3.1. NGHỆ THUẬT KỂ CHUYỆN
3.1.1. Kể chuyện từ ngôi thứ nhất - Người kể chuyện là nhân vật nữ với điểm nhìn bên trong
Đa phần các nhà văn nữ đều chọn phương thức trần thuật từ ngôi kể thứ nhất, người kể chuyện là nữ. Với ngôi trần thuật này, nhà văn thường nhập vai vào nhân vật nữ với cái nhìn bên trong để phô bày những khát vọng thầm kín.
Trường hợp này, điểm nhìn của người kể chuyện trùng khít với điểm nhìn của nhân vật và kể chuyện ngôi kể thứ nhất với hình tượng nhân vật xưng “tôi”
xuất hiện với tần số cao. “Tôi hay kể chuyện ở ngôi thứ nhất, để tự đặt mình vào vị trí của những nhân vật người đàn bà trong truyện. Tôi cảm thấy, điều đó cho phép tôi khai thác nội tâm nhân vật một cách triệt để và biểu hiện nó một cách sâu sắc hơn. Với những truyện ngắn có cốt truyện nặng về tâm lý, tôi thường kể ở ngôi thứ nhất”. Hình thức kể chuyện ở ngôi thứ nhất được sử dụng phổ biến trong truyện ngắn và tiểu thuyết hiện đại. Người đọc có cảm
giác câu chuyện xác thực hơn vì người kể trực tiếp tham gia vào mọi biến cố, nhất là khi người kể chuyện đóng vai nhân vật nữ chính. Vì thế, cái tôi nội cảm chính là nhân chứng cho sự kiện. Cách kể chuyện từ ngôi thứ nhất được Võ Thị Xuân Hà ưu tiên lựa chọn để bày tỏ suy nghĩ về “những điều trông thấy”. Việc xưng “tôi” trong tác phẩm cho phép nhà văn thẳng thắn đối thoại với cái ác, cái xấu đang tràn lan, đầy rẫy. Những cung bậc cảm xúc, tâm trạng của nhân vật được chính người xưng tôi biểu đạt với những sắc thái khác nhau, tránh được sự tẻ nhạt. Võ Thị Xuân Hà không chỉ trải lòng trên những trang viết mà hơn thế, rất nhiều lần nữ nhà văn để mình xuất hiện trực tiếp qua sự hiện hữu của nhân vật. Cho nhân vật trung tâm của tác phẩm Tường Thành mang bút danh làm báo của mình (Cầm Kỳ), Võ Thị Xuân Hà muốn người đọc tin vào sự thực: “Những đắng cay trong nghề viết, cuộc sống vất vả mưu sinh đã được tôi trải qua trong những trang sách. Đời viết của tôi cũng có một đôi đoạn giống Cầm Kỳ”.
Người kể chuyện xưng tôi là nhân vật nữ của tác phẩm, mỗi nhân vật
“tôi” kể chuyện bao giờ cũng bộc lộ cái nhìn riêng độc đáo. Đa phần nhân vật nữ sắm vai là người kể chuyện xưng tôi trong văn xuôi Võ Thị Xuân Hà đều vương mang, chất chứa nỗi buồn; hoặc họ là kẻ gián tiếp làm cho nỗi buồn tăng thêm hoặc họ là chứng nhân của những câu chuyện buồn thương bi đát.
Những tâm tư giấu kín, những khắc khoải dường như được thổ lộ bằng hết bởi nhiều cái tôi tự bạch chân thành và cởi mở. Từ điểm nhìn bên trong của
“tôi”, thế giới nội tâm đầy phức tạp, lắm biến tấu của nhân vật nhận được nhiều hơn sự đồng cảm từ chính người đọc. Không khó để nhận thấy Võ Thị Xuân Hà đã dành cho nhiều nhân vật của mình một “quyền luận”. Mọi vấn đề liên quan đến cuộc sống của họ từ tình hôn nhân, gia đình, con cái... đến những vấn đề của cuộc sống đều được người trong cuộc kể lại. Họ khẳng định vị trí và quyền năng của mình rõ nét nhất qua những cái “tôi” tự thuật, hiện
diện tư cách là một nhân vật trong truyện. Lý thuyết tự sự học gọi đó là người kể chuyện đồng sự với cái tôi trải nghiệm ở cấp độ hành động. Đàn sẻ ri bay ngang rừng được kể bởi chính cô gái - nhân vật chính trong truyện. Đi sâu vào thể hiện nỗi đau, những xúc cảm và khát khao, nhân vật như kéo mọi chuyện về thời hiện tại, kể cho người đọc tất cả, cả những cảm xúc của mình.
Với hình thức này, người đọc chỉ biết những chuyện mà nhân vật nếm trải.
Nhưng cũng vì thế mà người kể chuyện bộc lộ được chiều sâu nội tâm của chính mình. Những cảm xúc rất tinh tế và sâu sắc, những khát khao của nhân vật nữ: “Tôi muốn nhảy xổ ra xỉa xói cái chức dâu trưởng mà khi yêu tôi không thể lựa chọn. Tuy thế, đêm chúng tôi vẫn quấn lấy nhau như cặp rắn.
Căn buồng 5 mét vuông đậm đặc mùi mồ hôi nồng nàn của Thản, hương tóc tôi,… hơi thở của hai kẻ si tình…” [12, tr.258]. Đứng ra tự kể chuyện của mình, nhân vật nữ đã không còn nhận vai trò chức năng như trong các hình thức truyện kể truyền thống nữa, họ thực sự đã trở thành “những con người cá thể - bản thể” (R. Barthes). Võ Thị Xuân Hà là một trong những nhà văn nữ sử dụng khá thường xuyên nhân vật người kể chuyện dạng này trong các câu chuyện của mình. Khảo sát văn xuôi Võ Thị Xuân Hà, hầu hết nhân vật nữ chính xưng “tôi” với vai trò là người kể chuyện, một số biến thể khác là xưng
“em”, “con” mang đậm màu sắc chủ quan. Với Võ Thị Xuân Hà, khi để nhân vật nữ chính trong truyện giữ vai trò là người kể chuyện, cũng là cách nhà văn tự đặt mình vào vị trí của những nhân vật người đàn bà trong truyện, cho phép khai thác nội tâm nhân vật một cách triệt để và biểu hiện nó một cách sâu sắc hơn. Chẳng hạn, nhân vật kể chuyện là chính nhà văn, truyện ngắn Cà phê dấu yêu chính là một trong những dấu ấn cuộc đời của Võ Thị Xuân Hà.
Bên cạnh đó, việc kết hợp nhiều chủ thể kể chuyện xưng tôi là các nhân vật nữ đã mang lại sự thành công trong chuỗi dây chuyền phản ứng cảm xúc.
Tác giả đã để cho nhiều nhân vật cùng lên tiếng nhìn nhận, đánh giá một vấn
đề để làm sáng rõ hơn bản chất của sự việc, nhờ đó mà tạo được tiếng nói đa thanh trong sáng tác của mình. Tiểu thuyết Tường thành chinh phục độc giả bởi lối kể đa chủ thể như thế. Chương 2 và chương 5 được kể ở ngôi kể thứ nhất, Võ Thị Xuân Hà gởi gắm ở hình tượng người kể chuyện một khả năng hóa giải, khả năng thức tỉnh lương tri con người. Đó là sự khẳng định những phẩm chất tốt đẹp của giới nữ. Sử dụng người kể chuyện ngôi thứ nhất tự kể lại cuộc đời mình là phương án trần thuật độc đáo cho phép người trong cuộc tự bộc lộ cảm nhận, suy tư, trăn trở về con người và lẽ đời. Đồng thời, cách trần thuật kết hợp cái “tôi” kép trong một tác phẩm tạo nên nhiều khoảng lặng và cả khoảng trắng nghệ thuật để bắt nhịp cầu giao cảm với chủ thể sáng tạo thứ hai, tạo điều kiện cho người đọc đi sâu vào thế giới bên trong của nhân vật, hiểu được những góc khuất của những mảnh đời bất hạnh, đặc biệt là người phụ nữ.
Điểm nhìn từ bên trong rất thuận lợi cho việc khám phá sự đa chiều kích trong tâm hồn người và nó chỉ xuất hiện khi người kể chuyện đi sâu vào thế giới tâm trạng của nhân vật hoặc khi nhân vật tự thổ lộ những cảm xúc kín đáo riêng tư. Nhờ đó, mỗi cá nhân được tự do phát ngôn mà không cần thiết phải có sự biện hộ của nhà văn, thậm chí nằm ngoài vùng kiểm soát của ngòi bút người sáng tác. Võ Thị Xuân Hà dường như lắng nghe, đồng cảm và thấu hiểu nỗi lòng của người cùng giới khá tinh tế, sâu sắc. Có được điều này là do sự hỗ trợ không nhỏ của điểm nhìn bên trong. Với điểm nhìn bên trong, Võ Thị Xuân Hà đã soi chiếu và làm hiển hiện bao vi mạch tâm trạng sâu lắng, tế vi nhất. Chính điểm nhìn bên trong đã cho phép nhân vật nữ được thoải mái tự bạch những gì thầm kín riêng tư, những dục vọng uẩn ức, những đớn đau dằn vặt trong quá trình va chạm, cọ xát với thực tế. Với điểm nhìn bên trong và người kể chuyện là nhân vật nữ, tiểu thuyết Trong nước giá lạnh tái hiện câu chuyện bi kịch của Niệm. Niệm luôn mơ tưởng bóng hình người mẹ để
thổi bùng ngọn lửa tin yêu và khát khao sống cho mình. Khi một mình đối diện với chính mình, chất ngất trong lòng Niệm là những mặc cảm, dằn vặt và sự cô độc. Chịu quá nhiều thiệt thòi, mất mát, lại không biết chia sớt cùng ai, Niệm dứt khoát đi vào trong nước giá lạnh nhưng kết cục cô không thoát khỏi sự bế tắc khi “chết lại trong cõi sống”. Từ điểm nhìn bên trong, Võ Thị Xuân Hà đã thể hiện hết những ưu tư, trĩu nặng trong tâm hồn một người con gái mang mặc cảm sau cuộc chiến. Nhân vật nữ trở thành điểm tựa để người kể chuyện diễn tả tất cả những cung bậc cảm xúc. Những nhân vật nữ trong văn xuôi Võ Thị Xuân Hà luôn mang trong mình những dằn vặt, đớn đau hoặc những chông chênh, lạc lõng với thế giới xung quanh mình và ngay cả với chính mình. Có thể nói, điểm nhìn từ bên trong cho phép Võ Thị Xuân Hà biểu hiện sự cảm thông, thấu hiểu và gửi bức thông điệp đầy chất nhân văn về ý nghĩa cuộc sống, con người một cách kín đáo. Với cái nhìn ưu ái và có phần thiên vị đối với giới nữ, Võ Thị Xuân Hà xây dựng những nhân vật nữ chính với những hoàn cảnh, số phận tính cách khác nhau, nhưng họ gặp nhau ở khát khao về một hạnh phúc, một mái ấm và được nói lên tiếng nói sâu thẳm trong tim mình. Vì vậy, với vai trò là người kể chuyện, các nhân vật nữ thường đào xới tới tận cùng bản ngã và khẳng định bản sắc giới đậm nét.