Khái niệm nguy cơ sử dụng ma tuý

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ tâm lý học nguy cơ sử dụng ma tuý ở học sinh trung học phổ thông (Trang 42 - 47)

CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN NGHIÊN CỨU NGUY CƠ SỬ DỤNG

1.2. Sử dụng ma túy và nguy cơ sử dụng ma túy

1.2.2. Nguy cơ sử dụng ma túy

1.2.2.2. Khái niệm nguy cơ sử dụng ma tuý

Một số nghiên cứu đã đưa ra khái niệm về nguy cơ sử dụng ma tuý, dưới đây là một số khái niệm điển hình.

Viện nghiên cứu về lạm dụng ma tuý (NIDA) chỉ ra rằng, nguy cơ lạm dụng ma tuý xuất hiện khi các yếu tố đặc thù ở cá nhân phù hợp với môi trường có lạm dụng ma tuý [55]. Quan điểm này cho thấy sự nhấn mạnh đến các yếu tố riêng biệt, đặc thù của cá nhân, đó chính là các yếu tố tâm lý ở cá nhân mà nó có thể liên kết, gặp gỡ với các yếu tố môi trường sống nguy cơ SDMT.

Chương trình phòng ngừa lạm dụng chất gây nghiện ở cộng đồng thuộc khu vực Châu Á- Thái Bình Dương (UNESCAP) định nghĩa về nguy cơ SDMT:

“Nguy cơ SDMT là thuật ngữ dùng để chỉ ra một thanh niên có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến SDMT nhưng lại thiếu yếu tố bảo vệ phòng ngừa SDMT” [24].

Định nghĩa này nhấn mạnh nhiều đến số lượng của yếu tố dẫn đến nguy cơ SDMT, cũng như nhấn mạnh đến sự thiếu vắng các yếu tố bảo vệ chống lại các yếu tố nguy cơ. Thực tế có nhiều cá nhân có nhiều yếu tố nguy cơ SDMT nhưng

Luận án tiến sĩ Tâm lý học

lại chưa SDMT, do vẫn còn các yếu tố bảo vệ có sức mạnh đủ để ngăn chặn nguy cơ. Chẳng hạn một thanh niên có tính tò mò, thích thể hiện mình, thích tìm tòi và thử nghiệm cái mới, có tiền, sống trong môi trường xung quanh nhiều người nghiện, nhưng đến nay vẫn chưa SDMT, lý do là anh ta không có thời gian ở nhà và giao du với những người nghiện ma tuý, vì phải đi làm từ sáng đến tối, và sau một ngày rất mệt mỏi, anh ta đi ngủ sớm cho làm việc ngày hôm sau. Nghĩa là anh ta đã có nhiều yếu tố nguy cơ nhưng yếu tố thời gian làm việc như một yếu tố bảo vệ, tuy đơn lẻ nhưng đủ mạnh để ngăn chặn nguy cơ, nên chưa hình thành nguy cơ SDMT.

Nguyễn Hữu Khánh Duy (2003) cho rằng “nguy cơ SDMT là sự tập hợp của nhiều yếu tố nguy cơ từ nội tâm và quan hệ của cá nhân, trong khi các yếu tố bảo vệ kém phát huy tác dụng, để dẫn đến tình trạng nghiện thì phải bao gồm 2 loại yếu tố là yếu tố nguy cơ và yếu tố bảo vệ. Các yếu tố nguy cơ và bảo vệ đan xen vào nhau”. Ông khẳng định: “Nếu yếu tố nguy cơ càng cao trong lúc yếu tố bảo vệ kém, người ta dễ bị đưa đến tình trạng lạm dụng ma túy với những mức độ nặng nhẹ khác nhau…” [1].

