Chương 2: THỰC TRẠNG VÀ NGUYÊN NHÂN NGHÈO ĐÓI CỦA NÔNG DÂN KHMER XÃ TÂN MỸ HUYỆN TRÀ ÔN TỈNH VĨNH LONG 2.1. Thực trạng nghèo đói của nông dân Khmer xã Tân Mỹ
2.2. Nguyên nhân nghèo đói của nông dân Khmer xã Tân Mỹ
2.2.10. Đặc tính tâm lý
Mỗi một dân tộc, vùng miền có cấu trúc văn hóa riêng hình thành nếp sinh hoạt hàng ngày và đặc tính tâm lý khác nhau của từng cá thể. Điều này sẽ tạo nên sự khác biệt giữa các cộng đồng dân cư.
Người nông dân Khmer nói chung ở khu vực ĐB SCL bao đời nay vẫn sống khép kín trong khuôn viên làng xã hơn so với người Kinh và ít mở rộng mối quan hệ ra bên ngoài. Nhiều nông dân quanh năm chỉ biết có ruộng đồng và ngôi nhà của mình, không bước chân ra khỏi lũy tre làng. Chính vì vậy, họ trở nên gắn bó với đất đai. Khi đất sản xuất không còn thì đi làm thuê theo mùa vụ kiếm sống – công việc này vẫn gắn bó đất đai. Để bức ra khỏi mảnh đất và làm một công việc khác đối với bộ phận dân cư này thật khó khăn. Dù cho công việc hiện tại thu nhập thấp hơn nhưng vẫn chấp nhận bởi vì: “Ngại đi xa lắm. Sống ở đây quen rồi. Đi chỗ khác lạ nước lạ cái làm sao mà sống. Mình là dân quê đã quen với ruộng vườn” (Nữ, 32 tuổi – Biên bản PVS Số 3 hộ nông dân Khmer nghèo có đất sản xuất). Tâm lý e ngại đến nơi xa lạ, thay đổi môi trường sống đã làm hạn chế khả năng có thể tìm kiếm một công việc có thu nhập cao hơn và ổn định hơn của nhiều hộ nông dân Khmer ở xã Tân Mỹ, điều này được thể hiện cụ thể qua kết quả điều tra bảng hỏi: 101/125 người trả lời (chiếm 80,8%) không có dự định đến nơi khác tìm việc. Điều này được một cán bộ dân tộc Khmer ở xã Tân Mỹ giải thích: “Em không biết đó thôi, anh là người dân tộc anh biết. Người dân tộc Khmer nghèo ở đây có đặc tính tâm lý rất ngại đi xa và thay đổi chỗ ở. Họ quanh quẩn trong huyện. Đi xa chẳng hạn lên thành phố Vĩnh Long thôi nhiều người vẫn chưa đi bao giờ, chưa đi xa bao giờ nên sợ đi không biết đường về” (Nam, 34 tuổi - Biên bản PVS Số 2 cán bộ dân tộc Khmer ở xã Tân Mỹ).
Bảng 20: Có dự định đến nơi khác tìm việc không Frequency Percent Valid Percent
Cumulative Percent
Valid Có 24 19.2 19.2 19.2
Không 101 80.8 80.8 100.0
Total 125 100.0 100.0
Nguồn: Kết quả điều tra thực nghiệm tháng 4/2010
Bên cạnh đó, với tâm lý không biết lo xa “làm ngày nào ăn ngày đó”, nhiều hộ không để dành tiền: “Làm ngày nào ăn ngày đó cho có sức khỏe, khi nào dư mới để dành” (Nam, 37 tuổi – Biên bản PVS số 3 hộ nông dân Khmer nghèo không có đất sản xuất). Trong gia đình không có một khoản tiền nhất định khi gặp phải sự cố hay rủi ro cần một khoản tiền để chi tiêu nhưng không có phải vay mượn, điều này sẽ đưa đến nghèo đói.
