CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG THU HÚT VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI VÀO NGÀNH CÔNG NGHIỆP ĐIỆN TỬ CỦA HÀ NỘI
2.4. ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ HOẠT ĐỘNG THU HÚT FDI VÀO NGÀNH CÔNG NGHIỆP ĐIỆN TỬ CỦA HÀ NỘI THỜI GIAN QUA
2.4.3. Nguyên nhân dẫn đến những mặt tồn tại trong hoạt động thu hút FDI vào công nghiệp điện tử của Hà Nội
2.4.3.2. Nguyên nhân chủ quan
a. Về cơ chế, chính sách.
Do chưa có chiến lược phát triển tổng thể nên ngành CNĐT Hà Nội thời gian qua phát triển chưa đồng bộ. Cơ cấu phát triển lệch: Sản phẩm điện tử dân dụng chiếm trên 80%, sản phẩm điện tử chuyên dụng và công nghệ thông tin chỉ chiếm 20%, sản phẩm linh - phụ kiện điện tử hầu như không có. Công nghệ và thiết bị sản xuất vẫn lạc hậu so với khu vực và thế giới, hoạt động chủ yếu là lắp ráp đơn thuần, chưa mạnh phần nghiên cứu & phát triển công nghệ hay sản phẩm công nghệ cao.
Ngành CNĐT chưa có sự chỉ đạo và quản lý thống nhất của Nhà nước. Chưa có sự chọn lọc cần thiết về sản phẩm, công nghệ và những điều ràng buộc nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình thu hút đầu tư. Việc cụ thể hóa và triển khai các chính sách khuyến khích đầu tư, giải quyết thủ tục hành chính ở một số khâu còn chậm, gây phiền hà mặc dù đã được sửa đổi bổ sung nhiều lần và cũng có nhiều mặt tích cực. Về cơ bản là Hà Nội vẫn chưa có được các cơ chế chính sách thực sụ đặc thù đột phát tương xứng với tầm vóc và vị thế của thành phố thủ đô nhằm đẩy mạnh thu hút FDI vào ngành CNĐT.
b. Về công tác xúc tiến đầu tư.
Công tác xúc tiến đầu tư nước ngoài vào CNĐT của Hà Nội mặc dù có nhiều chuyển biến tốt như tiến hành thường xuyên các chương trình kêu gọi xúc tiến đầu tư tại nước ngoài, lập danh mục các dự án, số vốn kêu gọi đầu tư, song khâu tổ chức chưa thực sự đem lại hiệu quả do thiếu kinh nghiệm trong việc thiết lập các chương trình xúc tiến, thiếu sự trợ giúp của các chuyên gia giỏi trong ngành CNĐT nước ngoài. Việc phân cấp trong công tác xúc tiến và quản lý các dự án FDI vào công nghiệp điện tử của HN chưa triệt để. Sở Kế hoạch & Đầu tư được giao nhiệm vụ là cơ quan đầu mối trong việc tiếp nhận và quản lý các dự án FDI của thành phố như trong quyết định 176/2000/QĐ-UB ngày 20/12/2000, song hiệu lực các chế tài trong
Quyết định chưa đủ mạnh, do vậy gặp nhiều trở ngại trong việc hướng dẫn nhà đầu tư tiến hành thiết lập dự án đầu tư, đặc biệt các vấn đề liên quan tới giới thiệu địa điểm, giải phóng mặt bằng, thủ tục thuê đất, xây dựng.
Ngoài ra trên địa bàn Thành phố hiện tồn tại 2 cơ quan quản lý các dự án FDI vào CNĐT là sở Kế hoạch & Đầu tư Thành phố và Ban quản lý các KCN & Chế xuất Hà Nội, việc phối hợp giữa 2 cơ quan này không có sự chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất, dẫn tới sự cạnh tranh trong tiếp nhận các nhà đầu tư tới Hà Nội.
Đối với các dự án đã đi vào thực hiện các cơ quan quản lý có thẩm quyền của thành phố chưa có sự thường xuyên rà soát, kiểm tra đôn đốc để sớm phát hiện những dự án không khả thi, có hành vi chuyển giá hay cùng tháo gỡ những khó khăn với các DN, tạo tâm lý hài lòng và yên tâm hơn cho các chủ đầu tư.
c. Về cơ sở hạ tầng và công tác giải phóng mặt bằng.
