Quản lý việc cấp phát vũ khí, đạn dƣợc, thuốc súng

Một phần của tài liệu Tổ chức chế tạo và quản lý sử dụng vũ khí dưới triều nguyễn (1802 1883) (Trang 74 - 78)

Chương 3: QUẢN LÝ CHẾ TẠO VÀ SỬ DỤNG VŨ KHÍ DƯỚI TRIỀU NGUYỄN (1802–1883)

3.3. Quản lý việc cấp phát vũ khí, đạn dƣợc, thuốc súng

Dưới triều Nguyễn, việc cấp phát vũ khí được quản lý khá chặt chẽ. Đối tượng được cấp phát là các cá nhân, tổ chức thực thi nhiệm vụ do nhà nước giao phó. Việc cấp phát này có thể đƣợc thực hiện theo lệ định và cũng có thể phát sinh một cách đột xuất để thực hiện các nhiệm vụ trước mắt. Đối với việc cấp phát vũ khí theo định lệ, đây là hình thức cấp phát được tiến hành thường xuyên. Tùy vào nhiệm vụ được giao mà hàng năm các cá nhân, tổ chức sẽ đƣợc cấp phát một số lƣợng vũ khí theo lệ định sẵn. Điều này đƣợc thể hiện rõ trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ: “Về cấp súng, thuốc súng ở những nơi quan trọng như Kinh thành, thành Điện Hải, các đồn, trấn, hạt..., phàm trên đài 4 mặt Kinh thành, và cá đài thành Thuận An, Hải Vân ở Thừa Thiên, ở Quảng Nam, cùng các đài thành các tỉnh miền Nam miền Bắc, đều đặt cỗ súng lớn bằng đồng, gang, sắt, và thuốc đạn để nghiêm việc phòng bị” [40, tr. 269].

Về cấp phát vũ khí, thuốc súng ở các địa phương, triều Nguyễn quy định rõ, hàng năm, số thuốc nổ lưu trữ ở các tỉnh như Gia Định, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội, Nam Định, Hải Dương, Sơn Tây, Bắc Ninh đều trên dưới 10000 cân; Quảng Nam, An Giang, Vĩnh Long đề dưới 7000 cân; Quảng Bình, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Hưng Yên, Lạng Sơn, Quảng Nghĩa, Bình Thuận, Hà Tiên, Đinh Tường, Tuyên Quảng, Hưng Hóa, Thái Nguyên đếu trên dưới 5.000 cân; Phú Yên, Khánh Hòa, Biên Hòa, Quảng Trị, Quảng Yên, Cao Bằng trên dưới 3.000 cân. Như có việc công mà thiếu lệ 1 phần 3, thì cho phép đúc luyện bù vào cho đủ...[40, tr. 269-270]. Đối với việc cấp phát vũ khí cho các vệ, cơ ở trong, ngoài Kinh, triều Nguyễn ban hành quy định chung, mỗi vệ, cơ đều cấp cho 200 cây súng trường, 2 cây súng thần công bằng sắt; về thủy quân, cấp cho một nửa súng trường; Nam binh cấp cho súng trường máy đá; Bắc binh cấp

cho súng trường máy tàu. Năm 1828, nhà nước cũng định lệ cấp binh khí cho các vệ cơ đội từ Quảng Nam về Bình Thuận và từ Quảng Trị đến Ninh Bình. Trong đó quy định rõ các loại vũ khí, số lƣợng vũ khí của mỗi loại cấp cho từng đội ở các tỉnh:

“Quảng Nam: Cơ Quảng Nam 10 đội, 4 đội trấn binh nhất, nhị, tam tứ, cấp súng tay máy Trung Quốc 280 cây, giáo trường 280 cây, giáo cờ 57 cây, cơ Điện hải 2 đội nhất, nhị, cấp súng tay máy đá 40 cây, giáo trường 40 cây, giáo cờ 9 cây. Quảng Ngãi: Tĩnh man nhất, nhị, tam, tứ, ngũ, lục, mỗi cơ 6 đội cấp súng tay máy Trung Quốc 720 cây, giáo trường 720 cây, giáo cờ 150 cây; cơ Quảng Ngãi hiện ngạch 8 đội, theo lệ 10 đội, cấp súng tay máy Trung Quốc 200 cây, giáo trường 200 cây, giáo cờ 41 cây, trấn binh 3 đội nhất nhị tam, cấp súng tay máy Trung Quốc 60 cây, giáo trường 60 cây, giáo cờ 12 cây. Bình Định: Cơ Bình Định 10 đội và trấn binh năm đội nhất nhị tam tứ ngũ cấp súng tay máy Trung Quốc 300 cây, giáo trường 300 cây, giáo cờ 61 cây...” [44, tr. 820-822].

Đối với việc cấp phát vũ khí cho mỗi lần diễn tập, triều đình Nguyễn cũng ban hành những quy định cụ thể, diễn tập súng Quá sơn, mỗi tháng 2 kỳ, mỗi kỳ 3 ngày, mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 10 khẩu, mỗi khẩu đƣợc bắn 20 phát. Đối với việc diễn tập ở Kinh hàng năm, thuộc binh các vệ đội diễn tập súng trường mỗi người được cấp 12 phát thuốc nổ; biền binh diễn tập súng quá sơn, mỗi tên cấp cho 6 phát thuốc nổ; binh giáo dƣỡng cấp cho 12 phát. Đối với biền binh ở các vệ, cơ, đội ở trong và ngoài Kinh hàng năm, kỳ đầu xuân hội lại diễn tập súng trường thì mỗi cây súng cấp cho 6 phát thuốc nổ, mỗi phát 1 đồng 6 phân thuốc súng và chia làm 2 ban diễn tập. Đối với việc diễn tập đội voi ở kinh hàng năm, bắn súng Võ công tướng quân, súng quá sơn, cấp cho mỗi cổ súng lớn 5 phát thuốc nổ, mỗi cây súng trường 5 phát. Khi nhà vua duyệt thao diễn, các vệ Cẩm y vác súng trường hội diễn, thì mỗi cây cấp cho 5 phát thuốc nổ [40, tr. 269-270]. Ngoài ra, hàng năm đến kỳ tập bắn súng lớn, súng con, triều đình cũng tiến hành cấp thuốc súng cho quan lại tùy vào chức tước, phẩm trật: Ban văn thì đình thần, ban võ thì từ thống chế trở lên, mỗi viên nên cấp cho 80 phát thuốc súng, mỗi phát 1 đồng cân thuốc cộng thành 8 lạng thuốc, 50 viên đạn chì và 4 phiến đá lửa.

Chưởng vệ mỗi viên nên cấp cho 60 phát thuốc súng, cộng thành 6 lạng thuốc, 30 viên đạn chì và 3 phiến đá lửa. Nhất đẳng nhị vệ, văn võ phò mã đô uý, lang trung, khoa đạo, viên ngoại lang, mỗi viên nên cấp cho 30 phát thuốc súng, cộng thành 3 lạng thuốc, 29 viên đạn chì và 2 phiến đá lửa [49, tr. 390-391]; còn từ suất đội đến lãnh binh thì đƣợc cấp đến 24 phát thuốc nổ và phát cho 12 viên đạn chì [45, tr. 698].

Đối với việc cấp phát vũ khí cho các tàu thuyền thực hiện việc công việc vận tải, triều Nguyễn định rõ, hàng năm, các tàu thuyền mỗi khi đến kỳ vận tải, thì mỗi thuyền cấp 4 ống phun lửa. Năm 1823, Quản cơ Hữu dực Thủy quân Vũ Văn Đoan quản 130 thuyền chở gạo từ Bắc Thành về Kinh, nhà nước đã cấp cho 327 ống phun lửa, 687 cây giáo dài để phòng bị. Nhân đó, Minh Mệnh cũng cho định lệ hằng năm việc vận tải đường biển, cho chiếu số thuyền mà lĩnh khí giới, trở về lại nộp vào kho [44, tr. 290].

