Thực tiễn về phát triển kinh tế trang trại ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn huyện lâm thao, tỉnh phú thọ giai đoạn 2015 2020 (Trang 23 - 26)

Chương 1 TỔNG QUAN LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ KINH TẾ TRANG TRẠI VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRANG TRẠI

1.2. Tổng quan thực tiễn về phát triển kinh tế trang trại

1.2.1. Thực tiễn về phát triển kinh tế trang trại ở Việt Nam

Ở Việt Nam cũng như một số nước trên thế giới, quá trình tổ chức sản xuất trong nông nghiệp và nông thôn luôn tồn tại song song hai hình thức đó là: tổ chức sản xuất phân tán và tổ chức sản xuất tập trung.

Hình thức tổ chức phân tán trong nông nghiệp nước ta tồn tại từ lâu đời với quy mô chủ yếu là quy mô hộ gia đình với đặc trưng cơ bản là sản xuất tự cấp tự túc.

Hình thức tổ chức sản xuất tập trung trong nông nghiệp ở Việt Nam ra đời từ rất sớm, ngay từ khi chế độ phong kiến phát triển ở nước ta. Mặc dù hình thức tổ chức sản xuất tập trung đã đem lại những ưu thế quan trọng về kinh tế - xã hội, nhưng các hình thức này vẫn có đặc điểm chung là mang nặng tính tự cấp tự túc.

Những hình thức tổ chức sản xuất tập trung chính là những mầm mống ban đầu cho sự phát triển các trang trại trong những giai đoạn sau này ở nước ta. Trong những thời kỳ lịch sử của đất nước, sự phát triển trang trại cũng trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Từ thời kỳ Nhà Lý (1009 - 1225) và nhà Trần (1226 - 1400)- hai triều đại phong kiến phát triển rất thịnh vượng đã coi phát triển nông nghiệp là quốc sách hàng đầu. Đến Thời kỳ Nhà Lê (1428-1778) và Nhà Nguyễn (1802-1884) là hai triều đại phong kiến có nhiều công lao trong việc xây dựng, phát triển đất nước trên mọi mặt. Nhà Lê, chú trọng phát triển một hình thức sản xuất tập trung mới đó là các đồn điền, sang thời kỳ nhà Nguyễn các đồn điền được tạo điều kiện phát triển rất mạnh và chính hệ thống các đồn điền này đã góp phần to lớn vào sự nghiệp mở mang, phát triển mọi mặt của đất nước. Thời Pháp thuộc: Năm 1858, thực dân Pháp bắt đầu cuộc xâm lược Việt Nam và đã duy trì ách thực dân trong gần một trăm năm.

Các trang trại thời kỳ này chủ yếu là đồn điền của người Pháp. Đến 31/12/1943, theo số liệu thống kê của Pháp; người Pháp chiếm diện tích một triệu ha đất trồng trên cả nước và tổ chức thành 3.928 đồn điền chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi; phát triển mạnh là đồn điền trồng cây công nghiệp như cao su, cà phê, chè trên qui mô lớn và được người Pháp kinh doanh tập trung theo kiểu đồn điền tư bản chủ nghĩa.

Sau năm 1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng khỏi ách thực dân Pháp, tiến lên xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa. Ở nông thôn nước ta đã tiến hành cải cách ruộng đất, tịch thu ruộng đất của địa chủ chia cho nông dân, xoá bỏ chế độ tư hữu về ruộng đất, đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Trong nông nghiệp phát triển hợp tác xã nông nghiệp và xây dựng nông, lâm trường quốc doanh.

Cuộc cách mạng kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cùng tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong giai đoạn đầu tiên sau giải phóng, nước ta vẫn duy trì chủ trương xây dựng nền kinh tế theo cơ chế kế hoạch hoá tập trung, trong nông nghiệp và nông thôn, kinh tế quốc doanh và kinh tế hợp tác xã chiếm địa vị thống trị, các trang trại hầu như không tồn tại.

Cho đến những năm cuối của thập niên 80 của thế kỷ 20, Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện đổi mới toàn diện nền kinh tế theo hướng xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước.

Phát triển KTTT là một chủ trương của Đảng được hình thành trong quá trình tìm tòi, nghiên cứu đổi mới toàn diện nền kinh tế đất nước, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn.

