Chương 2: THỰC TRẠNG VÀ NGUYÊN NHÂN NGHÈO ĐÓI CỦA NÔNG DÂN KHMER XÃ TÂN MỸ HUYỆN TRÀ ÔN TỈNH VĨNH LONG 2.1. Thực trạng nghèo đói của nông dân Khmer xã Tân Mỹ
2.1.2. Điều kiện sống, sinh hoạt và giải trí
Khắp Việt Nam nói chung, dân tộc thiểu số là một trong những bộ phận dân cư nghèo về kinh tế và thiệt thòi về mặt xã hội hơn so với các bộ phận khác trong cộng đồng. Ở vùng ĐB SCL, các nhóm dân tộc thiểu số có cuộc sống tốt hơn các dân tộc thiểu số ở các vùng khác và tỉ lệ nghèo thấp nhất trong nhóm người dân tộc cả nước (WB, 2003). Tuy nhiên, người Khmer lại nghèo và thiệt thòi về mặt xã hội hơn các nhóm sắc tộc khác cùng sinh sống tại vùng ĐB SCL. Điều kiện ăn, ở, đi lại, sinh hoạt và giải trí của họ có nhiều hạn chế do kinh tế gia đình không đủ đáp ứng các nhu cầu vật chất cần thiết trong đời sống hàng ngày.
Nhà ở và tài sản trong gia đình
Ông bà ta thường nói “An cư lạc nghiệp”, phải có cuộc sống yên ổn ngôi nhà vững chắc an tâm để cư trú không lo mưa nắng thì mới có được sự vui vẻ tập trung làm việc tạo ra của cải vật chất khác. Do đó, ngôi nhà có vai trò rất quan trọng đối với mỗi gia đình Việt Nam đặc biệt là gia đình ở nông thôn. Ngôi nhà được làm bằng chất liệu gì? Có kiên cố hay không? Đó là một trong những biểu hiện của sự nghèo đói. Ở tỉnh Vĩnh Long, đến năm 2006 có 23,6% nhà ở nông thôn là nhà tạm và 23,03% nhà khung gỗ lâu bền, mái lá, còn lại là nhà kiên cố và bán kiên cố chiếm 53,37%. Diện tích nhà ở bình quân của hộ nông thôn là 60,2m2 [46, tr.6].
Theo kết quả điều tra bảng hỏi hộ nông dân Khmer nghèo ở xã Tân Mỹ, có đến 98/125 hộ được Nhà nước xây cất nhà cho chiếm tỷ lệ 78,4%, chỉ có 18/125 hộ (chiếm 14,4%) xây được nhà ở cho riêng mình. Tuy nhiên, những ngôi nhà tự xây này chỉ mang tính chất bán kiên cố. Nền móng đa số lót gạch tàu, cột đúc xi măng, tường xây gạch đơn giản và mái nhà lợp tole mỏng hoặc lợp lá nhưng đang trong tình trạng xuống cấp. Còn lại 9/125 hộ ở nhà lá (chiếm 7,2%) thiếu kiên cố, cần sự hỗ trợ của các cơ quan ban ngành địa phương.
Bảng 3: Tình hình nhà ở
Frequency Percent Valid Percent
Cumulativ e Percent
Valid Nhà tự xây 18 14.4 14.4 14.4
Nhà được Nhà nước xây cho
98 78.4 78.4 92.8
Nhà lá 9 7.2 7.2 100.0
Total 125 100.0 100.0
Nguồn: Kết quả điều tra thực nghiệm tháng 4/2010
Thực hiện các Chương trình 134/CP và phong trào vận động cất nhà Tình nghĩa, nhà Tình thương, nhà Đại đoàn kết; Quyết định 167/CP, các nguồn vốn hỗ trợ (tổ chức CRS). Trong những năm qua xã đã xây dựng 814 căn nhà cho đồng bào dân tộc Khmer nghèo. Hiện nay cơ bản xóa bỏ nhà tạm bợ, lụp xụp trước kia, tạo tiền đề quan trọng cho người dân an tâm phát triển kinh tế (Báo cáo Số 39 – BC/ĐU).
