư dân phải đối mặt với môi trường dễ bị tổn thương xảy ra bất thường, phức tạp. Những nhân tố dễ bị tổn thương này có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sinh kế của ngư dân, vượt quá tầm kiểm soát của ngư dân. Trong một số nghiên cứu (Geheb and Binns, 1997; Andersson and Ngazi, 1998; Sarch and Allison, 2001) đã chỉ ra một số nguyên nhân làm gia tăng tính tổn thương các cộng đồng làm nghề khai thác hải sản như giảm quần thể đàn cá do khai thác quá mức, thay đổi khí hậu, gia tăng áp lực đến việc sử dụng nguồn nước, đất đai, nguồn lợi ven biển, toàn cầu hóa...
b. Nguồn lực sinh kế của ngư dân
- Nguồn lực con người: Khi nghiên cứu vấn đề nguồn lực con người trong hoạt động sinh kế của ngư dân, những vấn đề chủ yếu cần chú ý đến là:
Sức khoẻ: Đặc điểm nghề khai thác hải sản là lao động nặng nhọc, thường xuyên phải đối mặt với rủi ro, nguy hiểm, đòi hỏi trước hết ngư dân phải có sức khỏe mới có thể theo nghề.
- Giới tính, độ tuổi lao động: Một đặc trưng rất rõ đối với hoạt động của ngư dân là phân chia công việc theo giới tính, độ tuổi. Phần lớn thanh niên nam giới có sức khoẻ là người trực tiếp đi biển đánh bắt hải sản, còn lại phụ nữ, trẻ em, người già tham gia các hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá, hoặc chế biến hay công việc khác trên bờ. Từ đó cần lưu ý đến việc cân đối cơ cấu nguồn nhân lực trong hoạt động sinh kế và cải thiện sinh kế của ngư dân.
- Trình độ học vấn: Có được trình độ học vấn tốt sẽ giúp ngư dân nhận thức và có ứng xử phù hợp trong giải quyết các vấn đề có liên quan đến giao tiếp cộng đồng, tổ chức khai thác hải sản cũng như thực hiện các quy định pháp luật và công ước quốc tế. Đây cũng là tiền đề quan trọng quyết định đến khả năng
tiếp cận, ứng dụng, sử dụng hiệu quả các sản phẩm khoa học, công nghệ tiên tiến trong khai thác, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm hải sản.
- Trình độ chuyên môn, kinh nghiệm khai thác: Trong thực tế, phần lớn ngư dân biết nghề và theo nghề đều được tiếp cận theo phương thức kiểu “cha truyền con nối”. Đây là những kiến thức, kinh nghiệm rất bổ ích cho ngư dân.
Tuy nhiên theo xu hướng phát triển, nghề khai thác hải sản, nhất là khai thác xa bờ, bên cạnh những kinh nghiệm truyền thống, ngư dân cần phải được đào tạo, tập huấn những kiến thức mới.
- Nguồn lực tự nhiên: Ngư trường khai thác là nơi tập trung nhiều các nguồn lợi hải sản sẵn có, là môi trường ngư dân tiến hành tổ chức khai thác hải sản. Trong thực tế, sự khai thác quá mức và tập trung nguồn lợi hải sản, đặc biệt là ven bờ đã làm cho nguồn lợi này bị cạn kiệt. Do điều kiện khó khăn, một số đối tượng ngư dân nghèo đã tiến hành các hoạt động khai thác quá mức hoặc sử dụng các hình thức khai thác huỷ diệt như dùng thuốc nổ, điện… làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi hải sản cũng như môi trường sinh thái.
Để sinh kế của ngư dân vùng ven biển bảo đảm tính bền vững, đối với nguồn lực tự nhiên, chúng ta không chỉ quan tâm đến vấn đề tiềm năng, nguồn lợi hải sản biển mà cần chú ý đến những vấn đề khác như điều kiện, lợi thế về nuôi trồng hải sản, hay dịch vụ hậu cần nghề cá, chế biến thủy sản… từ đó có định hướng giúp ngư dân tiếp cận được các nguồn lợi này, giảm áp lực khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi hải sản trong tương lai.
Nguồn lực xã hội:
Tuy sống ở vùng ven biển, điều kiện cơ sở hạ tầng thấp kém, hạn chế trong tiếp cận với các thông tin cũng như môi trường kinh tế xã hội vùng đô thị, thậm chí có những ngư dân thường cư trú và sinh hoạt ngay trên biển, nhưng họ vẫn có mối quan hệ chặt chẽ với cư dân vùng nội địa. Mối liên hệ ấy xuất phát trước hết từ nguồn gốc quan hệ anh em, ruột thịt, hoặc thông qua quan hệ kinh tế.
