CHƯƠNG 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ ĐA DẠNG HOÁ SẢN PHẨM DU LỊCH
2.4. Đánh giá tổng hợp các yếu tố ảnh hưởng và tình hình phát triển sản phẩm
2.4.2. Khó khăn và thách thức
Bên cạnh những thuận lợi và những thành tựu đã đạt, Sầm Sơn còn tồn tại những mặt hạn chế làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển của ngành.
Quản lý và khai thác tài nguyên du lịch còn hạn chế, một số tài nguyên du lịch quan trọng chưa được quan tâm đầu tư. Một số di tích danh thắng chậm đầu tư, tôn tạo nên nhanh xuống cấp.
Hoạt động kinh doanh lữ hành chưa thực sự mang tính đổi mới, thiếu các tour - tuyến du lịch hấp dẫn đối với du khách, chưa tạo được sự gắn kết giữa hoạt động du lịch với các hoạt động văn hoá - thể thao, hội nghị, hội thảo nhằm thu hút du khách.
Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa phong phú, chưa đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của khách, nhất là các dịch vụ vui chơi, giải trí. Vì vậy khả năng cạnh tranh so với các vùng biển lân cận còn thấp. Nguyên nhân là do
việc xây dựng các sản phẩm du lịch thiếu sự liên kết, phối hợp liên ngành, chưa có tính thông nhất cao dựa trên một chiến lược sản phẩm thống nhất.
Mặt khác, chưa có một nghiên cứu khoa học để tìm ra quy trình và phương pháp tạo ra sản phẩm du lịch một cách bài bản, hiệu quả.
Hệ thống hạ tầng chưa được đầu tư động bộ, phần lớn là giàn trải, chưa dứt điểm nên cũng gây hạn chế đối với việc khai thác không gian và tuyến điểm du lịch trên địa bàn.
Hệ thống cơ sở lưu trú mặc dù trong những năm gần đây đã có sự nâng cấp và xây dựng mới thêm những khách sạn, nhà nghỉ nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của khách trong những tháng cao điểm mùa hè.
Chất lượng còn kém, loại hình lưu trú còn đơn điệu, chưa tận dụng được đặc thù cảnh quan và môi trường của điểm du lịch.
Mặc dù đã có nhiều có gắng nhưng Sầm Sơn vẫn chưa tạo được thương hiệu và sức hấp dẫn để thu hút du khách từ miền xa tới. Thực trạng cho thấy lưu lượng khách đến Sầm Sơn chủ yếu là khách nội địa, mà trong đó thị trường khách chủ yếu là các tỉnh phía Bắc, thời gian lưu trú của du khách không dài. Bên cạnh đó khách quốc tế đến Sầm Sơn còn rất ít nên chưa tạo được doanh thu lớn cho vùng.
Tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, lừa dối, chèn ép khách và ứng xử thiếu văn hoá vẫn còn diễn ra ở khu du lịch.
Chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho ngành du lịch và dịch vụ chưa cao. Môi trường văn hoá du lịch của các cộng đồng xóm, phố và bãi biển chưa thực sự chuyên nghiệp. Tuy đã có nhiều biện pháp khuyến khích, động viên, mở lớp nhưng do đặc thù thời gian làm du lịch trong năm ngắn, lao động mang tính chất thời vụ, các cơ sở kinh doanh có quy mô không lớn, nhất là do nhận thức về tầm quan trọng của chất lượng nguồn nhân lực chưa cao nên các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch chưa thực sự quan tâm đến công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Vì vậy, nhiều chủ cơ sở kinh doanh
không được đào tạo về quản lý. Các nhân viên phục vụ trong các khách sạn, nhà hàng, người làm dịch vụ nhứ lái xe điện, chụp ảnh, bán cafe, ăn sáng, bán hàng hải sản, xích lô,… hầu hết là làm thời vụ, mùa hè thì làm dịch vụ du lịch, các mùa còn lại làm việc khác, nên phong cách phục vụ, giao tiếp ứng xử chưa khéo léo; trang phục chưa đẹp, chưa lịch sự.
Công tác vệ sinh môi trường mặc dù có nhiều tiến bộ nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của một đô thị du lịch. Một bộ phận không nhỏ nhân dân và các cơ sở kinh doanh ý thức chưa cao trong việc bảo vệ môi trường. Nhiều cơ sở lưu trú, các nhà hàng chưa lập phương án bảo vệ môi trường théo quy định.
Công tác tuyên truyền, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở và xử lý vi phạm về môi trường còn hạn chế. Số lượng thùng rác công cộng trên các tuyến phố và các tuyến đường ngang còn ít. Nội dung tuyên truyền, biển chỉ dẫn cho dân nhân và du khách giữ gìn vệ sinh môi trường còn thiếu. Hiện tại, thị xã chưa có hệ thống xử lý nước thải, hệ thống thoát nước thải, nước mưa đã quá lạc hậu, thiếu đồng bộ, thiếu liên kết và xuống cấp, không đáp ứng được yêu cầu thoát nước hiện nay là ảnh hưởng tới môi trường du lịch của Sầm Sơn.
Công tác quản lý nhà nước về du lịch còn bất cập, buông lỏng. Việc kiểm tra, giám sát chỉ đạo của lãnh đạo một số phòng, ban, đơn, vị của thị xã chưa thường xuyên. Còn tồn tại nhiều hạn chế quan liêu, không sát thực tế. Sự phối hợp giữa các lực lượng và các phường, xã chưa tốt trong việc khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên du lịch. Sự chồng chéo về trách nhiệm của các bên liên quan trong việc quản lý, khai thác và tôn tạo tài nguyên du lịch thông qua mô hình tổ chức quản lý thống nhất.
Tiểu kết chương 2
Trong chương 2, tác giả đã hệ thống lại các tài nguyên du lịch của khu du lịch Sầm Sơn bao gồm tài nguyên du lịch tự nhiên, tài nguyên du lịch nhân văn, tài nguyên cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực phục vụ cho ngành du lịch ở địa bàn nghiên cứu.
Tìm hiểu phân tích đặc điểm thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế, nêu ra được tình hình phát triển các sản phẩm du lịch của Sầm Sơn.
Liên hệ với tình hình phát triển sản phẩm du lịch biển của những vùng biển lân cận có tính tương đồng để từ đó rút ra được tầm quan trọng trong việc cần thiết xây dựng và đa dạng hoá sản phẩm du lịch cho khu du lịch Sầm Sơn.
Việc tìm hiểu phân khúc và phân đoạn thị trường rõ ràng sẽ là cơ sở đưa ra được những chiến lược xây dựng sản phẩm du lịch đúng đắn.
Hiện nay, ở Sầm Sơn cũng đã xây dựng được một hệ thống các loại hình du lịch khá đầy đủ. Tuy nhiên, các sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách. Vì vậy, cần có những định hướng và giải pháp hợp lý nhằm đa dạng hoá sản phẩm du lịch cho vùng cũng như việc xây dựng hình ảnh văn hoá du lịch để du khách cảm nhận và có ấn tượng đẹp hơn đối với Sầm Sơn.
CHƯƠNG 3: ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP ĐA DẠNG HÓA SẢN PHẨM DU LỊCH TẠI KHU DU LỊCH BIỂN SẦM SƠN - THANH HÓA