Như vậy, trong tổng số 125 hộ nghèo được phỏng vấn thì đại đa số không có khả năng xây dựng một ngôi nhà vững chắc để sinh sống mà phải nhờ vào sự hỗ trợ của các cơ quan ban ngành và tổ chức tài trợ.
Ngoài ra, thực trạng nghèo đói của người Khmer xã Tân Mỹ còn thể hiện qua tài sản trong gia đình. Họ ít có tài sản và nếu có thì tài sản đó giá trị không cao: “Cứ nhìn nhà tôi là biết nghèo, không có cái gì có giá trị trong nhà. Nhìn nhà người ta mắc ham. Họ sắm xe máy, điện thoại đủ thứ. Gia đình tôi chỉ mong có thịt cá ăn mỗi ngày là phúc đức rồi!” (Nam, 30 tuổi – Biên bản PVS Số 2 hộ nông dân Khmer nghèo có đất sản xuất).
Theo quan sát của tác giả, tài sản trong gia đình người Khmer ở đây đa số đều có giường, tủ, bàn ghế nhưng đã cũ kỹ và làm bằng chất liệu gỗ đơn sơ, không chắc chắn; phương tiện đi lại chủ yếu bằng xe đạp. Kết quả điều tra cho thấy trong tổng số 125 hộ chỉ 8 hộ có sử dụng xe máy, chiếm tỷ lệ 6,4%.
Bảng 4: Tài sản trong gia đình
Frequency Percent Valid Percent
Cumulative Percent
Valid Xe máy 8 6.4 100.0 100.0
Missing System 117 93.6
Total 125 100.0
Nguồn: Kết quả điều tra thực nghiệm tháng 4/2010
Một số hộ có đất thì làm nông nhưng trong nhà không có máy cày, máy xới, máy tuốt lúa…hay các nông cụ khác mà phải thuê từ những hộ nông dân khá, giàu. Có 11/125 hộ sử dụng điện thoại để liên lạc với những người thân sống ở xa hoặc đi làm ăn xa, chiếm tỷ lệ 8,8%.
Do điều kiện kinh tế thiếu thốn nên những hộ nông dân nghèo không có tiền mua sắm đầy đủ vật dụng trong gia đình hay trang bị tư liệu sản xuất cho riêng mình. Đây sẽ là một trở ngại lớn cho quá trình sản xuất.
Điện, nước sinh hoạt
Bên cạnh đó, sự khó khăn trong đời sống của người Khmer còn thể hiện ở vấn đề sử dụng điện và nguồn nước sinh hoạt. Trong 125 hộ được phỏng vấn thì có đến 18 hộ không có điện kế riêng chiếm tỷ lệ 14,4%, sử dụng nguồn điện từ việc câu nhờ nhà kế bên.
Bảng 5: Nguồn điện sinh hoạt
Frequency Percent Valid Percent
Cumulative Percent
Valid Điện kế riêng 107 85.6 85.6 85.6
Câu nhờ hàng xóm
18 14.4 14.4 100.0
Total 125 100.0 100.0
Nguồn: Kết quả điều tra thực nghiệm tháng 4/2010
Theo báo cáo của UBND xã Tân Mỹ, năm 2009 xã đã phát triển thêm 143 điện kế, nâng tổng số hộ sử dụng điện là 2.726 hộ, chiếm 96% tổng số hộ, đạt 101% so với Nghị quyết năm. Việc không sử dụng điện kế riêng làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Khi được hỏi: “Việc sử dụng nguồn điện câu nhờ thế này có khó khăn gì không?”, một nông dân Khmer đã trả lời: “Có chứ. Nhà tôi đâu có xài bao nhiêu, chỉ bắt đèn vào buổi tối, một tháng làm gì tới 30 ngàn nhưng phải trả mức đó. Dây điện kéo về sợ mưa gió cây ngã nó giật chết” (Nam, 37 tuổi - Biên bản PVS số 3 hộ nông dân Khmer nghèo không có đất sản xuất). Nhưng họ lại không có khả năng chi trả cho việc lắp đặt điện kế riêng kéo điện về nhà vì:“Tốn cả triệu đồng, không có tiền” (Nam, 37 tuổi - Biên bản PVS số 3 hộ nông dân Khmer nghèo không có đất sản xuất).
