Không có đất hoặc ít đất sản xuất

Một phần của tài liệu Thực trạng và nguyên nhân nghèo đói của nông dân khmer xã tân mỹ huyện trà ôn tỉnh vĩnh long (Trang 75 - 79)

Chương 2: THỰC TRẠNG VÀ NGUYÊN NHÂN NGHÈO ĐÓI CỦA NÔNG DÂN KHMER XÃ TÂN MỸ HUYỆN TRÀ ÔN TỈNH VĨNH LONG 2.1. Thực trạng nghèo đói của nông dân Khmer xã Tân Mỹ

2.2. Nguyên nhân nghèo đói của nông dân Khmer xã Tân Mỹ

2.2.8. Không có đất hoặc ít đất sản xuất

Theo Các Mác, kinh tế nông dân chỉ có thể phát huy hết tinh lực của nó khi mà người nông dân lao động đồng thời cũng là người sở hữu đất đai. Như vậy, chúng ta thấy đất đai là tư liệu sản xuất cốt lõi có vai trò quyết định tình trạng giàu nghèo của nông dân nếu họ có nguồn thu nhập chính từ đất đai. Việc làm của người nông dân chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, nếu không có đất để sản xuất sẽ đưa đến việc người nông dân bị thất nghiệp, rơi vào tình trạng nghèo đói.

Ở huyện Trà Ôn, nông nghiệp là ngành kinh tế then chốt chiếm 83,28%

diện tích tự nhiên, lao động trong nông nghiệp chiếm 78% tổng lao động xã hội và GDP nông nghiệp chiếm 74,71% GDP trong toàn huyện. Sản phẩm hàng hóa gần như 100% xuất khỏi huyện từ sản xuất nông nghiệp. Từ đó chúng ta thấy, kinh tế nông nghiệp chiếm phần lớn thu nhập của người dân trong huyện, buôn bán và dịch vụ chiếm tỷ lệ không đáng kể, công nghiệp thì chưa có phát triển. Đời sống của người dân phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp và đất đai. Thế nhưng bình quân đất nông nghiệp ở nông thôn thấp, chỉ 1.554m2/nhân khẩu và ngày càng giảm nên tình trạng thiếu đất, thiếu việc làm là tất nhiên và gây khó khăn cho việc gia tăng thu nhập theo đầu người. Vì diện tích đất canh tác của nông dân ít nên nguy cơ dẫn đến việc không có đất và nghèo đói là rất cao. Cái ngưỡng nghèo đói của hộ nông dân có ít đất nhưng kinh tế phụ thuộc vào đất đai rất mong manh. Họ sẽ dễ dàng rơi vào tình trạng nghèo đói hơn so với hộ có nhiều đất khi có những tác động từ bên ngoài dù là tác động nhỏ. Và phương cách duy nhất những nông dân này giải quyết khi làm ăn không hiệu quả là bán hoặc cầm cố đất.

Bảng 17: Cách giải quyết khi làm ăn không hiệu quả

Frequency Percent Valid Percent

Cumulative Percent

Valid Cầm cố, bán đất

102 81.6 100.0 100.0

Missing System 23 18.4

Total 125 100.0

Nguồn: Kết quả điều tra thực nghiệm tháng 4/2010

Hiện nay, số nông dân Khmer không có đất hoặc ít đất canh tác ở xã Tân Mỹ là đáng kể và ngày càng tăng. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 102/125 trường hợp (chiếm 81,6) cầm cố, bán đất khi làm kinh tế không hiệu quả và hầu hết các gia đình này không còn đất với các nguyên nhân: mất mùa và do những biến động kinh tế đột ngột gây ra bởi bệnh tật hay rủi ro. Phải bán đất để lấy tiền, thường là để trả nợ. Bán đất vì vậy là hậu quả, hơn là nguyên nhân gốc, của nghèo đói. Tuy nhiên, bán đất có thể dẫn đến nguy cơ cao hơn là người nghèo không có đất canh tác phải sống lệ thuộc vào công việc làm thuê thu nhập thấp không ổn định. Nhóm nông dân không có đất canh tác có tỉ lệ nghèo cao hơn các nhóm khác trong vùng.

Theo báo cáo tóm tắt dự án “Quy hoạch nông nghiệp huyện Trà Ôn tỉnh Vĩnh Long đến năm 2010” của UBND huyện Trà Ôn, đất nông nghiệp đã huy động đến mức rất cao cho sản xuất (21.518,68 ha, chiếm 82,2% xếp vào hàng cao nhất cả nước và có xu thế giảm (- 93 ha)). Cơ cấu đất nông nghiệp biến động theo hướng tăng diện tích cây lâu năm, chủ yếu là cây ăn trái (1995 – 2001), tăng 1493,6 ha, tăng đất luân canh lúa, màu, giảm diện tích chuyên lúa (- 1095 ha). Mô hình sản xuất này đã mang lại hiệu quả cao cho những nông hộ có đất luân canh lúa, màu, giá trị cao hơn lúa 2 – 3 vụ. Và những vùng đất trồng chuyên canh lúa có giá trị kinh tế thấp hơn. Chính vì vậy mà hiện nay trên địa bàn huyện Trà Ôn nông dân chuyển từ trồng lúa sang trồng cây ăn trái rất nhiều và thu nhập cao hơn trồng lúa.

Tuy nhiên, vấn đề chuyển dịch cơ cấu cây trồng này chỉ mang lại hiệu quả cho những nông dân có đất sản xuất. Đối với những hộ nông dân không có đất sản xuất hoặc ít đất như nông dân Khmer xã Tân Mỹ thì đây lại là một trở ngại cho họ trong việc tìm kiếm việc làm và đời sống càng khó khăn hơn, thu nhập thấp hơn.