Đối với việc cấp vũ khí cho các trạm dịch, nhà nước quy định các miền Nam, miền Bắc, trạm nào gần miền núi, mỗi trạm cấp cho 3 cây súng trường máy đá, mỗi cây súng 10 phiến đá lửa và 50 phát thuốc, đạn. Do có nhiều rừng núi, thú dữ làm hại, gây khó khăn cho công tác đường trạm ở các tỉnh Phú Yên, Bình Hòa, Bình Thuận, nên tháng 9 năm 1832, Minh Mệnh ra chỉ dụ về việc cấp phát vũ khí cho các trạm bảo đảm sự an toàn và hoạt động hiệu quả: “Ra lệnh cho sở tại xét trong địa hạt có đường trạm nào nhiều thú dữ, thì cấp cho 5 khẩu súng điểu sang, máy Trung Quốc và mỗi khẩu kèm theo thuốc đạn đủ 50 phát. Nếu có công văn quan trọng thì lính trạm liền đeo 1, 2 khẩu súng đi, gặp thú dữ, bắn liền, hết đạn sẽ lại cho tiếp tục lĩnh” [45, tr.

386]. Đối với việc cấp phát thuốc nổ cho các loại súng, triều Nguyễn quy định, nếu lòng súng từ 4 phân trở lên thì mỗi phát dùng 1 đồng cân 6 phân thuốc; lòng súng không đầy 4 phân trở xuống, thì mỗi phát 1 đồng 5 phân [40, tr. 271]. Còn các hạng thần công, thần cơ đồng, gang, sắt thì chiếu theo phân, tấc nòng súng mà định cấp thuốc nổ nhiều hay ít.

Bên cạnh việc định lệ cấp phát vũ khí nêu trên, triều Nguyễn cũng tùy thuộc vào điều kiện cụ thể mà thực hiện việc cấp phát tương đối linh động. Chẳng hạn như tháng 5 năm 1826, trước lời tâu của Dinh thần Quảng Bình: “Dinh lỵ là cánh che của Kinh sư và là cổ họng giữa Nam Bắc; nay thành luỹ đã sửa mới, non sông thêm vững vàng, mà khí giới hoả khí, nhiều thứ không đủ dùng” [44, tr. 516], vua Minh Mệnh sai bộ Binh hội đồng với các nha Vũ khố, Thương pháo, Hoả dược để cấp đủ “súng đại bác và các hạng súng quá sơn 230 cỗ, vẫn như số trước; ngoài ra nên cấp cờ đuôi nheo 12 lá, giáo cờ 34 cây, giáo dài 200, súng tay cò máy đá 200 cây, đá lửa 1.000 phiến, thuốc súng 4.000 cân và các vật kiện phụ thuộc theo súng” [44, tr. 516]. Tháng 7 năm 1827, nhà vua cũng đã chuẩn y lời tâu của quan trấn Bắc Thành: “Những cơ binh mới dồn ở các trấn thuộc thành xin cấp cho mỗi cơ cờ vuông cùng chiêng, trống, thanh la, mỗi thứ một cái, mỗi đội cán cờ 4 cái, súng tay 20 khẩu, giáo dài 20 cái; những thứ nhà nước đã cấp thì lưu lại mà dùng, những cái sắm riêng thì nhà nước tính giá trả tiền; thiếu thì nhà nước chế cấp cho” [44, tr. 664]. Đến tháng 10 năm 1833, xuất phát từ yêu cầu của việc đàn áp cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi, vua Minh Mệnh đã ra chỉ dụ tăng cường cấp vũ khí ở quân thứ Gia Định. “Sai bộ Binh lần lượt chở đi Nam Kỳ, các hạng súng đại bác, súng điểu sang và đạn lấy thêm ở kho (đạn theo súng đại bác, mỗi cỗ đại bác 50 viên, cộng 49.850 viên; đạn theo súng điểu sang 150.000 viên), phái biền binh thuỷ quân cưỡi chiếc thuyền hiệu chữ “định” chở đi quân thứ. Lại mang theo cả súng, đạn, chì (súng thạch cơ điểu sang 500 cây, và đạn chì dùng theo súng ấy 25.000 viên, chì 1.000 cân). Tùy tiện chuyển giao cho tỉnh Quảng Ngãi, cấp đủ cho các cơ” [45, tr. 840]. Năm sau (1834), Minh Mệnh lại ra chỉ dụ cấp vũ khí cho các đảo thuộc hải phận các địa phương, để tăng cường công tác phòng giữ ở những khu vực này: “Các đảo thuộc hải phận các địa phương, có nhiều nhân dân ở. Trước giờ nhà nước chưa cấp phát cho thuyền và khí giới. Một khi có giặc biển nhân sơ hở, đến cướp

