PHẦN 2. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ PHÁT TRIỂN NUÔI CÁ LỒNG TRÊN SÔNG
2.1. CƠ SỞ LÝ LUẬN
2.1.5. Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển nuôi cá lồng
Có thể thấy sự phát triển của nuôi cá lồng chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố tác động khác nhau. Tuy nhiên phải thấy rõ yếu tố nào là chủ yếu cần được nhấn mạnh thì kết quả sản xuất sẽ đạt kết quả, hiệu quả cao hơn.
2.1.5.1. Đặc điểm của các hộ nuôi
Hiện nay, nuôi cá lồng trên sông không phải là mới đối với các hộ dân. Tuy nhiên, các hộ dân còn nuôi theo hình thức tự phát, ít kinh nghiệm, chưa đầu tư nhiều nên hiệu quả kinh tế không cao. Các hộ dân còn hạn chế về nguồn vốn đầu tư, số lượng lồng cá còn ít và chăm sóc quản lý cá lồng còn gặp nhiều khó khăn và ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng cá nuôi lồng.
Trình độ, kinh nghiệm cũng như điều kiện kinh tế của các hộ nuôi cá có ảnh hưởng lớn đến quá trình NTTS nói chung và kết quả của việc chăn nuôi cá nói riêng.
a. Trình độ, kinh nghiệm của hộ nuôi
Đối với các hộ nuôi cá lồng cần có hiểu biết căn bản về các công việc trong toàn bộ quy trình nuôi cá lồng bè. Cụ thể, từ khâu chuẩn bị lồng cá; chọn, thả cá giống; chăm sóc, quản lý môi trường, lồng nuôi; phòng, trị bệnh cho cá nuôi đến thu hoạch và tiêu thụ cá thương phẩm.
Bên cạnh đó, các hộ nuôi cá còn cần có trách nhiệm thực hiện nuôi cá vùng quy hoạch và tuân thủ quy trình kỹ thuật; có trách nhiệm với sản phẩm làm ra, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái; đảm bảo an toàn lao động.
Để nuôi cá đạt hiệu quả cao nhất, bên cạnh trình độ còn cần có kinh nghiệm, hiểu biết thực tế về nuôi cá nói chung và nuôi cá lồng nói riêng. Trong đó, một số kinh nghiệm trong nuôi cá lồng như chọn và thả cá giống đúng yêu cầu; Chăm sóc cá, quản lý được muôi trường và lồng nuôi; Có khả năng phát hiện và điều trị một số bệnh thông thường trên cá nuôi; Xác định thời điểm thu hoạch cá nhằm đảm bảo chất lượng và đem lại hiệu quả kinh tế tối đa.
b. Kinh tế hộ nuôi
Điều kiện kinh tế của các hộ nuôi cá là nền tảng cơ bản, vững vàng cho phát triển nuôi cá lồng của cá hộ nuôi. Các hộ nuôi càng chủ động được về kinh tế thì phát triển nuôi cá lồng càng có điều kiện phát triển và mở rộng.
2.1.5.2. Năng lực công tác khuyến nông, khuyến ngư
Nông nghiệp gắn liền với công tác tuyên truyền tập huấn hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cùng với sự tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng các hình thức mới vào sản xuất thì việc bồi dưỡng, tập huấn và truyền nghề cho người sản xuất để nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất, quản lý kinh tế trong nông nghiệp nói chung và ngành thuỷ sản nói riêng hết sức quan trọng. Nó giúp cho người sản xuất biết về đường lối chủ trương chính sách của Đảng cũng như sự hỗ trợ mà Đảng và nhà nước quan tâm.
Cần chú trọng bồi dưỡng, tập huấn và truyền nghề cho người sản xuất. Đặc biệt qua công tác xây dựng mô hình trình diễn về tiến bộ khoa học công nghệ hay xây dựng mô hình công nghê cao trong lĩnh vực thủy sản.