Theo Nguyễn Khắc Hiền (2010): “Nguy cơ SDMT là khả năng có thể xảy ra khi có sự tiếp xúc của cá nhân với các các yếu tố dẫn đến hậu quả”. Theo tác giả, các yếu tố này chủ yếu đến từ môi trường xung quanh, bao gồm bạn tình, bạn nghiện chích ma túy, các hành vi chủ động tiêm chích ma túy, hành vi quan hệ tình dục không an toàn. Với quan điểm này, tác giả đã chỉ ra các đặc điểm riêng của cá nhân là cố định và có hình thành nguy cơ hay không là hoàn toàn phụ thuộc vào tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ trong môi trường sống và càng nhiều yếu tố này thì khả năng xảy ra của nguy cơ càng cao [8].

Như vậy, khi đề cập đến nguy cơ SDMT, tác giả Nguyễn Hữu Khánh Duy nhấn mạnh đến các yếu tố tâm lý cá nhân, còn tác giả Nguyễn Khắc Hiền nhấn mạnh tới các yếu tố thuộc về môi trường. Tuy nhiên, cả 2 quan điểm trên đều đề cập đến mối liên kết giữa các yếu tố cá nhân và yếu tố môi trường sống, đồng thời đều khẳng định quá trình kết hợp giữa các yếu tố đó sẽ hình thành các yếu tố nguy cơ SDMT. Cũng trong quá trình liên kết đó, tạo ra các yếu tố giúp cá nhân tránh xa việc SDMT được gọi là yếu tố bảo vệ. Trong trường hợp yếu tố dẫn đến khả năng SDMT mạnh và những yếu tố bảo vệ yếu, sẽ hình thành nên nguy cơ SDMT.

Như vậy, có thể định nghĩa nguy cơ SDMT như sau:

Luận án tiến sĩ Tâm lý học

Nguy cơ sử dụng ma tuý là khả năng (tiềm tàng) có thể xảy ra việc sử dụng ma tuý ở cá nhân khi các yếu tố nguy cơ SDMT chiếm ưu thế, nổi trội hơn so với các yếu tố bảo vệ.

Như vậy, nguy cơ SDMT có tính tiềm tàng, xuất hiện khi các yếu tố nguy cơ SDMT gia tăng về số lượng và cường độ, trong khi các yếu tố bảo vệ yếu, không đủ số lượng và khả năng khắc chế.

Từ định nghĩa có mấy lưu ý:

- Các yếu tố nguy cơ SDMT thực chất là các yếu tố tâm lý nguy cơ kết hợp với các yếu tố môi trường sống nguy cơ đã được phân tích trên.

- Khi đã tạo thành nguy cơ SDMT thì nó phải chiếm ưu thế so với các yếu tố bảo vệ.

* Đặc trưng của nguy cơ sử dụng ma tuý

Từ định nghĩa về nguy cơ sử dụng ma tuý nêu trên cho thấy một số đặc trưng của nguy cơ SDMT gồm có:

+ Tính tiềm tàng: Nguy cơ SDMT là khả năng có thể xảy ra việc SDMT (không phải là đã sử dụng ma tuý).

+ Tính liên kết, kết hợp (liên quan với nhau): Trong nguy cơ SDMT, các yếu tố tâm lý cá nhân và môi trường sống có sự liên kết, kết hợp có tính liên quan với nhau. Sự liên kết này chặt chẽ thì khả năng xảy ra SDMT sẽ cao, nếu liên kết lỏng lẻo thì khả năng xảy ra SDMT sẽ thấp.

+ Tính không chắc chắn: Nguy cơ SDMT bao gồm các yếu tố tồn tại ở tầng sâu, tiềm tàng, tiềm ẩn, chứa đựng khả năng có thể xảy ra chứ không phải là những yếu tố điều kiện cần và đủ của việc SDMT, vì vậy nguy cơ là không ổn định, không chắc chắn.

+ Tính tiêu cực: Nguy cơ SDMT mang lại những rủi ro, những hậu quả không mong muốn, cụ thể là khi cá nhân SDMT sẽ dẫn đến tác hại to lớn cho chính cá nhân đó và cho xã hội.