Nguồn nước sinh hoạt của người Khmer cũng là một trong những vấn đề đáng quan tâm. Tình trạng hộ sử dụng nguồn nước sông và kênh rạch chiếm một tỷ lệ khá cao. Trong 125 hộ được tiến hành điều tra, có 22 hộ sử dụng nước kênh, sông cho sinh hoạt và ăn uống, chiếm tỷ lệ 17,6%; 57 hộ sử dụng nước giếng bơm chiếm tỷ lệ 45,6% và 46 hộ sử dụng nước máy chiếm tỷ lệ 36,8%.
Bảng 6: Nguồn nước sinh hoạt, ăn uống
Frequency Percent Valid Percent
Cumulative Percent
Valid Nước máy
46 36.8 36.8 36.8
Giếng bơm
57 45.6 45.6 82.4
Nước kênh, sông
22 17.6 17.6 100.0
Total 125 100.0 100.0
Nguồn: Kết quả điều tra thực nghiệm tháng 4/2010
Năm 2006 – 2008 xã Tân Mỹ được dự án “Phát triển cộng đồng” của tổ chức NMA đầu tư xây dựng 3 Trạm nước mini tại 3 ấp Cần Thay, Trà Mòn, Mỹ Thuận và một Trạm trung tâm tại UBND xã, đến nay đã kết nối được 415 hộ dân sử dụng nước máy. Trong đó hộ dân tộc Khmer được sử dụng miễn phí không trả tiền. Dự án còn đầu tư khoan giếng bơm cho các hộ nghèo với nguồn kinh phí Nhà nước cùng hỗ trợ cho nhân dân vay. Nhưng việc sử dụng nước sông, kênh rạch vẫn diễn ra, giải thích vấn đề này một hộ nông dân Khmer cho biết: “Xài nước máy thì phải kéo đường ống về, tiền đâu mà mua. Vả lại dùng nước sông quen rồi” (Nam, 37 tuổi - Biên bản PVS số 3 hộ nông dân Khmer nghèo không có đất sản xuất). Khi đề cập đến vấn đề vệ sinh môi trường, họ khẳng định: “Ôi, bao đời nay ông bà mình vẫn dùng nước sông có chết chóc gì đâu” (Nam, 37 tuổi - Biên bản PVS số 3 hộ nông dân Khmer nghèo không có đất sản xuất).
Với thói quen sử dụng nguồn nước sông, kênh rạch từ xa xưa của người dân nông thôn cùng với sự thiếu hụt về điều kiện kinh tế đã hạn chế khả năng tiếp cận vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường của người dân Khmer nơi đây. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe từng thành viên trong gia đình. Sức khỏe có quan hệ mật thiết với nghèo đói. Khi trong nhà mất đi một người lớn vì bệnh tật hoặc mất sức lao động, mức thu nhập giảm và gia đình đó có
nguy cơ tái nghèo rất cao. Bệnh tật dài ngày được mô tả là đặc trưng của đa số gia đình nghèo (WB, 2003). Các tiện ích vệ sinh môi trường phù hợp rất quan trọng để ngăn ngừa bệnh tật, dịch tả và cả suy dinh dưỡng.
Từ đó, chúng ta có thể rút ra kết luận: nghèo là trở ngại lớn cho bản thân người lao động trong việc thừa hưởng nguồn lực từ bên ngoài mang lại.
