Vai trò của FDI đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia

Một phần của tài liệu MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHIẾN LƯỢC NHẰM TĂNG CƯỜNG THU HÚT VỐN ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI VÀO NGÀNH CÔNG NGHIỆP ĐIỆN TỬ CỦA HÀ NỘI (Trang 23 - 26)

CHƯƠNG 1: LÝ LUẬN VỀ ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI VÀ SỰ CẦN THIẾT PHẢI TĂNG CƯỜNG THU HÚT FDI VÀO NGÀNH CÔNG NGHIỆP ĐIỆN TỬ CỦA HÀ NỘI

1.1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI

1.1.5. Vai trò của FDI đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia

Khủng hoảng nợ những năm 80 của thế kỉ XX khiến cho các nước đang phát triển rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng, để thoát khỏi tình trạng đó các nước này đã thực hiện một loạt các biện pháp như cải cách kinh tế theo hướng chuyển sang nền kinh tế thị trường, áp dụng chiến lược công nghiệp hoá vào xuất khẩu… Nhưng do khủng hoảng nợ chồng chất, các nước đang phát triển không thể tiếp tục vay thêm từ các tổ chức quốc tế, vì vậy họ phải nhìn vào nguồn vốn FDI. Thực tế đã chứng minh đây là nhân tố quan trọng để các nước đang phát triển thoát khỏi nợ nần và từng bước công nghiệp hoá đất nước. Vì vậy, trong thời gian qua mục tiêu hàng đầu của các quốc gia đang phát triển là thu hút FDI, và thực tế cũng cho thấy dòng vốn FDI đã phát huy tác dụng của mình ở các nước này thời gian qua.

1.1.5.1. Góp phần bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển.

Hầu hết các nước đang phát triển đều thiếu vốn để công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước và nguồn vốn FDI đã góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình này.

Nguồn vốn FDI đã được khai thác hiệu quả và ưu thế hơn hẳn các nguồn vốn khác.

Đây là đồng vốn do nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp quản lý, sử dụng và tự chịu trách nhiệm với kết quả sản xuất kinh doanh của mình, vì vậy thông qua việc sử dụng nguồn vốn FDI, nhiều nguồn lực trong nước (lao động, đất đai, tài nguyên…) được khai thác và đưa vào sử dụng tương đối hiệu quả.

Một ví dụ điển hình là: Một nước phát triển cao như Mỹ với tổng vốn đầu tư là 1029 tỷ USD (1995) nhưng vẫn cần đến nguồn vốn FDI vào khoảng 90 tỷ USD (1995). Mặc dù FDI vào Mỹ chỉ chiếm khoảng hơn 8% tổng vốn đầu tư toàn xã hội nhưng nó có tầm quan trọng lớn đối với Mỹ, thể hiện ở việc dòng vốn FDI vào Mỹ đã làm tăng nguồn sinh khí mới cho thị trường đầu tư Mỹ.

Ở Việt Nam, tính từ năm 1988 đến nay, đã có 5800 dự án với tổng vốn đăng ký đạt gần 50 tỷ USD. Vốn thực hiện đạt 34,7 tỷ USD, chiếm trên 20% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 1996-2000 và khoảng 17-18% tổng số vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2001-2005. Sau thời kỳ suy giảm do chịu ảnh

hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính khu vực diễn ra vào năm 1997, dòng vốn FDI vào Việt Nam trong những năm gần đây đã từng bước được phục hồi.

1.1.5.2. Góp phần chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển

Khi các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được thu hút vào các nước đang phát triển, nhiều công nghệ mới, hiện đại đã du nhập vào các nước này trong tất cả các lĩnh vực: viễn thông, hoá chất, điện tử, tin học…góp phần nâng cao năng lực công nghệ của nền kinh tế, giải quyết những khó khăn mà các nước đang phát triển mắc phải như không đủ khả năng tài chính mua sắm trang thiết bị hiện đại, không đủ trình độ quản lý các thiết bị đó… Nhìn chung, trang thiết bị của khu vực FDI là trang thiết bị đồng bộ, có trình độ cao hơn hoặc bằng các thiết bị tiên tiến đã có trong nước và thuộc loại phổ cập ở các nước trong khu vực. Vấn đề về bảo vệ môi trường cũng được các doanh nghiệp FDI quan tâm. Chính điều này đã tạo ra một bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển của một số ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

1.1.5.3. Góp phần tạo việc làm mới và phát triển nguồn nhân lực cho nước sở tại.

Thu hút vốn FDI nhằm tạo ra nguồn lực để phát triển kinh tế và tạo việc làm cho người lao động là xu hướng quan trọng của tất cả các nước đang phát triển. Tuy nhiên, mỗi quốc gia có những chính sách cụ thể và biện pháp khác nhau. Kinh nghiệm chung của các nước là thu hút FDI phải dựa trên cơ sở phát triển sản xuất, tạo việc làm cho người lao động mới tạo ra được sự phát triển bền vững. FDI đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội đối với các nước đang phát triển.

FDI có khả năng tạo việc làm và cơ hội về việc làm cho người lao động, hơn thế FDI không chỉ tạo việc làm trực tiếp mà còn tạo việc làm gián tiếp. Theo điều tra của Ngân hàng Thế giới thì mỗi việc làm do FDI trực tiếp tạo ra sẽ tạo thêm cho từ một tới hai việc làm gián tiếp khác.