Khi được chúng tôi tiến hành phỏng vấn bảng hỏi trong 125 hộ, chỉ có 3 hộ trả lời là có để dành tiền tiết kiệm hàng tháng đầu tư cho con cái đi học và phòng khi bệnh tật, rủi ro. Và có đến 122/125 hộ không để dành tiền tiết kiệm hàng tháng, chiếm tỷ lệ 97,6%. Lý do không để dành tiền tiết kiệm mà họ đưa ra gồm có: tiền làm ra ít, không đủ xài, nhậu hết, trả nợ hết. Trong 4 lý do này, lý do tiền làm ra không đủ xài chiếm 80%.
Bảng 21: Tiền tiết kiệm/tháng
Frequency Percent Valid Percent
Cumulative Percent
Valid Có 3 2.4 2.4 2.4
Không 122 97.6 97.6 100.0
Total 125 100.0 100.0
Nguồn: Kết quả điều tra thực nghiệm tháng 4/2010
Do đặc tính tâm lý e ngại đi xa tìm việc và không biết lo xa làm ngày nào tiêu xài ngày đó nên thu nhập của nhiều nông dân Khmer không đủ chi tiêu dẫn đến việc vay nợ và cầm cố đất hoặc bán đất rơi vào tình cảnh nghèo đói.
Tóm lại, dựa trên thực trạng đời sống của nông dân Khmer ở xã Tân Mỹ và đánh giá của cán bộ, cơ quan các cấp xã, huyện, tác giả đã phân tích ra 10 nguyên nhân cơ bản đưa đến vấn đề nghèo đói của một bộ phận dân cư nơi đây.
Tiểu kết chương 2
Kết quả nghiên cứu được trình bày trong chương 2 cho thấy đời sống của người nông dân Khmer nghèo ở xã Tân Mỹ hiện nay rất khó khăn. Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ về vốn, nhà ở, đào tạo việc làm…nhằm nâng cao thu nhập tạo điều kiện cho người nông dân Khmer thoát nghèo, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo chung trên địa bàn huyện Trà Ôn hiện nay. Tuy nhiên quá trình diễn tiến vẫn còn chậm, tỷ lệ người dân tộc Khmer nghèo hiện nay vẫn ở một mức khá cao. Nguyên nhân do trình độ học vấn của người Khmer vẫn còn thấp, người nghèo hầu như không có đất sản xuất hoặc nếu có thì số lượng cũng rất ít.
Bên cạnh đó, đặc tính tâm lý và tập quán sản xuất cũng ảnh hưởng lớn đến đời sống và quá trình vươn lên thoát nghèo của cộng đồng này.
Như vậy, từ kết quả nghiên cứu về thực trạng và nguyên nhân nghèo đói của nông dân Khmer xã Tân Mỹ đã được phân tích ở chương 2, tác giả so sánh với 3 giả thuyết ban đầu đặt ra là có cơ sở khoa học dựa trên nhiều nguồn tư liệu khác nhau, trong đó chủ yếu là tài liệu nghiên cứu được tác giả xử lý.
PHẦN KẾT LUẬN
Xã hội không thể phát triển bền vững khi tình trạng đói nghèo vẫn diễn ra trong một đất nước, một dân tộc, một bộ phận dân cư... “Muốn nông dân có lực lượng dồi dào thì phải làm cho họ có ruộng cày, có cơm ăn, áo mặc, nhà ở” [13, tr. 23]. Do đó, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nông dân nghèo, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc Khmer là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước có ý nghĩa cả về kinh tế, chính trị và mang tính nhân văn của xã hội; là yếu tố quan trọng đảm bảo sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Những năm qua, quán triệt Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Chương trình quốc gia XĐGN của Chính phủ, huyện Trà Ôn đã triển khai thành các kế hoạch hành động thực hiện công tác XĐGN cho đồng bào dân tộc Khmer ở khắp các xã. Tuy nhiên, đời sống của người nông dân Khmer hết sức khó khăn đặc biệt là ở xã Tân Mỹ. Điều này được thể hiện rõ nhất về tỷ lệ hộ Khmer nghèo trong xã cao hơn các xã khác. Bộ phận dân cư nghèo này đã nhận được nhiều sự giúp đỡ từ các cơ quan Nhà nước, tổ chức Phi chính phủ, các cá nhân…về vật chất cũng như tinh thần nhưng tỷ lệ nghèo đói thuyên giảm không đáng kể và nguy cơ tái nghèo cao.
