Những khái niệm cơ bản sử dụng trong nghiên cứu

Một phần của tài liệu Giải pháp phát triển nuôi cá lồng trên sông đuống ở huyện gia bình tỉnh bắc ninh (Trang 20 - 23)

PHẦN 2. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ PHÁT TRIỂN NUÔI CÁ LỒNG TRÊN SÔNG

2.1. CƠ SỞ LÝ LUẬN

2.1.1. Những khái niệm cơ bản sử dụng trong nghiên cứu

Hiện nay, có nhiều quan điểm khác nhau về sự phát triển:

Theo Từ điển Tiếng Việt (2010), “phát triển” được hiểu là quá trình vận động, tiến triển theo hướng tăng lên, ví dụ phát triển kinh tế, phát triển văn hoá, phát triển xã hội…

Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam (2005) thì “phát triển” là phạm trù triết học chỉ ra tính chất của những biến đổi đang diễn ra trong thế giới. Phát triển là một thuộc tính của vật chất. Mọi sự vật và hiện tượng của hiện thực không tồn tại trong trạng thái khác nhau từ khi xuất hiện đến lúc tiêu vong… nguồn gốc của phát triển là sự thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập.

Phát triển được hiểu là một phạm trù triết học dùng để chỉ quá trình vận động tiến lên từ thấp tới cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện hơn của sự vật. Quá trình đó diễn ra vừa dần dần vừa nhảy vọt, đưa tới sự ra đời của cái mới thay thế cái cũ. Quan điểm này cũng cho rằng, sự phát triển là kết quả của quá trình thay đổi dần về lượng dẫn đến sự thay đổi về chất, là quá trình diễn ra theo đường xoáy ốc và hết mỗi chu kỳ sự lặp lại dường như sự vật ban đầu nhưng ở cấp độ cao hơn (Nguyễn Ngọc Long và Nguyễn Hữu Vui, 2010).

Hiện nay, mọi quốc gia đều phấn đấu vì mục tiêu phát triển và trải qua thời gian khái niệm về phát triển cũng đã đi đến thống nhất. Phát triển kinh tế được hiểu là quá trình tăng tiến về mọi mặt của nền kinh tế trong một thời kỳ nhất định trong đó bao gồm cả sự tăng thêm về quy mô sản lượng và sự tiến bộ về cơ cấu kinh tế xã hội. Đó là sự tiến bộ thịnh vượng và cuộc sống tốt đẹp hơn.

Phát triển kinh tế là một khái niệm chung nhất về một sự chuyển biến của nền kinh tế, từ một trạng thái thấp nên một trạng thái cao hơn. Do vậy không có tiêu chuẩn chung về sự phát triển. Để nói lên trình độ phát triển cao, thấp khác nhau giữa các nền kinh tế trong mỗi thời kỳ, các nhà kinh tế học phân quá trình đó ra các nấc thang: kém phát triển, đang phát triển và phát triển,... gắn với các

nấc thang đó là những giá trị nhất định, mà hiện tại chưa có cơ sở thống nhất hoàn toàn. Trong chiến lược phát triển kinh tế có thể nhấn mạnh vào tăng trưởng tức là tăng thu nhập, nhấn mạnh vào công bằng và bình đẳng trong xã hội hoặc nhấn mạnh phát triển toàn diện, tức là vừa nhấn mạnh về số lượng vừa chú ý về chất lượng của sự phát triển. Tăng trưởng kinh tế phải gắn với mục tiêu công bằng và sự tiến bộ xã hội. Trong thực tế, phát triển kinh tế phải kết hợp hài hoà với phát triển kinh tế xã hội, tăng trưởng kinh tế phải hài hoà với công bằng và tiến bộ xã hội, đời sống vật chất và đời sống tinh thần của nhân dân. Tăng trưởng kinh tế là tiền đề vật chất hỗ trợ cho việc thực hiện công bằng xã hội, ngược lại công bằng xã hội tạo ra động lực vững chắc để thúc đẩy kinh tế. Hiệu quả kinh tế phải gắn với hiệu quả xã hội thành hiệu quả kinh tế - xã hội. Nó là tiêu chuẩn quan trọng của sự phát triển nền kinh tế. (Phạm Thị Thanh Hoa, 2015).

Như vậy, phát triển là trong đó bao gồm cả sự tăng thêm về quy mô, số lượng cũng như sự thay đổi cấu trúc theo chiều hướng tiến bộ của nền kinh tế và việc nâng cao chất lượng của sản phẩm để đạt đến mục đích cuối cùng đó là tăng hiệu quả kinh tế.

2.1.1.2. Khái niệm nuôi trồng thủy sản

Thuật ngữ "nuôi trồng thuỷ sản" được sử dụng tương đối rộng rãi để chỉ tất cả các hình thức nuôi trồng động thực vật thuỷ sinh ở các môi trường nước ngọt, lợ và mặn.

