CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG THU HÚT VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI VÀO NGÀNH CÔNG NGHIỆP ĐIỆN TỬ CỦA HÀ NỘI
2.4. ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ HOẠT ĐỘNG THU HÚT FDI VÀO NGÀNH CÔNG NGHIỆP ĐIỆN TỬ CỦA HÀ NỘI THỜI GIAN QUA
2.4.1. Những kết quả đạt được trong hoạt động thu hút FDI và hiệu quả mà
2.4.1.1. Những kết quả đạt được trong hoạt động thu hút FDI vào ngành công nghiệp điện tử Hà Nội thời gian qua.
Để trở thành một Thành phố công nghiệp, một thủ đô văn minh hiện đại ngang tầm với các thành phố lớn khác trong khu vực vào năm 2020, trong năm 2011 Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định 1081/QĐ-TTg phê duyệt quy họạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 chú trọng vào việc phát huy tối đa các tiềm năng nội lực và khai thác triệt để các nguồn vốn bên ngoài trong đó có FDI nói chung và FDI vào công nghiệp điện tử của Hà Nội nói riêng nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế cơ bản của Thành phố. Bên cạnh những lĩnh vực ngành nghề khác, thu hút FDI vào công nghiệp điện tử của Hà Nội thời gian qua đã đạt được những kết quả cơ bản sau:
a. Quy mô số dự án và số vốn đầu tư.
Theo số liệu của Phòng Công thương và Phòng đầu tư nước ngoài-Sở kế hoạch và đầu tư Hà Nội thì đến hết năm 2010, Hà Nội đã thu hút 261 dự án vào ngành công nghiệp điện tử, chiếm 15,88% tổng số các dự án FDI vào tất cả các ngành của Hà Nội. Số dự án đầu tư đầu tư mới cũng như duy trì triển khai và thực hiện vào ngành này mặc dù tăng không đột biến (từ 2 dự án những năm đầu 90 cho đến 24 dự án ở năm 2010) nhưng luôn có xu hướng ổn định, bền vững cho thấy sự đầu tư lâu dài, tin tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này.
Về vốn đăng ký thì với 261 dựa án, ngành CNĐT Hà Nội đã thu hút tổng vốn đăng ký là 4.315,853 triệu USD trong 20 năm qua với quy mô bình quân mỗi dự án là 16,54 triệu USD, cao gấp 1,2 lần so với quy mô các dự án thông thường khác của HN.Nếu so sánh với số lượng dự án thực tế thực hiện của nguồn vốn FDI ở lĩnh vực dịch vụ và bất động sản (là hai lĩnh vực có nguồn FDI đầu tư cao nhất trong 2 năm trở lại đây) thì thấy rằng tỷ lệ vốn thực hiện/vốn đăng ký trong các dự án FDI vào CNĐT của Hà Nội là 51,02%, một con số khá cao một lần nữa chứng tỏ sự phù hợp
về định hướng FDI và bền vững về cơ cấu theo chủ trương đặt ra của thành phố.
b. Về hình thức đầu tư:
Thống kê cho thấy trong số 261 dự án FDI vào lĩnh vực điện tử của Hà Nội thì đều xuất hiện cả ba hình thức đầu tư FDI cơ bản đó là: 39 DN liên doanh chiếm 14,49%, 199 Dn 100% vốn nước ngoài (76,25) và 14 DN hợp đồng hợp tác kinh doanh chiếm 5.3%, ngoài ra cũng có các hình thức hợp tác như hợp đồng BOT, BT, BTO nhưng không đáng kể với khoảng 10 doanh nghiệp.
c. Về các đối tác đầu tư.
Với việc thu hút đầu tư lớn từ các nước công nghiệp chủ yếu từ châu Á – những nước có nền điện tử, công nghệ phát triển khá cao, trên địa bàn Hà Nội đã tập trung nhiều công ty và doanh nghiệp lớn mạnh về vốn và công nghệ như tập đoàn Canon, Panasonics, Sumitomo của Nhật Bản, các tập đoàn Daewoo, LG… của Hà Quốc, ABB của Thụy Điển, Siemen của Đức. Các tập đoàn này hiện chiếm phần lớn về vốn đầu tư trong tổng số vốn FDI vào ngành điện tử của Hà Nội.
d. Về công nghệ và thiết bị đầu tư.
Với đặc thù ngành, công nghệ và thiết bị đầu tư của các doanh nghiệp FDI trong CNĐT trên địa bàn Hà Nội mang tính ưu việt hơn hẳn so với các doanh nghiệp nội địa, phần lớn là công nghệ tiên tiến và thiết bị mới, năng suất lao động cao, sản phẩm sản xuất có chất lượng quốc tế, nhiều sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường lớn trên thế giới.
