CHƯƠNG 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ ĐA DẠNG HOÁ SẢN PHẨM DU LỊCH
2.1. Tiềm năng phát triển du lịch biển Sầm Sơn
2.1.2. Tài nguyên du lịch nhân văn
Sầm Sơn có nguồn tài nguyên du lịch nhân văn khá phong phú, là một trong những địa phương có tỷ lệ di tích cao trong cả nước. Gồm các di tích lịch sử văn hóa, các lễ hội, ngành nghề truyền thống và các giá trị văn hóa khác. Trên địa bàn Sầm Sơn có 16 di tích, trong đó có 6 di tích cấp quốc gia và 10 di tích cấp tỉnh. Cụ thể:
* Đền
- Đền Độc Cước (hay còn gọi là đền Thượng), nằm trên hòn Cổ Giải thuộc phía Bắc dãy núi Trường Lệ, là ngôi đền nổi tiếng linh thiêng. Đền thờ thần Độc Cước, vị thần đã có công tự xẻ đôi thân mình dẹp loài thủy quái, bảo vệ cuộc sống bình yên cho dân lành. Đền hiện còn lưu giữ 8 đạo sắc phong, được xếp hạng di tích quốc gia từ năm 1962. Là không gian tâm linh quan trọng nhất của cư dân Sầm Sơn và các vùng lân cận. Nơi đây hằng năm có các lễ hội truyền thống như: lễ cầu phúc (16/2 âm lịch); lễ hội bánh chưng - bánh giầy (12/5 âm lịch).
- Đền Cô Tiên, nằm trên hòn Đầu Voi phía Tây núi Trường Lệ, phía trên Vụng Ngọc. Đền thờ mẫu Liễu Hạnh. Đền Cô Tiên còn lưu giữ niềm tự hào của đất và người Sầm Sơn, năm 1960 Bác Hồ đã về thăm Sầm Sơn và nghỉ qua đêm tại đền. Đền được xếp hạng di tích quốc gia năm 1962.
- Hòn Trống Mái, là danh thắng nổi tiếng mà thiên nhiên ban tặng, được xếp hạng cấp quốc gia từ năm 1962. Là biểu tượng của tình yêu thủy chung, vĩnh hằng. Được lấy làm biểu trưng cho du lịch Thanh Hóa.
- Đền Tô Hiến Thành (hay còn gọi là đền Trung), nằm ở phía Đông Bắc dãy Trường Lệ. Đền thờ quan Thái úy Tô Hiến Thành, một nhà chính trị tài
năng, thanh liêm, công minh, chính trực nổi tiếng thời Lý. Ông được phong tước vương dù không phải là tôn thất, là người có công lớn trong việc trị an và tổ chức khai hoang lấn biển. Đền được xếp hạng di tích quốc gia từ năm 1962.
- Đền Đề Lĩnh, thuộc làng Lương Trung, phường Trung Sơn, đền thờ Thành hoàng làng Lương Trung Đường Công Quang Lộc, là Tứ trụ triều đình thời vua Lê Tương Dực, có công trấn giữ vùng cửa biển xung yếu Sầm Sơn, khai dân, lập ấp. Đền được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1993.
- Đền Cá Lập (hay còn gọi là đền Làng Trấp), thuộc xã Quảng Tiến, thờ tướng Trần Đức. Di tích được xếp hạng cấp quốc gia.
Ngoài ra còn 10 di tích khác đã được xếp hạng cấp tỉnh gồm: đền Hoàng Minh Tự (Đền Hạ); chùa làng Lương Trung; đền Bà Triệu; đền làng Hới; đền Thanh Khê; đền thờ phủ Đô Hầu; đền thờ Ngư Ông, chùa Khải Minh; chùa Khải Nam,…
* Lễ hội:
Các lễ hội ở Sầm Sơn diễn ra khá nhiều, thường là các tháng đầu năm.
Hầu hết là các lễ hội dân gian, phản ánh những nét văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, mang đậm tính nhân văn về lối sinh hoạt cư dân vùng biển.
- Lễ hội khai trương du lịch Sầm Sơn
Là sự kiện khai trương du lịch Sầm Sơn, được tổ chức vào dịp 30/4, 01/5 hằng năm. Với những chương trình rực rỡ sắc màu, tưng bừng cờ hoa và kết nối bạn bè bằng những hoạt động phong phú, hấp dẫn, độc đáo như: biểu diễn nghệ thuật, hội chợ thương mại, các giải đấu thể thao,… Đặc biệt, những màn pháo hoa rực rỡ luôn được nhân dân và du khách chào đón.
- Lễ hội Cầu phúc
Lễ hội Cầu phúc diễn ra vào ngày 16/2 (âm lịch) hằng năm tại đền Độc Cước, cầu cho “Quốc thái dân an”, nhân dân ấm no, hạnh phúc; cầu cho trời yên biển lặng để dân chài ra khơi đánh bắt được nhiều tôm cá.
- Lễ hội Bánh chưng - Bánh giầy
Được tổ chức vào ngày 12/5 (âm lịch) hằng năm tại đền Độc Cước. Nội dung chính của lễ hội là tế lễ, cầu mưa và thi làm bánh chưng, bánh giầy.
- Lễ hội Cầu ngư - Bơi chải
Được tổ chức vào ngày rằm tháng 5 (âm lịch) hằng năm tại cửa biển Lạch Hới. Người dân tổ chức đua thuyền để tỏ lòng tôn kính vị thần biển, thần Mặt Trăng - thần Độc Cước đã che chở, phù hộ cho nhân dân trong vùng.