Tổ chức khuyến nông khuyến ngư các cấp cần có biện pháp, nhằm khuyến khích, tạo điều kiện để thực hiện các nội dung hoạt động khuyến nông, khuyến ngư đến người dân.
2.1.5.3. Thị trường đầu vào, đầu ra sản phẩm
Thủy sản là 1 ngành sản xuất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, sản phẩm thủy sản là một mặt hàng vô cùng thân thuộc không chỉ đối với người dân Việt Nam mà còn là một phần tất yếu trong mỗi bữa ăn của người dân các nước khác trên thế giới. Chính vì vậy mà việc làm thế nào để phát triển ngành thủy sản không chỉ là công việc của những nhà nghiên cứu kinh tế, mà còn là mối quan tâm chung của cả cộng đồng.
Thị trường đầu ra của sản phẩm chính là bộ mặt, là thước đo đánh giá sự phát triển của ngành nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi cá lồng nói riêng.
Mọi yếu tố đầu vào và đầu ra của sản xuất hàng hóa đều thực hiện được việc bán- mua; hoạt động mua và bán là hoạt động lớn nhất, bao trùm nhất của thị trường.
Trong nền kinh tế thị trường phát triển, mọi yếu tố đầu vào cho sản xuất và đầu ra sản phẩm chủ yếu đều được tiền tệ hóa thì hoạt động mua và bán là cơ sở quan trọng quyết định của các mối quan hệ kinh tế giữa các chủ thể kinh tế.
Do đặc điểm của chế biến, sản xuất, chế biến và tiêu dùng hàng thủy sản, thị trường đầu ra cho sản phẩm thủy sản là một thị trường đa cấp.
a. Đầu vào của sản phẩm
Yếu tố đầu vào của sản phẩm gồm nhiều yếu tố quyết định chi phí đầu tư trong phát triển nuôi cá lồng.
Vốn là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để người dân có thể đầu tư, phát triển, mở rộng quy mô nuôi cá lồng. Nhu cầu vay vốn của các hộ nuôi cá lồng là rất lớn.
Vốn là một yếu tố rất quan trọng đóng góp vào sự phát triển và tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt với điều kiện của tỉnh Bắc Ninh, vốn đầu tư ngày càng đóng vai trò quan trọng, tuy nhiên vẫn thường xuyên trong tình trạng thiếu hụt.
Đặc biệt với phát triển nuôi cá lồng huyện Gia Bình, vốn là một trong những yếu tố đống góp vào sự thành công trong nuôi cá của huyện. Vì vậy, cần chú trọng, quan tâm và tìm mọi biện pháp để thu hút vốn, đẩy mạnh phát triển kinh tế.
Vốn đầu tư sản xuất là toàn bộ các khoản cho phí nhằm duy trì hoặc gia tăng mức vốn sản xuất. Vốn đầu tư sản xuất được chia thành vốn đầu tư vào tài sản lưu động. Đến lượt mình, vốn đầu tư vào tài sản cố định lại chia thành vốn đầu tư cơ bản và vốn đầu tư sửa chữa lớn. Vốn đầu tư cơ bản làm tăng khối lượng thực thể của tài sản cố định, bảo đảm bù đắp số tài sản cố định bị hao mòn và tăng thêm phần xây lắp dở dang. Còn vốn sửa chữa lớn không làm tăng khối
lượng thực thể của tài sản, do đó nó không có trong thành phần của vốn đầu tư cơ bản. Nhưng vai trò của vốn sửa chữa lớn tài sản cố định cũng giống như vai trò kinh tế của vốn đầu tư cơ bản và nhằm đảm bảo thay thế tài sản hư hỏng.
Thức ăn và yếu tố đầu vào cho nuôi cá lồng.
Để đối tượng nuôi phát triển nhanh cần lựa chọn thức ăn phù hợp với đặc tính của loài nuôi.