Bởi vì khi diện tích chuyên lúa giảm, diện tích rau màu và cây trồng tăng, bộ phận nông dân không nghề nghiệp sống nhờ nghề làm thuê vào mùa thu hoạch lúa sẽ trở nên thất nghiệp. Việc làm vào mùa vụ ít hơn, kết hợp nguồn thu nhập thấp đây sẽ là nguyên nhân cốt yếu đưa đến thực trạng nghèo đói của bộ phận dân cư này. Vấn đề việc làm chỉ đảm bảo cho người dân một cuộc sống ổn định, còn thu nhập sẽ nâng cao mức sống của họ. Với người nông dân thì đất đai được xem như một người bạn trung thành và tin cẩn mang lại nhiều lợi ích. Khi người bạn kia có một sự thay đổi thì cuộc sống của họ sẽ bị đảo lộn và tác động trực tiếp đến.

Kết quả nghiên cứu thực nghiệm đã chứng minh điều này. Nhiều nông dân Khmer nghèo cho biết cuộc sống của họ so với 3 năm trước không có gì thay đổi, thậm chí nghèo hơn, nguyên nhân là những nông hộ có đất đã chuyển từ trồng lúa sang trồng cây ăn trái cho nên nhân công thuê làm bị hạn chế đi.

Bảng 18: Lý do nghèo hơn

Frequency Percent Valid Percent

Cumulative Percent

Valid Có máy gặt

đập liên hợp

6 4.8 40.0 40.0

Nông dân chuyển trồng lúa sang cây ăn trái

9 7.2 60.0 100.0

Total 15 12.0 100.0

Missing System 110 88.0

Total 125 100.0

Nguồn: Kết quả điều tra thực nghiệm tháng 4/2010

Trong 15/125 người trả lời họ nghèo hơn so 3 năm trước (chiếm 12%) thì có 9/125 (chiếm 7,2%) người trả lời nguyên nhân do nông dân chuyển trồng lúa sang trồng cây ăn trái, có 6/125 (chiếm 4,8%) người trả lời nguyên nhân nghèo hơn do có Máy gặt đập liên hợp. Như vậy, sự biến chuyển của Nhà nước trong việc xây dựng mô hình sản xuất mới và những tác động của tiến bộ khoa học kỹ thuật chỉ mang lại lợi ích cho những nông hộ có đất sản xuất, riêng đối với những nông hộ không có đất sản xuất thì điều đó có nguy cơ làm cho họ trở nên bần cùng hóa hơn.

Từ ngàn xưa, đất đai được người nông dân xem như tài sản vốn quý nhất.

Đối với xã hội nông nghiệp thì có ruộng là một giá trị xã hội đầu tiên và đồng thời cũng là điều kiện cần thiết cho quá trình thay đổi địa vị theo hướng thăng tiến.

“Một người có thể thuê nhiều ruộng và có lối sống thích hợp với cung cách của giới thượng lưu trong làng, nhưng anh ta vẫn không có cái uy tín của người có ruộng. Không sở hữu đất đai thì về mặt kinh tế cũng như xã hội, người nông dân tiếp tục ở trong tình trạng mong manh, vì không có gì đảm bảo anh ta sẽ tiếp tục thuê được đất, hay có thể để ruộng lại cho con trai mình. Việc có ruộng thể hiện tình trạng an toàn và người nông dân có thêm uy tín khi tiếp tục mua thêm ruộng đất” [3, tr. 64-65].

Khi người nông dân có quyền sở hữu mảnh đất mình đang sản xuất, họ được tự do quyết định sử dụng như thế nào và canh tác bằng phương pháp gì.

Quyền lực tuyệt đối về mảnh đất mình đang dùng sẽ giúp người nông dân phát huy năng lực lao động sáng tạo của mình. Việc thuê đất để trồng trọt từ những nông hộ khác đối với nhiều nông dân nghèo là một gánh nặng vì họ phải trả một khoản chi phí nhất định. Nếu mùa màng thất bại hoặc trừ các chi phí sản xuất hiệu quả thu được không cao thì người nông dân lại gánh nặng lo âu nợ nần. Đó là lý do tại sao nhiều nông dân Khmer không có đất sản xuất ở xã Tân Mỹ không thuê đất từ những nông hộ khác để làm.

Những phân tích trên đã cho chúng ta thấy đất đai có vai trò rất quan trọng đối với nông dân đặc biệt là những nông hộ có thu nhập chính từ nông nghiệp.

Không có đất hoặc có ít đất là nguyên nhân chính dẫn đến nghèo đói. Đất đai trở thành một nguồn vốn tạo ra thu nhập cho người dân nông thôn. Ít đất hoặc không có đất là nguyên nhân làm cho thu nhập của những hộ thuần nông thấp, bấp bênh và phải đi làm thuê kiếm sống. Tuy nhiên, những hộ nông dân nghèo có ít đất vẫn có thể tìm được một nguồn thu nhập nhỏ mang tính chất ổn định hơn hộ nghèo không có đất và đảm bảo phần nào nhu cầu đời sống của họ. Khi gặp những rủi ro bất ngờ, những hộ nông dân nghèo có ít đất vẫn còn nguồn tài sản để bán hoặc cầm cố trang trải cho cuộc sống.

Một phần của tài liệu Thực trạng và nguyên nhân nghèo đói của nông dân khmer xã tân mỹ huyện trà ôn tỉnh vĩnh long (Trang 75 - 79)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(144 trang)