Chương 3. MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ KINH DOANH CỦA CÔNG TY TNHH MTV HÓA CHẤT 21 ĐẾN NĂM 2020
3.2. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh của công ty
3.2.1. Giải pháp tiết kiệm chi phí
Đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty, trong phần lớn mọi trường hợp, các giải pháp tiết kiệm hiệu quả cũng đồng nghĩa với việc làm mang tính cải tiến, sáng tạo và nâng cao chất lượng. Nói cách khác, các mô hình phòng tránh và ngăn ngừa lãng phí, thực hành tiết kiệm hiệu quả trong kinh doanh đều là mô hình quản trị chất lượng, cải tiến sản phẩm và dịch vụ.
- Tiết kiệm chi phí nguyên vật liệu trực tiếp
Giảm định mức tiêu hao nguyên vật liệu cho 1 đơn vị sản phẩm bằng các biện pháp:
+ Đào tạo nâng cao trình độ tay nghề cho công nhân: Định mức tiêu hao nguyên liệu cho 1 đơn vị sản phẩm tăng so với kế hoạch đề ra là do trình độ tay nghề của công nhân đầu vào chưa cao. Vì vậy, công ty nên có chính sách đào tạo, huấn luyện cho công nhân để nâng cao trình độ tay nghề của công nhân như thế sẽ góp phần làm giảm định mức.
Thực tế hiện nay, tại công ty việc tuyển chọn, thuê mướn lao động khá đơn giản do trên thị trường cung lao động rất lớn. Chính sách tuyển dụng của công ty cũng có một phần là ưu ái cho con em của cán bộ công nhân viên đã và đang phục vụ trong công ty nên môi trường cạnh tranh cũng như chất lượng tuyển dụng của công nhân đầu vào là không cao. Đa số công nhân làm việc không phải trải qua một quá trình tuyển chọn nào mà là con em của cán bộ công nhân viên, chỉ cần nộp hồ sơ và qua đợt kiểm tra lý lịch, thẩm tra thân nhân. Quá trình kiểm tra ban đầu đối với công nhân mới tuyển dụng không được quan tâm đúng mức, công tác định hướng về nghề và mức độ nguy hiểm tại nơi mình làm việc chỉ trong một thời gian ngắn nên chưa thể hiểu sâu mà phần lớn là tự tìm hiểu qua quá trình làm việc hoặc học tập từ những người làm việc trước đó. Chính điều này làm hạn chế đến hiệu quả
sử dụng lao động tại công ty, năng suất lao động chưa cao, không tiết kiệm vật tư, công nhân làm việc không đảm bảo được yêu cầu kỹ thuật đặt ra.
Vì vậy trong thời gian tới, về hình thức tuyển dụng, đối với những người tuyển dụng mới thì ký hợp đồng ngắn hạn (1 năm) sau đó dựa vào kết quả làm việc trong năm đó để xem xét việc có ký hợp đồng dài hạn để đóng bảo hiểm hay không. Việc tuyển dụng đầu vào thì rất khó thay đổi vì đó là truyền thống của đơn vị cũng như chính sách tri ân đối với những cống hiến của thế hệ trước cho công ty. Thế nên để nâng cao chất lượng đầu vào cần đặc biệt chú trọng đến việc đào tạo sau tuyển dụng, định hướng nghề nghiệp phải hết sức chặt chẽ, Quy trình đào tạo công nhân kỹ thuật mới sẽ theo hình thức học tập trung trong vòng 3 tháng, sau đó sẽ dựa vào hồ sơ xin việc và kết quả học tập để phân loại theo các vị trí công tác khác nhau.
Trong, trước và sau quá trình học tập cán bộ huấn luyện đào tạo phải có trách nhiệm quán triệt tinh thần học tập, kỷ cương của đơn vị và hình thức kỷ luật nếu vi phạm, bên cạnh đó cũng tạo động lực học tập bằng cách dựa vào kết quả học tập sẽ báo cáo với cấp trên tạo điều kiện bố trí vào các vị trí quản lý.
Sau khi học xong quy trình của một dây chuyền sẽ tiến hành kiểm tra bài thu hoạch (theo nhóm 3 người) dạng báo cáo, các dây chuyền sau cũng tương tự. Lương hàng tháng của số công nhân kỹ thuật mới tuyển dụng này sẽ được tính dựa trên các chỉ tiêu về mức độ chăm chỉ, thái độ học tập và kết quả học tập trong tháng đó.
