Phần 2. Cơ sở lý luận và thực tiễn
2.1. Cơ sở lý luận
2.1.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến nâng cao chất lượng NNL nông nghiệp và
Bồi dưỡng CCVC nông nghiệp và PTNT chịu nhiều tác động tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó các yếu tố trực tiếp có tác động lớn là: Chiến lược phát triển nguồn nhân lực; Nhu cầu bồi dưỡng cán bộ của tỉnh; Chương trình bồi dưỡng từ các cơ sở đào tạo; Khả năng tiếp thu và tinh thần học tập của học viên;
Nguồn lực vật chất của cơ sở đào tạo bồi dưỡng cán bộ; Năng lực của cơ sở đào tạo bồi dưỡng cán bộ; Sự quan tâm của chính quyền và ban ngành các cấp.
2.1.3.1. Chiến lược phát triển nguồn nhân lực
Theo Võ Xuân Tiến (2010), chiến lược phát triển nguồn nhân lực đưa ra các quyết định mang tính chiến lược trong công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ của đất nước và từng địa phương, chỉ ra các mục tiêu dài hạn và các giải pháp cơ bản, từ
đó xây dựng được kế hoạch dài hạn trong việc huy động và sử dụng các nguồn nhân tài vật lực cho công tác bồi dưỡng cán bộ”.
Hiện nay do yêu cầu tiêu chuẩn hoá cán bộ, ở một số địa phương, một số vùng miền, công tác quy hoạch và sử dụng cán bộ cơ sở không đồng bộ, thiếu tính định hướng nên có khá nhiều cán bộ phải tự đi đào tạo (vì nguồn kinh phí đào tạo và số chỉ tiêu được đào tạo có hạn) nên không ít tình trạng gặp gì học đó, miễn sao có được tầm bằng để hợp lý hoá trình độ của họ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả công tác đào tạo bồi dưỡng và hiệu quả công tác của cán bộ.
2.1.3.2. Nhu cầu bồi dưỡng nguồn nhân lực
Theo Lê Thanh Hà (2009), đặc điểm của cán bộ quản lý nông nghiệp hiện nay được trưởng thành từ nhiều lĩnh vực khác nhau, làm việc do kinh nghiệm là chính, trình độ văn hoá còn nhiều hạn chế và không đồng đều, kiến thức chuyên môn mang tính chắp nhặt… nên hạn chế đến tầm nhìn chiến lược về phát triển nông nghiệp nông thôn. Cách suy nghĩ và tác phong làm việc của cán bộ nông nghiệp hiện nay thường theo cảm tính, thiếu tính khoa học không đáp ứng yêu cầu của hội nhập kinh tế.
Từ những đặc điểm trên, việc bồi dưỡng cán bộ nhằm trang bị những kiến thức, nâng cao hiệu quả trong hoạt động của đội ngũ cán bộ để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình và đơn vị nào cũng cần một số lượng cán bộ với trình độ nhất định. Từ đó cho thấy nhu cầu bồi dưỡng cán bộ Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Ninh là rất lớn và là một đòi hỏi bức thiết hiện nay. Nếu công tác bồi dưỡng cán bộ xuất phát từ nhu cầu bồi dưỡng cán bộ (lấy người học làm trung tâm) thì tính thiết thực trong hoạt động bồi dưỡng càng cao, hay nói một cách khác, nhu cầu bồi dưỡng cán bộ (như là “cầu thị trường”) có ảnh hưởng trực tiếp, giúp cho cơ sở đào tạo (“người cung ứng”) lập kế hoạch chuẩn xác cả về số lượng và nội dung bồi dưỡng cán bộ. Từ đó nhu cầu bồi dưỡng cán bộ quyết định không chỉ đến nội dung, khối lượng kiến thức cần bồi dưỡng mà còn đến cả phương thức bồi dưỡng.