Ngoài ra, còn có các lễ hội đặc sắc khác được nhân dân tổ chức hằng năm mang đậm nét sinh hoạt của cư dân vùng biển làm cho du lịch Sầm Sơn càng thêm phong phú và hấp dẫn như:
- Lễ hội đền Bà Triều: được tổ chức vào ngày 10/02 (âm lịch) tại đền Bà Triều, xã Quảng Cư.
- Lễ hội Cỗ Oản: được tổ chức vào ngày 30 tháng giêng tại chùa Khải Minh, phường Bắc sơn.
- Lễ hội Làng Vạn: được tổ chức vào ngày 03/03 (âm lịch) tại đền Thanh Khê, xã Quảng Cư.
- Lễ hội đền Đệ Tam Hoàng Minh Tự: được tổ chức vào ngày 24/6 (âm lịch) tại đền Đệ Tam, phường Trường Sơn.
Với vai trò là chủ thể trực tiếp tham gia bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, thông qua các lễ hội cán bộ các ban ngành cùng nhân dân thị xã Sầm Sơn càng thêm tự hào về quê hương mình. Từ đó nâng cao tinh thần, trách nhiệm quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp.
* Làng nghề tiểu thủ công nghiệp
Làng nghề thủ công nghiệp hiện đang trở thành loại hình du lịch mới của Sầm Sơn.
Làng nghề tiểu thủ công nghiệp ở Sầm Sơn hiện đang trở thành những điểm tham quan hấp dẫn đối với khách du lịch. Trong đó phải kể đến những làng nghề có lịch sử lâu đời như cơ sở dệt chiếu cói (Quảng Tiến), dệt xăm tơ (Quảng Cư), nước mắm Tân Hưng (Quảng Tiến), hàng mỹ nghệ ốc trai (phường Trường Sơn), đan
thuyền nan, thuyền thúng,… Những sản phẩm của các làng nghề này không chỉ phục vụ nhu cầu cho khách du lịch tham quan và mua làm quà mà nhiều mặt hàng còn được thủ công mỹ nghệ còn được xuất khẩu đến nhiều nươc trên thế giới.
Trong những năm gần đây, các cấp chính quyền Sầm Sơn đã có những chính sách quan tâm để tạo điều kiện thuận lợi cho các làng nghề phát triển.
Từ đó, một phần nào tạo sự yên tâm, hứng khởi cho những nghệ nhân đang
“giữ nghề” nơi đây.
Tuy nhiên, các làng nghề vẫn đang còn gặp nhiều vấn đề khó khăn như thiếu vốn đầu tư, cơ sở chưa hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu mở rộng để phối hợp với ngành du lịch để quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, các làng nghề truyền thống hầu như phát triển còn mang tính tự phát, các mẫu sản phẩm còn đơn điệu. Một số làng sản xuất hàng mỹ nghệ ở phường Trường Sơn, hàng thủ công mỹ nghệ ở xã Quảng Tiến,… cũng thu hút được khách đến tham quan nhưng vẫn dừng lại ở mức độ tự phát. Nguyên nhân, do bản thân người dân các làng nghề chưa thấy hết được những giá trị phát triển du lịch do làng nghề mang lại, nhất là các làng nghề ở Sầm Sơn lại đều tập trung ở vùng nông thôn, nơi mà cơ sở hạ tầng, giao thông còn hạn chế.
Tour làng nghề truyền thống là loại hình du lịch mới, nếu được quan tâm và đầu tư hơn nữa thì du lịch Sầm Sơn sẽ đem lại sự đa dạng hơn trong các sản phẩm du lịch tại địa bàn.
* Một số thể loại văn học nghệ thuật dân gian
Sầm Sơn là vùng đất có vốn văn hoá - văn nghệ dân gian phong phú, mang sắc thái của cư dân vùng biển. Mỗi ngọn núi, rừng cây đều gắn liền với những sự tích, huyền thoại do nhân dân sáng tạo nên. Đó là truyền thuyết thần Độc Cước, huyền thoại Trống Mái, sự tích bà Triều,… Bên cạnh đó, vùng đất này còn lưu giữ vốn dân ca, dân vũ phong phú, mang nhiều sắc thái độc đáo cuốn hút những du khách yêu thích tìm hiểu văn hóa dân tộc.
Hò: Hò là một loại hình sinh hoạt văn hoá vui tươi thể hiện niềm lạc quan, yêu đời, khắc phục gian khó của những người dân biển. Ở Sầm Sơn điệu hò thường được người dân biển cất lên như nói lên tiếng lòng, tâm hồn mênh mang của họ. Hò có nhiều loại: hò kéo thuyền, hò kéo lưới (rừng), hò vá lưới, hò ra khơi,… ngoài ra còn có hò đi cấy, đi cày, đi chợ,…
Tóm lại: Với vị trí thuận lợi, cùng những nét sinh hoạt văn hóa đậm dấu ấn vùng biển, làm cho du lịch Sầm Sơn càng thêm phong phú và hấp dẫn.
Thêm vào đó, tinh thần hiếu khách và lòng nhiệt thành sẽ là nền tảng vững chắc cho ngành du lịch phát triển. Với những điều kiện như vậy Sầm Sơn còn có thể mở rộng liên kết với các địa phương khác trong tỉnh, trong vùng và trong cả nước, hoặc với các tỉnh Bắc Lào để hình thành các tour du lịch hấp dẫn.