Cơ sở chế tạo ở địa phương

Một phần của tài liệu Tổ chức chế tạo và quản lý sử dụng vũ khí dưới triều nguyễn (1802 1883) (Trang 36 - 39)

Chương 1: TỔNG QUAN VỀ VŨ KHÍTHỜI QUÂN CHỦ VÀ CƠ SỞ CỦA VIỆC TỔ CHỨC CHẾ TẠO VÀ QUẢN LÝ SỬ DỤNG VŨ KHÍ DƯỚI TRIỀU NGUYỄN (1802 – 1883)

2.1. Hệ thống tổ chức chế tạo vũ khí dưới triều Nguyễn (1802-1883)

2.1.2. Cơ sở chế tạo ở địa phương

Cùng với việc tổ chức chế tạo vũ khí ở Kinh đô thì các địa phương như Hà Nội, Gia Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam… [9, tr. 101] cũng có các cơ sở chế tạo, các kho chứa vũ khí và các nguyên vật liệu chế tạo vũ khí. Ghi chép từ các bộ sử lớn của triều Nguyễn đều cho biết, tại các địa phương như Hà Nội, Gia Định, Nghệ An, Hà Tĩnh có các trường đúc súng. Mặc dù các trường đúc súng này không đƣợc chính sử đề cập trực tiếp và cụ thể, nhƣng dựa vào các ghi chép gián tiếp hoặc liên quan, giới nghiên cứu vẫn có thể biết đƣợc sự tồn tại của các cơ sở chế tạo vũ khí, đặc biệt là các loại súng gang, súng điểu sang...và các loại đạn tại các địa phương này. Tiêu biểu như dưới thời Minh Mệnh, Đại Nam thực lục có chép đoạn sử liệu vào tháng 6 năm 1830: “ở Bắc Thành đã đúc 200 cỗ súng gang Hồng y trong tổng

số 400 cỗ được đúc trong đợt này” [45, tr. 77]. Đến tháng 12 năm 1833, do yêu cầu của việc dập tắt cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi ở Gia Định, Minh Mệnh đã lệnh cho các địa phương Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Nam chế tạo ống phun lửa cấp cho quân thứ này và lưu lại để dùng: “Lại sai các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà đều chế thêm 1.000 ống phun, tuỳ tiện đem đi quân thứ Gia Định. Quảng Nam chế thêm 2.000 ống phun, lưu lại ở tỉnh để dùng” [45, tr. 913]. Tháng 3 năm 1834, Minh Mệnh lại sai tỉnh Quảng Bình chế 500, 600 ống phun lửa cất trữ vào kho tỉnh [46, tr. 106].Và đến tháng 4 năm đó, nhà vua lại sai tỉnh Hà Tĩnh chế 300 khẩu súng điểu thương, theo mẫu của Vũ khố đưa đến (làm bằng sắt, dài 2 thước 2 tấc 1 phân;

đường kính nòng 3 phân, 7 ly; đường kính miệng súng 4 phân 9 ly), đồng thời, hạ lệnh áp tải “10 vạn cân sắt Hà Sung ở kho Kinh đến tỉnh Nghệ An, cho theo đúng mẫu mà chế thứ súng này, cứ mỗi tháng 2 lần báo về Bộ để liệu cho tải nộp” [46, tr. 189].

Về chế tạo thuốc súng, vào đầu triều Nguyễn, các loại đạn pháo, thuốc súng du nhập mạnh vào nước ta thông qua lực lượng thương gia phương Tây và Trung Quốc.

Nhận thấy vai trò quan trọng của nó đối với việc binh, vua Gia Long ngay từ đầu đã quan tâm sâu sắc đến việc chế luyện loại vật liệu thể hiện uy lực chiến trận này. Theo Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Gia Long năm thứ 15 (1817), nhà vua đã đƣa ra quy định về việc giã luyện thuốc nổ, gồm các loại vật liệu như diêm tiêu, lưu hoàng, than..., mỗi loại có số cân và quy trình chế tạo cụ thể. Đặc biệt là đến thời vua Minh Mạng việc chế luyện thuốc nổ có bước tiến mới. Nhận thấy cách luyện thuốc súng dựa vào sức người rất tốn công sức, chi phí, vua Minh Mệnh đã nghĩ cách dựa vào sức nước chảy của các con sông để thay thế sức người. Theo đó, vua giao bộ Công làm 2 cỗ xe thủy hỏa ký tế đặt ở nguồn Hữu Trạch (Thừa Thiên) để tán thuốc [40, tr. 337].