Hệ thống chợ làng, chợ khu vực và các mạng lưới kinh doanh buôn bán chính là cơ sở cho mối liên kết này. Tại đây thường xuyên diễn ra sự trao đổi những sản phẩm khai thác được của ngư dân ven biển với cư dân nội địa để lấy lương thực, thực phẩm và các vật dụng tiêu dùng khác (Nguyễn Dương Bình, 2005). Do vậy, khi nghiên cứu nguồn lực xã hội của ngư dân, cần chú ý phát hiện và đánh giá được kết quả, lợi ích từ các các mối quan hệ liên kết kinh tế giữa ngư dân với các
tổ chức, cá nhân có liên quan, thái độ và hành vi của ngư dân trong việc gìn giữ và phát triển các mối quan hệ đó.
Nguồn lực tài chính:
Thông thường, ở các vùng ven biển, đời sống của ngư dân khó khăn, thu nhập thấp dẫn đến khả năng tích luỹ tài chính bị hạn chế; việc tiếp cận các nguồn vốn từ ngân hàng, các tổ chức tín dụng… cũng có nhiều bất cập do không có tài sản thế chấp. Ngư dân đôi khi được tiếp cận các chương trình hỗ trợ, chính sách an sinh xã hội của Chính phủ, tuy nhiên những khoản tiền hỗ trợ này thường là rất nhỏ, không đủ để họ có thể thay đổi được cuộc sống. Hơn nữa quan niệm kiếm sống qua ngày đã hằn sâu trong tư duy của ngư dân, khiến cho họ luôn cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại, ít nghĩ đến các kế sách, chiến lược làm ăn lâu dài, quy mô lớn. Trong xu hướng phát triển, để đóng mới, cải hoán nâng cấp tàu thuyền khai thác, nhu cầu về nguồn lực tài chính của ngư dân là rất cao, do vậy trong quá trình nghiên cứu cần có phân tích, đánh giá được thực trạng cũng như khả năng tiếp cận nguồn lực này đối với ngư dân.
Nguồn lực vật chất:
Xuất phát từ nguồn tài chính khó khăn nên chỉ có một nhóm hộ gia đình ngư dân khá giả mới có điều kiện trang bị phương tiện tàu thuyền có công suất lớn, đủ điều kiện để tham gia khai thác, đánh bắt hải sản xa bờ với trang thiết bị tương đối an toàn, còn lại phần lớn ngư dân chỉ tham gia đánh bắt gần bờ với phương tiện thô sơ, công suất nhỏ. Ngoài phần tài sản do ngư dân đầu tư, thuộc sở hữu của ngư dân như tàu thuyền, trang thiết bị, phương tiện hàng hải và ngư cụ khai thác, nguồn lực vật chất của ngư dân còn có được là hệ thống cơ sở hạ tầng nghề cá như cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu thuyền và các cơ sở vật chất khác được xây dựng, hình thành từ đầu tư công hay huy động nguồn lực xã hội khác. Tuy nhiên, đối với vùng ven biển, đặc biệt là ở các nước đang phát triển như Việt Nam, điều kiện cơ sở hạ tầng cho hoạt động khai thác hải sản về cơ bản vẫn còn kém phát triển.
c. Các tổ chức, định chế, chính sách
Trong hoạt động sinh kế của mình, ngư dân thường chịu tác động bởi các tổ chức liên quan, chính sách và các định chế, luật lệ, quy định. Các hệ thống tổ chức, các chính sách và các định chế, luật lệ, quy định này chi phối tất cả các cấp, các ngành từ quy mô hộ gia đình cho đến quy mô quốc tế, ở tất cả các lĩnh vực tư nhân hay Nhà nước. Chúng quy định việc tiếp cận và sử dụng các nguồn
lực sinh kế của ngư dân. Các hệ thống tổ chức định chế xã hội không chỉ bao gồm các tổ chức pháp luật, các tổ chức Nhà nước mà còn bao gồm cả các tổ chức thương mại, dịch vụ của tư nhân và các hình thức hợp tác khác mà các định chế quy định của chúng cũng ảnh hưởng đến sinh kế ngư dân (ví dụ: hợp tác xã, tổ liên kết, tổ hợp tác…). Nếu không có các tổ chức phản lý Nhà nước, các luật lệ có thể sẽ không được tuân thủ, thi hành và các sai phạm sẽ không bị trừng phạt.
