Những vấn đề đặt ra từ thực trạng của việc thực hiện pháp luật về hoạt động giám sát của Quốc hội

Một phần của tài liệu Lịch sử đảng 80 năm XD PT của đảng CSVN (Trang 488 - 501)

Thứ bảy, do có sự yếu kém về cơ sở vật chất. Hiệu quả của việc thực hiện chức năng giám sát liên quan trực tiếp đến việc Quốc hội có đáp ứng đầy đủ về cơ sở vật chất cho các chủ thể trực tiếp tham gia hoạt động giám sát không. Hiện nay hoạt động giám sát của Quốc hội được đảm bảo bằng một cơ sở vật chất chưa thực sự đầy đủ về phương tiện đi lại, phương tiện làm việc, thông tin liên lạc và bộ máy giúp việc.

3. Những vấn đề đặt ra từ thực trạng của việc thực hiện pháp luật về hoạt động giám sát của Quốc hội

Thứ nhất, đổi mới nhận thức lý luận và thực tiễn về quyền giám sát tối cao và chức năng giám sát của Quốc hội Việt Nam.

- Coi giám sát là một trong ba chức năng quan trọng của Quốc hội, khắc phục tình trạng chỉ coi trọng chức năng lập pháp và coi nhẹ chức năng giám sát.

- Quyền giám sát tối cao phải được coi là quyền giám sát của Quốc hội đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước chứ không phải là chỉ đối với “tầng cao nhất” trong bộ máy nhà nước.

- Cần thống nhất một cách hiểu rằng, không có sự phân cấp trong việc thực hiện quyền giám sát của Quốc hội. Bởi lẽ, hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội là hoạt động do Hiến pháp quy định nhằm thực hiện chức năng đại diện. Hiến pháp không cho phép Quốc hội ủy quyền giám sát cho một cơ quan nào mà quyền giám sát đó phải do Quốc hội thực hiện theo quy trình giám sát. Hơn thế nữa, để đảm bảo tính thường xuyên, liên tục, không bị ngắt quãng trong

việc thực hiện hoạt động giám sát của Quốc hội càng không thể có cơ sở để phân biệt hoạt động giám sát của Quốc hội thành trong kỳ họp và ngoài kỳ họp mà cần hiểu rằng, ở bất kỳ thời điểm nào, hoạt động giám sát của Quốc hội đều có thể được tổ chức thực hiện và có hiệu lực trực tiếp tới đối tượng chịu sự giám sát khi hoạt động giám sát đó đã hoàn thành hết quy trình giám sát.

Thứ hai, thực hiện pháp luật về giám sát tối cao của Quốc hội cần quán triệt các quan điểm chính như sau:

- Quán triệt nguyên tắc đảm bảo tính đại diện của Quốc hội. Có đảm bảo nguyên tắc này thì mọi hoạt động giám sát của Quốc hội mới thực sự xuất phát từ những bức xúc của nhân dân, Quốc hội thực hiện hoạt động giám sát vì lợi ích của Nhà nước, của nhân dân.

- Quán triệt nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội.

- Việc thực hiện pháp luật giám sát của Quốc hội cần phải xuất phát trên cơ sở thực tiễn Việt Nam kết hợp với sự tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm hoạt động của Quốc hội một số nước trên thế giới.

- Việc thực hiện pháp luật về giám sát của Quốc hội cần đảm bảo tính hiện đại, chuyên nghiệp và khoa học. Bên cạnh đó, các chủ thể tiến hành hoạt động giám sát của Quốc hội phải có chuyên môn cao, có tư duy lôgích, kỹ năng phân tích, đánh giá các thông tin thu thập cùng với việc áp dụng thành thạo các kỹ thuật hiện đại, sử dụng tối đa các ưu thế của công nghệ thông tin để có được nguồn thông tin chính xác và nhanh nhất.

- Việc thực hiện pháp luật về đảm bảo tính công khai, minh bạch và quán triệt tinh thần tiết kiệm và hiệu quả.

Thứ ba, tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và các quy định pháp luật có liên quan nhằm tạo cơ sở pháp lý cho Quốc hội thực hiện có hiệu quả chức năng giám sát.