* Cấu trúc của nguy cơ sử dụng ma tuý

Lewayne D. Gilchrist (1991) khi nghiên cứu về nguyên nhân dẫn đến nghiện ma tuý dưới góc độ xã hội học ở các nhóm lứa tuổi, cho rằng: nguyên nhân dẫn đến lạm dụng/nghiện ma tuý gồm 5 yếu tố, bao gồm 3 yếu tố tâm lý và 2 yếu tố môi trường sống [40].

Luận án tiến sĩ Tâm lý học

+ Các yếu tố hành vi cá nhân (bị đuổi học/kết quả học tập kém/trượt, hành vi chống đối xã hội từ nhỏ, trải nghiệm ma túy sớm, sử dụng ma túy sớm, thiếu các kỹ năng về hành vi).

+ Các yếu tố về thái độ cá nhân (tính nổi loạn chống đối, sự cam kết/gắn bó với nhà trường thấp, có thái độ lệch chuẩn, thích bắt chước người lớn).

+ Các yếu tố về tâm lý bên trong (sự tự tin thấp, năng lực sống thấp, thích tìm kiếm cảm giác lạ).

+ Các yếu tố gia đình (Lịch sử gia đình có sử dụng ma túy và/hoặc có các hành vi chống đối xã hội, các vấn đề về quản lý nội bộ trong gia đình/kỹ năng làm cha mẹ, Sự thiếu bao dung/tha thứ cho các hành vi sai lầm của trẻ, sự vô tổ chức trong gia đình).

+ Các yếu tố về môi trường cộng đồng (Bị đe dọa hoặc tước đoạt về xã hội và kinh tế, sống trong môi trường vô tổ chức/ lang thang, sống trong điều kiện các chuẩn mực cộng đồng suy đồi, sẵn có ma túy, bạn/nhóm bạn sử dụng ma túy).

Có thể thấy, Lewayne D. Gilchrist đã nhấn mạnh các yếu tố tiêu cực.

Trong tâm lý cá nhân và trong môi trường, chúng là những yếu tố dẫn đến lạm dụng/nghiện ma tuý. Theo Lewayne D. Gilchrist, các yếu tố tâm lý bên trong là những yếu tố tiêu cực thuộc về thái độ và hành vi, đó là các yếu tố tâm lý bên trong như tính cách, khí chất, niềm tin, xu hướng, định hướng giá trị, nhu cầu...

Như vậy, có thể nhận định, cấu trúc của nguy cơ SDMT theo Lewayne bao gồm các nét tâm lý cụ thể tiềm tàng trong cá nhân và các yếu tố về hoàn cảnh gia đình và môi trường cộng đồng.

Trung tâm Phòng ngừa Tội phạm Quốc gia của Canada [54] cho rằng cấu trúc của nguy cơ SDMT gồm có các thành phần: các yếu tố từ cộng đồng (có sẵn ma túy, liên kết cộng đồng lỏng lẻo, luật pháp và các chuẩn mực thiếu chặt chẽ và thuận lợi cho ma túy phát triển); các yếu tố từ nhà trường (bỏ học, học kém và bị lưu ban, cam kết gắn bò với nhà trường thấp); các yếu tố từ gia đình (thái độ thiếu thân thiện hoặc thù địch, phương pháp quản lý gia đình kém, gia đình có truyền thống về các hành vi chống đối xã hội); và các yếu tố từ cá nhân như tính cách, niềm tin, nhận thức, thái độ và yếu tố từ bạn đồng lứa (sớm có những hành vi chống đối xã hội, tính cách-thái độ dễ dẫn đến SDMT, nhóm bạn có người SDMT). Nhìn chung, có thể hiểu và tóm tắt quan điểm của Trung tâm Phòng ngừa Tội phạm Quốc gia Canada về cấu trúc nguy cơ SDMT gồm 2

Luận án tiến sĩ Tâm lý học

thành phần là yếu tố nguy cơ từ tâm lý bên trong và yếu tố nguy cơ từ môi trường sống.