Nuôi trồng thủy sản là tác động của con người vào ít nhất một giai đoạn trong chu kỳ sinh trưởng, phát triển của đối tượng nuôi trồng nhằm tăng tỷ lệ sống, tốc độ sinh trưởng cho chúng nhằm đạt được hiệu quả kinh tế cao nhất trong thời gian ngắn nhất.

Phát triển NTTS: Là một quá trình lớn lên (hay tăng tiến) về mọi mặt của nuôi trồng thuỷ sản trong một thời kỳ nhất định. Trong đó bao gồm cả sự tăng trưởng thêm về quy mô sản lượng (tăng trưởng) và sự tiến bộ về cơ cấu sản xuất nuôi trồng thuỷ sản. (Trần Minh Kiểm, 2014).

Phát triển NTTS bền vững: Là sự đáp ứng ngày càng tốt hơn nuôi thuỷ sản hiện tại nhưng không làm mất đi khả năng đáp ứng ngày càng cao về phát triển nuôi thuỷ sản của thế hệ tương lai. (Trần Minh Kiểm, 2014).

Theo Vũ Đình Thắng và Nguyễn Viết Trung (2005), NTTS là một bộ phận sản xuất có tính nông nghiệp nhằm duy trì bổ sung, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản. Các sản phẩm thủy sản được cung cấp cho các hoạt động tiêu dùng và

chế biến xuất khẩu. Hoạt động NTTS diễn ra trên nhiều loại hình mặt nước với nhiều chủng loại khác nhau, bên cạnh sự phát triển của khoa học kỹ thuật phục vụ cho hoạt động NTTS.

2.1.1.3. Các hình thức nuôi cá

Theo Vũ Đình Thắng và Nguyễn Viết Trung (2005), nuôi cá có thể phân thành các hình thức nuôi sau:

a. Nuôi quảng canh truyền thống

Đây là hình thức nuôi cá sơ khai nhất, trong đó con giống, thức ăn dựa hoàn toàn vào tự nhiên, không thả thêm giống nhân tạo và không cho ăn thêm, không đòi hỏi kỹ thuật hay trang thiết bị. Điều kiện tự nhiên khác nhau sẽ có những loài cá khác nhau. Người nuôi chỉ đắp đê khoanh khu vực nuôi thành những ao đầm có diện tích khá lớn rồi lợi dụng nước thủy triều để lấy giống và thức ăn cho vào ao. Hình thức nuôi này có kỹ thuật chăm sóc, quản lý rất đơn giản, gần như phó mặc cho tự nhiên.

Nuôi cá theo hình thức này năng suất rất thấp và hoàn toàn phù hợp với điều kiện tự nhiên, nó chỉ thích hợp với những người sản xuất ít vốn. Đây là hình thức khá phổ biến của ngư dân nghèo vùng đầm phà ven biển giai đoạn trước năm 2000.

b. Nuôi quảng canh cải tiến

Là hình thức nuôi dựa trên nền tảng của nuôi quảng canh truyền thống nhưng có bổ sung thêm giống và thức ăn. Với hình thức nuôi này người nuôi có thể thay nước theo thuỷ triều và có thể trang bị thêm máy bơm để chủ động trong việc điều chỉnh mức nước.

Hình thức nuôi này tuy năng suất không cao nhưng phẩm chất cá tốt vì thế rất được nhiều hộ gia đình vùng đầm phá ven biển ưa chuộng và hiện nay hình thức này chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng số diện tích nuôi cá vùng đầm phá ven biển ở nước ta và do phải đầu tư thêm trong quá trình nuôi nên diện tích các đầm nuôi thường nhỏ hơn.

c. Nuôi bán thâm canh

Là hình thức có áp dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong quá trình sản xuất con giống, sản xuất thức ăn như quản lý và chăm sóc hàng ngày. Nuôi bán thâm canh đòi hỏi đầu tư vốn lớn, người nuôi phải am hiểu về kỹ thuật nuôi và có kinh nghiệm trong việc tổ chức quản lý đối tượng nuôi trồng. Đây là hình thức nuôi được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam hiện nay vì nó phù hợp với khả năng đầu tư cũng như kiến thức nuôi của người dân.

d. Nuôi thâm canh

Là hình thức nuôi đòi hỏi phải cung cấp hoàn toàn về giống nhân tạo và thức ăn công nghiệp, mật độ con giống cao, các yêu cầu về kỹ thuật, môi trường nước gần như đảm bảo tuyệt đối, tối ưu theo yêu cầu kỹ thuật. Vì vậy, người nuôi cá phải có trình độ chuyên môn cao, trang thiết bị cơ sở vật chất hiện đại và vốn đầu tư nhiều. Đây là hình thức nuôi chủ yếu của các doanh nghiệp, trang trại có vốn lớn. Hình thức nuôi này cho năng suất cao, sản phẩm hàng hoá lớn. Tuy nhiên, nếu nuôi theo hình thức này có thể gây nên suy thoái môi trường, tài nguyên và có nhiều rủi ro.

Một phần của tài liệu Giải pháp phát triển nuôi cá lồng trên sông đuống ở huyện gia bình tỉnh bắc ninh (Trang 20 - 23)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)