- Sau khi giành được độc lập, các nước châu Phi bắt tay vào công cuộc xây dựng đất nước phát triển kinh tế - xã hội, gặt hái được những thành tựu bước đầu song không đủ để thay đổi bộ mặt của châu lục này.
- Mặc dù vậy, nhiều nước châu Phi còn nằm trong tình trạng lạc hậu, không ổn định và khó khăn do xung đột, đảo chính, nội chiến diễn ra liên miên, nhân dân nghèo đói, bệnh tật, mù chữ, bùng nổ dân số, nợ nần và sự phụ thuộc vào nước ngoài…Tất cả những khó khăn đó đã và đang là thách thức lớn đối với nhân dân các nước châu Phi. Chẳng hạn :
+ Từ năm 1952 – 1985, tại châu Phi xảy ra 241 đảo chính quân sự.
+ Từ năm 1987 – 1997, châu Phi có tới 14 cuộc xung đột, nội chiến.
+ Trong số 43 quốc gia mà Liên hợp quốc xác định nghèo nhất thế giới (năm 1997), thì ở châu Phi có 29 nước.
- Tổ chức thống nhất Châu Phi (OAU) được thành lập vào tháng 5 - 1963, đến năm 2002 đổi tên là Liên minh châu Phi (AU) đã và đang triển khai nhiều chương trình phát triển của châu lục.
- Tuy nhiên, những năm gần đây với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế (viện trợ, cử chuyên gia sang tư vấn và giúp đỡ), nhân dân các nước châu Phi đã tích cực tìm kiếm các giải pháp nhằm giải quyết các vụ xung đột, khắc phục về kinh tế,thành lập các tổ chức khu vực lớn nhất là tổ chức thống nhất châu Phi (Liên minh châu Phi, AU). Con đường phát triển của châu Phi còn phải trải qua nhiều khó khăn, gian khổ.
Bổ sung kiến thức : Những đặc điểm riêng biệt của phong trào giải phóng dân tộc ở châu Phi sau Chiến tranh thế giới thứ hai là gì ?
Tổ chức thống nhất châu Phi (OAU) thành lập vào ngày 25 - 5 - 1963 (đến năm 2002, đổi tên thành Liên minh châu Phi - AU) giữ vai trò quan trọng trong việc phối hợp hành động và thúc đẩy sự nghiệp đấu tranh cách mạng của các nước châu Phi.
Do giai cấp tư sản lãnh đạo cuộc đấu tranh vì giai cấp vô sản chưa trưởng thành, chưa có chính đảng lành đạo độc lập.
Hình thức đấu tranh chủ yếu là đấu tranh chính trị và thương lượng.
Mức độ độc lập và sự phát triển không đồng đều (vùng châu Phi xích đạo chậm, vùng Bắc Phi phát triển nhanh chóng).
Dạng câu hỏi tương tự :
1. Trình bày nét chính các giai đoạn phát triển và thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc ở châu Phi từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai (1945). Những đặc điểm riêng biệt của phong trào giải phóng dân tộc ở châu Phi sau Chiến tranh thế giới thứ hai là gì ? (Đề thi HSG Quốc gia – Bảng A, năm 2003 )
2. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, những nhân tố nào đã thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc ở châu Phi ? Cuộc đấu tranh giành độc lập ở châu Phi đã diễn ra như thế nào ? Vì sao cuộc đấu tranh chống chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi được gọi là cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ?
(Đề thi HSG cấp THPT, Hà Nội, năm 2009 )
Câu 42. Anh/chị có những hiểu biết gì về một cuộc cách mạng được xem là thắng lợi mở đầu của phong trào giải phóng dân tộc ở Bắc Phi sau Chiến tranh thế giới thứ hai ?
Ngoài mục tiêu giải phóng dân tộc, nhân dân châu Phi còn tiến hành cuộc đấu tranh nhằm mục tiêu nào khác ? Anh/chị hãy trình bày một phong trào đấu tranh tiêu biểu cho mục tiêu đó ở châu Phi.
(Đề thi HSG cấp THPT, TP.Hồ Chí Minh, năm 2004)
Hướng dẫn làm bài
a) Cuộc cách mạng được xem là thắng lợi mở đầu của phong trào giải phóng dân tộc ở Bắc Phi sau Chiến tranh thế giới thứ hai là cuộc binh biến của sĩ quan và binh lính yêu nước Ai Cập (3 - 7 - 1952) lật đổ vương triều Pharúc, chỗ dựa của thực dân Anh, lập nên nước Cộng hoà Ai Cập (1953)
2) Ngoài mục tiêu giải phóng dân tộc, nhân dân châu Phi còn tiến hành cuộc đấu tranh nhằm mục tiêu chống chế độ phân biệt chủng tộc (Apácthai), điển hình là phong trào đấu tranh của nhân dân Nam Phi.