Đồng thời, để mở rộng hoạt động chế luyện thuốc súng, nhà nước cho các quan lại đi khảo sát các nguồn sông ở các địa phương Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định và một số nơi khác để đặt xe thủy hỏa ký tế tiến hành công việc này. Năm 1835, Minh Mệnh ra chỉ dụ xây dựng các sở tán luyện thuốc súng ở Quảng Nam, Bình Định, Quảng Nghĩa nhƣ sau: “Nay cử viên giám thành, phái đi xem xét (địa thế) Quảng Nam, Quảng Nghĩa, Bình Định, trở về nói rằng: chọn được miền sông các lưu hạt ấy, có thể đặt được xe thủy hỏa ký tế: Quảng Nghĩa, Bình Định đều 2 sở, Quảng Nam 3 sở, vẽ sơ đồ dâng xem, thì trong đó thế nước các hạt ấy, còn có thể đặt thêm được nữa.

Nay cho Quảng Nam đặt thêm 2 sở, Quảng Ngãi đặt thêm 1 sở, Bình Định đặt thêm 2 sở. Cho phái lấy 3 tên giám thành giỏi việc và 6 tên thợ mộc tinh khéo, đến bộ Công chiếm lĩnh kiểu mẫu; đều cho chúng đo đường trạm đi đến 3 tỉnh ấy. Mỗi tỉnh 1 tên giám thành, và 2 tên thợ mộc. Giám thành ấy lập tức đi nắm chọn chỗ nào đáng đặt thêm được, thì do các viên tỉnh ấy phái phái lấy biền binh, cứ tên thợ mộc ấy chỉ bảo cho khởi công làm gấp ngay, hạn cho tuần đầu tháng 2 phải làm xong” [40, tr. 337- 388]. Sau khi các xe thủy hỏa ký tế ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Quảng Trị đi vào hoạt động đã chế tạo ra thuốc súng phục vụ cho các nhu cầu sử dụng của nhà

nước. Tuy nhiên, chất lượng thuốc súng chế tạo ở các địa phương này “mãnh liệt”

không bằng thuốc súng chế tạo ở Kinh đô mà nguyên nhân chủ yếu là do “công phu tán luyện chưa được kỹ, chất thuốc chưa được tinh lắm” [40, tr. 341]. Vì vậy, vua Minh Mạng phải ra thông dụ để chấn chỉnh việc chế luyện thuốc súng ở địa phương:

“Nay thông dụ hết cả trường tán thuốc các tỉnh, đều chiếu thời hạn công thức nguyên định: phàm giã thuốc bằng sức nước 5 ngày đêm, và giã chày tay 1 ngày, xong rồi đem ngay thứ gạo thuốc ấy theo phép thí nghiệm. Như trước đã đúng thức, thì mới được phơi thành gạo [thuốc súng-TG]. Nếu sức thuốc còn thấy hơi kém, lại đem giã gấp thêm bằng chày tay, hoặc 1, 2 ngày nữa; cần cho được chất thuốc cực nhỏ, thí nghiệm đúng thức làm chuẩn đích. Còn về nhân công giã thêm chày tay mất bao nhiêu công, cho sau khi xong công việc, cứ thực làm tờ tâu, lại ban chỉ cho thi hành” [40, tr.

341]. Không chỉ chú ý đến chất lƣợng thuốc nổ, vua Minh Mạng cũng quan tâm đến tính mạng của những binh lính tham gia luyện thuốc. Vua nghĩ rằng, tính chất thuốc nổ rất mãnh liệt, cho nên vua căn dặn những người làm việc tại trường tán thuốc phải cẩn thận. Nhà vua quy định các quan đề đốc, phủ doãn, phủ thừa ở kinh, quan tỉnh và quan lãnh binh phải thường xuyên đến các lò luyện thuốc nổ kiểm tra. Đồng thời, những người trực tiếp làm việc trên cối tán, trôm nom lau vét phải có tính thận trọng, luân chuyển với nhau, những người khác không ra vào bừa bãi. Thuốc nổ tán không được để nơi khô ráo để tránh bốc lửa. Khu vực trường tán có hàng rào ngăn cách, bên trong không đặt vật khô nhẹ bắt lửa. Trường tán luyện thuốc nổ ngày đêm không được nhóm lửa, nếu ban đêm thắp đèn thì phải ra nơi khác rót dầu. Những người sơ suất làm trái quy định, ảnh hưởng đến kho và mạng người thì bị xử rất nặng.