Chắc chắn cách làm này sẽ tạo động lực không nhỏ để mỗi cá nhân luôn luôn phấn đấu vươn lên không những vì thu nhập của mình mà đó là ý chí tự khẳng định mình, ý chí làm cho tổ chức thừa nhận mình. Để có được kết quả cao trong học tập thì gián tiếp các học sinh sẽ hăng say tự tìm tòi qua thực tế và qua thế hệ trước, giúp cho họ hiểu rõ, hiểu sâu về công việc mình sẽ làm sau này.
Sau thời gian là 1 năm kể từ ngày bắt đầu được phân về đơn vị thì công ty sẽ tiến hành kiểm tra đánh giá kết quả. Bảng đánh giá này chủ yếu là lấy ý kiến của đơn vị quản lý trực tiếp theo dõi trong cả quá trình công tác của đồng chí đó. Nếu đạt yêu cầu thì công ty sẽ tiến hành ký hợp đồng dài hạn đóng bảo hiểm.
Đối tượng đi thực tế tại các Xí nghiệp thì sau khi kết thúc quá trình thực tế công với ty sẽ tổ chức hội đồng đánh giá, theo đó từng người sẽ phải làm một bản báo cáo tổng thể về tình hình sản xuất cũng như hiểu biết của mình về các sản phẩm mà công ty đang sản xuất.
Có thể nói chất lượng nguồn nhân lực đầu vào là yếu tố kiên quyết để tăng năng suất lao động. Bằng giải pháp này sẽ cung cấp cho lực lượng công nhân kỹ thuật đầu vào một lượng kiến thức đủ để giúp cho họ khỏi bỡ ngỡ trong công việc và nắm bắt được những gì mình phải làm, những gì không được làm và nếu làm thì hậu quả sẽ như thế nào. Khi đã nắm bắt được những điều cơ bản thì việc hòa nhập vào công việc mới sẽ không còn là vấn đề gi đó quá khó khăn nữa, điều đó giúp cho họ có thêm sự tự tin trong công việc từ đó giảm thiểu được sự hao hụt vật tư do sản phẩm hỏng, tiết kiệm chi phí.
+ Cải tiến máy móc thiết bị, áp dụng kỹ thuật và công nghệ chế tạo tiên tiến thay thế cho các loại máy móc, thiết bị lạc hậu để giảm định mức tiêu hao nguyên vật liệu.
Hiện tại, công ty đang sử dụng chủ yếu là các loại máy móc thiết bị cũ, lạc hậu được sản xuất từ những năm 1970-1971 đã trải qua một thời gian sử dụng dài (hơn 40 năm). Những máy móc này đã xuống cấp và cần được tiến hành thanh lý dần dần bởi vì việc sử dụng nó thì năng suất sẽ rất thấp. Thực tế công ty đã và đang từng bước tiến hành thay thế các loại thiết bị máy móc này nhưng mức độ còn chậm.
Muốn tăng năng xuất, cải thiện được điều kiện lao động cho người lao động trong công ty tốt hơn, tạo điều kiện để nâng cao năng lực sản xuất thì trong quá trình phát triển của công ty, công ty cần không ngừng tăng cường mua sắm các loại máy móc thiết bị mới, có công nghệ hiện đại. Việc trang bị các loại máy móc thiết bị mới không những đáp ứng được xu thế phát triển hiện nay mà còn đóng góp mạnh mẽ vào công tác tăng năng xuất, giảm định mức tiêu hao nguyên vật liệu, tiết kiệm chi phí.
Cùng với việc mua sắm trang bị các loại máy móc thì công ty cũng cần quan tâm đến công tác đại tu máy móc thiết bị, tiến hành sửa chữa kịp thời các hỏng hóc nhỏ nhằm ngăn ngừa các sự cố lớn có thể xảy ra gây gián đoạn quá trình sản xuất
ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Công tác này được tiến hành đồng thời với quá trình mua sắm máy mới để thay thế các máy móc thiết bị cũ.
