Văn học nữ quyền

Một phần của tài liệu Ý thức nữ quyền trong văn xuôi võ thị xuân hà (Trang 21 - 37)

1.1. GIỚI THUYẾT KHÁI NIỆM

1.1.4. Văn học nữ quyền

Văn học nữ quyền không tồn tại tách biệt mà hình thành và phát triển với một ý đồ đấu tranh bình đẳng giới rõ rệt trong dòng văn học nữ. Dòng văn học này chỉ được viết bởi phụ nữ là chính, nói về phụ nữ, phục vụ cho một ý kiến hay lý lẽ nào đó của phụ nữ. Văn học nữ quyền gắn với quyền sống cơ bản của người phụ nữ, đi sâu vào thế giới phức tạp của họ. Đi song hành với

những phong trào đấu tranh đòi bình đẳng giới, văn học nữ quyền trở thành điều kiện thúc đẩy dòng văn học nữ phát triển toàn diện cả về quy mô lẫn chất lượng, hiện diện với một tư cách của một dòng văn học nữ tự trị.

Văn học nữ quyền được biểu hiện trên hai phương diện cơ bản: phê bình văn học nữ quyền và toàn bộ các sáng tác văn chương của những nhà văn nữ.

Đối tượng của phê bình văn học nữ quyền là phụ nữ, xem phụ nữ là trung tâm, với các vấn đề như: Sáng tác của các tác giả nữ trong lịch sử văn học, bao gồm cả việc tìm kiếm lại những tác phẩm từng bị lãng quên, bị chối bỏ trong quá khứ. Vấn đề người phụ nữ trong toàn bộ các nền văn chương của nhân loại, bao gồm việc đánh giá lại cái nhìn của các tác giả nam về người phụ nữ. Những nữ tác gia trong nền văn học thế giới… Văn học nữ quyền thế giới đã được ghi dấu ấn với các tên tuổi lớn như Simone de Beauvoir, Helene Cixous… Các sáng tác văn chương của những nhà văn nữ đã mang lại cho người phụ nữ vị thế mới, được công nhận rộng rãi. Điều đó mang lại cho nền văn học tinh thần dân chủ mới mẻ, có tác động tích cực đến sự phát triển của các nền văn học trên thế giới trong đó có văn học đương đại Việt Nam. Bên cạnh đó, hệ thống ngôn ngữ nữ giới, mỹ học nữ giới và văn hoá nữ giới được đặc biệt chú trọng hướng đến. Sự nhấn mạnh việc tìm kiếm lại các sáng tác nữ đã thúc đẩy mạnh mẽ nỗ lực khám phá toàn bộ nền văn hoá của người phụ nữ. Vì thế, phê bình nữ quyền không tự hạn chế mình trong những giới hạn của địa hạt văn học mà mở rộng sự khám phá hình tượng người phụ nữ, từ hạt nhân văn học vượt ra đến lĩnh vực xã hội, văn hoá… Phê bình nữ quyền kế thừa và phối hợp với phê bình văn học truyền thống, bên cạnh việc tìm hướng đi riêng để khai thác đối tượng.

Văn học của nữ giới phát triển mạnh mẽ. Các nữ nhà văn đã dùng ngôn ngữ như phương tiện hữu hiệu khẳng định vai trò của giới nữ trong đời sống xã hội cũng như trong nghệ thuật. Văn học Việt Nam sau 1986 với sự hiện

diện đông đảo các cây bút nữ là minh chứng khẳng định văn học nữ là một bộ phận quan trọng của văn học đương đại. Cùng với các sáng tác của các nhà văn nữ, hoạt động phê bình văn học nữ quyền ở nước ta hiện diện trong khoảng hơn mười năm trở lại đây. Tất cả đang minh chứng cho sức sống và vị thế của văn học nữ quyền, văn học nữ trong nền văn học đương đại Việt Nam.