Mặt khác, điều kiện sống, sinh hoạt và vui chơi giải trí của những người nông dân Khmer nghèo còn nhiều hạn chế. Họ làm việc vất vả quanh năm không có nhiều thời gian dành cho hoạt động vui chơi, nghỉ ngơi và thư giãn. Nhưng do tính chất công việc làm thuê không ổn định và thu nhập thấp nên không đủ tiền trang trải cuộc sống, từ đó phải đi vay mượn người khác để chi tiêu hoặc cầm cố đất hay bán đất trả nợ, rơi vào tình trạng nợ nần chồng chất và không có đất đai để sản xuất.
Đồng thời, một đặc điểm nổi bật đang tồn tại trong cộng đồng này đó là tình trạng trẻ em bỏ học cao. Nhiều học sinh phải gác lại sách vở xa rời mái trường để cùng gia đình lao vào cuộc sống mưu sinh. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến vấn
đề họ tìm kiếm việc làm vì xã hội ngày càng phát triển nhu cầu về chất lượng nguồn nhân lực ngày càng cao. Những học sinh này vì trình độ thấp nên sẽ khó tìm được công việc ổn định với mức lương đủ đáp ứng cho nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, cộng với việc gia đình nghèo không có đất sản xuất, không có tài sản cha mẹ phân chia khi lập gia đình, vì vậy họ lại rơi vào vòng luẩn quẩn nghèo đói.
Thực trạng nghèo đói của nông dân Khmer ở xã Tân Mỹ còn thể hiện ở tỷ lệ hộ gia đình thiếu nợ ngân hàng. Nhà nước cho nông dân nghèo vay vốn không tính lãi hoặc tính lãi suất thấp để phát triển kinh tế, thoát khỏi tình trạng nghèo đói nhưng đồng vốn vay được các nông hộ sử dụng không có hiệu quả. Nhiều gia đình đã thế chấp ruộng đất để vay vốn sản xuất, do không có khả năng thanh toán nợ nên khi quá hạn vay những gia đình này rơi vào tình trạng không có đất sản xuất.
Nguyên nhân cơ bản dẫn đến thực trạng nghèo đói của nông dân Khmer xuất phát từ trình độ phát triển kinh tế - xã hội của người dân chưa đáp ứng được yêu cầu của công cuộc XĐGN trong điều kiện kinh tế thị trường có nhiều biến động. Biểu hiện nổi bật nhất là trình độ học vấn người Khmer và cán bộ tại địa phương vẫn còn thấp hơn so với các địa phương khác trong địa bàn huyện Trà Ôn.
Sự hạn chế về trình độ học vấn của cộng đồng do lịch sử để lại và sự hạn chế trong năng lực bản thân người nghèo là rào cản không nhỏ đối với việc thực hiện chính sách XĐGN. Đây là yếu tố tác động đến khả năng thích nghi của người Khmer đối với điều kiện kinh tế thị trường thời kì hội nhập và hiệu quả tiến độ triển khai những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân.
Bên cạnh đó, sự biến động mạnh mẽ thị trường, giá cả nông sản ở nông thôn trong những năm gần đây cũng là một trong những nguyên nhân đưa đến tình trạng nghèo đói của người nông dân Khmer. Do trình độ học vấn thấp, ít tiếp cận với thông tin kinh tế nên nhiều người không đủ tầm hiểu biết vấn đề cung cầu của thị trường để cung ứng sản phẩm cho phù hợp dẫn đến việc đầu tư sản xuất không hiệu quả, sản phẩm làm ra bán với giá không cao thậm chí thua lỗ. Đặc biệt, bệnh tật và những rủi ro trong sản xuất ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nông dân. Người nghèo khả năng phòng bệnh thấp, khi mắc bệnh không có tiền điều trị
dẫn đến mất nguồn lao động chính trong gia đình. Trong khi đó, cơ sở vật chất hạ tầng nông thôn còn nhiều hạn chế chưa thể đáp ứng đầy đủ các nhu cầu đời sống nhân dân nhất là vấn đề y tế khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Đây là cũng nguyên nhân làm cho cuộc sống của nông dân Khmer nghèo càng thêm khó khăn.
