Ngôn ngữ nhân vật

Một phần của tài liệu Ý thức nữ quyền trong văn xuôi võ thị xuân hà (Trang 86 - 93)

3.2. NGÔN NGỮ TRẦN THUẬT

3.2.2. Ngôn ngữ nhân vật

Ngôn ngữ nhân vật là lời trực tiếp do nhân vật nói lên trong tác phẩm với những chức năng như phản ánh hiện thực bên ngoài nhân vật, chức năng tự bộc lộ của nhân vật, chức năng thể hiện nội tâm, thế giới bên trong của nhân vật”. Trong tác phẩm văn xuôi, ngôn ngữ nhân vật tồn tại ở hai dạng thức là lời đối thoại và lời độc thoại. Võ Thị Xuân Hà cũng sử dụng hai dạng thức này để biểu đạt nội dung trong các sáng tác của mình.

Lời đối thoại

Trong văn xuôi tự sự, đối thoại được các nhà văn sử dụng rộng rãi và nó có tầm quan trọng lớn. Nhà văn có thể sử dụng nhiều kiểu đối thoại: đối thoại nhường ngôi, phân vai, hoán đổi… Trong tác phẩm của Võ Thị Xuân Hà, lời văn đối thoại chiếm một tỷ lệ không lớn so với lời độc thoại, tuy vậy, đối thoại trong văn chị góp phần làm rõ cá tính, tâm hồn, khát vọng của nhân vật.

Các cuộc đối thoại trong tác phẩm của Võ Thị Xuân Hà diễn ra không quá gay gắt, dữ dội. Ngôn ngữ đối thoại của các nhân vật nữ cũng gần như là ngôn ngữ bộc bạch tâm hồn, giãi bày những ẩn ức không sao kìm nén. Lời thoại trong Đường về giữa người thiếu phụ và người mẹ già trở thành lời tâm sự về cuộc đời, lời khuyên giải thấu tình đạt lí đối với người thiếu phụ.

Con ạ, làm thân đàn ông cõng núi cõng non, làm thân đàn bà phải cõng sông cõng suối. Sông cõng không nổi, về đây rồi thì phải cõng suối. Con còn trẻ, không có người đàn ông trong nhà, núi rừng sẽ phạt.

Chị nhìn mẹ.

Mẹ à. Ngày xưa khi cha con mất…

Khi ấy ta già rồi. Không còn trẻ như mẹ nó bây giờ. Nhưng con à ta cũng đã nhắm cho con một người (…) Nhưng con à, cái người mà ta nhắm cho con, nó không có cái làm thằng đàn ông nữa (…). Cả vùng này không còn thằng đàn ông nào dành cho con nữa đâu (…). Con à…”[15, tr.229-231].

Lời thoại trong Ván thế giữa tôi và sư thầy chỉ là cái cớ, trở thành lời giãi bày của người phụ nữ:

Tôi tần ngần bên luống rau của sư thầy. Rồi hỏi: Thầy ơi, tại sao thầy không ở ngoài đời?

Sư thầy nhìn tôi, chắc lúc này ông chỉ nhìn thấy vẻ nhạt thếch của tôi mà thôi, rồi cười: Đây cũng là ở ngoài đời.

Tôi giãi bày: Vậy mà tại sao con cứ chuẩn bị cho mình một cuộc hành trình dài để có thể sau này vào đây trồng rau với thầy?

Tại sao con lại cứ nhọc nhằn để hình dung sau này khi con đứng bên này sông nhìn sang bên kia? Bên ấy là căn nhà con từng ở. Bên ấy có người đàn ông từng ôm con vào lòng. Khi ấy có thể chồng con phải có một người khác để quên con? Và con thì không sao quên được một câu của một gã đàn ông đã nói với con, có thể anh ta khi nói chỉ là vô tình: tôi - chưa - thấy - ai - như – cô [17, tr.107- 108].

Việc sử dụng ngôn ngữ đối thoại trong tác phẩm của Võ Thị Xuân Hà rất hạn chế. Tuy nhiên, nhờ có kiểu đối thoại này mà nhân vật mới có khả năng phản biện để giải mã những góc khuất của tâm hồn mình. Có những đoạn đối thoại trong truyện Võ Thị Xuân Hà như là sự phân thân đối đáp. Trong truyện ngắn Dưới nước, lời thoại trở thành lời độc thoại, dẫu nhà văn để hai nhân vật trò chuyện với nhau. Nỗi lòng của cô gái, mặc cảm đánh mất người yêu giằng xé thành câu chữ:

“Đôi khi tôi cảm thấy như mình đang biến mất”.