1.2. VĂN XUÔI VÕ THỊ XUÂN HÀ TRONG D NG VĂN XUÔI NỮ GIỚI SAU 1986

1.2.1. Khái lƣợc diện mạo của văn xuôi nữ sau 1986

Về đội ngũ sáng tác, từ Lê Minh Khuê, Đoàn Lê, Dạ Ngân… (thế hệ những năm chống Mỹ) đến những cây bút trưởng thành và viết sau chiến tranh như Phạm Thị Minh Thư, Nguyễn Thị Thu Huệ, Võ Thị Hảo, Y Ban, Phan Thị Vàng Anh, Phạm Sông Hồng, Võ Thị Xuân Hà, Hồ Thị Hải Âu, Trần Thanh Hà… đội ngũ nữ nhà văn ngày càng trở nên đông đảo, bút lực sung sức, dồi dào. Thực tiễn đời sống văn chương đã chứng kiến sự lên ngôi của những người phụ nữ cầm bút. Quả thực đã có rất nhiều cây bút trong số họ tỏa sáng với khả năng sáng tạo của mình. Điểm qua những cuộc thi truyện ngắn, tiểu thuyết do Tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức khoảng hơn hai thập kỉ qua thì đa số các cây bút nữ là những nhà văn đạt giải cao. Y Ban với Bức thư gởi mẹ Âu Cơ và Chuyện một người đàn bà (1989-1990), Nguyễn Thị Thu Huệ với Hậu thiên đường Mùa đông ấm áp (1992-1994), Trần Thanh Hà với chùm ba truyện ngắn Miền cỏ hoang, Bà Thỏn, Sông có dài (1995-1996), Thùy Linh với Gió mưa gởi lại (2001-2002)… Nguyễn Ngọc Tư ngày càng khẳng định phong cách với hàng loạt tác phẩm được độc giả đón đợi. Điều này là cơ sở để các nhà nghiên cứu, phê bình nhận định văn học giai đoạn này mang gương mặt nữ. Các nữ văn sĩ không chỉ là gương mặt sáng giá của thể loại truyện ngắn mà nhiều cây bút còn thử nghiệm và thành công ở thể loại tiểu thuyết. Có thể nhắc đến Giàn thiêu của Võ Thị Hảo, Xuân từ chiều của Y

Ban, Gia đình bé mọn của Dạ Ngân, Tiểu thuyết đàn bà của Lí Lan, Tường thành, Trong nước giá lạnh của Võ Thị Xuân Hà, Cánh chim kiêu hãnh, Cửa hiệu giặc là của Đỗ Bích Thúy, Thế giới xô lệch của Bích Ngân…

Về nội dung, văn xuôi các nhà văn nữ khai thác mọi vấn đề của đời sống, chạm tới mọi đề tài với cái nhìn giàu sắc thái nữ. Điểm nổi bật trong hầu hết các sáng tác của các cây bút nữ chính là sự xuất hiện của hệ thống hình tượng nhân vật nữ mang đặc điểm của những người phụ nữ trong thời đại nữ quyền.

Sự xuất hiện của hàng loạt cây bút nữ đã làm cho văn học Việt Nam đương đại có thêm nhiều mĩ cảm, đặc biệt là mĩ cảm nữ tính. Qua tiếng nói giới nữ, ý thức nữ quyền trở nên sâu sắc, ám ảnh hơn. Họ cũng đem đến cho văn chương sự đa dạng về bút pháp thể hiện. Phạm Thị Hoài độc đáo, táo bạo trong cách sử dụng ngôn từ và kĩ thuật viết văn của phương Tây hiện đại. Trần Thùy Mai nhẹ nhàng, sâu lắng; Phan Thị Vàng Anh cuốn hút người đọc bởi sự sắc sảo, thông minh; Nguyễn Thị Thu Huệ có lối kể chuyện mê hoặc, dẫn dụ người đọc đi theo dòng tâm lí của nhân vật nữ. Tất cả họ góp phần làm nên sự đa dạng, hấp dẫn cho văn học nữ nói riêng và nền văn học Việt Nam đương đại nói chung. Với các tập truyện I am đàn bà của Y Ban, Cát đợi, Hậu thiên đường, Bảy ngày trong đời, Tình yêu ơi? ở đâu?, Sơri đắng của Nguyễn Thị Thu Huệ, Người sót lại của rừng cười của Võ Thị Hảo, Khát vọng muôn đời của Lê Minh Khuê, Gió thiên đường, Thương nhớ hoàng lan, Lời hứa của Trần Thùy Mai,… giới nữ đã đóng góp đáng kể cho thành tựu chung của văn học đương đại.