bóc, thì họ không có gì để đề phòng, đánh đuổi. Nay phải truyền dụ cho tổng đốc, tuần phủ, bố chính và án sát các tỉnh ven biển, xét xem những hòn đảo nào có dân ở thuộc về hạt mình, thì sức sai sửa sang chỉnh đốn những thuyền đánh cá đi thực mau lẹ, số dân nhiều thì 3 chiếc, ít thì 2 chiếc, mỗi thuyền chứa được độ trên dưới vài chục người, phí tổn bao nhiêu, Nhà nước sẽ trả. Rồi liệu cấp phát cho trường thương, súng điểu sang và thuốc đạn, khiến họ đi tuần tiễu” [46, tr. 108]. Cũng trong năm này, trước tình trạng đá lửa sử dụng cho súng điểu sang bị thiếu hụt nghiêm trọng ở các tỉnh, vua Minh Mệnh ra chỉ dụ nói rõ, đối với những nơi đƣợc ban cấp súng điểu sang có máy đá thì đều phải xét xem số đá lửa cấp trước hoặc hiện còn, hoặc hết sạch, cứ thực khai báo lên Bộ tâu xin cấp thêm để đủ tập bắn và để dự trữ mà dùng. “Các tỉnh ở ngoài nếu gặp có sai phái thì quan trên phải lập tức châm chước liệu cấp, không được tạ sự cho rằng [đá lửa] là của công quan trọng, không dám chi phát. Nếu vậy thì ra biến máy đá là đồ lợi khí thành vật vô dụng ! Cái tội làm lỡ việc quân lại càng to hơn.

Phàm số đã chi đi rồi, chuẩn cho đến cuối năm, làm sổ sách, ghi vào khoản đã tiêu dùng, nếu sắp hết, phải tấu ngay, đợi chỉ cấp thêm” [46, tr. 24].

Thực hiện chỉ dụ đó, tháng 1 năm 1839, trước lời tâu của Thự bố chính Quảng Bình Nguyễn Hợp, rằng súng ống nhà nước cấp cho các vệ, cơ, đồn, tấn, từ trước đến nay chỉ có đạn mà không có thuốc súng, đến khi có việc mới chi lĩnh ở kho, không khỏi chậm lỡ. Xin nên cấp đủ thuốc súng, mỗi một cây súng, một cỗ súng đều 50 phát [47, tr. 450],vua Minh Mệnh đã ra chỉ dụ: “Súng ống cần dùng cho việc quân, tất phải có thuốc đạn theo sẵn, thế mà tỉnh ấy từ trước đến nay cứ theo như cũ làm qua, thử nghĩ súng ống có đạn không thuốc, khi cần đến sao có thể dùng được. Nguyễn Hợp mới đến làm tiếp, bèn biết tra xét kỹ càng tâu xin sung cấp, dự phòng trước khi có việc, thực là hợp lẽ, nên thưởng gia kỷ lục 2 thứ, cho theo ngay lời xin thi hành” [47, tr. 450].