Nếu không có các tổ chức dịch vụ thương mại, mối liên hệ giữa người bán và người mua, giữa ngư dân và các tổ chức tiêu thụ hải sản sau khai thác sẽ bị hạn chế. Các tổ chức phát triển của Nhà nước hay các tổ chức phi chính phủ có thể giúp đỡ ngư dân trong việc hình thành các hình thức hợp tác trong cộng đồng nhằm giúp ngư dân có thể gia tăng nguồn lực xã hội của họ như việc tự thỏa thuận và đưa ra các chính sách và quy định cho chính họ trong việc quản lý, sử dụng và phát triển các nguồn lực sinh kế (Nguyễn Minh Đức, 2014).
Các định chế, cơ chế, chính sách ảnh hưởng trực tiếp đến các nguồn lực sinh kế và hiệu quả trong kết hợp và sử dụng nguồn lực sinh kế của ngư dân.
Việc thực hiện các chiến lược sinh kế và tạo ra kết quả sinh kế mong muốn không chỉ phụ thuộc vào Chính phủ với việc ban hành các chính sách, luật pháp mà còn là việc tổ chức thực hiện của các ngành chức năng và của cả xã hội, đặc biệt là cộng đồng ngư dân. Các tổ chức, định chế, chính sách là một hợp phần quan trọng trong khung phân tích sinh kế, vì nó không những tạo ra cơ hội giúp cho ngư dân thực hiện các mục tiêu đã xác định để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, mà còn tạo ra cơ hội cho ngư dân tăng cường khả năng ứng phó, giảm thiểu các tổn thương và sử dụng nguồn lực sinh kế một cách hợp lý, bền vững.
d. Chiến lược sinh kế của ngư dân
Với những nguồn lực sinh kế có sẵn, trong một môi trường dễ bị tổn thương, và môi trường thể chế, chính sách, sự quản lý của các cấp chính quyền, ngành chức năng, ngư dân có thể lựa chọn và thực hiện chiến lược sinh kế của mình.
- Chiến lược lựa chọn phương thức kiếm sống
Căn cứ vào thực tế nguồn lực tài chính của mình, ngư dân có thể lựa chọn phương thức kiếm sống cho mình bằng cách đầu tư tài chính đề mua sắm tàu khai thác hay đi làm thuê. Đối với ngư dân có điều kiện tài chính đầu tư mua sắm tàu thuyền khai thác, phần lớn đều xác định đó là phương tiện kiếm sống của mình, nó gắn liền với hoạt động sinh kế của chính ngư dân đó. Tuy nhiên, trong một số trường hợp vì lý do như tuổi cao, sức khỏe không bảo đảm nên ngư dân có tàu
thuyền phải cho ngư dân khác thuê lại, hoặc thuê lao động để tổ chức khai thác.
Trong trường hợp này, họ phải đi thuê toàn bộ lao động từ thuyền trưởng đến thuyền viên. Đối với ngư dân không có điều kiện tài chính, họ thường có lựa chọn hoặc là thuê lại tàu để tự tổ chức khai thác, hoặc đi làm thuê cho các chủ tàu.
- Chiến lược lựa chọn vùng biển khai thác hải sản
Theo quy định trong quản lý hoạt động khai thác thủy sản (Chính phủ, 2010), chỉ với tàu công suất từ 90CV trở lên mới được phép khai thác ở vùng biển xa bờ (vùng biển cả); với tàu có công suất dưới 90CV chỉ được khai thác tại các vùng biển gần bờ (vùng biển ven bờ, vùng lộng, vùng khơi). Hai yếu tố quan trong quyết định đến lựa chọn chiến lược là năng lực, kinh nghiệm khai thác và tiềm lực tài chính. Đối với ngư dân là lao động làm thuê cũng được chia ra thành các nhóm, nhóm làm việc trên các tàu xa bờ và nhóm làm việc trên tàu gần bờ.
Họ được các chủ tàu thuê ở các vị trí tàu khác nhau tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, trình độ chuyên môn của ngư dân.
- Chiến lược lựa chọn nghề khai thác hải sản
Theo nghề truyền thống, ở mỗi địa phương, ngư dân thường lựa chọn nghề khai thác khác nhau, điều này phụ thuộc chủ yếu vào kinh nghiệm khai thác và vùng biển ngư dân tiến hành hoạt động khai thác. Việc chuyển đổi sang nghề khai thác hải sản khác với nghề truyền thống chỉ có hiệu quả khi ngư dân được trang bị đủ về kiến thức của nghề đó cũng như nguồn lực vật chất, phương tiện khai thác bảo đảm điều kiện cho ngư dân khai thác tại các vùng biển tương ứng với nghề khai thác đó.
