Thực trạng sản xuất vải ở Bắc Giang

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ảnh hưởng của một số biện pháp kỹ thuật đến năng suất và chất lượng quả vải chín sớm tại lục ngạn, bắc giang (Trang 33 - 38)

2.4.1. Diện tích, năng suất và sản lượng vải của Bắc Giang qua các năm Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục thống kê tỉnh Bắc Giang diện tích, năng suất và sản lượng vải từ năm 2010 - 2015 được trình bày ở bảng 2.5.

Bảng 2.5. Diện tích, năng suất và sản lượng vải của tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2010 - 2015

TT Năm theo dõi

Diện tích (ha)

Năng suất (tạ/ha)

Sản lượng (tấn)

4 2010 26.405 21,3 73.995

5 2011 39.945 25,5 59.774

6 2012 38.835 58,2 228.558

7 2013 39.167 53,7 206.663

8 2014 36.629 35,0 123.793

9 2015 35.915 32,5 116.253

Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Bắc Giang (2016) Số liệu ở bảng 2.5 cho thấy, diện tích trồng vải trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã được mở rộng và phát triển đạt cao nhất ở thời điểm năm 2011, đạt 39.945 ha, tăng hơn so với năm 2010 là 13.540 ha. Các năm sau diện tích vải có xu hướng giảm, nguyên nhân do một phần diện tích vải trồng trên diện tích đất có độ dốc quá cao, nghèo dinh dưỡng, không được đầu tư thâm canh, dẫn tới năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế thấp. Tỉnh đã có chủ trương chuyển một phần diện tích vải ở nơi không có đủ điều kiện thâm canh sang trồng một số cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn trên đất có độ dốc lớn như các loại cây lâm nghiệp.

Diện tích trồng vải được giữ ổn định đến năm 2015 khoảng 35 ngàn ha. Diện tích này được đầu tư thâm canh, áp dụng các tiến bộ KHKT mới trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng vải. Trong đó tập trung chỉ đạo, mở rộng sản xuất vải an toàn, tạo ra vùng sản xuất hàng hoá tập trung với quy mô lớn.

Cơ cấu giống vải: đến năm 2015, theo điều tra toàn tỉnh có hơn chục giống vải, tập trung vào hai nhóm giống đó là nhóm vải chính vụ (vải thiều) chiếm 85%

và nhóm vải chín sớm chiếm 15% tổng diện tích vải. Nhóm vải chín sớm gồm các giống vải Phúc Hòa, U hồng, U trứng, Bình Khê. Hiện tại ở một số địa phương, nông dân đã tiến hành ghép cải tạo, trồng mới để thay thế một phần giống vải chính vụ bằng các giống vải chín sớm để rải vụ và tăng giá trị quả vải. Kết quả đánh giá bước đầu cho thấy: ghép cải tạo giống vải chín sớm cây vải sinh trưởng, phát triển khá tốt, nhanh cho thu hoạch, hiệu quả kinh tế cao hơn rõ rệt.

Năng suất vải có sự biến động qua các năm, các năm 2012 và 2013 có năng suất vải thiều cao nhất đạt 53,7 – 58,2 tạ/ha. Năng suất vải của các năm khác không cao chỉ dưới 35 tạ/ha. Nguyên nhân năng suất vải thiều giảm là do:

điều kiện thời tiết giai đoạn phân hoá mầm hoa ấm, có mưa. Dẫn đến cây vải bị nẩy lộc đông, diện tích cây vải không ra hoa, hoặc tỷ lệ ra hoa thấp xẩy ra phổ biến tại các địa phương trồng vải, nhất là đối với diện tích không có biện pháp xử lý lộc đông. Tình hình sâu bệnh gây hại trên quả vải thiều gia tăng trong năm 2010-2015, đặc biệt là sâu đục cuống quả đã gây rụng phần lớn quả vải ở giai đoạn trước thu hoạch. Một nguyên nhân khác là do các năm 2010-2011 được mùa vải, nhưng mất giá, dẫn tới hiệu quả kinh tế từ cây vải thiều của một số vùng thấp. Nông dân không tập trung đầu tư thâm canh cây vải như tỉa cành, bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh hại, nên năng suất không cao. Tuy nhiên do năm 2014-2015 chất lượng quả vải được nâng lên do tích cực áp dụng sản xuất vải an toàn (diện tích sản xuất vải an toàn của tỉnh hiện nay khoảng trên 2.500 ha), nên giá bán quả vải cao hơn so với một số năm trước từ 40-50%.