Giải trí
Về sinh hoạt giải trí, người Khmer lao động vất vả quanh năm không có thời gian đi du lịch vui chơi hoặc nếu muốn đi thì cũng không có tiền. Do đó có người cả năm không rời khỏi địa phương huyện Trà Ôn: “Ăn còn không đủ, tiền đâu đi du lịch hả cô? Từ nhỏ đến lớn tôi chưa bao giờ ra khỏi tỉnh. Cả năm nay còn không sang huyện khác nữa đấy” ( Nam, 35 tuổi - Biên bản PVS số 1 hộ nông dân Khmer nghèo không có đất sản xuất ). Chủ yếu người Khmer giải trí bằng cách xem cải lương hoặc phim ảnh trên tivi. Theo kết quả nghiên cứu, hầu như hộ nào cũng có tivi tỷ lệ chiếm 96%, số còn lại sang nhà hàng xóm xem: “Đi làm về mệt là ngủ liền. Nhà cũng đâu có ti vi mà xem. Cuối tuần qua nhà thằng em tôi kế bên coi ké. Trong 3 anh em ở gần chỉ có mình ênh nó có tivi màu” ( Nam , 35 tuổi - Biên bản PVS số 1 hộ nông dân Khmer nghèo không có đất sản xuất). Chi phí dành cho nhu cầu giải trí của những hộ nghèo này rất thấp, chỉ có 36/125 (chiếm 28,8%) người trả lời là gia đình có chi tiền cho nhu cầu giải trí trong tháng qua và số tiền cao nhất mà họ bỏ ra là 150 ngàn, thấp nhất 30 ngàn. Hình thức giải trí đa số là uống cà phê ngoài quán và ngồi tán gẫu.
Bảng 7: Chi phí giải trí trong gia đình
Frequency Percent Valid Percent
Cumulative Percent
Valid 30000.00 2 1.6 5.6 5.6
40000.00 3 2.4 8.3 13.9
50000.00 18 14.4 50.0 63.9
55000.00 1 .8 2.8 66.7
100000.00 11 8.8 30.6 97.2
150000.00 1 .8 2.8 100.0
Total 36 28.8 100.0
Missing System 89 71.2
Total 125 100.0
Nguồn: Kết quả điều tra thực nghiệm tháng 4/2010
Mặt khác, một số người xem việc đi chùa vào các ngày lễ là dịp vui chơi giải trí cùng gia đình. Ngôi chùa của đồng bào dân tộc Khmer là nơi đảm nhận 2 chức năng: nơi sinh hoạt tôn giáo tâm linh và cũng là nơi sáng tạo, hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của mọi tầng lớp trong cộng đồng dân cư. Xã Tân Mỹ hiện nay có 2 chùa Khmer là Di tích văn hóa cấp Tỉnh với kiến trúc nghệ thuật độc đáo, đậm nét đặc trưng văn hóa cộng đồng Khmer. Vào các ngày Tết cổ truyền, lễ hội truyền thống dân tộc Khmer đều được tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, trò chơi dân gian, hội thi ca hát…nhằm vui chơi giải trí góp phần nâng cao mức độ thụ hưởng văn hóa của người dân tộc. Một người Khmer đã cho biết: “Thì lễ hội hay đi chùa. Tháng nào vào ngày rằm hoặc mùng một nhà tôi cũng đi chùa, đông vui lắm! Ở chùa mỗi lần lễ hội xã hay tổ chức trò chơi. Người Khmer chúng tôi có rất nhiều lễ hội. Đi chùa là vui chơi giải trí đấy cô ơi!” ( Nam, 26 tuổi – Biên bản PVS Số 2 hộ nông dân Khmer nghèo không có đất sản xuất ).
Nói chung, nhu cầu giải trí của người Khmer nghèo nơi đây được đáp ứng tại chỗ. Kết quả phỏng vấn sâu cho thấy chủ yếu họ tham gia vào các hoạt động vui chơi tại địa phương vào những dịp lễ tết. Điều này thể hiện vai trò của các cơ quan ban ngành là rất quan trọng trong việc nâng cao đời sống tinh thần cho cộng đồng nghèo ở địa phương.