Để hình thành và khẳng định hướng đổi mới nông nghiệp và nông thôn, trong đó có chủ trương phát triển KTTT, Đảng ta đã có những nghiên cứu thử nghiệm đề ra những nghị quyết làm cơ sở định hướng cho các hoạt động của nhà nước trong việc khuyến khích phát triển KTTT ở nước ta qua các thời kỳ.

Theo kết quả tổng hợp sơ bộ của Ban Chỉ đạo Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thuỷ sản Trung ương, đến năm 2014, cả nước có 20.065 trang trại (tính theo tiêu chí mới). Trong đó, riêng đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ có tới 11.697 trang trại, chiếm 58,3% tổng số trang trại trong cả nước. Trung du và miền núi phía Bắc có số trang trại ít nhất, với 587 trang trại, chiếm tỷ lệ 2,9%. Ở khu vực này, trang trại chăn nuôi chiếm đa số, với 506 trang trại.

Do đặc điểm tự nhiên của nước ta không đồng đều nên tỷ lệ các loại hình kinh tế trang trại có sự phát triển khác nhau để tối ưu hoá hiệu quả hoạt động. Tính

đến năm 2014, cả nước có 8.642 trang trại trồng trọt, chiếm 43% tổng số trang trại;

6.202 trang trại chăn nuôi, chiếm 30,9%; 4.443 trang trại nuôi trồng thuỷ hải sản, chiếm 22,1%; 737 trang trại tổng hợp, chiếm 3,7% và 51 trang trại lâm nghiệp, chiếm 0,3%. Qua số liệu trên cho thấy, số lượng trang trại trồng trọt chủ yếu tập trung ở vùng Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên, với 7.089 trang trại, chiếm tới 90,4% số trang trại trồng trọt trong cả nước. Số trang trại nuôi trồng thuỷ hải sản chủ yếu tập trung ở vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long, với 4.090 trang trại, chiếm 92,3% tổng số trang trại thuỷ sản. Số trang trại chăn nuôi chủ yếu tập trung ở vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Hồng, với 4.240 trang trại, chiếm 68,3% tổng số trang trại chăn nuôi.

Tính đến năm 2013, diện tích đất nông, lâm nghiệp và diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ hải sản do các trang trại sử dụng là 157,6 nghìn ha, bình quân một trang trại sử dụng 7,9 ha. Trong tổng số diện tích trên, đất trồng cây lâu năm chiếm tỷ trọng lớn nhất, với 78 nghìn ha (chiếm 49,5%), đất trồng cây hàng năm là 36,7 nghìn ha (chiếm 23,3%), diện tích nuôi trồng thuỷ hải sản là 34,2 nghìn ha (chiếm 21,7%).

Điều này cho thấy, đây là cơ sở vững chắc để tạo nguồn nguyên liệu cho các cơ sở chế biến, tạo sản phẩm hàng hoá để phục vụ tiêu dùng, phục vụ sản xuất và phục vụ xuất khẩu.

Các loại hình trang trại phát triển đã góp phần quan trọng tạo việc làm cho người lao động nông thôn. Các trang trại trong cả nước đã tạo công ăn, việc làm thường xuyên cho gần 100 nghìn lao động và rất nhiều lao động có tính thời vụ, tạm thời ở các địa phương. Cùng với việc giải quyết việc làm, kinh tế trang trại đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Năm 2014, tổng thu từ sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản của các trang trại đạt gần 39 nghìn tỷ đồng (chiếm khoảng 6% giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản), bình quân 1942,5 triệu đồng một trang trại. Điểm đáng chú ý, tuy vùng trung du miền núi phía Bắc có số trang trại thấp nhất, nhưng tổng thu sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản bình quân một trang trại ở vùng này lại cao nhất, bình quân 2,868 tỷ đồng, tiếp đến là đồng bằng sông Hồng, với 2,519 tỷ đồng, đồng bằng sông Cửu Long là 1,54 tỷ đồng

và thấp nhất là Tây Nguyên, với 1,315 tỷ đồng. Một kết quả tích cực khác, đó là trong tổng giá trị sản phẩm và dịch vụ, tỷ suất sản phẩm hàng hoá do các trang trại bán ra chiếm tới 98,1%.

Như vậy, kinh tế trang trại là một trong những mô hình sản xuất thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hoá lớn.

Một phần của tài liệu Phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn huyện lâm thao, tỉnh phú thọ giai đoạn 2015 2020 (Trang 23 - 26)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(88 trang)