Bằng vẻ đẹp giới nữ và trải nghiệm của bản thân, các nhà văn nữ đã khắc họa của người phụ nữ ở tầng sâu bản thể với tư cách là một khách thể thẩm mỹ độc lập, đồng thời, các nữ văn sĩ này cũng khẳng định giá trị của giới mình trong tương quan với nam giới. Bên cạnh đó, trong hầu hết sáng tác của các nhà văn nữ, cuộc sống đa chiều kích với những tranh đấu của con

người để đạt đến cái Chân- Thiện- Mỹ đều được các nữ văn sỹ chuyển tải một cách tự nhiên vào những trang viết. Họ thẳng thắn nhìn nhận, phân tích những mặt trái của xã hội và mạnh dạn đi sâu vào tâm hồn mình với ngòi bút sắc bén, lối viết mạnh mẽ, đầy gai góc. Trong truyện ngắn, tiểu thuyết sau năm 1986, các tác giả nữ dường như chống lại trật tự nam quyền qua việc xây dựng các nhân vật nam như là đối tượng để công kích, lên án. Tiêu biểu như sáng tác của Phạm Thị Hoài ( Thiên sứ, Thầy AK, Kẻ sĩ Hà Thành), Lê Minh Khuê (Cơn mưa cuối mùa, Bi kịch nhỏ, Đồng đô la vĩ đại), Dạ Ngân (Gia đình bé mọn)… Các nhà văn nhìn trực diện vào những thói hư tật xấu, sự giả dối của những trí thức, của nhiều tầng lớp trong xã hội. Thông qua việc đả phá lực lượng đại diện cho thứ văn hóa nam quyền thống trị hàng chục thế kỉ, mỗi trang viết ngầm bật lên thành lời nỗi cô đơn của những người phụ nữ.

Đồng thời, các sáng tác còn hướng vào việc xây dựng những nhân vật nữ mang tư tưởng mới: tự do quyết định, tự do lựa chọn, khẳng định các nhu cầu chính đáng của bản thân, chấp nhận sự xung đột với người đàn ông. Điểm qua một số hình tượng nhân vật nữ như Mỹ Tiệp trong Gia đình bé mọn của Dạ Ngân, là Không Bé trong tiểu thuyết Đàn bà của Lý Lan, là Phương Nam, Cầm Kỳ trong tiểu thuyết Tường thành của Võ Thị Xuân Hà... Sau 1986, các nhà văn nữ cũng mạnh dạn bước vào và chiếm lĩnh thành trì vốn được coi là vùng cấm địa chỉ dành cho nam giới. Họ viết về vấn đề tình dục và viết một cách thoải mái hơn với nhiều cách thức khác nhau. Về thể loại, rất dễ nhận thấy, truyện ngắn là một lát cắt của cuộc sống, nên các nhà văn nữ có lợi thế là thể hiện được sự tinh tế, nhạy cảm của mình trong một khuôn khổ nhỏ hẹp, xinh xắn của truyện. Còn với tiểu thuyết, đòi hỏi một dung lượng lớn do đó cần phải đầu tư một khối lượng thời gian, công sức không nhỏ khi dấn thân vào viết tiểu thuyết.

Như vậy, nhìn từ đội ngũ và nội dung sáng tác, văn xuôi của giới nữ sau 1986 đã khẳng định những sắc diện mới trên văn đàn với hàng loạt cây bút thuộc nhiều thế hệ, đầy sức sáng tạo mang đậm ý thức nữ quyền. Các nhà văn nữ của thời đại mới đang từng bước khẳng định tiếng nói của nữ giới trong văn chương.

1.2.2. Văn xuôi Võ Thị Xuân Hà – một trong những tiếng nói nữ quyền

a.Ý thức nữ quyền từ quan niệm sáng tác

“Viết để đỡ đau đớn hơn khi nhìn vào thực tế”

Con đường đến với văn chương của Võ Thị Xuân Hà không hề bằng phẳng, thuận lợi. Võ Thị Xuân Hà xuất thân từ một giáo viên dạy toán rồi mới tự chọn con đường đến với văn chương. Viết văn rồi mới trở thành nhà báo, rồi nhờ làm báo mà nghiệp văn được củng cố. Theo Võ Thị Xuân Hà, “con đường gập ghềnh của văn chương đem đến cho tôi một thế giới. Trong thế giới đó, tôi là chính tôi, là được sống nhiều cuộc đời”. Trong đời riêng, Võ Thị Xuân Hà cũng từng trải qua mất mát. Nhưng Võ Thị Xuân Hà học bước qua khổ đau bằng cách đối diện với mọi điều. Võ Thị Xuân Hà thừa nhận,

không có văn chương đời tôi còn bất hạnh hơn” [45], nghề viết là niềm đam mê khó bỏ. Võ Thị Xuân Hà chia sẻ: “Hoá ra số mệnh bắt tôi đi con đường đó từ khi còn rất nhỏ. Điều này mang ý nghĩa tâm linh thì đúng hơn. Cái quan trọng là mình phải lao động thực thụ, giây phút lao động ấy là của trời ban cho” [46].

