CHƯƠNG 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ ĐA DẠNG HOÁ SẢN PHẨM DU LỊCH
1.2. Khái quát chung về thị xã Sầm Sơn và vị trí của ngành du lịch biển đối với quá trình phát triển kinh tế của thị xã
1.2.2. Vai trò của ngành du lịch biển đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội
Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Phát triển kinh tế du lịch vừa là mục tiêu, vừa là cơ sở động lực để thúc đẩy sự phát triển chung của nền kinh tế - xã hội. Càng ngày du lịch càng trở nên quan trọng trong hoạt động kinh tế của cả nước. Du lịch có tầm quan trọng trong nền kinh tế nên hiện nay nhiều nước trên thế giới đều cố gắng phát huy các thế mạnh của mình để khai thác có hiệu quả sản phẩm du lịch. Và thực tế du lịch thực sự trở thành “con gà đẻ trứng vàng” cho nhiều quốc gia. Hằng năm, ngành du lịch đã đem về cho các nước một số tiền khổng lồ, thu hút một số lượng lớn lực lượng lao động, sự phát triển du lịch có thể cải thiện nhiều mặt về môi trường đầu tư, tăng cường hợp tác giao lưu kinh tế đối ngoại.
Đối với Việt Nam, kinh tế du lịch phát triển đem lại một lượng lớn ngoại tệ cho quốc gia, góp phần tạo nên cán cân thanh toán thặng dư, tăng tỉ trọng dịch vụ cho ngành kinh tế quốc dân, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương. Có thể nói du lịch đã đem lại nhiều giá trị kinh tế và xã hội cho địa phương nói riêng và cho cả nước nói chung. Vì vậy, Đảng và Nhà nước ta đã ưu tiên phát triển ngành kinh tế du lịch, coi du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia.
* Đối với thị xã Sầm Sơn.
Với lịch sử hình thành và phát triển du lịch hơn 100 năm đã ghi nhận Sầm Sơn là một đô thị biển, là trung tâm du lịch của tỉnh Thanh Hoá và khu vực các tỉnh phía Bắc. Có thể nói phát triển du lịch đã mang lại lợi ích toàn
diện, tổng hợp cả về mặt kinh tế - chính trị - văn hoá - xã hội không chỉ riêng thị xã Sầm Sơn mà cả tỉnh Thanh Hoá nói chung. Vì vậy, ngành kinh tế du lịch chiếm vị trí và vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa bàn.
Thứ nhất: ngành du lịch góp phần vào sự phát triển tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Với sự thay đổi và phát triển không ngừng ngành du lịch đã trở thành ngành kinh tế chủ đạo của thị xã, chiếm 75% cơ cấu kinh tế. Là ngành sản xuất ra các hàng hoá như cơ sở vật chất: khách sạn, các câu lạc bộ, đồ lưu niệm, chế biến thực phẩm phục vụ du khách,… Việc thực hiện giá trị hàng hoá sẽ góp phần vào tăng trưởng GDP, đồng thời nó có tác động lan toả đến sự phát triển của các ngành khác như giao thông vận tải, công nghiệp chế biến, ngân hàng, bưu chính viễn thông và các ngành nghề thủ công.
Sự phát triển của các ngành nghề kéo theo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ hơn, phù hợp với tiềm năng lợi thế của địa phương. Sự chuyển dịch từ nền kinh tế nông - lâm - ngư nghiệp là chủ yếu sang phát triển ngành dịch vụ và du lịch. Thể hiện ở tỷ trọng du lịch và dịch vụ trong nền kinh tế ngày càng tăng. Năm 2009, tỷ trọng giữa 3 khu vực nông lâm nghiệp - thuỷ sản, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ trong tổng GTGT của Sầm Sơn là 16,5% - 12,5% - 71,0% , năm 2010 tỷ trọng là 16,4% - 12,3% - 71,3%. So với năm 2005 là 23,8% - 13.6% - 62,6%. Như vậy sau 4 năm (từ 2005 -2009) tỷ trọng dịch vụ tăng 8,4% (bình quân mỗi năm tăng hơn 2,1%); tỷ trọng nông lâm nghiệp - thuỷ sản giảm 7,3% và công nghiệp - xây dựng giảm 1,1%. Đến năm 2015 giá trị gia tăng khu vực dịch vụ chiếm 78% (riêng du lịch chiếm gần 60%); công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 10% (công nghiệp chiếm hơn 7%) trong tong số GTGT của thị xã. Ước tính đến năm 2020 tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm hơn 83% (riêng du lịch chiếm 63%); nông lâm nghiệp -thuỷ sản giảm xuống còn 8% (riêng công nghiệp chiếm 6,7%) trong nền kinh tế thị xã.