Lượng thức ăn được điều chỉnh theo trọng lượng cá nuôi tránh tình trạng dư thừa ảnh hưởng đến môi trường cũng như hiệu quả kinh tế. Cứ 10 ngày kiểm tra tốc độ sinh trưởng cá 1 lần trên cơ sở đó ước lượng được khối lượng cá trong ao.
b. Đầu ra của sản phẩm
Tiêu thụ sản phẩm là giai đoạn cuối cùng của quá trình sản xuất kinh doanh, là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Tiêu thụ sản phẩm là thực hiện mục đích của sản xuất hàng hoá, là đưa sản phẩm từ nơi sản xuất tới nơi tiêu dùng. Nó là khâu lưu thông hàng hoá, là cầu nối trung gian giữa một bên là sản xuất và phân phối và một bên là tiêu dùng.
Thích ứng với mỗi cơ chế quản lý, công tác tiêu thụ sản phẩm được quản lý bằng các hình thức khác nhau.
Trong nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp phải tự mình quyết định ba vấn đề quan trọng của sản xuất nên việc tiêu thụ sản phẩm cần được hiểu theo cả nghĩa rộng và cả nghĩa hẹp. Theo nghĩa rộng, tiêu thụ sản phẩm là một quá trình kinh tế bao gồm nhiều khâu từ việc nghiên cứu thị trường, xác định nhu cầu khách hàng, đặt hàng và tổ chức sản xuất đến việc tổ chức các nghiệp vụ tiêu thụ, xúc tiến bán hàng… nhằm mục đích đạt hiệu quả cao nhất.
Theo nghĩa hẹp, tiêu thụ hàng hoá, lao vụ, dịch vụ là việc chuyển dịch quyền sở hữu sản phẩm hàng hoá, lao vụ, dịch vụ đã thực hiện cho khách hàng đồng thời thu được tiền hàng hoá hoặc được quyền thu tiền bán hàng.
Vai trò của tiêu thụ đối với hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và nuôi cá lồng nói riêng:
Tiêu thụ sản phẩm đóng vai trò quan trọng, quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Khi sản phẩm của doanh nghiệp được tiêu thụ, tức là nó đã được người tiêu dùng chấp nhận. Sức tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp thể hiện ở mức bán ra, uy tín của doanh nghiệp, chất lượng của sản phẩm, sự thích ứng với nhu cầu của người tiêu dùng và sự hoàn thiện của các hoạt động dịch vụ.
Nói cách khác tiêu thụ sản phẩm phản ánh đầy đủ điểm mạnh điểm yếu của doanh nghiệp.
Tiêu thụ sản phẩm là căn cứ để lập ra kế hoạch sản xuất cái gì, sản xuất với khối lượng bao nhiêu, chất lượng như thế nào. Nếu không căn cứ vào sức tiêu thụ trên thị trường mà sản xuất ồ ạt, không tính đến khả năng tiêu thụ sẽ dẫn đến tình trạng ế thừa, tồn đọng sản phẩm, gây ra sự đình trệ trong sản xuất kinh doanh, dẫn đến nguy cơ phá sản. Ngoài ra tiêu thụ sản phẩm quyết định khâu cung ứng đầu vào thông qua sản xuất.
Hoạt động tiêu thụ sản phẩm có ý nghĩa quyết định đối với các hoạt động nghiệp vụ khác của doanh nghiệp như: Nghiên cứu thị trường, đầu tư mua sắm trang thiết bị, tài sản, tổ chức sản xuất, tổ chức lưu thông, dịch vụ… Nếu không tiêu thụ được sản phẩm thì không thể thực hiện được quá trình tái sản xuất, bởi vì doanh nghiệp sẽ không có vốn để thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh kể trên.
Tiêu thụ sản phẩm giúp doanh nghiệp thu hồi được vốn, bù đắp chi phí và có lãi. Nó giúp cho doanh nghiệp có các nguồn lực cần thiết để thực hiện quá trình tái sản xuất tiếp theo, công tác tiêu thụ được tổ chức tốt sẽ là động lực thúc đẩy sản xuất và là yếu tố tăng nhanh vòng quay của vốn. Bởi vậy tiêu thụ sản phẩm càng được tiến hành tốt bao nhiêu thì chu kỳ sản xuất kình doanh càng ngắn bấy nhiêu, vòng quay vốn càng nhanh, hiệu quả sử dụng vốn càng cao.