Chính vì vậy hiệu quả kinh tế và giá trị thu nhập từ cây vải thiều được tăng lên.

Tình hình sản xuất vải của các huyện trong tỉnh Bắc Giang:

Điều tra về diện tích, năng suất và sản lượng vải của các huyện năm 2015 của tỉnh thu được kết quả ở bảng 2.6.

Bảng 2.6. Tình hình sản xuất vải của các huyện năm 2015

STT Tên huyện Diện tích (ha)

Diện tích cho sản phẩm(ha)

Năng suất (tạ/ha)

Sản lượng (tấn)

1 TP Bắc Giang 18 18 19,8 35,6

2 Lục Ngạn 18.595 18.500 33,0 61.050

3 Lục Nam 6.160 6.140 29,3 18.800

4 Sơn Động 2.205 2.205 14,7 3.250

5 Yên Thế 4.068 4.068 41,0 16.681

6 Hiệp Hòa 636 620 29,0 1.800

7 Lạng Giang 1.507 1.507 47,6 7.173

8 Tân Yên 1.707 1.700 42,6 7.242

9 Việt Yên 124 123 32 394

10 Yên Dũng 895 895 7,0 627

Tổng cộng: 35.915 35.776 32,5 116.253

Nguồn: Cục thống kê Bắc Giang (2015)

Theo số liệu thống kê từ bảng 2.6 cho thấy, Lục Ngạn là huyện có diện tích cũng như năng suất và sản lượng vải đứng đầu toàn tỉnh với diện tích 18.595 ha chiếm 51,78% diện tích vải của tỉnh, năng suất 33 tạ/ha, sản lượng đạt 61.050 tấn bằng 52,52% sản lượng vải toàn tỉnh. Đồng thời Lục Ngạn cũng là huyện có các vùng vải tập trung lớn nhất của tỉnh và có chất lượng vải thiều cao nhất. Hiện nay huyện Lục Ngạn đã xây dựng xong chỉ dẫn địa lý đối với cây vải thiều. Các huyện khác có diện tích vải ít hơn Lục Ngạn là Lục Nam, Yên Thế, Sơn Động, tiếp đến là Tân Yên và Lạng Giang… Nhưng các địa phương này vẫn có các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, cây vải thiều vẫn là cây ăn quả chính đem lại giá trị thu nhập cao cho người dân.

2.4.2. Tình hình phát triển vải chín sớm ở Bắc Giang

Nhóm vải chín sớm ở tỉnh Bắc Giang là các giống vải có thời gian chín trước ngày 30/5. Trước năm 2010 diện tích vải chín sớm của tỉnh khoảng gần 3.500 ha, chiếm khoảng 8% tổng diện tích vải của tỉnh. Đến năm 2015 diện tích vải chín sớm của tỉnh đạt trên 4.600 ha, chiếm 12,7% diện tích vải của tỉnh. Như vậy diện tích vải chín sớm của tỉnh trong những năm qua đã được mở rộng.

Nguyên nhân là do thực trạng sản xuất vải của Bắc Giang cơ cấu giống vải chính vụ chiếm tỷ lệ quá lớn, thời gian thu hoạch ngắn trong khoảng 1 tháng đã tạo ra áp lực trong tiêu thụ quả vải, để rải vụ thu hoạch quả vải, phải bố trí cơ cấu giống vải của tỉnh một cách hợp lý. Từ năm 2010, tỉnh đã có đề án ghép cải tạo cơ cấu lại giống vải tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2010-2015. Mục tiêu của đề án là đưa giống vải chín sớm của tỉnh lên từ 15-20% diện tích vải của toàn tỉnh. Đồng thời các giống vải chín sớm được trồng tại tỉnh Bắc Giang đều cho hiệu quả kinh tế cao hơn rõ rệt so với nhóm vải chính vụ. Về năng suất các giống vải chín sớm có năng suất tương đương so với vải chính vụ. Trong khi đó giá bán vải chín sớm từ 15.000-25.000 đ/kg, cao hơn giá bán vải chính vụ từ 30-60%. Các giống vải chín sớm được trồng phổ biến ở Bắc Giang bao gồm: vải Phúc Hòa chiếm 30%, vải U hồng chiếm 45%, vải Bình Khê chiếm 15% và các giống vải khác chiếm 10%.