Hoạt động giám sát, trông coi công việc chế luyện thuốc súng cũng đƣợc nhà nước quy định khá chặt chẽ. “Ở Kinh thì đề đốc, doãn thừa, ở ngoài thì quan tỉnh, lãnh binh, cũng thay phiên nhau đến nơi xe “thuỷ hoả ký tế”, kiểm tra xem xét sự qua lại bên cối giã, từ coi sóc canh giữ đến khiêng vác và lau chùi, đều phải chọn lấy mấy người cẩn thận tế nhị, chuyển cho nhau thay đổi” [46, tr. 859]. Nhà nước cũng quy định số người làm việc trong mỗi xe thủy hỏa ký tế: “Khai tán thuốc ấy, thì số biền binh phái làm, cho mỗi xe 40 tên làm hạn và phải tuân theo chương trình của Bộ cho mà làm. Nếu trong số ấy, biền binh làm việc còn có dư sức, thì lại châm chước tùy mà giảm đi, cần cho được tiết kiệm; Lại cho quan ở 2 tỉnh Bình Định, Quảng Nghĩa lập tức tính thế nước ở chỗ đặt xe thủy hỏa kí tế ấy, như có thể đặt thêm xe phụ nửa, thì cho đặt thêm 1, 2 xe phụ để đến kỳ khởi công giã thuốc, nhân công có việc tiếp tục, khỏi đến nỗi để ngày hư phái, thì càng tốt” [40, tr. 338].

Đến thời Thiệu Trị việc chế tạo vũ khí ở các địa phương ít được nhắc đến. Sang thời Tự Đức, công việc này tiếp tục được tiến hành, đặc biệt là trước thời điểm Pháp chuẩn bị tấn công ra Bắc Kì lần thứ nhất (1873). Sử liệu trong Đại Nam thực lục cho biết, vào tháng 4 năm 1872, Tự Đức ra lệnh: “Trích lấy diêm tiêu (5.000 cân), lưu hoàng (4.000 cân) ở tỉnh Hà Nội giao cho tỉnh Sơn Tây giã làm thuốc súng. Lại lấy ở

kho trong Kinh diêm tiêu hạng 4, hai lần nấu của nước Anh (2 vạn cân) và lưu hoàng hạng 2 của nước Tây (1 vạn cân) giao cho các tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá, Ninh Bình, Hà Nội, Sơn Tây cất đi để dùng” [49, tr. 1328]. Đến tháng 6 cùng năm, Tự Đức sai tỉnh Hà Nội đúc 200 cỗ súng quá sơn [49, tr. 1341] và đến tháng 12 thì hạ lệnh cho tỉnh Nghệ An đúc thêm các đồ quân khí, quân dụng, gồm đạn bằng gang 2250 viên, đạn bằng chì 13500 viên, hòm bằng da trâu 2500 chiếc, bầu bằng gỗ 2500 cái, ống phun lửa 2500 chiếc, thuốc súng 5.000 cân, pháo phi thăng 250 quả [49, tr. 1374].

Như vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong việc chế tạo vũ khí, phục vụ cho công cuộc chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền và an ninh quốc gia. Một số địa phương được nhà nước cho phép chế tạo vũ khí. Các cơ sở chế tạo vũ khí này do quan lại địa phương trong coi và chịu sự quản lý, giám sát của cấp trên. Triều đình quản lý toàn diện việc chế tạo vũ khí ở các địa phương từ mẫu mã, số lượng, chất lƣợng, chủng loại, quy mô, nhân công đến các quy định bảo đảm sự an toàn của các cơ sở chế tạo.

Một phần của tài liệu Tổ chức chế tạo và quản lý sử dụng vũ khí dưới triều nguyễn (1802 1883) (Trang 36 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(128 trang)