Để thực hiện được những yêu cầu của đề tài, tác giả sử dụng ba lý thuyết sau làm kim chỉ nam cho việc giải thích các sự kiện trong khi nghiên cứu:
* Lý thuyết lựa chọn hợp lý
Lý thuyết lựa chọn hợp lý có nguồn gốc từ triết học, kinh tế học và nhân học thế kỉ 18 - 19. Thuật ngữ “lựa chọn” được dùng nhằm nhấn mạnh việc phải cân nhắc, tính toán quyết định sử dụng loại phương tiện tối ưu trong số những điều kiện hiện có để đạt mục tiêu trong điều kiện khan hiếm các nguồn lực.
Nhà xã hội học Jonh Elster dùng câu nói có vẻ đơn giản sau đây đã tóm lược nội dung cơ bản của lý thuyết lựa chọn hợp lý: “Khi đối diện với một số cách hành động mọi người thường làm cái mà họ tin là có khả năng đạt được kết quả cuối cùng tốt nhất” [15, tr.306]. Trong cuộc sống, mỗi cá nhân sẽ nhận được nhiều kích thích từ bên ngoài, tuy nhiên không phải ngay lập tức cá nhân phản ứng lại tất cả các kích thích đó mà sẽ tiến hành lựa chọn những kích thích nào phù hợp với bản thân và khước từ, loại bỏ những kích thích không phù hợp.
Từ giải thích về hành vi kinh tế có thể suy luận ra cách giải thích về hành vi xã hội. Vận dụng lý thuyết lựa chọn hợp lý giải thích lý do nông dân Khmer nghèo
lựa chọn cách thức sản xuất, việc cầm cố đất đưa đến không có đất sản xuất và lựa chọn việc ở lại nông thôn làm thuê mà không di cư vào các đô thị tìm việc làm.
* Lý thuyết cấu trúc chức năng
Xuất hiện vào nửa đầu thế kỷ XX, lý thuyết Cấu trúc chức năng có nguồn gốc từ Mỹ sau đó phát triển rộng rãi ở Châu Âu. Lý thuyết này gắn liền với tên tuổi của các nhà Xã hội học nổi tiếng như: A. Comte, H. Spencer, E. Durkheim, R.
Merton, T. Parson, Giddens…
Lý thuyết Cấu trúc chức năng xem xã hội là một hệ thống gồm nhiều bộ phận, mỗi bộ phận giữ một vai trò riêng và vận hành một cách bình thường để thực hiện một số yêu cầu nào đó trong xã hội.
Theo Giddens, hành động của con người bị cấu trúc xã hội quy định. Cấu trúc gồm các quy tắc và các nguồn lực được sử dụng trong quá trình tái tạo các hệ thống xã hội. Các quy tắc cho biết con người phải làm gì và làm như thế nào khi tương tác xã hội, còn các nguồn lực vật chất và tinh thần giúp con người đạt được mục đích của họ. Giddens chỉ ra một số yếu tố tác động tới sự tái tạo xã hội – sự cấu trúc hóa xã hội; trong đó có thói quen và những yếu tố khác thuộc về điều kiện bên trong và điều kiện bên ngoài.
Vận dụng lý thuyết Cấu trúc chức năng vào cuộc nghiên cứu này nhìn nhận yếu tố văn hóa như là một cấu trúc có tác động mạnh mẽ đến việc hình thành đặc tính tâm lý của người Khmer. Ngoài ra, xem xét ảnh hưởng cấu trúc văn hóa đến tập quán sản xuất, vấn đề tích lũy trong tiêu dùng và sản xuất của nông dân Khmer; quan niệm của họ đối với tình trạng nghèo đang gặp phải. Đồng thời, xác định vai trò của yếu tố học vấn, đất đai trong việc thoát nghèo của người Khmer.
*Lý thuyết “kinh tế nông dân”
Chúng ta có thể nói một cách tóm tắt rằng đặc điểm cốt lõi của kinh tế nông dân thể hiện ở chỗ “Gia đình là một đơn vị của lao động và tiêu dùng”1.
Trong lý thuyết của Chayanov, nền kinh tế nông dân là một hệ thống kinh tế cụ thể; trong hệ thống đó, đất đai, lao động và tư liệu sản xuất được kết hợp với
1 Wolf, 1996; Mendras, 1969; Meillassoux, 1979
nhau theo một quá trình phát triển gia đình tự nhiên. Đối với nông dân, sản phẩm lao động do gia đình cung cấp là một loại thu nhập duy nhất. Ông cho rằng đặc điểm cơ bản của kinh tế nông dân là kinh tế hộ gia đình. Toàn bộ tổ chức của dạng kinh tế này do quy mô, cấu trúc của gia đình, các nhu cầu tiêu dùng và số lượng lao động quy định.
Mục đích của kinh tế nông dân là thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng trong gia đình hàng năm nên cái được họ quan tâm nhất không phải là tiền trả cho một đơn vị lao động (ngày công) mà là tiền trả cho cả năm lao động. Nếu người nông dân sở hữu đất đai nhiều thì bất kì một đơn vị lao động nào do gia đình bỏ ra đều có thể nhận tiền công tối đa.
Vận dụng lý thuyết “kinh tế nông dân” để đánh giá vai trò của yếu tố đất đai đối với sự phát triển kinh tế của những hộ nông dân Khmer nghèo. Đồng thời đánh giá mức độ tiêu dùng và khả năng tích lũy của họ ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của gia đình.
* Ngoài ra, tác giả luận văn sử dụng cách tiếp cận lối sống và tiếp cận nghèo để mô tả đời sống, thực trạng nghèo đói của nông dân Khmer.