Trong các giống vải chín sớm trồng tại Bắc Giang chia thành 2 nhóm, nhóm giống vải cực sớm có thời gian thu hoạch từ 5/5-20/5: gồm có giống vải Bình Khê, Trứng Thanh Hà….Nhóm vải sớm thời gian thu hoạch từ 25/5-5/6: gồm vải Phúc Hòa, U hồng…Như vậy giống vải Bình Khê trồng tại Bắc Giang là một trong các giống có thời gian thu hoạch sớm nhất, nên bán được giá cao khoảng từ 20.000-25.000/kg và do thu hoạch sớm hơn vải chính vụ khoảng 1 tháng, nên góp phần rải vụ thu hoạch vải của tỉnh.

Tuy các giống vải chín sớm có hiệu quả kinh tế cao, song diện tích mở rộng trồng giống vải này chưa thực sự cao là do giống vải có tốc độ sinh trưởng nhanh, phân hóa mầm hoa và ra hoa sớm, nếu không có biện pháp kỹ thuật xử lý ra hoa thì phần lớn diện tích vải chín sớm bị nẩy lộc đông, tỷ lệ ra hoa và đậu quả thấp. Đồng thời các giống vải chín sớm hiện nay chủ yếu được sử dụng để ăn tươi, việc chế biến như sấy khô là rất hạn chế.

Năm 2015 Sở Nông nghiệp &PTNT tỉnh Bắc Giang đã điều tra diện tích vải chín sớm và khả năng ra hoa của các giống vải chín sớm ở các huyện trong tỉnh (bảng 2.7).

Bảng 2.7. Tình hình sản xuất vải chín sớm ở các huyện trong tỉnh

TT Huyện Vải chín sớm

(ha)

Diện tích ra hoa (ha) Tổng số Tỷ lệ ra hoa

(%)

1 Sơn Động 530 424 80,0

2 Lục Ngạn 962 673 70,0

3 Lục Nam 1.026 780 76,0

4 Lạng Giang 313 282 90,0

5 Yên Thế 688 654 95,1

6 Tân Yên 702 490 69,8

7 Yên Dũng 27 19 70,3

8 Hiệp Hòa 15 8 53,3

9 Việt Yên 35 18 51,4

Tổng cộng 4.298 3.346 77,9

Nguồn: Sở Nông nghiệp & PTNT Bắc Giang (2015) Kết quả bảng trên cho thấy các huyện có diện tích vải chín sớm lớn là huyện Lục Nam, Lục Ngạn, Tân Yên và Yên Thế. Các huyện có diện tích vải chín sớm không nhiều là huyện Hiệp Hòa, Yên Dũng và Việt Yên diện tích chỉ khoảng từ 15 đến 35 ha. Nhìn chung diện tích vải chín sớm ở các địa phương có tỷ lệ ra hoa không cao, bình quân tỷ lệ vải sớm ra hoa của cả tỉnh là 77,9%. Các huyện có diện tích vải chín sớm ra hoa cao là huyện Lạng Giang và Yên Thế đạt trên 90%, các huyện khác tỷ lệ ra hoa dưới 70%. Như vậy trong sản xuất vải chín sớm của tỉnh Bắc Giang, vấn đề đặt ra là phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật để nâng cao tỷ lệ ra hoa và đậu quả của các giống vải chín sớm, nhằm tăng hiệu quả sản xuất vải chín sớm trên địa bàn tỉnh.