Về thủ tục chất vấn và trả lời chất vấn, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội cần bổ sung quy định về những căn cứ làm cơ sở cho việc dự kiến danh sách những người có trách nhiệm trả lời chất vấn tại kỳ họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Quốc hội là chủ thể có quyền quyết định cao nhất về danh sách những người trả lời chất vấn và những câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội sẽ được đưa ra chất vấn miệng hoặc chất vấn bằng văn bản. Quyết định của Quốc hội cần được tiến hành trên cơ sở lấy biểu quyết của Quốc hội. Bên cạnh đó, để dự liệu cho những trường hợp khi một số chất vấn của đại biểu Quốc hội không được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đưa vào danh sách để Quốc hội quyết định thì Luật hoạt động giám sát của Quốc hội cần quy định những trường hợp đó cũng phải được Quốc hội đưa ra bỏ phiếu biểu quyết. Cần nghiên cứu hình thức liên danh chất vấn giữa một số đại biểu Quốc hội và bổ sung trong Luật hoạt động giám sát của Quốc hội để làm phong phú thêm cách thức chất vấn và làm cho vấn đề chất vấn được tập trung cũng như tạo sức ép đối với đối tượng bị chất vấn. Hiệu quả chất vấn có thể sẽ được nâng lên.

Ngoài ra, việc chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội không nên chỉ tập trung vào hai hoặc ba ngày cuối kỳ họp mà nên coi chất vấn là một hoạt động phải được tiến hành thường xuyên trong suốt kỳ họp. Do đó, nên bố trí mỗi ngày một tiếng cho hoạt động chất vấn. Những vấn đề chất vấn và nội dung chất vấn, câu trả lời chất vấn, các kết luận về vấn đề chất vấn do Chủ toạ kết luận và nghị quyết về vấn đề chất vấn (nếu có) cần phải được thể hiện theo quy trình cụ thể hơn và được ghi vào

biên bản của kỳ họp Quốc hội, đồng thời được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hơn thế nữa, để đảm bảo cho hoạt động giám sát của nhân dân đối với hoạt động của đại biểu dân cử, ngoài những thông tin được cung cấp trên báo chí và phương tiện truyền thông, nếu cử tri có yêu cầu được cung cấp thông tin về việc trả lời chất vấn trong kỳ họp Quốc hội và giữa hai kỳ họp Quốc hội thì Quốc hội phải có kế hoạch cung cấp thông tin cho cử tri một cách đầy đủ, cụ thể và kịp thời.

Bổ sung hình thức chất vấn cho các cơ quan của Quốc hội để Hội đồng dân tộc và các uỷ ban của Quốc hội được quyền chủ động trong giám sát. Có như vậy các vấn đề giám sát mới trở nên minh bạch và kịp thời khi các cơ quan của Quốc hội có đủ công cụ giám sát hữu hiệu.

Về thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm, cần sửa đổi quy định về thẩm quyền trình Quốc hội xem xét vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm. Không nên chỉ quy định thẩm quyền này thuộc về Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mà phải xác định cho các chủ thể khác như: đại biểu Quốc hội, Hội đồng dân tộc, uỷ ban của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở đó, Quốc hội biểu quyết và quyết định theo đa số phiếu. Để tránh sự tuỳ tiện trong việc trình kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm, việc quy định số lượng nhất định đại biểu Quốc hội là cần thiết, tuy nhiên nếu quy định là 20% tổng số đại biểu Quốc hội thì đây lại là con số quá lớn khiến cho việc bỏ phiếu tín nhiệm khó áp dụng trong thực tiễn ngay từ giai đoạn trình kiến nghị. Do đó, nếu không bỏ được việc hạn chế số lượng kiến nghị của đại biểu Quốc hội thì nên áp dụng theo quy định của hầu hết các nước trên thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Thuỵ Điển là kiến nghị của ít nhất 10% tổng số đại biểu Quốc hội hoặc cũng có thể căn cứ từ đề nghị của ít nhất là 10 đoàn đại biểu Quốc hội. Bên cạnh đó, các chủ thể khi thực hiện quyền trình kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm phải kèm theo dự thảo Nghị quyết trình bày trước Quốc hội cơ sở của kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm.

Mặt khác, để hoạt động giám sát thông qua chất vấn và bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội đạt được hiệu quả thì Quốc hội cần chú trọng tới hoạt động điều tra. Tuy nhiên, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội hiện hành chỉ quy định cho uỷ ban lâm thời tiến hành hoạt động điều tra là chưa đủ. Hoạt động điều tra có thể do Quốc hội trực tiếp thực hiện và có thể được tiến hành ngay trong phiên chất vấn của Quốc hội với sự triệu tập nhân chứng. Nhân chứng ở đây có thể là lãnh đạo hoặc người trực tiếp thực hiện công việc cùng với đối tượng bị giám sát và các cá nhân có liên quan đến vụ việc. Trên cơ sở điều tra tại chỗ như vậy, Quốc hội và đại biểu Quốc hội đánh giá được mức độ hoàn thành nhiệm vụ và trách nhiệm của đối tượng bị giám sát để từ đó có cơ sở để thể hiện thái độ của mình đối với đối tượng bị chất vấn và nội dung chất vấn. Qua đó, Quốc hội có cơ sở khách quan hơn để ra nghị quyết về việc trả lời chất vấn.