* Tại dây chuyền ép móc chữ J của sản phẩm kíp vi sai, tại dây chuyền này công ty vẫn đang sử dụng máy ép nhựa của Trung Quốc có từ những 1970-1971, hiện trạng của máy đã quá cũ, thường xuyên hỏng hóc và thời gian chờ để máy đạt được nhiệt độ theo yêu cầu kỹ thuật là rất lâu. Với 1 lần ép sản phẩm với khuôn 8 mẫu hiện tại thì chỉ cho ra được 4 sản phẩm móc chữ J đạt chất lượng, còn 2 sản phẩm còn lại là hỏng. Số lượng sản phẩm hỏng đó bị loại bỏ và được tái sử dụng vật tư bằng cách băm nhỏ ra và quay đầu để ép tiếp, do đặc tính của nhựa đã gia nhiệt để ép thành sản phẩm thì chỉ có thể tái sử dụng được 1 lần, không tái sử dụng đến lần thứ 2 vì lúc đó sản phẩm sẽ không đạt yêu cầu. Với cách làm đó thì không những năng suất lao động thấp mà còn mất đi 1 phần công lao động để xử lý sản phẩm hỏng và theo tính toán thì cứ 4 đơn vị vật tư đầu vào thì bị mất đi 1 đơn vị vật tư, như vậy là quá lãng phí. Qua theo dõi thực tế và thống kê số lượng sản phẩm, thống kê lao động hao phí để sản xuất sản phẩm móc chữ J và thời gian chờ nhiệt thì tính được năng suất của máy trong 8h như sau:
- Thời gian chờ nhiệt và hỏng máy: 1 h - Thời gian xử lý sản phẩm hỏng: 0,5 h - Thời gian ngừng nghỉ của CNKT: 0,5 h
- Số lượng sản phẩm đạt được: 4x(8-1-0,5)x60/2 = 780 (sản phẩm/8h) Như vậy định mức lao động sẽ là: (8+0,5)/780 = 0,01089 h/SP
ĐM vật tư hiện tại: 2,8g/SP
Nếu như công ty đầu tư mua thêm 1 máy ép nhựa TRX-50 để phục vụ cho sản xuất móc chữ J thì không những năng suất lao động được cải thiện mà còn tiết kiệm được một lượng vật tư không nhỏ, góp phần vào việc giảm giá thành sản phẩm tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Qua khảo sát thực tế về hoạt động của máy TRX-50 cho thấy thời gian gia nhiệt chỉ mất 15 phút, máy hoạt động ổn định, sản phẩm cho ra đạt yêu cầu cả về chất lượng và số lượng, không những thế hành trình ép cho ra sản phẩm của máy TRX-50 nhanh hơn máy ép hiện tại rất nhiều (1,5 phút so với 2 phút). Từ đó có thể tính được tương đối được các chỉ tiêu sau:
- Số lượng sản phẩm đạt được: 8x(8-0,25-0,5)x60/1,5 = 2.320 (sản phẩm/8h) - Định mức lao động: 8/2.320 = 0,00345 h/SP
- ĐMVT theo tính toán: 2,8 x3/4 = 2,1 g/SP So sánh ĐMLĐ: 0,1089/0,00345 = 3,15 (315%) So sánh ĐMVT: 2,1/2,8 = 0,75 (75%)
Nhìn vào số liệu trên ta có thể dễ dàng nhận thấy sự khác biệt rất lớn khi áp dụng máy móc thiết bị hiện đại vào thay thế cho máy móc thiết bị cũ, lỗi thời. Năng suất lao động tăng hơn 3 lần và mức sử dụng vật tư chỉ bằng 75% so với trước, tiết kiệm được chi phí rất lớn.
- Ngoài ra, tiết kiệm chi phí tồn kho nguyên vật liệu
Để đảm bảo cho quá trình kinh doanh được liên tục, không bị gián đoạn, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp phải xác định được lượng tồn kho dự trữ hợp lý. Lượng hàng tồn kho đó phải đáp ứng được hoạt động sản xuất liên tục, vừa không gia tăng chi phí tồn kho ứ đọng vốn, tránh được hư hỏng suy giảm chất lượng. Hiện tại, một số nguyên vật liệu mà công ty nhập về tồn kho với số lượng lớn, sử dụng trong nhiều năm chưa hết. Chính vì vậy, công ty đề ra các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn trong công tác vật tư: nghiên cứu, tính toán đề ra mức tồn kho tối thiểu cho từng loại vật tư, tìm các nguồn cung ứng vật tư ổn định và có nguồn cung ứng dự phòng đối với từng chủng loại vật tư.