Chương 2: THỰC TRẠNG VÀ NGUYÊN NHÂN NGHÈO ĐÓI CỦA NÔNG DÂN KHMER XÃ TÂN MỸ HUYỆN TRÀ ÔN TỈNH VĨNH LONG 2.1. Thực trạng nghèo đói của nông dân Khmer xã Tân Mỹ
2.1.5. Khả năng tiếp cận kỹ thuật sản xuất mới và sử dụng nguồn vốn vay còn yếu kém
Một kết quả nhất quán của nghiên cứu này là sự tách biệt ngày càng xa giữa các tổ chức, cơ quan ban ngành huyện, xã với người Khmer. Người Khmer, đặc biệt là phụ nữ và người nghèo, hiếm khi gặp cán bộ xã. Nguyên nhân là do hàng rào ngôn ngữ; e ngại cán bộ địa phương và do ít hiểu biết về tổ chức, cơ quan đoàn thể trong địa phương. Hầu như họ không biết về các kế hoạch phát triển và ngân sách xã dù có tham gia đóng góp tài chính và công sức để thực hiện các kế hoạch này. Do đó, khi có buổi tập huấn kỹ thuật khuyến nông diễn ra người Khmer thường rất ít tham gia: “Tùy lúc thôi. Khi nào Nhà nước có tặng quà như áo thun, thuốc sâu…thì dân đến đông, đặc biệt là người Khmer. Bình thường người Khmer
không đến nghe”. (Nữ, 63 tuổi – Biên bảng PVS Số 1 hộ nông dân người Kinh khá, giàu). Vì gia đình có ít đất sản xuất hoặc không có đất nên họ không quan tâm đến các buổi tập huấn kỹ thuật sản xuất mới hoặc nếu có thì cũng không có thời gian. Một cán bộ Ngành Nông nghiệp huyện cho biết: “Đẩy mạnh công tác bảo vệ thực vật, khuyến nông và chuyển giao khoa học kỹ thuật bằng những buổi tập huấn. Năm 2009 đã thực hiện được 85 cuộc có 2550 nông dân tham dự về canh tác lúa chất lượng cao, kỹ thuật trồng màu, phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và tập huấn 3 lớp tổ trưởng tổ hợp tác; tổ chức 4 cuộc hội thảo về mô hình sản xuất trên cây bưởi…Tuy nhiên, số nông dân Khmer tham gia không nhiều vì họ có ít đất sản xuất lắm” (Nam, 45 tuổi – Biện bản PVS Số 2 cán bộ ngành Nông nghiệp huyện Trà Ôn). Như vậy do những điều kiện nhất định nên khả năng tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật sản xuất mới của nông dân Khmer còn hạn chế.
Bên cạnh đó, nông dân Khmer có thể tiếp cận quỹ tín dụng từ nhiều nguồn chính thức và phi chính thức khác nhau, thí dụ từ các ngân hàng nông nghiệp và các ngân hàng khác tại địa phương và từ chương trình cuả các nhà tài trợ. Nhưng khả năng tiếp cận các nguồn lực, bao gồm vay tín dụng từ các nguồn chính thức, các điều kiện cơ sở hạ tầng như điện, nước sạch, các công trình vệ sinh của các hộ dân Khmer nghèo còn hạn chế hơn so với các hộ trung bình và khá ở địa phương.
Kế hoạch “Về việc phân bổ vốn thực hiện Quyết định số 74/2008/QĐ – TTg giai đoạn 2009” của UBND huyện Trà Ôn phân bổ cho xã Tân Mỹ 969 triệu đồng hỗ trợ đồng bào dân tộc Khmer nghèo. Đồng thời tổ chức NMA thời gian qua cũng đã đầu tư các trang thiết bị và cơ sở vật chất hạ tầng nông thôn xã, với tổng số vốn 836,350 triệu đồng nhằm nâng cao năng lực cho người dân địa phương trong những ấp nghèo nhất của xã góp phần XĐGN, từng bước tăng cơ hội tiếp cận với thông tin sức khỏe, nước sạch vệ sinh môi trường, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ bỏ học, nâng cao mức sống cho hộ gia đình và cộng đồng. Tuy nhiên kết quả thu được không cao. Nguyên nhân của vấn đề này là do: “Cái họ mang đến là
“cái cần câu”, họ không dạy cách nào để người Khmer “câu cá” có hiệu quả nên
làm cứ thua lỗ nợ nần chồng chất” (Nam, 44 tuổi – Biên bản PVS Số 4 cán bộ Phòng Tôn giáo dân tộc huyện Trà Ôn)
Theo kết quả khảo sát bảng hỏi 125 hộ nông dân Khmer nghèo tại xã Tân Mỹ có 107/125 hộ vay vốn từ quỹ tín dụng Nhà nước, chiếm tỷ lệ 85,6%; trong đó số tiền vay cao nhất là 10 triệu đồng và thấp nhất là 3 triệu đồng.
Bảng 13: Số tiền vay quỹ tín dụng
Frequency Percent Valid Percent
Cumulative Percent
Valid 3000000.00 50 40.0 46.7 46.7
5000000.00 43 34.4 40.2 86.9
7000000.00 6 4.8 5.6 92.5
10000000.00 8 6.4 7.5 100.0
Total 107 85.6 100.0
Missing System 18 14.4
Total 125 100.0
Nguồn: Kết quả điều tra thực nghiệm tháng 4/2010
Sau khi vay vốn, có 70/125 hộ sử dụng đồng vốn vào mục đích trả nợ (chiếm 56%) và 82/125 hộ có sử dụng đồng vốn vay vào việc trang trải cuộc sống (chiếm 65,6%). Trả hết nợ từ nơi vay này lại nợ từ nơi vay khác, họ cứ tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn nợ nần và phải cầm cố đất cho người khác. Trong 125 hộ được khảo sát có 76 hộ vay vốn ngân hàng quá hạn vay không có khả năng chi trả nên phải cầm cố đất sản xuất cho người khác để trả nợ và trở thành những người nông dân nghèo không có tư liệu đất đai để sản xuất.
Mặc dù Nhà nước đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người nông dân nghèo vay vốn theo lãi suất ưu đãi, thậm chí có những nguồn vốn vay không tính lãi từ Hội Nông dân, Hội Phụ nữ nhưng hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay của người dân chưa cao. Bên cạnh đó do khả năng tiếp cận và ứng dụng kỹ thuật sản xuất mới
còn hạn chế dẫn đến năng suất thu hoạch thấp nên không có tiền trả nợ cho ngân hàng, phải cầm cố đất rơi vào tình trạng không có đất sản xuất. Đó là biểu hiện rõ nhất về sự nghèo đói của bộ phận nông dân Khmer địa phương.
Tóm lại, người nông dân Khmer xã Tân Mỹ có đời sống rất khó khăn, thu nhập thấp, bấp bênh và nghề nghiệp không ổn định. Do đó, việc tìm ra nguyên nhân đưa đến thực trạng trên có ý nghĩa vô cùng quan trọng góp phần nâng cao chất lượng sống và cải thiện thực trạng nghèo đói của bộ phận dân cư ở địa phương.