2.4.3. Những tồn tại trong sản xuất vải ở Bắc Giang và phương hướng khắc phục

- Tồn tại:

Đặc tính nổi bật của quả vải là chín rất tập trung, trong điều kiện tự nhiên, thời gian thu hoạch quả của một giống vải chỉ kéo dài trong khoảng một tháng.

Hiện tại, giống vải chủ lực trên địa bàn tỉnh là giống vải chín chính vụ, chiếm khoảng trên 85 %; mùa thu hoạch quả từ khoảng giữa tháng 6 đến trung tuần tháng 7. Chính vì vậy, trong mùa thu hoạch vải đã tạo ra một áp lực rất lớn về mặt nhân lực, sức tiêu thụ cũng như tỷ lệ thiệt hại do hư hỏng, giảm phẩm chất quả.

Những năm đầu khi cây vải được nhân dân Bắc Giang mới đưa vào sản xuất có giá trị cao nên sau đó phong trào trồng vải ở các địa phương trong tỉnh diễn ra nhanh chóng, ồ ạt. Một số địa phương đã đưa cây vải lên trồng ngay cả ở những khu vực không thích hợp dẫn đến cây vải sinh trưởng, phát triển kém, năng suất và chất lượng thấp.

Công nghệ bảo quản và chế biến vải không đáp ứng được nhu cầu của sản xuất; sản phẩm vải chế biến hiện nay chủ yếu là vải sấy khô, chất lượng không cao nên thị trường tiêu thụ hẹp và phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Công nghệ sau thu hoạch thấp kém, hiện nay vẫn chưa có giải pháp nào hiệu quả giúp bảo quản vải thiều trong thời gian dài vẫn ổn định được chất lượng để vận chuyển đi tiêu thụ ở các thị trường ngoài nước.

Quy trình kỹ thuật thâm canh cây vải để có sản phẩm an toàn chưa được áp dụng rộng và tuân thủ nghiêm ngặt vì vậy tiềm năng năng suất vải chưa được phát huy hết, chất lượng không cao, chưa đáp ứng được yêu cầu đối với các thị trường khó tính. Nhiều vùng trồng vải lạm dụng hoá chất trong phòng trừ sâu bệnh và kéo dài thời gian thu hoạch làm ảnh hưởng xấu tới chất lượng vải.

- Phương hướng:

Cây vải là cây ăn quả chủ lực của tỉnh Bắc Giang, để nâng cao giá trị sản xuất cây vải. Tỉnh Bắc Giang đã có các đề án, dự án và chương trình lớn để phát triển cây vải một cách bền vững và trở thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn, cụ thể như sau:

+ Giảm diện tích trồng vải xuống còn khoảng 35 ngàn ha, chuyển một phần diện tích vải không đủ điều kiện thâm canh sang trồng các cây khác có hiệu quả cao hơn trên cùng loại đất trồng. Để thực hiện có hiệu quả cao việc chuyển đổi này, cần làm tốt công tác quy hoạch các vùng trồng vải tập trung.

+ Thực hiện cơ cấu lại giống vải, trong đó đưa tỷ lệ giống vải chín sớm lên trên 20%, giảm diện tích vải chính vụ xuống còn dưới 80%. Biện pháp chính để thực hiện cơ cấu lại giống vải là áp dụng kỹ thuật ghép cải tạo giống vải chín sớm trên gốc vải chính vụ. Giống vải chín sớm để ghép cải tạo chủ lực là giống vải Bình Khê, vải U trứng Thanh Hà, vải Phúc Hòa.

+ Để chủ động nguồn mắt ghép có chất lượng cao phải tiến hành chọn lọc, bình tuyển các cây vải đầu dòng, cây đủ tiêu chuẩn nhân giống để phục vụ cho nhu cầu sản xuất.+ Tích cực áp dụng, mở rộng diện tích sản xuất vải an toàn theo chương trình VietGAP, phấn đấu đến năm 2020 đưa diện tích vải an toàn của tỉnh lên trên 10 ngàn ha, chiếm khoảng 30% diện tích vải của toàn tỉnh.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ảnh hưởng của một số biện pháp kỹ thuật đến năng suất và chất lượng quả vải chín sớm tại lục ngạn, bắc giang (Trang 33 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)