2.4.1.2. Những hiệu quả mà FDI mang lại cho ngành CNĐT Hà Nội
Nguồn vốn FDI đã và luôn đóng vai trò cực kỳ quan trọng, là nguồn bổ sung hữu hiệu, cần thiết cho phát triển kinh tế của cả nước cũng như trên địa bàn thành phố Hà Nội. Nó đưa một phương thức quản lý mới cho nền kinh tế, đóng vai trò mở đường trong việc tạo ra một số ngành công nghiệp, sản phẩm, mở rộng thị trường, tác động lan tỏa đối với nền kinh tế. Mặt khác nó tạo áp lực cho các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng cạnh tranh, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tăng tính minh bạch của môi trường kinh doanh, tăng năng suất lao động, đào tạo và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực.
Khu vực kinh tế có vốn FDI trong CNĐT luôn có chỉ số phát triển cao hơn so với các thành phần kinh tế khác. Tỷ trọng giá trị sản xuất của các doanh nghiệp điện tử có vốn FDI qua 15 năm tăng từ 30% năm 1995 lên 90% năm 2010. FDI góp phần đáng kể làm tăng năng lực sản xuất của nền kinh tế, góp phần tạo ra ngành mới, sản phẩm mới, công nghệ và phương thức sản xuất kinh doanh mới, đưa nền kinh tế Hà Nội chuyển biến theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thu hút FDI trong công nghiệp điện tử đã thúc đẩy chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế Hà Nội về chất: tỷ trọng ngành công nghiệp tăng lên trong khi tỷ trọng trong nông nghiệp giảm. Đặc biệt FDI vào công nghiệp điện tử đã góp phần làm xuất hiện một số ngành và sản phẩm công nghiệp mới (thiết bị viễn thông, điện thoại, sản phẩm phần mềm công nghiệp). Trong 15 năm qua, khu vực công nghiệp có vốn FDI vào CNĐT của Hà Nội đã đóng góp trên 10% vào giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố.
Thu hút FDI trong CNĐT góp phần bổ sung nguồn vốn đầu tư vào ngành này và đóng góp quan trọng cho ngân sách Nhà nước, giúp ngành CNĐT của Hà Nội khắc phục tình trạng thiếu vốn, tăng khả năng tái sản xuất mở rộng, nâng cao khả năng đầu tư theo chiều sâu.
Khu vực có vốn FDI trong CNĐT không những góp phần giải quyết việc làm cho một số lượng lớn lao động trẻ của thành phố mà nó còn làm tăng thu nhập và mức sống cho người lao động vì đây là lĩnh vực mà các DN chi trả lương cao nếu so với các DN thuộc lĩnh vực cơ khí, chế xuất, may mặc. Quan trọng hơn cả, do đặc thù của ngành nó góp phần làm tăng kỹ năng, trình độ nghề nghiệp cho người lao động, tức là tăng “lượng chất xám” cho nguồn nhân lực Thành phố. Đây là điều Thành phố và Trung Ương rất mong muốn bởi hiện nay chúng ta đang rất cần nguồn nhân lực có chất lượng, có thể đảm đương trách nhiệm phát triển công nghệ cao của Hà Nội trong tương lai. Mặt khác, các DN FDI tăng cũng là nhân tố thu hút lực lượng trí thức trẻ thi tuyển vào các trường ĐH đào tạo về kỹ thuật, công nghệ đang ngày một mất dần sức hấp dẫn của mình.
Đội ngũ công nhân và kỹ sư làm việc trong các DN có vốn FDI trong ngành CNĐT của Hà Nội ở một mức độ nhất định đã học tập được kỹ năng nghề nghiệp
công nghiệp dể điều hành quản lý kinh doanh theo cơ chế thị trường và đáp ứng được yêu cầu mới của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Với việc doanh nghiệp FDI tăng ở lĩnh vực công nghiệp điện tử, Hà Nội đã tiếp nhận được một số công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trên nhiều ngành, nhiều hạng mục quan trọng. Trên địa bàn thành phố, các doanh nghiệp FDI trong công nghiệp điện tử như Daewoo-Hanel, Canon, Panasonic, công ty chế tạo biến thế ABB sản xuất những sản phẩm có chất lượng và giá trị cao. Các công ty trong lĩnh vực viễn thông của Nhật, Thụy Điển, Đức đã góp phần phát triển hệ thống điện thoại viễn thông, xây dựng và lắp đặt hệ thống cáp quang, phục vụ cho mạng lưới truyền tin toàn Thành phố.