- Chiến lược làm thêm nghề khác
Ngoài khai thác hải sản là chính, nhiều ngư dân đã tìm cách tăng thêm thu nhập bằng cách tìm kiếm nghề làm thêm. Một số nghề làm thêm mà ngư dân thường lựa chọn như như nuôi trồng hải sản, dịch vụ hậu cần, du lịch hay sản xuất nông nghiệp. Mức độ tham gia làm thên những nghề này phụ thuộc vào đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội của địa phương, năng lực, trình độ, khả năng tài chính hay các mối quan hệ của ngư dân.
e. Kết quả sinh kế của ngư dân
Kết quả sinh kế là đầu ra của mỗi chiến lược sinh kế mà ngư dân đã lựa chọn. điều kiện để thực hiện mỗi chiến lược sinh kế là khác nhau dẫn đến các kết quả sinh kế ít nhiều có sự khác biệt. Việc nghiên cứu, so sánh kết quả nghiên cứu
của các chiến lược sinh kế giúp cho ngư dân và các nhà hoạch định chính sách thấy được sự cần thiết phải giúp ngư dân cải thiện các chiến lược sinh kế, bảo đảm ngư dân có được kết quả sinh kế tốt nhất, đồng thời đáp ứng được các mục tiêu phát triển bền vững trong cả hiện tại và tương lai.
2.1.4.2. Nghiên cứu giải pháp cải thiện sinh kế
Nhằm bảo đảm tính bền vững trong phát triển sinh kế; từ thực trạng môi trường dễ bị tổn thương, các nguồn lực sinh kế, các tổ chức, định chế, chính sách và các chiến lược sinh kế hiện tại của ngư dân, cải thiện sinh kế trong khai thác hải sản đối với ngư dân được dựa trên việc nghiên cứu những vấn đề cụ thể sau:
- Cải thiện môi trường dễ bị tổn thương: Nghiên cứu cải thiện được môi trường dễ bị tổn thương đối với ngư dân được tập trung theo hai hướng cơ bản:
Một là, giải quyết nguyên nhân gây ra những tổn thương cho ngư dân; Hai là, tăng cường biện pháp nâng cao năng lực cho ngư dân trước những tác động tiêu cực từ môi trường dễ bị tổn thương. Do ngư dân là rất nhỏ bé trước môi trường dễ bị tổn thương, nên các giải pháp cải thiện chủ yếu thường đi theo hướng thứ hai là nâng cao năng lực và sự hiểu biết cho ngư dân, hỗ trợ ngư dân để họ sớm nhận biết và chủ động phòng tránh hay thích ứng, giảm nhẹ những rủi do, thiệt hại do môi trường dễ bị tổn thương gây lên. Trong những trường hợp này, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và vai trò quản lý của Nhà nước có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là đối với các nước đang phát triển.
- Cải thiện các nguồn lực sinh kế: Có hai yếu tố quan trọng quyết định đến việc cải thiện các nguồn lực sinh kế cần tập trung nghiên cứu, bao gồm: (i) yếu tố nội lực, thể hiện năng lực, trình độ, kinh nghiệm khai thác, sự hiểu biết, tiềm lực tài chính, uy tín xã hội… của ngư dân; (ii) Yếu tố ngoại lực như chính sách đầu tư, hỗ trợ tài chính, tín dụng, đào tạo... của Nhà nước; công tác đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho ngư dân; sự tham gia, vai trò hoạt động của các tổ chức chính quyền, đoàn thể... Cụ thể, với cải thiện nguồn lực con người, vấn đề chính cần tập trung nghiên cứu là sự tham gia của ngư dân và chất lượng công tác đào tạo nghề, chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ; với cải thiện nguồn lực vật chất, là việc bố trí, huy động nguồn lực đầu tư để xây dựng các công trình hạ tầng nghề cá của Nhà nước, xã hội hóa và cơ chế, chính sách khuyến khích ngư dân đầu tư nâng cấp chất lượng tàu thuyền, ngư cụ, trang thiết bị phục vụ khai thác…; với cải thiện nguồn lực tài chính, cần chú ý đến khả năng tích lũy, huy động tài chính của ngư dân, các chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng