Dân Việt Nam có chung một truyền thống lịch sử, có ý thức sâu sắc về chủ quyền cương vực quốc gia, quyền làm chủ đất nước, cố kết cộng đồng dân tộc, có tình nghĩa đồng bào sâu nặng trong đó dòng chủ lưu là chủ nghĩa dân tộc, ý chí độc lập và khát vọng tự do, không bao giờ khuất phục trước quân ngoại bang xâm lược và thống trị. Những chiến công hiển hách trong lịch sử dân tộc chống quân phong kiến phương Bắc xâm lược và thống trị không phải nhờ sức mạnh của quân nhiều mà “nhờ ý chí độc lập và lòng khát khao tự do”1. Độc lập tự do đối với các dân tộc vô cùng thiêng liêng, là “quyền trời cho của mỗi dân tộc”2. Nguồn giá trị văn hóa tư tưởng truyền thống trong đó cốt lõi là chủ nghĩa dân tộc, ý chí độc lập và khát vọng tự do là nền tảng tinh thần, động lực vĩ đại cho sự trường tồn và phát triển của Việt Nam.
Vào giữa thế kỷ XIX, Việt Nam bị thực dân Pháp xâm lược và thống trị, biến thành thuộc địa của Pháp. Mâu thuẫn giai cấp trong lòng xã hội có sự chuyển biến lớn. Sự xung đột về quyền lợi các giai cấp trong nội bộ dân tộc vốn không diễn ra giống như ở các nước phương Tây mà lại còn giảm thiểu lớn. Mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp trở thành mâu thuẫn chủ yếu. Các cuộc đấu tranh dân tộc chống thực dân Pháp liên tiếp nổ ra nhưng vì thiếu một định hướng cách mạng, khoa học nên chưa thể thành công. Trong bối cảnh đó, Hồ Chí Minh đã dấn thân đến nhiều nước trên thế giới để tìm hiểu, học hỏi, suy ngẫm về con đường cứu nước, giải phóng dân tộc phù hợp điều kiện lịch sử dân tộc, con người Việt Nam và nhu cầu tiến hóa của đất nước theo xu thế phát triển của nhân loại trong
thời đại mới. Bằng phương pháp luận biện chứng, lấy thực tiễn làm điểm xuất phát, kết hợp đúng đắn lý luận với thực tiễn, Người đã nhận chân được giá trị văn hóa tư tưởng Việt Nam truyền thống và những yếu tố tư tưởng cách mạng của các nước trên thế giới trong lịch sử cận hiện đại. Khi nghiên cứu chủ nghĩa Mác, Hồ Chí Minh thấy rõ chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng.
Ăngghen đã từng đánh giá học thuyết của Mác không đưa ra những giáo điều định sẵn, mà là những điểm xuất phát cho việc nghiên cứu thêm và phương pháp cho việc nghiên cứu này. Chủ nghĩa duy vật là một phương pháp duy nhất khoa học, còn chủ nghĩa duy vật lịch sử của Mác thì không bao giờ có tham vọng giải thích tất cả, mà chỉ có ý muốn vạch ra một phương pháp duy nhất khoa học để giải thích lịch sử chứ không thể đưa ra một chìa khóa cho mọi ổ khóa lịch sử.
Mác và Ăngghen cũng đã bàn đến vấn đề độc lập dân tộc của các nước bị các dân tộc lớn thống trị trên cơ sở triết lý lịch sử phương Tây và quyền lợi của giai cấp vô sản các nước đó làm khung quy chiếu.
Về vấn đề này, Ăngghen cũng từng thừa nhận rằng: “độc lập dân tộc là cơ sở cho mọi sự hợp tác quốc tế”3 và “phong trào quốc tế của giai cấp vô sản nói chung chỉ có thể nói trong môi trường các dân tộc độc lập”4. Song, xuất phát từ lợi ích trực tiếp của giai cấp vô sản các nước Tây Âu, Ăngghen lại nêu rõ phong trào giải phóng dân tộc phải phục tùng mục đích cách mạng vô sản ở Tây Âu. Ăngghen nhấn mạnh: “Chúng ta phải cùng nhau đấu tranh để giải phóng giai cấp vô sản Tây Âu và bắt tất cả những cái còn lại phải phục tùng mục đích ấy” và “nếu nguyện vọng giải phóng của họ xung đột với lợi ích của giai cấp vô sản, thì tôi hoàn toàn không quan tâm đến họ”5. Phải đến khi giai cấp vô sản châu Âu được giải phóng thì nhân dân các nước thuộc địa sẽ trở thành người tự do, thực sự được giải phóng!
Bản Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ6 viết năm 1924, lưu ở Viện Mác - Lênin, Mátxcơva, không ký tên tác giả đã nhận xét rằng: Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử châu Âu, mà châu Âu chưa phải là toàn thể nhân loại. Vì vậy, khi vận dụng học thuyết Mác để nghiên cứu phương Đông, nhất là Việt Nam cần phải xem xét lại cơ sở lịch sử và phải bổ sung vào học thuyết đó những tư liệu lịch sử phương Đông mà ở thời kỳ của Mác không thể có được.
Dựa trên cơ sở triết lý phương Đông để nghiên cứu, tác giả bản Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ đã nêu một luận điểm có giá trị khoa học đặc sắc, rằng: “Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước... Phát động chủ nghĩa dân tộc bản xứ nhân danh Quốc tế Cộng sản... Một chính sách mang tính hiện thực tuyệt vời. Giờ đây, người ta sẽ không thể làm gì được cho người An Nam nếu không dựa trên các động lực vĩ đại, và duy nhất của đời sống xã hội của họ. Khi chủ nghĩa dân tộc của họ thắng lợi, thì đã lâu lắm rồi, phần lớn thế giới sẽ xôviết hoá và lúc đó, nhất định chủ nghĩa dân tộc ấy sẽ biến thành chủ nghĩa quốc tế. Trong khi chờ đợi, chủ nghĩa dân tộc sẽ quấy rối chủ nghĩa đế quốc Pháp và bằng việc làm này, Quốc tế Cộng sản sẽ được lợi trực tiếp”7. Chủ nghĩa dân tộc truyền thống được tiếp tục phát triển lên tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh, là một chủ nghĩa dân tộc cách mạng trong sáng, không mâu thuẫn với lợi ích của phong trào vô sản thế giới và chủ nghĩa quốc tế chân chính. Sự thức tỉnh về ý thức dân tộc vì độc lập tự do của Việt Nam không hề đi theo sự bài ngoại quen thuộc, bột phát của những cuộc bùng nổ thông thường của chủ nghĩa dân tộc sôvanh, biệt phái.
Nguồn giá trị văn hóa tư tưởng trong đó chủ nghĩa dân tộc chân chính, ý chí độc lập tự do là dòng chủ lưu của tư tưởng Việt Nam xuyên suốt lịch sử dân tộc, là một trong những nguồn gốc chủ yếu của tư
tưởng Hồ Chí Minh và dựa trên cơ sở đó, Người đã nghiên cứu tiếp thu biện chứng giá trị nguồn tư tưởng cách mạng của thế giới.
Kế thừa và nâng lên tầm cao mới của thời đại nguồn giá trị văn hóa tư tưởng truyền thống của dân tộc bằng cách kết hợp, tiếp biến, tổng hòa, phát triển biện chứng tinh hoa văn hóa tư tưởng phương Đông và tư tưởng các cuộc cách mạng Âu, Mỹ ở thế kỷ XVII, XVIII, đặc biệt là học thuyết cách mạng của Mác, Lênin, Hồ Chí Minh đã xây dựng thành công một hệ quan điểm toàn diện và sáng tạo mang tầm vóc lịch sử một học thuyết cách mạng giải phóng và phát triển dân tộc vì độc lập tự do.
Học thuyết cách mạng của Hồ Chí Minh được hình thành về cơ bản trong ba thập kỷ đầu của thế kỷ XX và được tiếp tục phát triển khá sinh động trong những thập kỷ về sau. Có thể nêu tóm tắt nội dung học thuyết đó như sau:
- Muốn cứu nước, giải phóng và phát triển dân tộc phải theo học thuyết của Mác, một học thuyết cách mạng nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc về quyền tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình và hạnh phúc. Luận điểm ấy là biểu hiện tầm cao mới, nội dung mới bằng cách kết hợp chủ nghĩa dân tộc với chủ nghĩa quốc tế.
- Cách mạng giải phóng dân tộc có quan hệ với cách mạng vô sản ở “chính quốc” song không phụ thuộc vào cách mạng “chính quốc”, mà nó có khả năng giành thắng lợi trước bằng sức mạnh và trí tuệ của dân tộc.
- Cách mạng giải phóng và phát triển dân tộc là lâu dài, gian khổ, trước hết là phải tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, giành lại quyền độc lập, tự do; thực hiện cách mạng dân chủ nhân dân, tạo tiền đề để quá độ lên giải phóng xã hội, giải phóng con người, tạo thành một liên hiệp trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người; một nước độc lập, dân tự do, mọi người ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành, một xã hội thông thái và đạo đức.
- Cách mạng giải phóng và phát triển là sự nghiệp đại đoàn kết lực lượng toàn dân tộc, được giác ngộ và tổ chức chặt chẽ đứng lên đấu tranh để giải phóng giành lại quyền độc lập tự do, xây dựng một nhà nước pháp quyền của dân tộc, do dân tộc và vì dân tộc để quản lý xã hội và phát triển đất nước.
- Cuộc cách mạng giải phóng và phát triển dân tộc đó phải do một đảng tiên phong của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, của dân tộc, được vũ trang bằng một hệ tư tưởng cách mạng sáng tạo, có đường lối chính trị đúng đắn, và tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ đảng viên tiên phong gương mẫu nguyện phấn đấu vì nhân dân, vì Tổ quốc lãnh đạo…
Cùng với việc xây dựng học thuyết cách mạng giải phóng và phát triển dân tộc làm cơ sở tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng, Hồ Chí Minh đã tích cực chuẩn bị về tổ chức, đào tạo cán bộ về lý luận và đạo đức mẫu mực, kiên cường chiến đấu vì lợi ích của nhân dân, của dân tộc, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình, đem xương máu của mình vun tưới cho cây cách mạng khai hoa, kết trái tốt đẹp.
Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được thành lập (6-1925). Nhiều lớp huấn luyện cán bộ đã được mở ở Quảng Châu. Phần lớn học viên là những thanh niên yêu nước và cấp tiến, vốn xuất thân là học sinh, trí thức. Hồ Chí Minh trực tiếp theo dõi, chỉ đạo và là giảng viên chính của các khóa học. Các học viên được học về “đường cách mệnh” theo học thuyết cách mạng của Hồ Chí Minh. Họ học làm cách mạng, học cách hoạt động bí mật. Trần Dân Tiên, tác giả của Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch đã cho chúng ta biết rõ, các học viên sau khi “học xong họ lại bí mật về nước truyền bá lý luận giải phóng dân tộc, và tổ chức nhân dân”8.
Học thuyết cách mạng của Hồ Chí Minh được trình bày rất ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ. Giáo sư Nhật bản Singô Shibata đã nhận xét rằng: “Các tác phẩm ấy đã phát triển lý luận không theo một cách uyên bác xa xôi mà viết bằng những lời lẽ đơn giản, những câu ngắn gọn” nhưng giá trị lý luận cách mạng của Hồ Chí Minh giống như “những viên ngọc quý được khảm trong các tác phẩm của Người”9. Còn Phiđen Cátxtơrô Rudơ, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba nói: “Đồng chí Hồ Chí Minh đã tìm ra con đường cần thiết phải giải thoát sự bóc lột xã hội. Sự nghiệp giải phóng dân tộc và sự nghiệp giải phóng xã hội là hai điểm then chốt trong học thuyết của Người”10. Nếu có ai hỏi văn bản nào giải thích kỹ càng nhất học thuyết của Hồ Chí Minh, thì chúng ta có thể trả lời: Thông qua chủ nghĩa anh hùng cách mạng nảy sinh hằng ngày trong chiến đấu và dựng xây đất nước của nhân dân Việt Nam, người ta đã tìm thấy lời giải thích hay nhất về học thuyết vì độc lập và tự do của Hồ Chí Minh. Và chính Hồ Chí Minh khi nói về cách viết tác phẩm Đường cách mệnh, con đường giải phóng và phát triển dân tộc được diễn đạt vắn tắt, dễ hiểu, dễ nhớ; ước sao cho đồng bào xem rồi thì nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên đoàn kết nhau mà làm cách mệnh. Văn chương và hy vọng của sách này chỉ ở trong hai chữ: Cách mệnh! Cách mệnh!! Cách mệnh!!!11.
Hà Huy Tập vốn là một thành viên của Đảng Tân Việt đã viết rõ, các hội viên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và cả Tân Việt Cách mạng Đảng tự coi “cuốn Đường cách mệnh là cương lĩnh và hệ tư tưởng của họ”. Đó là sách phúc âm đối với tất cả đảng viên của Tân Việt và họ đã học gần như thuộc lòng. Ngay khi Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và Tân Việt Cách mạng Đảng chưa phải là Đảng Cộng sản, nhưng tất cả các thành viên của hai tổ chức đó luôn luôn nói với nhau hoặc nói với quần chúng rằng họ là những người cộng sản chân chính theo con đường cách mệnh của Hồ Chí Minh.
Lý luận cách mạng giải phóng và phát triển dân tộc vì độc lập tự do của dân tộc Hồ Chí Minh được truyền bá vào Việt Nam đã đáp ứng khát vọng thiêng liêng nhất của nhân dân Việt Nam, trước hết là tầng lớp học sinh, thanh niên trí thức yêu nước. Họ đã dấn thân đi vào quần chúng để tuyên truyền, vận động, tổ chức đấu tranh, làm dấy lên trong toàn quốc một phong trào đấu tranh dân tộc, dân chủ ngày càng mạnh mẽ. Điều đó phản ánh khá rõ sự trưởng thành về chính trị, tính tự giác cách mạng của phong trào quần chúng. Nhu cầu lập Đảng Cộng sản trên nền tảng học thuyết sáng tạo của Hồ Chí Minh để lãnh đạo quần chúng đấu tranh đã thúc đẩy các hội viên tiên tiến của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và của nhiều đảng viên của Đảng Tân Việt tích cực vận động thành lập Đảng Cộng sản.