Theo Luật Đầu tư năm 2005, các dự án FDI sử dụng nhiều lao động được khuyến khích, nhất là trong lĩnh vực gia công, chế biến, sản xuất hàng xuất khẩu như dệt may, giày dép, đầu tư vào KCN, KCX... Số lao động trực tiếp trong khu vực FDI đã tăng lên nhanh chóng theo từng năm: Từ giai đoạn đầu mới phát triển (1996 – 2001) thu hút khoảng 50 vạn người, đến nay (số liệu thống kê năm 2010)

khu vực FDI đã thu hút trên 66 vạn lao động trực tiếp, một con số đáng kể trong điều kiện dân số đến độ tuổi lao động cần có việc làm của nước ta khá đông.

Đồng thời, khi các nhà đầu tư nước ngoài tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh trên lãnh thổ các quốc gia đang phát triển, họ sẽ đưa các chuyên gia giỏi cũng như phương thức quản lý doanh nghiệp hiện đại và chuyên nghiệp. Như vậy, những người lao động cũng như các doanh nghiệp nước đó sẽ có điều kiện và cơ hội để học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật cũng như kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp.

1.1.5.4. Nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế của các công ty trong nước

Thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhiều nguồn lực ở các quốc gia đang phát triển như lao động, đất đai, lợi thế địa lý kinh tế, tài nguyên…được phân bổ một cách hợp lý hơn. Qua đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp ở các nước này có thể học tập mô hình quản lý hiện đại, mở rộng mối liên kết kinh doanh với doanh nghiệp trong nước, phát triển công nghiệp phụ trợ, vật liệu. Đồng thời, khu vực đầu tư nước ngoài cũng tạo sức ép thúc đẩy các doanh nghiệp nước sở tại cạnh tranh vươn lên, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp này làm quen với phương thức làm ăn theo tiêu chuẩn quốc tế.

1.1.5.5. Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở các nước đang phát triển.

Thông qua nguồn vốn FDI các nước đang phát triển có thể tiếp tục nhận kỹ thuật công nghệ mới, tiên tiến trên thế giới để từ đó nâng cao trình độ khoa học công nghệ nội tại, từng bước công nghiệp hoá.

Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy, con đường tất yếu để có thể tăng trưởng nhanh là tăng cường đầu tư nhằm tạo ra sự phát triển nhanh ở khu vực công nghiệp và dịch vụ, trong đó FDI chiểm tỷ lệ lớn trong giá trị sản lượng công nghiệp và đầu tư xây dựng hạ tầng, từ đó từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Ở Việt Nam, gần 25 năm qua kể từ khi Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ra đời, FDI đã tạo ra khoảng 40% giá trị sản lượng công nghiệp, có tốc độ tăng khá cao, 2001-2010 tăng 17,4%/năm trong khi toàn ngành công nghiệp tăng

16,3%/năm, góp phần tạo ra nhiều ngành công nghiệp mới và tăng cường năng lực của nhiều ngành công nghiệp quan trọng khác như công nghiệp dầu khí, công nghệ thông tin, hoá chất, lắp ráp, điện tử và điện tử gia dụng… Đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dịch vụ cũng đã kích thích ngành dịch vụ Việt Nam phát triển nhanh hơn, nhất là trong các ngành viễn thông, du lịch, kinh doanh bất động sản, tài chính, ngân hàng… Về cơ cấu vùng, đầu tư nước ngoài tập trung chủ yếu tại các vùng kinh tế trọng điểm đã góp phần làm cho các vùng này thực sự là vùng kinh tế động lực để lôi kéo sự phát triển kinh tế chung và các vùng phụ cận. Điều này đã làm thay đổi bộ mặt và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của một loạt địa phương, công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tới 86% giá trị sản xuất công nghiệp của Bà Rịa- Vũng Tàu, 81% của Vĩnh Phúc…

1.1.5.6. Góp phần làm tăng kim ngạch xuất khẩu thông qua hoạt động mở rộng thị trường của mình.

FDI có vai trò quan trọng trong việc mở rộng thị trường các nước đang phát triển. Các doanh nghiệp có vốn FDI sẽ cung cấp hàng hoá, dịch vụ mà sản xuất trong nước chưa đủ đáp ứng cả về số lượng và chất lượng, từ đó mở rộng thị trường trong nước, đồng thời cũng góp phần to lớn thúc đẩy hoạt động xuất khẩu tại các nước này.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư tổng kết lại sau gần 25 năm Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cho thấy: Kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI tăng nhanh, 2001-2005 là 57,8 tỷ USD, 2006 – 2010 là 154,9 tỷ USD, bằng 2,67 lần và chiếm 55% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước (tính cả dầu thô). Khu vực FDI đã góp phần mở rộng thị trường trong nước, thúc đẩy các hoạt động dịch vụ phát triển nhanh, tạo cầu nối cho các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu tại chỗ hoặc tiếp cận thị trường quốc tế.

1.2. SỰ CẦN THIẾT PHẢI THU HÚT ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI VÀO NGÀNH CÔNG NGHIỆP ĐIỆN TỬ CỦA HÀ NỘI.

Một phần của tài liệu MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHIẾN LƯỢC NHẰM TĂNG CƯỜNG THU HÚT VỐN ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI VÀO NGÀNH CÔNG NGHIỆP ĐIỆN TỬ CỦA HÀ NỘI (Trang 23 - 26)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)