3.2. NGÔN NGỮ TRẦN THUẬT
3.2.1. Ngôn ngữ người kể chuyện
Văn xuôi Võ Thị Xuân Hà giàu cảm xúc, là dòng chảy của tâm trạng, tuôn tràn những trăn trở, những dằn vặt đầy đau đớn, xót xa của nội tâm nhân vật nữ. Chính vì vậy, ngôn ngữ người kể chuyện với lời kể, lời tả và lời bình luận luôn thể hiện đặc trưng riêng của việc phơi bày và luận giải những biểu hiện tâm lý phức tạp của nhân vật. Truyện của Võ Thị Xuân Hà thường được kể từ ngôi thứ nhất. Ở dạng thức này, từ điểm nhìn bên trong, ngôn ngữ trần thuật luôn mang đến cho người đọc một cảm xúc sâu lắng, mênh mang một nỗi niềm nữ tính. Cách kể chuyện không sử dụng quá nhiều những chi tiết xô bồ, hỗn độn, mặc dù không thiếu những hành động mang tính bạo liệt của
nhân vật. Cuộc sống hiện lên qua cách kể của nhân vật dường như được dồn hẳn vào bên trong của đời sống nội tâm nên nó luôn thổn thức và giằng xé.
Đọc tác phẩm của Võ Thị Xuân Hà, ngôn ngữ trần thuật của người kể chuyện từ ngôi thứ nhất hay ngôi thứ ba đều mang đậm tính nữ.
Ngôn ngữ trần thuật trong tác phẩm tự sự thể hiện qua lời kể chiếm một tỉ lệ lớn và có vai trò quan trọng, giúp người kể chuyện tổ chức nên một cấu trúc tự sự. Trong văn xuôi của Võ Thị Xuân Hà, nó thể hiện qua những dạng phát ngôn của nhân vật người kể chuyện. Sự xuất hiện dày đặc kiểu câu kể khiến cho ngôn ngữ nhân vật (lời trực tiếp) biến thành ngôn ngữ người kể chuyện (lời gián tiếp). Tác phẩm ít những dạng thức trình bày đối thoại (với dấu gạch ngang (-), xuống dòng hoặc trong ngoặc kép). Đi liền với mỗi lời trần thuật có lời nhận xét, đan cài kể chuyện, bình luận, miêu tả, đối thoại…nhằm bày tỏ xúc cảm của nhân vật. Sự đan cài giữa lời kể và lời đối thoại của nhân vật chuyển sang thành lời bản thân. Đây được coi một dạng phát ngôn đặc biệt, thể hiện tính chất nhiều giọng của ngôn ngữ trần thuật. Lời của nhân vật có lúc không được sắp sếp theo kiểu đối thoại trao trả, đối đáp mà đan xen trong lời người trần thuật, nhân vật xưng tôi vừa kể chuyện vừa tham gia giao tiếp. Như vậy, lời của nhân vật không chỉ trực tiếp trao đổi với nhân vật mà còn dễ dàng kể chuyện. Cái vạc vàng có đòn khiêng bằng kim khí, Ngàn xanh và gió, Thiếu phụ và bức thư, Bay lên miền xa thẳm, người đàn bà và những con rối… là những truyện ngắn tiêu biểu cho lối kể chuyện này. Nhà văn chuyển từ lời đối thoại sang lời độc thoại. Do vậy, người kể chuyện xưng tôi không đảm nhận vai trò kể chuyện của mình một cách đơn nhất từ đầu tới cuối tác phẩm, mà xen lẫn vào nhằm thể hiện khách quan hóa người trần thuật. Ở những tác phẩm này, ngôn ngữ người kể chuyện lúc du dương, lúc mê đắm, nhưng trên hết là sự nhẹ nhàng dẫn con người ta vào thế giới nhạy cảm, đầy yêu thương, dưới ngọn lửa tình yêu của người phụ nữ. Họ hiện lên như những người đàn
bà đẹp, đa đoan, khát yêu và không yên ổn. Nhà văn như muốn khẳng định rằng sứ mệnh mà tạo hóa ban cho họ là sinh ra để yêu thương, để sưởi ấm và làm đẹp cuộc đời này, tình yêu với họ là lẽ sống, là bản mệnh. Nhưng phải chăng chính sự cả tin, chính niềm tin định mệnh đó là căn nguyên cho mọi nỗi khổ đau của người đàn bà. “Người đàn bà ấy là biểu tượng cho sức mạnh tình yêu nơi trần thế. Chính nàng sẽ giữ cho tình yêu được nồng ấm trên thế gian mê lạc này…sứ mạng của người đàn bà hầu như vẫn còn trong cái lốt của một cô gái. Đó là sứ mạng của cái vạc vàng có đòn khiêng bằng kim khí.
Nàng phải chịu đau đớn chịu tủi nhục, chịu bị ném đá, bị khinh khi…” [15, tr.78]. Lời kể đan xen lời bình giàu hình ảnh gợi liên tưởng trong trang viết Võ Thị Xuân Hà cứ ám ảnh người đọc về thân phận người phụ nữ. Người phụ nữ với bản chất trọng tình cảm của mình luôn làm theo tiếng gọi của trái tim, lí lẽ của tình cảm trở thành lí lẽ tối thượng và sợi dây cả tin là sợi dây xích mà họ tự nguyện quấn vào cuộc đời mình. “Tôi cố gắng để vui. Tôi đã không vui nhiều năm rồi…Tôi cô đơn quá thể…Như cô gái Trà Vinh người Việt đất Việt, nhưng cô ấy múa điệu múa Khơ- me và cô ấy đã làm cho đời sống của những điệu múa này được nối tiếp. Và tôi múa điệu múa tình yêu của mình khi cơn gió màu chướng về, khi những giọt máu đen báo hiệu mùa thu vàng trút lá.
Khi đó những con sóc trên cành và lá vàng chuyền đi chuyền lại điệu buông lơi gọi bạn tình. Chúng không có ý thức phân biệt tuổi tác khắc nghiệt như ý thức của con người.” [15, tr.98].
Nhân vật của Võ Thị Xuân Hà trở nên rạng rỡ dưới ánh sáng tình yêu thông qua lối viết nhẹ nhàng, với những từ ngữ giàu tính tạo hình của người kể chuyện. “Hình như buổi sáng hôm đó nom chúng tôi thật tràn trề hạnh phúc, niềm hạnh phúc toát ra khiến không gian xung quanh sáng bừng…hai ngôi sao đang song đôi trôi trong thiên hà” [11, tr.295 - 296]. Những từ ngữ trong văn xuôi Võ Thị Xuân Hà mang đến những liên tưởng giàu hình ảnh, đầy sức gợi,
làm nên chất trữ tình man mác cho câu văn. Thế giới tâm hồn họ hiện lên dù bi kịch nhưng vẫn bao dung, vị tha và tràn đầy tình yêu thương. Người kể chuyện luôn tìm cách miêu tả sao cho người đọc hình dung ra nhân vật một cách sinh động, chân thực và quen thuộc nhất. Võ Thị Xuân Hà cứ thản nhiên viết và kể, nhưng người đọc lại không thể thản nhiên trước nỗi đau, trước hiện thực tàn khốc của chiến tranh và cuộc sống. Mỗi trang viết của chị là một niềm an ủi, sẻ chia, cảm thông với thân phận những người đồng giới như quan niệm: “thiên chức của nhà văn là gánh nỗi đau của con người”.