Công tác giải phóng mặt bằng là mặt hạn chế chậm được khắc phục trong việc cải thiện môi trường đầu tư của TP Hà Nội. Mặc dù đã được sự quan tâm nhưng do cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ nên việc quy hoạch sử dụng đất cho mở rộng và triển khai dự án là chưa đồng bộ với quy hoạch ngành, dẫn đến gặp khó khăn trong khâu giải tỏa mặt bằng, gây lãng phí thời gian, công sức cho các nhà đầu tư. Chi phí đền bù, giải tỏa quá lớn vượt ngoài dự kiến của chủ đầu tư, làm tăng chi phí chuẩn bị dự án trong khi các nhà đầu tư nước ngoài chưa có phương án tài chính kịp thời cũng như không có kinh nghiệm quản lý thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng làm trì trệ việc thực hiện đầu tư hoặc mở rộng dự án. Do đó mặc dù giá đền bù giải phóng mặt bằng ở Hà Nội cao gấp 3 đến 5 lần so với các địa phương khác trong cả nước thì tiến độ vẫn chậm làm nản lòng nhà đầu tư.
d. Về tình trạng thiếu hụt nhân lực trình độ cao.
Tình trạng thiếu hụt lao động đã qua đào tạo, đặc biệt là công nhân kỹ thuật và kỹ sư ngành điện tử cũng là một hạn chế làm các nhà đầu tư nước ngoài e dè, thận trọng khi lựa chọn đầu tư vào lĩnh vực đặc thù như CNĐT ở Hà Nội. Mặc dù là trung tâm kinh tế lớn, nơi tập trung nguồn chất xám lớn của cả nước nhưng do chi phí đời sống đắt đỏ nên lực lượng này đang chảy về các địa phương khác khá nhiều.
Mặt khác, không có nhiều cơ sở đào tạo dạy nghề bám sát được với thực tế sản xuất
tại các DN FDI có công nghệ nên chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư.
Lực lượng lao động trong các doanh nghiệp FDI ở CNĐT còn thiếu và yếu về ý thức kỷ luật, chưa quen với môi trường và tác phong công nghiệp, thiếu ý thức về hiệu suất lao động. Về kỹ năng làm việc thì tốt về làm việc cá nhân nhưng kỹ năng làm việc theo nhóm còn kém.
Đội ngũ cán bộ được cử vào làm việc một số DN liên doanh nhằm học hỏi kinh nghiệm quản lý và trình độ kỹ thuật thì yếu về ngoại ngữ, không đủ năng lực nắm bắt, không đáp ứng được mục đích và chủ trương phát triển lực lượng nòng cốt cho phát triển CNĐT của Thành phố.
e. Về chiến lược và quy hoạch thu hút FDI vào ngành CNĐT của Hà Nội.
Mặc dù các sở, ngành của Hà Nội đang tích cực triển khai các giải pháp để tiếp tục thu hút và nâng cao hiệu quả của đầu tư nước ngoài theo Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 7-4-2009 của Chính phủ nhưng Hà Nội vẫn chưa có chiến lược cụ thể cho thu hút FDI vào lĩnh vực công nghiệp điện tử, chính vì vậy chưa có những chính sách, giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy quá trình này.
f. Hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các DN điện tử chưa cao.
Một trong những kênh quan trọng để đẩy mạnh thu hút nguồn vốn FDI vào ngành CNĐT của Hà Nội chính là những doanh nghiệp FDI đang hoạt động trong lĩnh vực này điều chỉnh tăng vốn đầu tư, vì chất lượng nguồn vốn này cao hơn và thực hiện nhanh hơn nhiều so với vốn đầu tư cấp mới. Để kênh này phát triển mạnh điều đầu tiên là chính hiệu quả hoạt động sau khi triển khai của các dự án này. Tuy nhiên trong CNĐT thì chưa có nhiều dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư.
