CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG THU HÚT VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI VÀO NGÀNH CÔNG NGHIỆP ĐIỆN TỬ CỦA HÀ NỘI
2.1. ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN – KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG THU HÚT FDI CỦA HÀ NỘI THỜI GIAN QUA
2.1.1. Đặc điểm tự nhiên – kinh tế - xã hội của Hà Nội
2.1.1.4. Môi trường pháp lý đối với FDI
Khuôn khổ pháp lý về đầu tư nước ngoài (ĐTNN) bao gồm hệ thống các luật và các văn bản pháp lý do các cơ quan Nhà nước ban hành và tổ chức hiện có liên quan đến ĐTNN. Sự ra đời của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987 đã tạo môi trường pháp lý cao hơn để thu hút vốn ĐTNN vào Việt Nam. Luật này đã bổ sung và chi tiết hóa các lĩnh vực cần khuyến khích kêu gọi đầu tư cho phù hợp với hoàn cảnh mới.
Đây là một trong những đạo luật đầu tiên của thời kì đổi mới. Việc ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã thể chế hóa đường lối của Đảng, mở đầu cho việc thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ĐTNN, theo phương châm đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ đối ngoại, góp phần thực hiện chủ trương phát huy nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế.
Kể từ khi ban hành từ năm 1987 đến nay, luật ĐTNN đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần với các mức độ khác nhau vào các năm 1992, 1996, 2000, 2005 cùng với các văn bản dưới Luật đã được cộng đồng quốc tế đánh giá là đạo luật thông thoáng, hấp dẫn và phù hợp với thông lệ quốc tế. Pháp luật ĐTNN và các văn bản pháp luật liên quan đến đầu tư nước ngoài được ban hành đã tạo môi trường pháp lý đồng bộ cho các hoạt động ĐTNN tại Việt Nam. Cùng với việc hoàn thiện hệ thống
pháp luật, khung pháp lý song phương và đa phương liên quan đến ĐTNN cũng không ngừng mở rộng và hoàn thiện bằng việc kí kết 51 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư với các nước và vùng lãnh thổ.
Nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, môi trường pháp lý, tạo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật về đầu tư và tạo một sân chơi bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, tăng cường sự quản lý của nhà nước đối với hoạt động đầu tư, năm 2005 Quốc hội đã ban hành Luật đầu tư có hiệu lực từ ngày 01/7/2006 và thay thế Luật Đầu tư nước ngoài và Luật khuyến khích đầu tư nước ngoài. Sự thay đổi này thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với thành phần kinh tế có vốn ĐTNN – một bộ phận quan trọng của nền kinh tế. Thực tế đã chứng minh việc ban hành Luật Đầu tư đã góp phần quan trọng trong việc tạo ra những chuyển biến tích cực của tình hình ĐTNN vào Việt Nam kể từ năm 2006 tới nay.
Trong Luật đầu tư tại Việt Nam, nhà nước VN khuyến khích các tổ chức và cá nhân nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp như: sản xuất vật liệu mới, năng lượng mới, sản xuất sản phẩm công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo, nuôi trồng, chế bán nông lâm thủy sản, sử dụng nhiều lao động, xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng, các dự án quan trọng có quy mô lớn.
Các hình thức đầu tư rất đa dạng và phù hợp với quyền lợi của cả hai bên như:
Thành lập tổ chức kinh tế 100% vốn của nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài, thành lập tổ chức kinh tế liên doanh giữa các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BTO, BT, mua cổ phần hoặc góp vốn để tham gia quản lý hoạt động đầu tư… Ngoài ra nhấn mạnh một số điểm quan trọng trong Luật đầu tư năm 2005 và Luật đầu tư nước ngoài sửa đổi năm 2000 thì có 7 điểm mới sau:
1. Quyền tự do đầu tư được mở rộng.
2. Về hình thức đầu tư áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài được mở rộng 3. Nhà đầu tư được bảo hộ trong trường hợp trưng thu, trưng dụng, quốc hữu hóa. Những trường hợp này phải vì mục đích công và phải được đảm bảo bồi
thường, bồi hoàn theo giá thị trường.
