CHƯƠNG 2. TỔ CHỨC VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
3.2. Kết quả thực nghiệm trên các học sinh có nguy cơ SDMT
3.2.3. Kết quả tập huấn nhóm
Đề tài tổ chức hoạt động nhóm cho 5 nghiệm thể nguy cơ SDMT, phân công thực hiện 2 nhiệm vụ: Nhiệm vụ thứ nhất là thảo luận và trả lời bài tập tình huống; nhiệm vụ thứ hai là thảo luận nguyên nhân và biện pháp phòng ngừa nguy cơ SDMT trình bày trên giấy A0.
Thông qua quan sát cho thấy, nhóm nghiệm thể đã có sự tích cực phối hợp và tương tác tốt với nhau trong thảo luận, trình bày rõ ràng và mạch lạc, tuân thủ đúng thời gian yêu cầu đề ra. Kết quả cụ thể như sau:
+ Ở bài tập tình huống thứ nhất “Gặp bạn bè thân sau bao ngày không gặp, cùng nhau ra quán nước hàn huyên tâm sự, bạn kể về sử dụng ma tuý và những khoái cảm khi dùng ma tuý, bạn kể rất say sưa...” các em đã đưa ra nhận định đây là hoàn cảnh có nguy cơ SDMT vì nó kích thích sự tò mò muốn thử nghiệm, lại là bạn thân nên có sự tin tưởng nhất định: “Em nghĩ rằng bạn bè thân lâu không gặp thường hay kể về quá khứ thân với nhau và nể nhau, quý nhau, thường một người làm cái này thì người kia cũng có tư tưởng làm như vậy, kiểu như tri kỷ hay gần như vậy...”- NLHB. Bạn khác cho ý kiến đối với tình huống này: “...khi kể say sưa như vậy là đã chơi ma tuý rồi... mà nghe đến đó thì chắc gì không thử... như vậy là có nguy cơ SDMT rồi...”- PHĐ. Nhóm thống nhất biện pháp là nếu gặp tình huống này, các em sẽ mời bạn vào nhà và trò chuyện, khi bạn nói về ma tuý thì các em sẽ thẳng thắn nói với bạn không đề cập đến vấn đề đó nữa, và có thể sẽ khuyên bảo bạn tránh xa ma tuý. Dưới góc độ chuyên môn, chúng tôi nhận thấy các em đã nhận thức được mối nguy cơ SDMT trong tình huống. Như vậy, ở bài tập tình huống thứ nhất này, các em đã thể hiện được sự hiểu biết và đưa ra được biện pháp phòng ngừa nguy cơ SDMT cho bản thân nếu gặp phải tình huống này.
+ Ở bài tập tình huống thứ hai: “Đến sinh nhật bạn thân ở một nhà hàng và gặp rất nhiều người bạn “sành điệu”, hôm đó có nhiều rượu, bia và mọi người uống rất vui vẻ, nhảy nhót và ca hát...” , các nghiệm thể đều thảo luận và thống nhất cho rằng đó là tình huống nguy cơ SDMT. Các em giải thích rằng rượu bia cũng là ma tuý, việc uống rượu, bia sẽ không làm chủ được bản thân, có thể dẫn đến những hành vi quá khích, và do không kiểm soát được hành vi,
Luận án tiến sĩ Tâm lý học
có thể tìm kiếm những sự say sưa ở mức cao hơn với ma tuý: “...Em cho rằng rượu bia cũng là ma tuý, mà sau khi dùng ma tuý nhẹ nhàng xong thì có thể dùng ma tuý nặng hơn, em nghe nói nhiều người say rượu rồi tìm đến ma tuý...”- CHQ. Khi được hỏi về ma tuý và rượu bia có phải là ma tuý không, các em đều cho biết “...đó có thể gọi là ma tuý vì nó cũng gây nghiện, gần nhà em có ông nghiện rượu suốt ngày chửi mắng vợ con và bắt đứa con đi mua rượu uống, chả chịu làm gì cả, suốt ngày say xỉn...”-PHĐ. Các em cũng phân tích thêm “...uống nhiều rồi say thì ai mà biết sẽ làm gì nữa... đôi khi say lại thích dùng ma tuý cho phê hơn...”- DTV. Đối với tình huống này, các em đưa ra biện pháp đến sinh nhật một lúc rồi lấy cớ đi về hoặc đến sinh nhật nhưng hạn chế uống rượu bia nhiều và về sớm. Nhìn chung, chúng tôi đánh giá các em đã có sự hiểu biết và đánh giá đúng mức độ nguy cơ SDMT trong tình huống đưa ra, đưa ra được biện pháp ban đầu phòng ngừa nguy cơ SDMT xảy ra. Điều này chứng tỏ các em đã có nhận thức và hành động khá tốt đối với tình huống nguy cơ SDMT.
