CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VỀ NHỮNG NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN VIỆC ÁP DỤNG THÀNH CÔNG PHƯƠNG PHÁP SẢN XUẤT LEAN
1.3. Tiêu chí đánh giá kết quả áp dụng thành công phương pháp sản xuất LEAN
Kết quả của việc áp dụng thành công LEAN mang lại giá trị cho cả các khu vực trực tiếp sản xuất và bên ngoài sản xuất (Bozdogan, 2006). Bên cạnh đó, việc thực hiện áp dụng LEAN không chỉ mang lại các lợi ích về mặt kinh tế và hiệu quả hoạt động cho tổ chức mà còn mang lại những lợi ích vô hình khác như thông tin truyền thông hiệu quả hơn, quá trình ra quyết định được phân cấp góp phần đáp ứng khả năng ra quyết định nhanh chóng, cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp trở nên gọn nhẹ hơn giúp giảm chi phí (Bozdogan, 2006; Tracey & Flinchbaugh, 2006).
-10-
Việc xác định được rõ ràng các tiêu chí thể hiện rằng doanh nghiệp đã áp dụng thành công phương pháp sản xuất LEAN vào hệ thống sản xuất giúp luận án có được một đánh giá chính xác quá trình và kết quả áp dụng LEAN của các doanh nghiệp. Theo đó, Dennis (2007) đã chỉ ra rằng kết quả của LEAN được thể hiện thông qua bốn tiêu chí chính về kinh tế là (1) Tăng năng suất sản xuất, (2) Nâng cao chất lượng sản phẩm, (3) Giảm chi phí sản xuất và (4) Tăng khả năng giao hàng đúng hạn. Ngoài ra, các tiêu chí khác cũng giúp doanh nghiệp có thể đạt được khi triển khai LEAN thành công như (5) Cải thiện môi trường làm việc, an toàn, (6) Nâng cao tinh thần làm việc cho người lao động (Dennis, 2007). Các tiêu chí chính về năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất và giao hàng đúng hạn được xem là các kết quả kinh tế đầu tiên để xác định việc triển khai áp dụng LEAN đã thành công hay chưa (Womack & Jones, 2003).
Mặc dù tiêu chí về an toàn và môi trường được Dennis (2007) nêu ra như là kết quả của quá trình áp dụng LEAN thành công nhưng trong khuôn khổ phạm vi nghiên cứu, luận án không đưa hai tiêu chí này vào hệ thống đánh giá mà chỉ xem xét các chỉ tiêu về kinh tế.
1.3.1. Tăng năng suất sản xuất
Năng suất được xác định là tỷ lệ mà một sản phẩm cụ thể nào đó được hình thành bởi một đơn vị các nguồn lực đầu vào cần thiết. Năng suất là tiêu chí quan tâm đầu tiên trong bất kỳ doanh nghiệp nào khi tiến hành sản xuất các sản phẩm, dịch vụ (Kulkarni & cộng sự, 2014). Khi LEAN được triển khai áp dụng vào quá trình sản xuất cũng được kỳ vọng là sẽ mang lại những kết quả về năng suất, tức là với cùng một nguồn lực đầu vào sẽ tạo ra được giá trị cao hơn cho các sản phẩm đầu ra về mặt chất lượng, số lượng. Nói cách khác, để tạo ra một sản phẩm đạt chất lượng tốt thì doanh nghiệp sẽ cần ít các nguồn lực về nguyên vật liệu, lao động, thời gian hơn khi áp dụng LEAN (Dennis, 2007).
Kulkarni & cộng sự (2014) cũng đồng tình rằng việc áp dụng LEAN thành công sẽ tạo cơ hội giảm các nguồn lực đầu vào cần thiết trong khi vẫn nâng cao được hiệu quả sản xuất, thỏa mãn yêu cầu của khách hàng. Hơn nữa, các công cụ của LEAN có vai trò quan trọng và kết hợp với nhau để giúp nâng cao giá trị cho doanh nghiệp bằng việc nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất (Čiarnienė & Vienažindienė, 2012).
Các chỉ tiêu đo lường năng suất lao động thông qua áp dụng LEAN có thể được thể hiện thông qua hai chỉ tiêu gồm: (1) Mức độ gia tăng sản lượng trên một đơn vị thời gian hoặc đơn vị lao động, (2) Tỷ lệ giá trị thu được so với các nguồn lực bỏ ra.
1.3.2. Nâng cao chất lượng sản phẩm
Chất lượng sản phẩm là một trong hai trụ cột của LEAN bên cạnh trụ cột JIT (Mục đích chi phí). Đây cũng là tiêu chí quan trọng nhất đảm bảo sự hài lòng của khách hàng đối với hàng hóa của doanh nghiệp. Ngày nay, yêu cầu của khách hàng ngày càng cao hơn, họ mong muốn sở hữu những sản phẩm với chất lượng tốt nhưng ở một mức chi phí cạnh tranh (Dennis, 2007).