Ngoài ra còn những nguyên nhân khác đưa đến thực trạng nghèo đói của người nông dân Khmer là thiếu vốn và đất sản xuất. Nhiều nông hộ có đất sản xuất thì số lượng rất ít, không đủ so với nhu cầu của gia đình nên dẫn đến tình trạng lao động nhàn rỗi tại địa phương nhiều. Những nông dân Khmer nghèo không có tài sản thế chấp nên không thể vay vốn ngân hàng, đây là một vấn đề bất lợi cho họ trong việc tiếp cận với chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Đồng thời phải kể đến tập quán sản xuất lạc hậu và manh mún của những hộ Khmer, chính vì quá trình sản xuất riêng lẻ không nhất quán sẽ đưa đến tình trạng cây trồng dễ mắc các loại bệnh: vàng lùn, lùn xoắn lá lúa, rầy nâu, vàng lá cam Sành…làm cho năng suất thu hoạch không cao đôi khi nhiều nông hộ phải chịu thua lỗ rơi vào cảnh nợ nần. Mặt khác, vấn đề chi tiêu thiếu sự cân nhắc hợp lý, không có tiền để tích lũy phòng khi rủi ro. Một trong những đặc tính tâm lý của người Khmer ở xã Tân Mỹ nói riêng và nông dân nghèo nói chung là làm ngày nào ăn ngày đó, không biết lo xa và hoạch định tương lai. Chính vì họ không biết cách tổ chức, phân công lao động trong gia đình cho hợp lý nên chất lượng công việc thu được không cao. Sự e ngại đi xa sẽ là rào cản lớn để người nghèo có thể tiếp cận một cuộc sống mới và tìm kiếm công việc ổn định hơn vươn lên thoát nghèo.
Những phân tích ở chương 2 đã mô tả thực trạng và làm rõ nguyên nhân nghèo đói của nông dân Khmer ở xã Tân Mỹ. Để giải quyết vấn đề nghèo đói nơi đây Nhà nước cần có những giải pháp ngắn hạn, dài hạn xuyên suốt và đồng bộ.
Do đó, trước mắt và lâu dài, giải quyết vấn đề nghèo đói cho đồng bào dân tộc Khmer cần phải tiến hành song song với việc nâng cao năng lực cộng đồng, đây là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo. Trong
đó, đặc biệt chú trọng đến vai trò của đội ngũ cán bộ và trí thức người dân tộc, lực lượng tiên phong và tinh hoa của các dân tộc thiểu số sẽ góp phần quyết định thắng lợi công cuộc XĐGN. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chính quyền cơ sở cấp xã nhằm đủ năng lực chuyển tải các chủ trương của Trung ương, tỉnh, huyện và áp dụng có hiệu quả tại xã trên các lĩnh vực trong đó có XĐGN, góp phần quản lý có hiệu quả nguồn vốn đầu tư về địa phương và có đủ tầm nhìn để xây dựng kế hoạch thoát nghèo bền vững cho nhân dân.
Cần có sự quy hoạch cán bộ ổn định và phát triển đội ngũ cán bộ trí thức lâu dài, tránh tình trạng lãng phí trong công tác đào tạo. Trước hết, phải quan tâm sâu sát đào tạo cán bộ cấp cơ sở, từng bước chuẩn hóa chức danh cán bộ, đặc biệt quan tâm quy hoạch, đào tạo nguồn cán bộ dân tộc Khmer về các lĩnh vực: nông nghiệp, sư phạm, y tế, kinh tế - tài chính, các ngành công nghiệp điện, cơ khí…Nhanh chóng xây dựng đội ngũ công nhân kỹ thuật người dân tộc ở địa phương để tạo nguồn nhân lực tại chỗ, kiện toàn và củng cố hệ thống chính trị cấp cơ sở kể cả cán bộ ấp gắn với Ban chỉ đạo XĐGN tại ấp, xã.