2.1.3.3. Chương trình bồi dưỡng từ các cơ sở đào tạo
Theo Võ Xuân Tiến (2010), chương trình bồi dưỡng từ các cơ sở đào tạo đối với nhu cầu học viên phải phù hợp về nhiệm vụ, nghề nghiệp, đối tượng, tuổi đời, trình độ… là một yêu cầu đồng thời cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến chất
lượng bồi dưỡng cán bộ. Điều đó sẽ làm cho việc học đi đôi với hành, lý thuyết đi đôi với thực tế, tạo điều kiện thuận lợi trong chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật và quản lý vào thực tế. Đây là một sự đổi mới căn bản trong công tác bồi dưỡng cán bộ, không phải xuất phát từ khả năng của cơ sở đào tạo để đưa ra các chỉ tiêu cứng nhắc, mà từ nhu cầu thực tế. Các chương trình đó càng có giá trị cao nếu chuyển đổi được theo yêu cầu của thực tế. Đối với chúng ta, đây còn là một hạn chế lớn. Các chương trình của chúng ta thường nặng về lý thuyết, khả năng chuyển giao ứng dụng kém và tính điệp khúc với những bài giảng cứng nhắc đã hạn chế nhiều đến việc quan tâm thu hút của người học.
2.1.3.4. Khả năng tiếp thu và tinh thần học tập của học viên
Theo Bùi Ngọc Lan (2002), kết quả (chất lượng bồi dưỡng cán bộ) cao hay thấp phụ thuộc nhiều vào khả năng tiếp thu và tinh thần học tập của học viên.
Điều đó lại phụ thuộc vào trình độ nhận thức; Cơ cấu đối tượng về tuổi đời; Tính sát thực của chương trình đối với công việc; Mục đích học tập; Ý thức thực sự cầu thị và tinh thần chủ động sáng tạo trong học tập của học viên… Trình độ học viên thấp sẽ hạn chế đến khả năng tiếp thu nên tốn nhiều công bồi dưỡng; Tuổi học viên càng cao càng hạn chế trong việc tiếp thu những cái mới và cách tiếp cận mới; Trong một lớp học như lớp học của cán bộ, học viên khác xa nhau tương đối về trình độ văn hoá và tuổi tác, đó là một khó khăn cho công tác BDCB hiện nay; Tính sát thực của chương trình bồi dưỡng chi phối lớn đến kết quả bồi dưỡng. Người ta chỉ quan tâm đến các kiến thức thiếu hụt cần cho công việc trong khi đó chúng ta trang bị một cách ôm đồm qua nhiều kiến thức không thực sự cần cho công việc của cán bộ…; Mỗi học viên đều có mục đích của họ, trước hết là yêu cầu công việc. Xác định được mục đích chính đáng của học viên để tổ chức phân loại lớp một cách phù hợp sẽ góp phần tích cực nâng cao chất lượng bồi dưỡng; Sau cùng ý thức tự giác của học viên làm giảm nhẹ khó khăn trong việc quản lý nhưng điều quan trọng là phát huy được quyền tự chủ sáng tạo, sự đóng góp của học viên, biến quá trình bồi dưỡng thành quá trình tự bồi dưỡng và chia sẻ những khó khăn vướng mắc.
2.1.3.5. Nguồn lực vật chất của cơ sở đào tạo bồi dưỡng cán bộ
Theo Nguyễn Tiệp (2011), cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ giảng dạy của các cơ sở đào tạo bao gồm: Trường lớp, các trang thiết bị phương tiện kỹ thuật phục vụ học tập và nguồn vốn… là các yếu tố quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp
đến chất lượng và hiệu quả của công tác bồi dưỡng cán bộ.
Việc đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất, các trang thiết bị phục vụ giảng dạy, các tiến bộ kỹ thuật mới… là các điều kiện đắc lực giúp cho việc nâng cao hiệu quả truyền đạt của giáo viên. Sự bảo đảm nguồn kinh phí cho các hoạt động đào tạo được đầy đủ và kịp thời được coi là các điều kiện vật chất không thể thiếu trong công tác bồi dưỡng cán bộ. Trong quá trình hoạt động của mình, các cơ sở đào tạo thường xây dựng kế hoạch để từng bước hoàn thiện các điều kiện trên và một trong những yếu tố quan trọng là sự quan tâm của Nhà nước cũng như của các ngành các cấp tử trung ương đến địa phương.