Đối với việc cấp phát vũ khí cho các hạng thuyền của nhà nước và thuyền buôn, tháng 7 năm 1835, Minh Mệnh ra chỉ dụ về việc cấp, trang bị vũ khí cho các thuyền buôn: “Lệnh cho các quan địa phương chiếu theo số thuyền hộ trong hạt mình nhiều hay ít, chế sẵn giáo dài để ở thủ sở các cửa biển. Các thuyền hộ đi buôn đều làm đơn do Lý trưởng cam kết nhận thực, quan tỉnh phê bằng. (Thuyền hạng lớn cấp cho giáo dài 10 cây; thuyền hạng vừa và hạng nhỏ cấp cho trên dưới 5 - 6 cây)” [46, tr. 725- 726]. Đến tháng 10 năm 1839, nhà nước cấp phát súng, đạn cho các tàu lớn đi công cán ở nước ngoài. Theo đó, các tàu phái đi Tiểu Tây dương, đường biển hơi xa, các hạng thuyền lớn nhiều dây, bọc đồng mỗi chiếc trước cấp 6 cỗ súng Hồng y, 10 cỗ súng Chấn hải; nay cấp thêm mỗi chiếc 4 khẩu súng Quá sơn. Mỗi cỗ súng Hồng y 60 phát thuốc đạn; súng Chấn hải, Quá sơn mỗi cỗ 80 phát. Phái đi các xứ Giang Lưu Ba, Tam Ba Lăng vẫn theo lệ cũ). Ba chiếc thuyền hiệu Linh Phƣợng, Thuỵ Long, Phấn Bằng mỗi chiếc trước cấp 2 khẩu điểu sang, nay cấp thêm 10 khẩu; các hiệu thuyền Tiên Ly, Tường Hạc, Thanh Loan, Vân Điêu, Kim Loan, Thần Giao trước cấp mỗi

chiếc 20 khẩu, nay cấp thêm mỗi chiếc 5 khẩu nữa. Mỗi khẩu đều 100 phát đạn thuốc [47, tr. 587].

Bên cạnh việc cấp phát vũ khí cho các tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ đƣợc giao, các hoàng đế triều Nguyễn cũng dùng vũ khí để ban thưởng cho các cá nhân có nhiều thành tích trong thi hành công vụ. Tiêu biểu nhƣ năm 1821, Minh Mệnh đã ban thưởng cho quan lại có nhiều công lao ở Nghệ An, Thanh Hoa, tổng trấn Bắc Thành.

Theo đó: trấn thủ Nghệ An là Nguyễn Văn Xuân đƣợc ban một thanh kiếm Tây chạm mạ vàng, một khẩu súng Tây chữ vàng; 19 người Vệ uý, Phó vệ uý Thần sách ở trấn, mỗi người được ban một thanh kiếm Tây mạ bạc, một khẩu súng Tây chữ vàng [44, tr.

160]; Phó vệ uý vệ Thần sách trấn Thanh Hoa là Phạm Văn Xuân và 8 người, mỗi người được ban một thanh kiếm Tây mạ bạc và một khẩu súng Tây chữ vàng [44, tr.

162]; Tổng trấn Bắc Thành Lê Chất được ban một thanh gươm Tây chạm mạ vàng, một khẩu súng Tây dát vàng; Phó tổng trấn Lê Văn Phong được ban một thanh gươm Tây chạm mạ vàng, một khẩu súng Tây dát bạc; các liêu thuộc ở thành tất cả 125 người, từ Tòng nhị phẩm đến Tứ phẩm, mỗi người đều được thưởng gươm mạ bạc và súng chữ vàng theo thứ bậc khác nhau [44, tr. 163]. Hay năm 1830, vua Minh Mệnh ban thưởng cho Tạ Quang Cơ, Vũ Văn Từ vì đã có nhiều thành tích trong tiễu trừ thổ phỉ, mỗi người thêm 1 cấp, 1 khẩu súng tây điểu thương có vẽ hoa bằng vàng [46, tr.

150].

Một phần của tài liệu Tổ chức chế tạo và quản lý sử dụng vũ khí dưới triều nguyễn (1802 1883) (Trang 74 - 78)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(128 trang)