Lợi nhuận là mục đích quan trọng nhất trong toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh. Lợi nhuận là nguồn bổ sung các quỹ của doanh nghiệp trên cơ sở đó các doanh nghiệp có điều kiện đầu tư máy móc, thiết bị, xây dựng mới từng bước mở rộng và phát triển quy mô của doanh nghiệp. Lợi nhuận còn để kích thích vật chất khuyến khích người lao động, điều hoà lợi ích chung và lợi ích riêng, khai thác sử dụng các tiềm năng của doanh nghiệp một cách triệt để.
Như vậy để có lợi nhuận cao ngoài các biện pháp giảm chi phí sản xuất doanh nghiệp, các hộ nuôi còn phải đẩy mạnh công tác tiêu thụ sản phẩm, tăng khối lượng hàng hoá luân chuyển, tăng doanh thu bán hàng. Tốc độ tiêu thụ sản phẩm càng cao thì thời gian sản phẩm nằm trong khâu lưu thông càng giảm điều đó có nghĩa là sẽ giảm được chi phí lưu thông, giảm chi phí luân chuyển, tồn kho, bảo quản, hao hụt, mất mát… Tạo điều kiện cho doanh nghiệp, các hộ nuôi hạ giá thành sản phẩm và giá bán, tăng sức cạnh tranh và đảm bảo mức lợi nhuận dự kiến.
Giá trị sản xuất ngành thuỷ sản: Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh toàn bộ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh mà ngành thuỷ sản tạo ra trong một thời gian nhất định.
Các hoạt động thuộc ngành thuỷ sản bao gồm nuôi trồng và đánh bắt thuỷ hải sản (không bao gồm mò và bắt thuỷ sản của nông dân) như cá, tôm, ba ba, ếch, lươn, trai lấy ngọc, rong, rau câu (đặc sản ) . . .
2.1.5.4. Chính sách
Hệ thống chính sách và công tác quản lý là nhân tố hết sức quan trọng đối với sự phát triển. Không chỉ riêng với ngành thủy sản mà tất cả các ngành, hoạt động sản xuất đều dựa trên cơ chế thị trường. Các chính sách luôn là yếu tố quyết định cho sự phát triển. Đặc biệt, phát triển nuôi cá lồng phụ thuộc lớn vào nhiều chính sách của Nhà nước và cơ chế của từng địa phương cụ thể. Chủ trương, chính sách đúng đắn sẽ tạo sự tin tưởng cho hộ nuôi cá lồng yên tâm đầu tư, đem lại kết quả, hiệu quả ngày càng cao và ổn định. Đồng thời phải hình thành chính sách hỗ trợ đầu tư, chính sách tín dụng đầu tư, chính sách bảo hiểm, chính sách về tiêu thụ sản phẩm và nhiều chính sách khác. Vì vậy, đòi hỏi đổi mới và hoàn thiện chính sách luôn là yêu cầu cấp bách đối với các ngành kinh tế nói chung và đối với phát triển nuôi cá lồng nói riêng.
Chính sách là công cụ quản lý của nhà nước có vai trò rất quan trọng đối với phát triển NTTS nói chung và nuôi cá lồng nói riêng. Thông qua các cơ chế chính sách sẽ tác động trực tiếp tới cung và cầu của sản phẩm hàng hóa như các chính sách về giá cả, thuế, tín dụng, xuất nhập khẩu, đầu tư.
Một số chính sách đã ban hành tạo điều kiện cho người dân yên tâm hơn khi gắn bó với nghề của mình.
+ Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030 (Quyết định số 1445/QĐ-TTg ngày 16/8/2013)
+ Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn góp phần xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống của nông dân, cư dân ở nông thôn (Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015)