+ Đặc điểm tình hình : Vốn là nước thuộc địa của Anh, từ sau năm 1961, khi nước Cộng hòa Nam Phi thành lập, những người da đen, da màu chiếm 80% dân số vẫn phải sống cơ cực, tủi nhục dưới ách thống trị của chế độ phân biệt chủng tộc và kỳ thị chủng tộc kéo dài (chủ nghĩa A-pác-thai) của người da trắng. Do đó, phong trào đấu tranh của người da đen, da màu diễn ra mạnh mẽ.
+ Nét chính về cuộc đấu tranh:
Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, cuộc đấu tranh chống chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi đã phát triển thành một cao trào cách mạng rộng lớn mang tính chất quần chúng rộng rãi dưới sự lãnh đạo của Đại hội dân tộc Phi (ANC), liên minh với Đảng Cộng sản Nam Phi và các tổ chức dân chủ.
Từ cuối những năm 1980, được sự ủng hộ của nhân loại tiến bộ, cuộc đấu tranh chống chế độ Apácthai của người châu Phi đã giành được những thắng lợi to lớn.
Năm 1990, giành được nhiều thắng lợi quan trọng: chủ tịch Nenxơn Manđêla được trả tự do, ANC và Đảng Cộng sản Nam Phi được tự do hoạt động hợp tác. Trước áp lực đấu tranh của người da màu, bản Hiến pháp 11 - 1993, chế độ phân biệt chủng tộc (Aphácthai) bị xóa bỏ.
Tháng 4 - 1994, nhân dân Nam Phi thắng lợi trong cuộc bầu cử đa sắc tộc đầu tiên.
Kết quả là Nenxơn Manđêla - Chủ tịch ANC trở thành Tổng thống Cộng hòa Nam Phi, một nước Nam Phi mới, dân chủ và không phân biệt chủng tộc. Sự kiện này đánh dấu việc chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc dã man, đầy bất công đã từng tồn tại ba thế kỉ ở nước này.
Hiện nay, Nam Phi còn gặp nhiều khó khăn do sự phản ứng quyết liệt của các thế lúc phân biệt chủng tộc cực đoan vẫn còn tiếp tục phát triển.
Bổ sung kiến thức :
Vấn đề 1. Vì sao cuộc đấu tranh chống chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi được gọi là cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ?
Nêu khái quát về cuộc đấu tranh chống chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi...
Từ đó, rút ra nhận xét : Chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi là một hình thái của chủ nghĩa thực dân. Đánh đổ chế độ này là đánh đổ một hình thái áp bức kiểu thực dân của người da trắng.
Vấn đề 2. Tại sao cuộc đấu tranh chống chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi được dư luận thế giới ủng hộ ? Thắng lợi này có ý nghĩa như thế nào đối với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới ?
Tại Nam Phi, chỉ chiếm 13,6 người da trắng, còn lại là người da màu, nhưng người da trắng nắm mọi quyền hành và thiết lập một chế độ chính trị hà khắc.
Chính quyền của người da trắng đã thi hành những chính sách cực kì tàn bạo. Trước kia, ở Nam Phi có hơn 70 đạo luật phân biệt chủ tộc. Người da đen hoàn toàn không có quyền tự do dân chủ, phải sống trong một khu biệt lập, cách biệt với người da trắng.
Cuộc đấu tranh của người da đen mang tính chất chính nghĩa, cho nên được Cộng đồng quốc tế, kể cả Liên hợp Quốc ủng hộ...
Kết quả : Năm 1990, Nenxơn Manđêla được trả tự do, ANC và Đảng Cộng sản Nam Phi được tự do hoạt động hợp tác. Trước áp lực đấu tranh của người da màu, bản Hiến pháp 11 - 1993, chế độ phân biệt chủng tộc (Aphácthai) bị xóa bỏ. Tháng 4
- 1994, nhân dân Nam Phi thắng lợi trong cuộc bầu cử đa sắc tộc đầu tiên; Nenxơn Manđêla trở thành Tổng thống Cộng hòa Nam Phi. Sự kiện này đánh dấu việc chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc dã man, đầy bất công đã từng tồn tại ba thế kỉ ở nước này.
Chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi là một hình thái của chủ nghĩa thực dân.
Đánh đổ chế độ này là đánh đổ một hình thái áp bức kiểu thực dân của người da trắng. Việc chế độ phân biệt chủng tộc bị tiêu diệt khiến cho hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc bị sụp đổ hoàn toàn.
Câu 43. Hãy lập bảng so sánh sự khác nhau trong phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á và châu Phi từ sau Thế chiến thứ hai đến nay với ba nội dung:
- Trong quá trình đấu tranh giành độc lập.
- Trong công cuộc xây dựng và phát triển.
- Thực trạng châu Á và châu Phi hiện nay.
Hướng dẫn làm bài
Châu Á Châu Phi