Võ Thị Xuân Hà khẳng định: “Tôi phải viết để nhận ra mình phải lớn.

Và để đỡ đau đớn hơn khi nhìn vào thực tế…” [49]. Nghiệp văn đối với Võ Thị Xuân Hà cũng như các nữ nhà văn khác là công việc quá đỗi lao tâm lao lực. Trong truyện ngắn Những trang bản thảo, Võ Thị Xuân Hà tự bạch về hoàn cảnh, lối sống của người phụ nữ viết văn: “Vào một ngày bực dọc trong

lòng, tôi lang thang trên hè phố một cách vô định. Làm đàn bà chả mấy khi đi lang thang như thế. Trong xã hội chỉ có mỗi một nghề khiến đàn bà phải đi lang thang… Có lẽ tôi cạn vốn rồi. Chẳng còn gì nữa để đeo đuổi cái nghề viết lách nhọc nhằn, thậm chí quá nhọc nhằn đối với một phụ nữ muốn giữ nếp sống bình lặng của gia đình… Từng đêm, ta ngồi khổ sở bên ngọn đèn, vắt kiệt trí não viết ra những trang bản thảo chẳng nơi nào nhận in. Hay là ta quay về với cuộc đời thường? …Ừ ta sẽ về. Sẽ ném hết vào lửa những đêm thức khuya vật vã, những ước vọng phù phiếm…Tôi ném chúng vào lửa, không sót một trang nào…tôi viết, để có thể ngày mai lại đốt” [5, tr.7]. Hơn thế, với Võ Thị Xuân Hà viết văn thực chất là khát vọng và là con đường “Tôi đi tìm tôi”, là biết bao dằn vặt, trăn trở với thật nhiều đau đớn. Khi được hỏi:

“Ai là người có ảnh hưởng lớn nhất đến sự nghiệp văn chương của chị?” Nhà văn khẳng định: “Đó là cuộc sống của chính tôi”. Vốn sống phong phú chính là một trong những yếu tố giúp Võ Thị Xuân Hà viết nhanh, viết nhiều và mang đến cho người đọc những trang văn sinh động, chân thực về cuộc sống và con người.

“Nhà văn là người đấu tranh cho quyền con người”

Võ Thị Xuân Hà thực tình chỉ mong người đọc nhìn nhận mình như một nhà văn biết tưởng tượng. Bàn về thiên chức của nhà văn, Võ Thị Xuân Hà quan niệm: “Nhà văn là người đấu tranh cho quyền con người, là lương tâm nhân loại”. Trong truyện ngắn Bí ẩn một dòng sông, Võ Thị Xuân Hà bộc bạch: “Cuộc đấu tranh này, cuộc đấu tranh phức tạp giữa cái thiện và cái ác, không chỉ đơn giản để cứu những số phận đơn lẻ, mà còn là cứu vớt niềm tin của cả một lớp người” [5, tr.81].

Những trang viết của Võ Thị Xuân Hà luôn thường trực khát khao “phải nói một cái gì đó” với chính mình, với thế giới xung quanh. Điều này đã trở thành nhu cầu nội tại, thành mục đích sống của nhà văn. “Thú thực, tôi không

hề có ý định chia thế giới làm hai phần và xác định phải viết để tranh đấu cho một nửa thế giới đàn bà như mình. Ngòi bút của tôi viết về những con người, và vì con người. Nhưng bởi tôi là đàn bà nên việc thể hiện cảm xúc nội tại sẽ thiên về giọng nữ hơn. Còn nếu như tác phẩm của tôi góp phần đấu tranh cho một hay hàng vạn chị em thì đơn giản chỉ vì tôi là nhà văn. Nhà văn là người đấu tranh cho quyền con người, là lương tâm nhân loại...” [49]. Văn xuôi Võ Thị Xuân Hà toát lên tình yêu thương, lòng nhân ái qua những chi tiết nhỏ mà tinh tế, những chi tiết rất đời thường đôi khi nhiều người không chú ý tới.