Tổ chức kiểm soát lạm dụng chất và sức khoẻ tâm thần Mỹ-SAMHSA cho rằng: Mỗi cá nhân có những đặc điểm riêng về sinh lý và tâm lý mà chúng có thể tạo nên nguy cơ SDMT. Bởi vì, cá nhân không sống một mình mà trong mối liên hệ với cộng đồng và xã hội rộng lớn, mỗi đặc điểm tâm lý và sinh lý đều tồn tại trong các bối cảnh khác nhau, do đó, phải xét nguy cơ SDMT trong những hoàn cảnh điều kiện khác nhau [59]. Theo quan điểm này, cấu trúc của nguy cơ SDMT bao gồm các yếu tố tâm lý cá nhân và các yếu tố điều kiện sống phù hợp để tạo nên nguy cơ SDMT.

Tiếp thu các quan điểm nêu trên và dưới góc độ nghiên cứu của đề tài, có thể nhận định, cấu trúc của nguy cơ SDMT bao gồm các yếu tố nguy cơ SDMT và các yếu tố bảo vệ, phòng chống SDMT, chúng có sự liên kết, tương quan với nhau. Khi yếu tố nguy cơ nổi trội, yếu tố bảo vệ yếu, sẽ dẫn đến nguy cơ. Khi yếu tố bảo vệ mạnh, chiếm ưu thế, nguy cơ SDMT sẽ thấp.

+ Yếu tố nguy cơ SDMT bao gồm các yếu tố tâm lý cá nhân và các yếu tố nguy cơ SDMT trong môi trường sống có liên quan, tương hợp được với nhau.

Nếu các yếu tố này gặp nhau, sẽ tạo nên nguy cơ SDMT. Ví dụ: cá nhân có xu hướng hướng ngoại, tính cách hành động liều lĩnh, đồng thời sống trong hoặc chơi cùng nhóm bạn sử dụng ma tuý thì cá nhân đó đang có nguy cơ SDMT.

+ Yếu tố bảo vệ, chống lại SDMT bao gồm các yếu tố tâm lý cá nhân và các yếu tố môi trường sống, chúng có tính tương quan, tương hợp, liên kết được với nhau tạo nên sự bảo vệ, chống lại sự hình thành nguy cơ SDMT ở cá nhân.

Ví dụ: cá nhân có tính kỷ luật, năng lực học tập tốt, nhận thức tốt về các tình huống nguy cơ SDMT, ngoan ngoãn, nếu sống trong gia đình có sự quan tâm thương yêu giữa các thành viên, gia đình quan tâm đến việc giáo dục con thì cá nhân đó đang tồn tại yếu tố bảo vệ, chống lại việc SDMT.

Giữa các yếu tố nguy cơ và các yếu tố bảo vệ thường đối nghịch, khắc chế lẫn nhau, chẳng hạn hứng thú chơi bời chán học là yếu tố nguy cơ thì chăm học, có hứng thú học tập là yếu tố bảo vệ; hoặc nhóm bạn xấu sử dụng rượu bia ma tuý là yếu tố nguy cơ thì nhóm bạn tốt, chăm học và thường xuyên giúp đỡ nhau học tập là yếu tố bảo vệ; hoặc tính cách hành động mạnh mẽ, định hướng giá trị bạn bè nếu kết hợp với nhóm bạn xấu có SDMT, gia đình không quan tâm thì có thể có thể tạo nên nguy cơ SDMT, nhưng nếu kết hợp với gia đình quan tâm

Luận án tiến sĩ Tâm lý học

giáo dục/ nhóm bạn học tập thì lại có nguy cơ rất thấp. Như vậy, nếu các yếu tố nguy cơ xuất hiện nhiều và nổi trội, trong khi các yếu tố bảo vệ thiếu vắng và có tác dụng yếu thì cá nhân có nguy cơ. Ngược lại, khi các yếu tố bảo vệ chiếm ưu thế thì cá nhân có nguy cơ thấp (hoặc không có nguy cơ).

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ tâm lý học nguy cơ sử dụng ma tuý ở học sinh trung học phổ thông (Trang 42 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(224 trang)