Một số giải pháp khác

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả kinh doanh tại công ty tnhh một thành viên hóa chất 21 bộ quốc phòng (Trang 86 - 90)

Chương 3. MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ KINH DOANH CỦA CÔNG TY TNHH MTV HÓA CHẤT 21 ĐẾN NĂM 2020

3.2. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh của công ty

3.2.3. Một số giải pháp khác

3.2.3.1. Giải pháp phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng tới xuất khẩu Thị trường và nhu cầu thị trường là yếu tố tác động mạnh đến nâng cao hiệu quả kinh doanh của công ty. Việc kinh doanh của công ty cần phải đáp ứng được nhu cầu của thị trường về Vật liệu nổ công nghiệp, chất lượng, giá cả... Giải quyết những vấn đề liên quan đến thị trường được coi là những giải pháp cơ bản và cấp bách, thúc đẩy nâng cao hiệu quả kinh doanh của công ty.

Để nâng cao hiệu quả kinh doanh của công ty theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước cần thực hiện các biện pháp sau:

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường là một việc làm cần thiết đầu tiên và quan trọng đối với công ty khi tham gia hoạt động kinh doanh.

Công ty cần thành lập bộ phận chuyên nghiên cứu thị trường mới và thị trường hiện có của công ty, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Mục đích của nghiên cứu thị trường nhằm giúp cho công ty xác định khách hàng lâu dài cho sản phẩm của mình, xác định nhu cầu các mặt hàng hóa của công ty.

Công tác tìm kiếm thông tin và tiếp cận thị trường là hoạt động quan trọng, đòi hỏi công ty phải nỗ lực và đầu tư thích đáng thì mới mong đạt được kết quả tốt. Có như vậy công ty mới có thể xác định đúng đắn đâu là thị trường cho mình và có biện pháp để khai thác có hiệu quả.

Phát triển thị trường tiêu thụ Vật liệu nổ công nghiệp, Pháo hoa. Do nhu cầu tiêu thụ trong nước các sản phẩm Vật liệu nổ công nghiệp cũng tăng mạnh, do đó công ty cần nắm bắt thời cơ để đẩy mạnh sản xuất, tăng số lượng, chú ý đến chất lượng nhằm đáp ứng và chiếm thị phần tiêu thụ lớn các sản phẩm này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để thực hiện tốt công tác này, công ty cần phải đầu tư hơn nữa vào việc nắm bắt thông tin thị trường trong và ngoài nước. Công ty cần thành lập

một bộ phận chuyên môn chịu trách nhiệm về việc nghiên cứu, thu nhập và xử lý thông tin về thị trường. Bên cạnh đó công ty cần tiến hành mở những lớp bồi dưỡng và nâng cao trình độ cho nhân viên được tiếp xúc thực tế với môi trường bên ngoài nhằm nâng cao khả năng tư duy lẫn kinh nghiệm chuyên môn về thị trường.

3.2.3.2. Giải pháp về công nghệ

Việc đổi mới máy móc thiết bị, nâng cao năng lực sản xuất có ý nghĩa rất lớn đối với mỗi doanh nghiệp trong hoạt động nâng cao chất lượng, đa dạng hoá sản phẩm, tăng sản lượng, tăng năng suất lao động, tiết kiệm nguyên vật liệu …. Nhờ vậy sẽ tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng được thị trường, tăng trưởng nhanh và nâng cao được hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Việc phát triển công nghệ kỹ thuật đòi hỏi vốn đầu tư lớn, phải có thời gian dài và phải xem xét kỹ ba vấn đề sau:

Công ty phải dự đoán đúng cầu của thị trường cũng như cầu của công ty về các loại máy móc thiết bị mà công ty cần để phát triển, mở rộng sản xuất. Dựa trên dự đoán mức cầu này công ty sẽ đặt ra những mục tiêu cụ thể trong đổi mới công nghệ. Đồng thời phải xem xét, lựa chọn công nghệ phù hợp. Cần tránh việc nhập phải các công nghệ lạc hậu, lỗi thời, tân trang lại hay các công nghệ gây ô nhiễm môi trường.