+ Ở bài tập tình huống thứ ba: “Dạo này học không vào. Mình trót yêu một anh hàng xóm. Anh ấy trông mạnh mẽ, có vẻ “ngầu” và đầy nam tính. Mỗi khi mình buồn, anh ấy lại đưa đi chơi cùng đám bạn của anh ấy, họ cũng trông rất “ngầu”, hay dùng thứ gì đó mà họ bảo là nước uống tăng lực, giúp khoẻ khoắn và tự tin...”. Các học sinh đã cùng nhau thảo luận và phân tích, đưa ra quyết định trường hợp này có khả năng dẫn đến nguy cơ SDMT. Các em lý giải rằng “...những người có vè ngoài “ngầu” thì thường có sự từng trải và nhất là từng trải những mặt trái của xã hội và nếu đã trải nghiệm những mặt trái của xã hội thì em nghĩ rằng các loại rượu, bia, thuốc lá, thuốc lào, ma tuý đều có thể dùng... em nghĩ rằng bạn gái ấy không nên tiếp tục chơi với anh người yêu “ngầu” như vậy và cần được tư vấn...”- DTV. Một bạn khác cũng cho ý kiến “...bây giờ có nhiều loại ma tuý rất tinh vi và có cả những loại có thể pha vào các đồ uống, khi uống vào không có mùi vị gì và như vậy rất nguy hiểm, em cho rằng trong trường hợp này, bạn gái đó có thể có nguy cơ sử dụng phải chất ma tuý được pha trong đồ uống...”- CHQ. Để phòng tránh nguy cơ SDMT trong tình huống này, các em thống nhất biện pháp là không yêu “trai
Luận án tiến sĩ Tâm lý học
ngầu”, không nên đi ra quán xá mà nên mời người yêu vào nhà để hạn chế rủi ro, hoặc nếu có đi chơi thì không ăn uống gì và mau chóng về nhà. Chúng tôi nhận thấy, các em đã có sự hiểu biết khá tốt về tình huống và đưa ra được biện pháp tự phòng ngừa nguy cơ SDMT trong tình huống trên.
Kết thúc phần thảo luận bài tập tình huống, chúng tôi cho các nhóm thảo luận và trình bày trên giấy A0 về nguyên nhân và biện pháp phòng ngừa nguy cơ SDMT nhằm tóm lược và khẳng định thêm về nhận thức và hành động của các em đối với nguy cơ SDMT.
Đánh giá kết quả thực nghiệm thông qua sản phẩm hoạt động của các học sinh cho thấy: các học sinh tích cực, hào hứng và sôi nổi tham gia thảo luận và thể hiện trên giấy A0. Về nội dung trình bày trên giấy A0 và thuyết trình sản phẩm của các em, phần trình bày hàm chứa nội dung đa dạng, phong phú về các nguyên nhân và biện pháp phòng ngừa nguy cơ SDMT, cách thức thuyết trình thể hiện rõ các em hiểu rõ về nguyên nhân và biện pháp phòng ngừa nguy cơ SDMT. Cụ thể, các nhóm đã mô tả được các nguyên nhân dẫn đến nguy cơ SDMT như: tính cách tò mò, thích khám phá, khí chất nóng nảy, thiếu hiểu biết về tác hại của ma tuý, thích đua đòi theo chúng bạn, có bạn bè xấu, gia đình có người sử dụng ma tuý, gia đình thiếu quan tâm, bắt chước bạn bè thử dùng ma tuý.... quy lại là 15 đặc điểm về tâm lý của cá nhân và 3 yếu tố không thuận lợi về môi trường đều được các bạn học sinh mô tả khá đầy đủ. Các nhóm cũng đã đưa ra các biện pháp phòng ngừa nguy cơ SDMT dựa trên các nguyên nhân trên, cụ thể các biện pháp nhóm đã đưa ra là: tự mình tỉnh táo và phân tích tình huống nguy cơ SDMT, tìm hiểu thêm nhiều thông tin hơn về ma tuý và cách thức phòng tránh, tìm đến giáo viên chủ nhiệm hoặc phòng tư vấn tâm lý hoặc các chuyên gia để được hỗ trợ, tích cực tham gia các hoạt động của nhà trường về phòng chống tác hại của ma tuý, đề phòng và hạn chế chơi với các bạn xấu, cải thiện quan hệ với gia đình, tránh xa các khu vực có người nghiện và nghi nghiện ma tuý... Nhìn chung, các biện pháp đều có tính khả thi và nói lên thái độ của các em trong việc tự phòng ngừa nguy cơ SDMT. Điều này chứng tỏ hiệu quả tốt của thực nghiệm.
Luận án tiến sĩ Tâm lý học