Cuộc sống con người trong tác phẩm của Võ Thị Xuân Hà trôi qua thật tẻ nhạt trước những khắc khoải tê lòng, những khổ đau đan xen với những khát khao tột cùng về tình yêu và hạnh phúc. Chính điều này giúp văn chương của chị gạt bỏ đi được những thứ lý tưởng ảo tưởng về đạo đức, những thói quen sống như tù đày, sống theo dư luận hay ý kiến của kẻ khác... Tuy nhiên, người phụ nữ viết văn trong chị thì luôn luôn bộc lộ rất rõ ràng. Những gì khắc khoải, những gì bất trắc mà chị cảm nhận từ cuộc sống đời thường luôn ẩn hiện trong cuộc đời các nhân vật nữ. Có lúc, người đọc cảm thấy mất niềm tin và bế tắc trước sự tầm thường của những dối lừa, nhưng cuối tác phẩm, bao giờ, nhà văn cũng kịp vực người đọc dậy bằng một niềm tin vào cuộc sống, tin vào những gì tốt đẹp còn lại trong mỗi con người. Cũng như bức tường thành bảo vệ tình yêu mà chị đã kiếm tìm và xây dựng trong tác phẩm để rồi khẳng định tình yêu thương rồi sẽ lên ngôi. Đó là mục đích viết văn Võ Thị Xuân Hà và điều này đã được nhà văn xác tín: “Khi xây dựng nhân vật, nhà văn thường sử dụng những cảm nhận và suy tưởng dựa trên những trải nghiệm của bản thân. Nhưng nhân vật chỉ là sự thể hiện những khía cạnh nào đó của cái tôi nhà văn, chứ không phải là một phép cộng đơn giản những mảnh ghép rời rạc ngoài đời của con người nhà văn để tạo thành câu chuyện.

Nếu không có sự sáng tạo thì không thể có văn chương. Cũng như nhà văn

không thể sống bằng hết ngần ấy cuộc sống nhân vật và câu chuyện mình tạo dựng” [11, tr.354].

Võ Thị Xuân Hà khẳng định: “Những tác phẩm càng giản dị, gần gũi đời thường thì càng chứa đựng tính tư tưởng trong nó. Nên viết truyện bằng cả trí óc và trái tim mình. Đặt mình ở vị trí khiêm tốn phía sau độc giả. Điều rất quan trọng, đó là sự sáng tạo cộng với chất liệu xúc cảm. Nhất quyết không được thoả hiệp với sự dễ dãi. Nếu dễ dãi dựng được một cốt truyện thì trên thế gian này chúng ta sẽ phải đọc rất nhiều tác phẩm nhạt nhẽo” [43]. Những trang viết của chị được hình thành và nhanh chóng ra mắt bạn đọc. Trong một bài báo, Võ Thị Xuân Hà tâm sự về nghề viết của mình: “Tôi không cố tình áp đặt cho mình một lối viết. Tôi chỉ là một nhà văn viết theo phong cách đa chiều, như một nhà phê bình đã nhận xét, là “một ngôi nhà gương”. Trong đó có nhiều lối đi và nhiều cách định dạng, tuỳ theo sự cảm của mỗi người” [9, tr.374]. Với tập truyện đầu tay, Vĩnh biệt giấc mơ ngọt ngào, Võ Thị Xuân Hà đã hé lộ chủ tâm viết theo lối văn trong sáng, trữ tình. Về sau, nhà văn xác định viết bằng cảm thức phong phú, đa chiều với lối phân tích tâm lý sắc sảo và tinh tế. Võ Thị Xuân Hà ngay từ những ngày đầu tiên chạm ngõ văn chương đã hé lộ những điều giản đơn, đời thường nhưng chứa đựng tư tưởng nhân văn sâu sắc. Võ Thị Xuân Hà luôn tìm lối đi riêng, không yên phận với những gì ổn định nhất. Võ Thị Xuân Hà là người rất nghiêm túc với văn chương, tâm huyết với nghề viết, trân trọng độc giả. Quan điểm nghệ thuật này trở thành phương châm phấn đấu trong suốt thời gian cầm bút của chị và các tác phẩm của chị là minh chứng cho những tìm tòi đổi mới cả về nội dung lẫn hình thức thể hiện. Vì vậy, khi tên tuổi Võ Thị Xuân Hà xuất hiện trong nền văn học Việt Nam thì các tác phẩm của chị đã được đông đảo bạn đọc sôi nổi đón nhận, để lại dấu ấn đẹp trong lòng độc giả và gây được sự chú ý cho các nhà nghiên cứu, trở thành một trong những hiện tượng nổi bật của văn học đương đại.

Một phần của tài liệu Ý thức nữ quyền trong văn xuôi võ thị xuân hà (Trang 21 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)