Người đàn ông hơi chững tay lại:

“Cô nói gì?”

“Ngày ấy tôi đi cùng một người con trai. Chúng tôi dạo trên hồ này cũng bằng một chiếc thuyền nhỏ. Anh ấy nom thư sinh nhưng khá mạnh mẽ. Anh ấy đã tự tay điều khiển chiếc thuyền đưa tôi ra giữa hồ”

(…)

Một giọt nước mắt lăn xuống gò má cô, tan đâu mất dưới ván thuyền. Người đàn ông dừng tay vẽ, ngẩng lên:

“Sau đó thì sao?”

“Chúng tôi không thể lấy nhau…”

“Vì sao?”

Cô im lặng.

Lát sau cô ngẩng lên nhìn người đàn ông. Chính cô cũng không hiểu tại sao cô lại tin cậy và nói với anh câu chuyện của mình.

“Anh ấy ngủ dưới nước”[17, tr.163-164].

Nhân vật nữ của Võ Thị Xuân Hà giàu nữ tính, vì vậy lời thoại từ nhân vật cũng nhẹ nhàng, mềm mại. Trong tiểu thuyết Trong nước giá lạnh, lời

thoại giữa Niệm và Giang thì thầm, ngọt dịu, len lén cất giấu một tình yêu mỏng manh:

Chị cởi dây buộc tóc ra đi cho em ngắm mái tóc chị (…).

Có con sâu trên tóc phải không? Nhưng chị với chúng là bạn đấy. Chị hay đặt một con sâu lên tóc thế này này. Đấy, giống như một cái trâm cài đầu (…).

Giang mà có tiền, sẽ mua tặng chị cả hộp trang sức. Nhất định thế. Chị chờ Giang (…). Chị chờ Giang chứ (…). Chị quay mặt lại đây. Tối quá không nhìn thấy gì cả (…).

Tối thế này, đứng gần cũng không nhìn rõ được nhau đâu. Để chị bắt một con đom đóm là đèn nhé (…).

Chiều nào cũng thấy chị mang hoa hồng ra gò mả. Bác Tư Nam nằm ở đâu? (…).

Mẹ nằm dưới sông với lũ cá. Hôm nọ, chị nằm mơ thấy mẹ hiện về hỏi: Niệm ơi! Con có hạnh phúc không?

Tôi giữ chặt Niệm trong vòng tay mình. Hai chúng tôi đứng như thế rất lâu. Cảm nhận hơi thở của nhau. Không dám thừa nhận bất cứ điều gì”[10, tr.187-190].

Như vậy, nhờ kết hợp chất trữ tình tha thiết và chất triết lý rành mạch, lời đối thoại trong văn xuôi Võ Thị Xuân Hà nhẹ nhàng, thâm thúy. Không khô cứng, không cao đạo giáo điều, những lời đối thoại ấy cứ tự nhiên, giản dị đi vào lòng người. Qua đó, ngôn ngữ đối thoại trong văn xuôi Võ Thị Xuân Hà đôi khi tiến gần đến lời độc thoại.

Độc thoại nội tâm

Thực tế văn học cho thấy, nếu chỉ dựa vào ngôn ngữ đối thoại thật khó để hiểu hết bản chất tâm hồn con người, nhưng qua ngôn ngữ độc thoại thì chẳng điều gì có thể giấu diếm, bởi những khát khao ham muốn, những trăn

trở băn khoăn, thậm chí cả những tính toán nhỏ nhen ti tiện đều phơi trải vẹn nguyên qua lời độc thoại. Nhân vật của Võ Thị Xuân Hà phần lớn là những người đàn bà nặng gánh bi kịch. Đó hầu hết là những nhân vật nữ có thiên lương trong sáng nhưng phải chịu nhiều bất hạnh trong cuộc sống và tình yêu.

Các nhân vật nữ trong văn xuôi Võ Thị Xuân Hà thiên về hướng nội với những tâm trạng, những nghĩ suy nên độc thoại trở thành phương tiện hữu hiệu để nhà văn đi đến cùng những ngóc ngách thầm kín của thế giới tâm hồn.

