Phần 2. Cơ sở lý luận và thực tiễn
2.2. Cơ sở thực tiễn
2.2.4. Các công trình nghiên cứu có liên quan
Đề tài “Sinh kế bền vững cho các khu bảo tồn biển Việt Nam” (2007) của các tác giả Angus McEwin; Nguyễn Tố Uyên; Thâm Ngọc Diệp; Hà Minh Trí.
Đề tài được tiến hành trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đang xúc tiến một kế hoạch quan trọng nhằm thiết lập mạng lưới các khu bảo tồn biển giúp bảo tồn đa dạng sinh học biển và đảm bảo tốt hơn việc sử dụng bền vững tài nguyên biển trong tương lai. Dưới sự phối hợp giữa Quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên và các cán bộ Hợp phần sinh kế bền vững cho các khu bảo tồn biển thuộc Bộ Thủy sản (trước kia) nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề tài đã xây dựng một kế hoạch sinh kế bền vững vừa mang tính hệ thống vừa có khả năng thích nghi, thiết thực và có thể áp dụng tại các khu bảo tồn biển. Những kết quả đạt được của nghiên cứu này là đánh giá các bài học kinh nghiệm về hoạt động sinh kế thay thế tại Việt Nam; đánh giá và xác định nguyên nhân sâu xa gây nên tính dễ bị tổn thương của các cộng đồng tại khu bảo tồn biển, xác định các ưu tiên cho việc hỗ trợ nhằm giảm tính dễ bị tổn thương theo quan điểm cộng đồng; đưa ra các khuyến nghị nhằm xây dựng phương pháp chuẩn cho việc đánh giá, giám định các đề xuất dự án nghề nghiệp và sinh kế thay thế từ phía các khu bảo tồn biển trong đó bao gồm các khuyến nghị về loại hình hoạt động sinh kế thay thế nào là phù hợp, khả thi nhất; lời khuyên về xây dựng chương trình tín dụng; các tiêu chí để lựa chọn và đánh giá các dự án.
Đề tài “Sinh kế của người dân ven biển ở xã Ngư Nam, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình của tác giả Nguyễn Văn Phát, Trương Tấn Quân, Lê Văn Bính, trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế nhằm phân tích sinh kế của người dân ở tỉnh Quảng Bình thông qua nghiên cứu xã Ngư Nam trong quá trình chuyển đổi sinh kế. Việc tiếp cận sinh kế của người dân dựa vào thị trường và chuỗi cung của sản phẩm khai thác. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự phát triển của CSHT đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự thay đổi sinh kế của người dân theo định hướng thương mại và chuỗi cung phát triển vẫn chủ yếu tập trung vào đầu ra hơn là chuỗi cung đầu vào. Như vậy, sự phát triển về cơ sở hạ tầng của thị trường và sự phát triển của các chuỗi cung đã mang lại cơ hội cải thiện một cách đáng kể sinh kế của người dân ven biển.
Nghiên cứu “Sinh kế của ngư dân thị trấn Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị trong quá trình phát triển khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo” của tác giả Mai Văn Xuân, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế và tác giả Hồ Văn Minh, Trường Nguyễn Chí Thanh, Thừa Thiên Huế. Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo (SECA) được thành lập năm 1998, góp phần khai thác tiềm năng và lợi thế về giao lưu phát triển kinh tế - thương mại của Việt Nam trên hành lang kinh
tế Đông – Tây. SECA đã có những ảnh hưởng tích cực đến sinh kế của người dân, góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập, thúc đẩy nhu cầu học tập và cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của dân cư trong vùng. Tuy nhiên, SECA cũng có những tác động tiêu cực đến hoạt động sinh kế của người dân như môi trường bị ô nhiễm, tệ nạn xã hội có xu hướng gia tăng, có sự phân hóa giàu nghèo trong cộng đồng. Nghiên cứu này đã đánh giá, phân tích tác động của SECA đến thay đổi sinh kế và phúc lợi của người dân địa phương, đồng thời cũng chỉ ra rằng để cải thiện sinh kế của người dân tốt hơn cần phải thực hiện một số vấn đề cơ bản sau: đào tạo nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, khả năng tiếp cận thông tin cho người lao động địa phương để giúp họ có cơ hội tìm được việc làm tại các cơ sở kinh doanh ở khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo; kết hợp chặt chẽ giữa sản xuất nông nghiệp với các hoạt động phi nông nghiệp nhằm đa dạng hóa nguồn thu nhập và giảm thiểu những rủi ro cho các hộ dân; kiểm soát chặt chẽ các hoạt động gây ô nhiễm môi trường, nâng cao nhận thức của người dân tộc đặc biệt là thanh niên nhằm hạn chế các tệ nạn xã hội trên địa bàn.
Nguyễn Đăng Hào đã nghiên cứu về “Sự thay đổi trong chiến lược sinh kế và thu nhập của các nông hộ vùng cát ven biển tỉnh thừa Thiên Huế, giai đoạn 2003-2008”. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng chiến lược sinh kế hết sức đa dạng và có sự khác biệt lớn giũa các điểm nghiên cứu và giữa các nhóm hộ.
Ngoài ra có rất nhiều đề tài nghiên cứu về sinh kế nhưng chủ yếu là nghiên cứu sinh kế của nông dân và những người nghèo hoặc tái định cư. Trong bối cảnh Việt Nam xác định kinh tế biển sẽ trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, cùng với đó là hàng loạt các vấn đề đang đặt ra đó là biến đổi khí hậu, nguồn lợi hải sản ngày càng cạn kiệt đã khiến cho ngư dân và sinh kế của họ dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết. Chính vì vậy, việc nghiên cứu lĩnh vực
“sinh kế bền vững cho các hộ ngư dân ven biển thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An”
nhằm đề xuất những giải pháp cải thiện sinh kế cho người dân địa phương.