Có giải pháp đúng đắn về huy động và sử dụng vốn. Do đầu tư cho công nghệ là một khoản vốn lớn và quá trình lâu dài, hơn nữa nguồn vốn dành cho đầu tư thay đổi, cải tiến công nghệ của công ty còn rất eo hẹp và khiêm tốn nên cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng việc sử dụng vốn đầu tư cho công nghệ.

Qua việc xem xét kỹ 3 vấn đề trên kết hợp với tình hình sản xuất hiện tại của công ty có thể thực hiện việc đổi mới máy móc, thiết bị, nâng cao năng lực sản xuất theo các hướng sau:

- Việc đầu tiên là tiến hành thanh lý các thiết bị không dùng hoặc hiệu quả sử dụng thấp đã tồn kho nhiều năm hoặc tận dụng phụ tùng ở các thiết bị này để giảm chi phí cho phụ tùng thay thế.

- Tiến hành nâng cấp máy móc thiết bị hiện có để khắc phục tình trạng hỏng hóc, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất và chất lượng sản phẩm. Công ty nên tập trung, chú trọng vào nhiệm vụ này bởi lẽ đây là phương hướng giải quyết phù hợp nhất với công ty trong thời điểm hiện tại. Với cách giải quyết này thì công ty vẫn có thể nâng cao được chất lượng sản phẩm, tiến trình sản xuất trong khi số vốn cần cho giải pháp này lại không cần với số lượng quá cao.

- Công ty cũng cần đầu tư theo chiều sâu, thay đổi công nghệ sản xuất, mua sắm thiết bị mới. Tuy nhiên, giải pháp này gặp khá nhiều khó khăn bởi nó đòi hỏi một lượng vốn lớn trong khi số vốn của công ty là có hạn. Do vậy công ty phải tiến hành từng bước, từng phần để đảm bảo cho quá trình sản xuất kinh doanh diễn ra bình thường. Công ty cần nghiên cứu, kiểm tra, đánh giá số lượng, chất lượng cũng như khả năng thực tế của từng thiết bị từ đó phân loại máy móc nào trong công đoạn quy trình sản xuất là kém nhất, bộ phận nào ảnh hưởng quan trọng nhất, lớn nhất đến chất lượng sản phẩm làm ra. Tìm xem chỗ nào chưa hợp lý, chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật… Qua đó tập trung vào các thiết bị, bộ phận này để bổ sung, thay thế.

Với trang thiết bị máy móc kỹ thuật được cải tiến, thay mới thì công ty sẽ tăng được năng suất, chất lượng các sản phẩm của mình. Công ty có thể phấn đấu đạt giá trị sản lượng tối đa ứng với máy móc, thiết bị được đầu tư.

Mặt khác khi mua sắm yếu tố đầu vào, công ty cần quan tâm, chú trọng các vấn đề sau:

Về số lượng chủng loại: các thiết bị, lựa chọn là các thiết bị thông dụng, phục vụ được công việc sản xuất của công ty.

Về giá trị đầu tư: chọn loại thiết bị đáp ứng được yêu cầu của công ty nhưng phải có giá cả phải chăng để giảm vốn đầu tư ban đầu và sớm hoàn trả vốn vay.

Về sử dụng: yêu cầu thiết bị phải có thao tác đơn giản, tuổi bền sử dụng phù hợp với số vốn đầu tư bỏ ra và có khả năng cung ứng phụ tùng thay thế, sửa chữa.

Về chất lượng: khi mua máy móc thiết bị, đặc biệt là máy của nước ngoài, cần kiểm định chặt chẽ xem chúng có phải là những máy móc thiết bị tiên tiến không, tránh tình trạng nhập về những máy móc thiết bị cũ kỹ, lạc hậu.