Cơ cấu kinh tế theo thành phần cũng từng bước được chuyển dịch phù
hợp dần với các cơ chế tị trường. Khu vực kinh tế ngoài quốc doanh phát triển nhanh và ngày càng chiếm ưu thế trong mọi lĩnh vực, tỏ rõ sự thích nghi với cơ chế thị trường và có tác động lớn đến nền kinh tế.
Thứ hai: ngành du lịch đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Du lịch là ngành kinh tế chủ lực của Sầm Sơn nên đã thu hút một lực lượng lao động trong và ngoài thị xã tham gia. Năm 2009 Sầm Sơn có 9.980 lao động tham gia hoạt động du lịch (chưa kể 2000 lao động thời vụ từ bên ngoài), chiếm 32% lao động xã hội của thị xã và trên 60% lao động ngành du lịch trong tỉnh. Năm 2015 có gần 36.700 người, trong đó lao động trực tiếp là 17.370 người và năm 2020 khoảng 77.200 người, trong đó lao động trực tiêp là 34. 740 người. Ngành du lịch phát triển nhu cầu lao động cho hoạt động du lịch tăng lên đã góp phần vào việc giải quyết vấn đề việc làm, tăng thu nhập và đời sống cho người dân.
Tuy nhiên, do tính đặc thù của du lịch Sầm Sơn là hoạt động theo mùa nên rất khó khăn cho việc thu hút các lao động có tay nghề cao về làm việc.
Đặc biệt, là khi Sầm Sơn đang thu hút được sự đầu tư và phát triển nhanh các loại hình du lịch nghỉ dưỡng cao cấp thì yêu cầu về lao động chất lượng cao càng lớn. Vì vậy, cần có những chính sách hợp lý để thu hút lao động có chuyên môn, nghiệp vụ và tính chuyên nghiệp cao để phục vụ trong ngành.
Cùng với việc giải quyết việc làm, ngành kinh tế du lịch ở Sầm Sơn đã mang lại thu nhập cho người lao động, góp phần cải thiện đời sống nhân dân cũng như nâng cao ý thức trách nhiệm, giữ gìn, phát triển các giá trị văn hoá, khôi phục các lễ hội truyền thống, truyền tải các giá trị văn hoá đến các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế,… nhằm tạo nên sức hấp dẫn cho khách.
Du lịch chẳng những mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp cho người sản xuất kinh doanh mà còn gián tiếp đối với người lao động ở các ngành liên quan. Ngành du lịch Sầm Sơn phát triển thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội cùng phát triển, mở rộng thêm thị trường tiêu thụ hàng hoá, dịch vụ thúc đẩy
thương mại và mang lại hiệu quả cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích đem lại, ngành du lịch trên địa bàn cũng luôn tồn tại một vấn đề tiêu cực về ô nhiễm môi trường, các tệ nạn xã hội. Từ cách nhìn nhận khách quan các cấp ban ngành cần phải có những giải pháp nhằm phát triển du lịch địa phương theo hướng tích cực, bền vững.
Tiểu kết chương 1
Chương 1 của luận văn đã tổng kết được những cơ sở lý luận quan trọng về sản phẩm du lịch và ý nghĩa của việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch đối với việc phát triển du lịch nói chung. Bên cạnh đó, nội dung chương này đã khái quát được khu du lịch biển Sầm Sơn và vị trí của ngành du lịch biển đối với việc phát triển kinh tế của thị xã Sầm Sơn. Những khái niệm đặc trưng về du lịch, nhu cầu du lịch, sản phẩm du lịch, là cơ sở quan trọng để thúc đẩy việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch tại một điểm du lịch, cụ thể là biển Sầm Sơn - Thanh Hóa.
Việc xác định phương hướng và giải pháp để thực hiện quá trình đa dạng hóa sản phẩm du lịch làm cơ sở cho sự chỉ đạo phát triển du lịch ở địa phương. Góp phần làm thay đổi diện mạo mới, cái nhìn mới cho du lịch Sầm Sơn nói riêng cũng như du lịch xứ Thanh nói chung đồng thời mang về nguồn doanh thu nhất định từ ngành kinh tế du lịch cho tỉnh nhà.
CHƯƠNG 2: TIỀM NĂNG VÀ THỰC TRẠNG ĐA DẠNG HOÁ SẢN PHẨM DU LỊCH TẠI KHU DU LỊCH BIỂN SẦM SƠN - THANH HOÁ