-11-
Doanh nghiệp khi tiến hành áp dụng LEAN vào quá trình sản xuất luôn mong muốn đạt được một mức chất lượng ổn định cho sản phẩm của mình thông qua quá trình quản lý và kiểm soát chất lượng sử dụng các công cụ và kỹ thuật của LEAN (Ohno, 1988). Các nghiên cứu của nhiều tác giả khác cũng chung nhận định rằng nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ là một trong những tiêu chí mà doanh nghiệp luôn mong muốn đạt được khi áp dụng LEAN vào sản xuất và coi đây là một trong những tiêu chí xác định áp dụng LEAN thành công hay không (Achanga & cộng sự, 2006; Dennis, 2007; Vermaak, 2008; Womack & Jones, 2003). Chất lượng sản phẩm được thể hiện thông qua các chỉ tiêu gồm: (1) Mức độ giảm tỷ lệ lỗi trên từng sản phẩm, (2) Mức độ tăng tỷ lệ sản phẩm đạt chất lượng ngay lần đầu, (3) Mức độ giảm về phản hồi của khách hàng liên quan đến chất lượng sản phẩm.
1.3.3. Giảm chi phí sản xuất
Mục tiêu ban đầu của LEAN là làm thế nào có thể sản xuất sản phẩm đảm bảo chất lượng với sự tham gia ít hơn của con người, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu, thời gian và các nguồn lực hỗ trợ khác. Tất cả các nỗ lực này nhằm làm giảm chi phí sản xuất để từ đó hạ giá thành sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp (Vermaak, 2008).
LEAN cũng được định nghĩa là một triết lý sản xuất tập trung vào việc loại bỏ mọi dạng tồn tại của lãng phí và cải tiến liên tục. Kết quả của quá trình cải tiến liên tục và loại bỏ lãng phí này giúp giảm chi phí sản xuất (Womack & Jones, 2003). Lý thuyết cũng khẳng định rằng việc giảm chi phí sản xuất thông qua loại bỏ lãng phí và cải tiến liên tục chính là tiêu chí quan trọng nhất thể hiện sự thành công khi doanh nghiệp áp dụng LEAN. Nếu áp dụng LEAN mà không làm giảm các chi phí trong quá trình sản xuất thì không thể coi quá trình triển khai áp dụng LEAN đã thành công (Ohno, 1988; Vermaak, 2008; Womack & Jones, 2003).
Để đạt được kết quả lợi nhuận mong muốn, doanh nghiệp cần phải loại bỏ các lãng phí trong quá trình sản xuất (Womack & Jones, 2003). Ohno (1988) cho rằng bằng cách giảm chi phí theo hướng bền vững và cải tiến liên tục thì doanh nghiệp sẽ đạt được mức lợi nhuận mong muốn trong khi không cần tăng giá bán. Để thực hiện được điều này, doanh nghiệp cần xây dựng một nền văn hóa chung và duy nhất cho toàn bộ doanh nghiệp – văn hóa cải tiến liên tục (Dennis, 2007; Wilson, 2010). Trong hệ thống sản xuất LEAN, văn hóa được xây dựng trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, cấp trên luôn hỗ trợ cấp dưới của mình giúp họ thực hiện công việc được dễ dàng.
Theo đó, tất cả mọi người cùng làm việc vì mục tiêu chung duy nhất đó là liên tục cải tiến để không ngừng nâng cao giá trị và mọi người cùng đóng góp vì lợi ích chung của toàn doanh nghiệp. Tư tưởng của LEAN là không ngừng loại bỏ lãng phí bằng việc chia sẻ thông tin giữa các thành viên trong nhóm. Các chỉ tiêu hiệu quả về chi phí sản xuất được thể hiện thông qua các tiêu chí: (1) Mức độ giảm chi phí nhân công trên một đơn vị sản phẩm, (2) Mức độ giảm chi phí nguyên vật liệu, (3) Mức độ giảm chi phí tiêu hao và chi phí vận hành sản xuất.
-12- 1.3.4. Tăng khả năng giao hàng đúng hạn
Khả năng giao hàng đúng thời điểm là thước đo quan trọng về mức độ thỏa mãn khác hàng và hiệu quả của hoạt động quản lý sản xuất trong doanh nghiệp. Thực hiện JIT nghĩa là doanh nghiệp cần phải đảm bảo được rằng khách hàng luôn nhận được hàng hóa đúng thời điểm cần với đúng số lượng cần. Doanh nghiệp theo đuổi sản xuất LEAN sẽ tập trung vào thực hiện cải tiến liên tục để đạt được điều kiện sản xuất thông suốt và không lãng phí (Ranjan Raj & cộng sự, 2014). Bằng cách thực hiện các kỹ thuật của LEAN như sơ đồ chuỗi giá trị, thực hiện sản xuất kéo thông qua hệ thống Kanban, doanh nghiệp có thể tăng khả năng đáp ứng các đơn hàng của khách hàng đúng hạn. Ranjan & cộng sự (2014) cũng chỉ ra kết quả rằng việc thực hiện áp dụng các công cụ và kỹ thuật của LEAN có thể giúp doanh nghiệp tăng tỷ lệ giao hàng đúng hạn lên đến 99%. Để đạt được mục tiêu này, tất cả các đơn hàng, kế hoạch và tiến độ sản xuất cần được hiển thị hóa và kiểm soát thường xuyên.
Các chỉ tiêu đo lường thời gian giao hàng đúng hạn khi áp dụng LEAN thành công bao gồm: (1) Mức độ tăng tỷ lệ đáp ứng đơn hàng đúng hạn, (2) Mức độ giảm tỷ lệ phản hồi của khách hàng về các đơn hàng chậm trễ.