Công ty cần đào tạo một đội ngũ cán bộ công nhân viên có tay nghề cao có thể sử dụng, bảo dưỡng cũng như sửa chữa tốt máy móc thiết bị.

3.2.3.3. Giải pháp về đào tạo nâng cao trình độ nguồn nhân lực

Lao động sáng tạo của con người là nhân tố quyết định đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy, Công ty cần đầu tư thỏa đáng để phát triển quy mô, đào tạo lực lượng lao động.

Hiện nay, công ty có 3.085 cán bộ công nhân viên. Trong đó cán bộ có trình độ trên đại học chiếm 0,85%, trình độ đại học chiếm 18,4% tổng số cán bộ công nhân viên, công nhân thợ bậc 6/7, bậc 7/7 chiếm 24,3% số công nhân kỹ thuật, lao động gián tiếp chiếm 11,6% tổng số cán bộ công nhân viên của công ty, công nhân thợ bậc cao chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng số công nhân kỹ thuật của công ty, công ty nên tận dụng lợi thế này để đào tạo thợ bậc thấp theo hình thức kèm cặp.

Về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực Đối với đội ngũ cán bộ:

- Bằng nhiều hình thức, biện pháp để bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức, lao động quốc phòng có đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, chú trọng đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật, nhất là cho các dây chuyền sản xuất quốc phòng, cán bộ phục vụ cho các dự án về quốc phòng.

- Gửi các trường trong và ngoài Quân đội đào tạo cán bộ quản lý, kỹ thuật sau đại học, đào tạo bồi dưỡng kiến thức quản lý cho đội ngũ cán bộ chủ trì đảm bảo theo tiêu chuẩn chức vụ, chức danh cán bộ và tham gia các lớp bồi dưỡng ngắn hạn về kiến thức các chuyên ngành khi được chỉ tiêu phân bổ của Tổng cục CNQP để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.

- Căn cứ vào tình hình thực tế hàng năm của công ty để có kế hoạch giải quyết số lượng, tổ chức tạo nguồn vào đội ngũ cán bộ từ nhiều hướng, hướng chủ yếu là đào tạo ở các trường có uy tín.

- Nghiên cứu chính sách thu hút nguồn lực được đào tạo cơ bản tại các trường chính quy, có chuyên ngành phù hợp với nhiệm vụ của công ty.

- Nghiên cứu chế độ ưu đãi giữ gìn cán bộ kỹ thuật giỏi, cán bộ tích luỹ kinh nghiệm thực tiễn.

Đối với đội ngũ công nhân kỹ thuật:

- Căn cứ kế hoạch sản xuất kinh doanh và nhu cầu lao động của từng giai đoạn, từng phương án sản xuất để tuyển dụng lao động đảm bảo trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ, có sức khỏe phục vụ lâu dài và có chính sách đối với công nhân lành nghề, nghề đặc thù.

- Tổ chức huấn luyện đào tạo toàn diện cả đào tạo mới và đạo tạo lại trên tất cả các lĩnh vực, nhất là chuyên môn kỹ thuật, tay nghề đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của công ty. Hàng năm, tổ chức cho công nhân kỹ thuật rèn luyện công việc của thợ bậc trên, tổ chức hội thao, hội thi tay nghề. Định hướng cho con em cán bộ công nhân viên học các ngành nghề công ty có nhu cầu để làm cơ sở cho việc tuyển dụng lao động.

- Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho người lao động về đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; giáo dục ý thức tổ chức kỷ luật lao động; xây dựng nền nếp chính quy, tác phong công nghiệp, đó chính là tinh thần làm việc dân chủ cao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Ngoài ra cần có chính sách đãi ngộ thỏa đáng nhằm khuyến khích, tạo động lực để cán bộ, người lao động phát huy hết khả năng, năng lực.

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả kinh doanh tại công ty tnhh một thành viên hóa chất 21 bộ quốc phòng (Trang 86 - 90)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)