Bổ sung hoạt động điều tra cho các uỷ ban của Quốc hội cũng là một vấn đề cần phải được cân nhắc trong thời gian tới, đặc biệt là trong xu thế chuyên môn hoá các uỷ ban vào từng lĩnh vực cụ thể.

Thứ tư, tăng cường hoạt động giám sát của Quốc hội cần phải được tiến hành trên cơ sở kiện toàn bộ máy của Quốc hội. Điều đó đòi hỏi bên cạnh việc quy định cho các ủy ban và Hội đồng của Quốc hội có quyền thực hiện hoạt động giám sát những vấn đề do ủy ban và Hội đồng phụ trách thì cần phải thành lập ủy ban chuyên trách về giám sát. Bên cạnh đó, nghiên cứu thành lập thanh tra nghị viện theo mô hình của các nước châu Âu trên cơ sở thanh tra nghị viện là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Đây là thiết chế quan trọng nhằm không những nâng cao chất lượng hoạt động giám sát mà còn là thiết chế tham gia tích cực trong phòng chống tệ nạn tham nhũng, đảm bảo quyền con người được thực hiện trong thực tế.

Thứ năm, nâng cao năng lực giám sát của Quốc hội trên cơ sở nâng cao năng lực giám sát của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội. Trong đó, cần chú trọng tới việc nâng cao năng lực giám sát của đại biểu Quốc hội.

Bởi lẽ, hoạt động giám sát không phải chỉ dừng lại ở các hoạt động xem xét, theo dõi mà còn thể hiện ở việc đánh giá, đưa ra kết luận, kiến nghị và biểu quyết. Hơn thế nữa, đối tượng giám sát của Quốc hội có tính chất đặc biệt và giữ vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước. Do đó, đòi hỏi đại biểu Quốc hội không chỉ là người có chuyên môn, có hiểu biết sâu về vấn đề giám sát, có kỹ năng phân tích thông tin, đánh giá chính xác về nội dung giám sát mà còn phải có bản lĩnh chính trị, đạo đức của người đại biểu cao nhất của nhân dân. Đặc biệt, trong một số hình thức giám sát cần đại biểu Quốc hội phát huy hết năng lực của mình như việc trình kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm, chất vấn, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Bên cạnh đó, cần tăng hơn nữa số đại biểu chuyên trách có trình độ pháp luật nhằm nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội đối với văn bản quy phạm pháp luật và hoạt động tư pháp.

Thứ sáu, huy động các nguồn lực. Tùy từng đối tượng giám sát để huy động sự tham gia tối đa của các nhà khoa học nhằm nâng cao chất lượng của hoạt động giám sát đồng thời chú trọng tới các yếu tố tổ chức, pháp lý, các điều kiện vật chất, phương tiện thông tin để đảm bảo cho đại biểu Quốc hội được trang bị thông tin một cách kịp thời, cập nhật, đầy đủ về các nguồn thông tin.

Thứ bảy, đa dạng hóa các loại hình giám sát. Huy động tối đa các lực lượng, thể chế chính trị nhằm tăng cường chức năng giám sát của Quốc hội trên cơ sở đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trên theo hướng phối hợp trực tiếp vào một số hoạt động giám sát của Quốc hội và phản ánh kịp thời ý kiến, kiến nghị của cử tri để Quốc hội xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động giám sát phù hợp với thực tiễn.

---

* Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Sđd, tr.126.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khoá VII, Sđd, tr.28.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Sđd, tr.130.

4, 5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Các nghị quyết của Trung ương Đảng 1996-1999, Sđd, tr.108-109, 223.

6, 7. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Sđd, tr.338, 132.

8. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Sđd, tr.126.