2.1.3.6. Năng lực của cơ sở đào tạo bồi dưỡng cán bộ
Theo Nguyễn Thu Hương (2004), năng lực của cơ sở đào tạo bồi dưỡng cán bộ bao gồm: Năng lực tổ chức của cơ sở đào tạo (khả năng xây dựng và thực hiện kế hoạch); năng lực giáo viên và khả năng huy động giáo viên (quy mô, trình độ, chất lượng, cơ cấu đội ngũ giáo viên).
Năng lực tổ chức tốt sẽ giúp cho việc sử dụng nguồn lực có hiệu quả hơn, làm tăng thêm sự gắn kết giữa đội ngũ giáo viên và học viên với các cơ sở đào tạo. Năng lực tổ chức của cơ sở đào tạo bao gồm nhiều nội dung quan trọng như:
xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoach tuyển sinh, kế hoạch đào tạo bồi dưỡng, tổ chức và quản lý tốt đối với từng loại hình bồi dưỡng, từng lớp học cho từng loại cán bộ; Năng lực của sử dụng có hiệu quả các phương tiện vật chất kỹ thuật, việc huy động và sử dụng nguồn kinh phí; Năng lực trong việc xây dựng và củng cố mối quan hệ gắn kết giữa đội ngũ giáo viên, chuyên gia làm công tác giảng dạy với đội ngũ cán bộ làm công tác phục vụ giảng dạy trong các cơ sở đào tạo bồi dưỡng cán bộ là yếu tố chủ quan có vai trò quan trọng đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp toàn diện đến chất lượng BDCB cơ sở. Năng lực tổ chức tốt có tác dụng quy tụ, tập hợp liên kết được các đội ngũ giáo viên, chuyên gia giỏi từ nhiều nơi, nhiều lĩnh vực khác nhau để phục vụ cho công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ của cơ sở mình.
Năng lực giáo viên là một yếu tố nội tại của các cơ sở đào tạo, khả năng tư duy, tính sáng tạo của giáo viên sẽ được phát huy tối đa nếu được sự quan tâm đúng mức của người quản lý cơ sở đào tạo. Khi đó chính những người giáo viên sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phát huy tính chủ động tích cực của học viên, khơi dạy ý thức học tập của học viên, từ đó góp phần vào việc nâng cao
chất lượng bồi dưỡng cán bộ. Ngược lại khi vai trò của người giáo viên bị coi nhẹ trước thái độ tắc trách thiếu sự quan tâm của những người lãnh đạo cơ sở đào tạo, khi đó người giáo viên sẽ không có được sự toàn tâm toàn ý với công tác giảng dạy, họ sẽ chỉ lên lớp theo nghĩa vụ, không cần quan tâm đến ý thức học tập của học viên và như vậy sẽ ảnh hưởng xấu đến hiệu quả và chất lượng bồi dưỡng cán bộ.
2.1.3.7. Sự quan tâm của chính quyền và ban ngành các cấp
Theo Võ Xuân Tiến (2010), bên cạnh yếu tố chủ quan là nguồn lực vật chất và năng lực của cơ sở đào tạo bồi dưỡng thì sự quan tâm của chính quyền các cấp là các yếu tố khách quan hỗ trợ tích cực cho công tác bồi dưỡng cán bộ. Thực tế cho thấy khi chính quyền các cấp và các Ban/Ngành chức năng của địa phương quan tâm đến công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ bao gồm đối với cả cơ sở đào tạo và học viên trên nhiều lĩnh vực như: về chủ trương, chế độ chính sách; về cơ sở vật chất; về tinh thần; về quy hoạch và sử dụng cán bộ và về mọi sự hỗ trợ cần thiết khác trong từng điều kiện cụ thể... thì ở đó vai trò của các cơ sở đào tạo bồi dưỡng, vai trò của công tác bồi dưỡng cán bộ cơ sở được phát huy có hiệu quả.
Sự quan tâm này làm tăng thêm sức mạnh cho hoạt động bồi dưỡng cán bộ cơ sở, là nguồn động viên to lớn đối với cán bộ được bồi dưỡng.