Tăng cường nguồn vốn vay không thế chấp là vô cùng cần thiết đối với người nghèo khi có dự án hoặc phương án kinh doanh mang tính khả thi. Khi Nhà nước triển khai cho người dân vay vốn, vấn đề kiểm tra tính hiệu quả sử dụng vốn vay trong nhân dân hết sức cần thiết, từ đó định hướng mô hình sản xuất cho người dân nhằm thu lại hiệu quả kinh tế cao. Trong quá trình đầu tư vốn, cần xác định trọng tâm trọng điểm, không dàn trãi, đúng nhu cầu và phù hợp điều kiện cho từng hộ (hộ nào cần đầu tư vốn, hộ nào cần đầu tư giống, hộ nào cần chuyển đổi nghề và giới thiệu việc làm, hộ nào cần nhận trợ cấp xã hội hàng tháng…) nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập. Chuộc lại đất cho những nông hộ đã thế chấp ngân hàng sẽ tạo điều kiện cho họ có nguồn thu nhập ổn định từ đất đai.
Đặc biệt, việc đầu tư, hỗ trợ cho từng gia đình phải mang tính chất công khai, minh bạch theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương cần xây dựng mô hình phát triển kinh tế phù hợp đối với cộng đồng Khmer nghèo. Thực tế nghiên cứu cho
thấy, quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ chuyên canh cây lúa sang luân canh hoa màu và cây ăn trái chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người Kinh và những nông hộ Khmer có đất sản xuất. Vì không có đất sản xuất nên nhiều hộ nông dân Khmer nghèo phải đi làm thuê theo mùa thu hoạch lúa kiếm sống, khi diện tích trồng lúa giảm làm cho người làm thuê thiếu việc làm, ảnh hưởng thu nhập. Cho nên, vấn đề đào tạo việc làm tại chỗ rất cần thiết. Xã Tân Mỹ có lợi thế về tài nguyên đất sét cần được phát huy, đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và làng nghề tạo việc làm cho bộ phận dân cư thất nghiệp hoặc nhãn rỗi trong mùa vụ.
Song song với các chính sách đầu tư phát triển, một vấn đề cần quan tâm là kiện toàn cơ sở vật chất hạ tầng nông thôn tạo điều kiện phát triển sản xuất. Hệ thống giao thông nông thôn xã Tân Mỹ còn nhiều hạn chế ảnh hưởng đến đời sống nhân dân nơi đây. Đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường Tỉnh 907 và các cầu trên tuyến đường này, nâng cấp và mở rộng hệ thống đường đal liên ấp để thuận lợi cho lưu thông hàng hóa nông sản.
Những hộ nông dân Khmer nghèo không có tiền chữa bệnh nên họ thường đến Trạm y tế xã khám chữa bệnh miễn phí. Để thực hiện tốt vấn đề chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Trạm y tế xã cần được tăng cường đội ngũ y bác sĩ, mở rộng đối tượng cấp thẻ Bảo hiểm y tế tạo điều kiện cho người nghèo chữa bệnh tại địa phương và có những chiến dịch cần thiết khuyến cáo cách phòng tránh những rủi ro về bệnh tật trong cuộc sống. Đối với những hộ nghèo chưa sử dụng điện kế riêng, nên rất cần sự hỗ trợ kinh phí lắp đặt điện kế phục vụ sinh hoạt hàng ngày.
Một mặt, Nhà nước nên đầu tư xây dựng phòng Thư viện tại Trung tâm xã phục vụ cho nhu cầu đọc sách báo của nhân dân địa phương kết hợp tăng cường thời lượng phát sóng của Đài phát thanh xã, xây dựng chuyên mục phát thanh bằng tiếng Khmer với thời lượng thích hợp trong chương trình của đài phát thanh huyện nhằm kịp thời cảnh báo thông tin đến người dân Khmer (nhiều người không giỏi tiếng của người Kinh) về tình hình sâu rầy và dịch bệnh tránh cho người dân gặp phải rủi ro trong sản xuất, những thông tin văn hóa – xã hội và thời sự khác.