Đảng Cộng sản Việt Nam với việc giải quyết vấn đề dân chủ trong tiến trình cách mạng nước ta Ngày 28/12/2011. Cập nhật lúc 11h 3'

PGS, TSKH. PHAN XUÂN SƠN*

1. Trong lịch sử cách mạng nước ta, ngay từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam chưa ra đời, đã có các phong trào đấu tranh dân chủ rộng khắp, như phong trào Đông du, Đông Kinh nghĩa thục, Duy tân…

Nhưng chỉ sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, cuộc đấu tranh dân chủ ở nước ta mới được đặt trực tiếp là một bộ phận của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Mục tiêu của cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo là trước làm cuộc cách mạng tư sản dân quyền sau đó tiến lên chủ nghĩa xã hội. Dân chủ trong cuộc cách mạng này là giành lại quyền độc lập dân tộc và dân chủ cho nhân dân mà đại đa số là nông dân. Với mục tiêu đó, cách mạng có nhiệm vụ đánh đổ ách thực dân và phong kiến. Đó là một sứ mệnh dân chủ vĩ đại, trước hết là giành dân chủ về chính trị cho cả một dân tộc, sau đó và đồng thời là giành dân chủ cho nhân dân, mà đại đa số là nông dân, từ tay các giai cấp bóc lột mà chủ yếu là giai cấp phong kiến. Trong cuộc cách mạng này, thực hiện dân chủ cho nhân dân là một nội dung hết sức quan trọng. Nếu giành được độc lập rồi mà dân không được hưởng tự do (dân chủ) thì độc lập cũng không có giá trị gì. Trong cuộc cách mạng ấy, các lực lượng dân tộc và dân chủ liên minh đoàn kết với nhau để chống lại các lực lượng phản dân tộc và phản dân chủ (chủ yếu là đế quốc và phong kiến).

Lực lượng trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ là toàn thể nhân dân Việt Nam yêu nước. Nhân dân đấu tranh chủ yếu thông qua các tổ chức chính trị của mình, đó là Đảng Cộng sản, Mặt trận và các thành viên của nó và các hội đoàn khác, cùng với những sáng kiến muôn hình muôn vẻ đã làm nên một mặt trận chống đế quốc và phong kiến rộng lớn chưa từng có kể từ ngày bị mất nước vào tay thực dân Pháp. Lúc này dân chủ đã trở thành một phong trào, một nội dung căn bản của dân tộc, và giải phóng dân tộc là một phong trào, một nội dung căn bản của dân chủ.

Qua các giai đoạn cách mạng, tùy tình hình quốc tế và trong nước, Đảng ta đưa ra các chiến lược, sách lược đấu tranh khác nhau, những khẩu hiệu tập hợp lực lượng khác nhau. Mặc dù những khẩu hiệu đó nhấn mạnh vấn đề dân tộc hay dân chủ khác nhau, nhưng đều thống nhất ở mục tiêu mở rộng lực lượng của cách mạng.

Trong thời kỳ cách mạng 1936-1939 với những khẩu hiệu dân sinh, dân chủ, đã đáp ứng được nguyện vọng của không chỉ công nông mà của các giai cấp và tầng lớp khác. Qua đấu tranh dân chủ mà nâng cao ý thức dân tộc, mở rộng lực lượng cách mạng của dân tộc.

Thời kỳ 1939-1945, thời kỳ đấu tranh trực tiếp giành chính quyền, khẩu hiệu "Dân tộc trên hết" thực sự đáp ứng được quyền lợi dân chủ sâu xa nhất, căn bản nhất của mọi người dân Việt Nam mất nước.

Đó là quyền tự quyết định vận mệnh của mình, quyền dân tộc độc lập. Vì vậy, trong những ngày Tháng Tám năm 1945, nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh đã nổi dậy tổng khởi nghĩa giành quyền độc lập tự do và sau đó "quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy"1.

Trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, những nội dung dân chủ mà Đảng đề ra không dừng lại ở mục tiêu mà được triển khai thành tổ chức và thực thi trong thực tiễn. Đảng lãnh đạo nhân dân đấu tranh bằng những nội dung cụ thể thiết thực từ giảm sưu cao thuế nặng, đến đòi ruộng đất; từ giảm giờ làm, chống đánh đập, đến giành lại nhà máy, hầm mỏ về tay mình. Cao nhất là cuộc đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân. Ở những nơi cách mạng giành chính quyền (vùng tự do trong kháng chiến, và vùng giải phóng trong chiến tranh chống Mỹ ở miền Nam), Đảng chủ trương thi hành ngay những chính sách dân chủ, dân sinh, tạo điều kiện để nhân dân thực hiện đầy đủ các quyền của mình.

Những thành tựu đó khích lệ nhân dân vùng tạm chiếm, vùng dưới quyền kiểm soát của địch hăng hái đấu tranh vì mục tiêu dân chủ của Đảng.

Một phần của tài liệu Lịch sử đảng 80 năm XD PT của đảng CSVN (Trang 488 - 501)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(612 trang)
w