Dưới tác động của Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc, trong đó từ tháng 1-2015 Việt Nam sẽ cắt giảm thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, sản phẩm rẻ của Trung Quốc sẽ ào ạt vào thị trường Việt Nam, đây là một khó khăn rất lớn cho việc cạnh tranh các sản phẩm điện tử của VN với sản phẩm của Trung Quốc. Mặt khác, trong khuôn khổ mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), Việt Nam cũng đã cắt giảm thuế xuống còn 5% và từ năm 2015 sẽ không còn đánh thuế với các mặt hàng để thực hiện cộng đồng kinh tế ASEAN. Trước kia, nhờ chính phủ đánh thuế cao hàng điện tử nhập nguyên chiếc để bảo hộ sản xuất trong nước nên
các công ty lắp ráp điện tử đều có lãi, nhưng hiện nay với xu thế mậu dịch chung, đây là một khó khăn rất lớn cho DN điện tử trong nước khi so với hàng điện tử từ Trung Quốc và các nước trong khu vực. Nguy cơ của hiện tượng tư do hóa mậu dịch này là cơ cấu lợi thế so sánh của Việt Nam có thể sẽ bị cố định hóa, không thể chuyển dịch lên cao hơn. Nếu không có chiến lược, biện pháp mạnh mẽ thì Việt Nam sẽ mãi mãi là nước sản xuất và xuất khẩu nguyên liệu, lĩnh vực điện tử chỉ phát triển ở việc lắp ráp, dùng lao động giản đơn.
* Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Hà Nội cần có những giải pháp hữu hiệu để tăng cường thu hút nguồn vốn FDI vào ngành CNĐT của Hà Nội phục vụ công cuộc phát triển kinh tế-xã hội thủ đô định hướng đến năm 2020.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Gần 25 năm kể từ khi luật Đầu tư nước ngoài ra đời vào tháng 12 năm 1987, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nước ta đã gia tăng đáng kể, đóng vai trò quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Cùng với nó, hoạt động thu hút FDI trong lĩnh vực công nghiệp điện tử trên địa bàn thủ đô Hà Nội thời gian qua cũng diễn ra vô cùng sôi nổi, mạnh mẽ. Tìm hiểu và phân tích thực trạng phát triển ngành, thực trạng hoạt động đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghiệp điện tử Hà Nội đã cho thấy nguồn vốn từ đầu tư trực tiếp nước ngoài góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển ngành CNĐT Thủ đô chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa, góp phần nâng cao trình độ quản lý kinh tế, phát triển các ngành nghề mới, tạo ra các sản phẩm công nghệ mới, góp phần phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật đặc biệt tại các cụm, khu công nghiệp, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho một lượng đáng kể số lao động tại Hà Nội nhưng quan trọng hơn là cùng với yêu cầu đặc thù của ngành đã góp phần nâng cao kỹ năng, trình độ nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, một phần chuyển giao công nghệ thông qua nguồn nhân lực để có thể phát triển ngành điện tử nội địa. Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động thu hút FDI vào CNĐT của Hà Nội vẫn còn nhiều mặt tồn tại cần phải được phân tích, nhìn nhận. Đó là chất lượng dòng vốn FDI chưa cao, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp FDI vào sản xuất linh kiện, phụ kiện điện tử, chưa thu hút được
những khó khăn xuất phát từ phía Thành phố đã ảnh hưởng tới việc thu hút đầu tư nước ngoài như hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật còn yếu kém, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ chế chính sách, môi trường thể chế chưa rõ ràng…
Tất cả các vấn đề nêu trên đều được trình bày ở chương 2 trên cơ sở tổng hợp, phân tích các dữ liệu đã thu thập và thống kê được. Đây sẽ là căn cứ thực tế quan trọng để đề ra những giải pháp khả thi trong việc tăng cường thu hút FDI vào ngành công nghiệp điện tử Hà Nội định hướng tới năm 2030.
Trong thời gian tới, để hút hút FDI vào lĩnh vực điện tử trên địa bàn Thủ đô có hiệu quả thì cần phải sự đổi mới từ cả phía Nhà nước và từ phía Thành phố, cần tiếp tục đổi mới hệ thống cơ chế, thể chế, hệ thống pháp luật cũng như các thủ tục hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư, cần có quy hoạch đồng bộ phát triển cơ sở hạ tầng, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư… Đó chính là những nội dung sẽ được đề cập chi tiết ở chương 3.