4. Về giải quyết tranh chấp, theo quy định của Luật đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài có quyền đưa các tranh chấp ra giải quyết tại tổ chức, trọng tài nước ngoài.
5. Luật đưa ra các quy chế khuyến khích ưu đãi đầu tư áp dụng thống nhất cho nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước.
6. Luật đã hủy bỏ các ưu đãi cũng như các ngăn cấm vi phạm hiệp định về trợ cấp chính phủ phù hợp với cam kết quốc tế.
7. Luật có cải cách đáng kể về thủ tục hành chính đối với đầu tư, phân cấp mạnh mẽ cho địa phương.
Như vậy sau 2 lần sửa đổi Luật đầu tư tại Việt Nam đã thể hiện tính hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và đầu tư vào ngành CNĐT nói riêng. Đặc biệt lần sửa đổi Luật đầu tư gần đây nhất ( năm 2007 và 2009) đã có thêm một số quy định đáng chú ý sau:
- Quy định thêm về hình thức doanh nghiệp hợp doanh để tạo thêm cơ hội cho các nhà ĐTNN lựa chọn hình thức DN phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng một số loại dịch vụ quan trọng do các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp có liên quan đến lợi ích người tiêu dùng.
- Cho phép nhà ĐTNN thành lập chi nhánh để tiến hành đầu tư tại VN nhằm mở rộng hình thức thu hút đầu tư.
- Tiếp tục thu hẹp những vấn đề phải thực hiện nguyên tắc nhất trí trong tổ chức và hoạt động của DN liên doanh nhằm tăng cường sự năng động và nhạy bén của các DN này.
- Luật hóa và quy định cụ thể hơn các biện pháp nhằm bảo đảm quyền lợi của các nhà đầu tư khi có sự thay đổi của pháp luật làm thiệt hại lợi ích đã được quy định tại giấy phép đầu tư.
- Tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp ĐTNN và bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh trong việc tiếp cận ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại để đáp ứng các giao dịch vãng lai và mở tài khoản ở nước ngoài để phục vụ hoạt động kinh doanh. Trong đó DN được quyền thế chấp tài sản gắn với đất và quyền sử dụng đất
để đảm bảo vốn vay tại tổ chức tín dụng trong và ngoài nước được phép hoạt động tại Việt Nam.
- Luật hóa các quy định hiện hành về việc miễn, giảm thuế nhập khẩu đối với thiết bị, máy móc, vật liệu, vật tư trong nước chưa sản xuất được, giảm thuế suất thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, quy định rõ hơn trách nhiệm đền bù, giải phóng mặt bằng nhằm giảm chi phí đầu tư, nâng cao trách nhiệm của UBND cấp tỉnh và bên VN ngay từ khi hình thành dự án đến khi triển khai thực hiện dự án.
- Cho phép các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài liên doanh liên kết với các tổ chức kinh tế khác.
Trên cơ sở khuôn khổ pháp lý thường xuyên được điều chỉnh, sửa đổi để ngày càng phù hợp với yêu cầu thực tế, hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư, Hà Nội đã thể hiện những bước đi sáng tạo trong việc vận dụng luật pháp, đề ra những chính sách cụ thể, những giải pháp nhằm thu hút FDI. Tháng 7/2011, Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt “Quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” trong đó có các chương trình trọng điểm, hướng ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp (điện tử, thông tin, viễn thông, chế tạo, lắp ráp cơ khí chính xác…) và tập trung phát triển các ngành công nghệ cao, đồng thời kêu gọi đầu tư để các nhà ĐTNN có thể lựa chọn địa bàn, ngành nghề và xác định quy mô đầu tư của họ thuận tiện. Hà Nội cũng làm tốt công tác vận động đầu tư bằng cách tổ chức thường xuyên các hội nghị về ĐTNN, cử các đoàn cán bộ quản lý và chủ DN đi khảo sát thị trường đầu tư tại nhiều nước để tìm cơ hội đưa ĐTNN vào Hà Nội.