Võ Thị Xuân Hà viết như bày ra hết gan ruột của người phụ nữ. Trong Tường thành, nhà văn đã sử dụng nghệ thuật miêu tả tâm lý trực tiếp với những độc thoại nội tâm của nhân vật Cầm Kỳ để cho nhân vật tự thể hiện trạng thái cảm xúc tận đáy lòng mình, khát vọng một mái ấm bình dị bộc lộ rõ qua dòng chảy ngôn từ. “Tôi tự hứa với mình, sau này tôi nhất định sẽ có được một mái ấm.

Vợ chồng yêu thương nhau suốt đời (…) Chồng của tôi sẽ là người đàn ông mạnh mẽ, đấu tranh cho công bằng xã hội. Chồng của tôi sẽ lặng lẽ ngắm nhìn vợ con của anh từ khi ánh bình minh lóe rạng cho tới khi hoàng hôn buông xuống, tới khi dải ngân hà rót xuống thế gian bóng đêm sóng sánh, mặc dù anh bận trăm công ngàn việc; tuy không phải lúc nào cũng ở bên vợ con nhưng anh luôn ngắm nhìn chúng tôi ngự trị trong tim anh. Chồng của tôi chỉ là một người bình thường như bao người khác, nhưng anh cùng tôi là ánh thiên hà như bao ánh thiên hà khác góp lên tia phản quang ánh sáng trên trái đất này. Chúng ta chỉ có một cuộc đời, tại sao chúng ta lại bỏ bê phí hoài nó?” [11, tr.299 - 300]. Bằng lối độc thoại nội tâm này, nhà văn đã tái hiện đủ

mọi cung bậc cảm xúc trong thế giới nội tâm bí ẩn đầy khao khát của Cầm Kỳ.

Võ Thị Xuân Hà thường miêu tả tâm lý nhân vật ở những lời độc thoại nội tâm, như là những băn khoăn, những ám ảnh của nhân vật. Bởi chính khi ấy, nhân vật đối diện với chính mình, họ tự bộc bạch những suy nghĩ, những

dằn vặt, những trăn trở với những trạng thái cảm xúc thật lòng nhất. Vì vậy, hình thức ngôn ngữ độc thoại nội tâm là đặc điểm nổi bật trong văn xuôi của Võ Thị Xuân Hà. Độc thoại nội tâm không chỉ là sự phô bày những cảm xúc, tâm trạng rất riêng tư mà đó còn là những dằn vặt, những trăn trở về con người, về mặt trái của xã hội hiện đại. Và có những đoạn độc thoại nội tâm chính là lời tự vấn, băn khoăn và chứa đựng hi vọng mãnh liệt: “Thời đại tuổi trẻ của chúng tôi mang dấu tích của chiến tranh và cô đơn. Không dám phá bỏ những rào cản. Nhưng rồi sẽ lại có ngày bằng một nhát quyết định, một nhát cắt lát thẳng đứng chém dọc cái rào cản khủng khiếp đó, chúng tôi sẽ trở thành những người đi tiên phong, dù thân hình mang đầy dấu tích hậu chiến để nắm giữ mọi cái cần nắm giữ trên mảnh đất đầy thương tích này”[10, tr.190-191].

Khắc họa nhân vật qua kiểu ngôn ngữ độc thoại nội tâm chính là cách để nhân vật bộc bạch nỗi niềm tâm sự, những vui buồn, đớn đau trào lên từ đáy tâm hồn. “Tôi nằm trong nước. Tôi thích thú vì tìm ra cái cách nằm trong nước.

Nước giá lạnh ôm tôi vào lòng. (…). Tôi nằm trong nước giá lạnh, thấy mình như được hồi sinh (…). Tôi xuống nước chính là đi tìm sự sống trong cái giá lạnh vĩnh hằng. Một sự sống trong trẻo, giản dị. Một sự sống mà ngày hôm qua tôi đã cố kiếm tìm, mong đợi (…). Ngày hôm qua của cái ngày hôm qua, tôi đã dâng tôi cho sự thèm khát của một người đàn ông. ..Tôi tưới lên sự độc đoán của anh bằng giọt máu trinh tiết của mình.”[11, tr.250-254].

Nhân vật nữ trong văn xuôi Võ Thị Xuân Hà thường rơi vào hoàn cảnh luôn luôn phải tự thức nhận với nhiều suy tư, liên tưởng và dự cảm. Do vậy, ngôn ngữ độc thoại trong văn xuôi của chị giàu chất suy tưởng. Chính đặc điểm ngôn ngữ độc thoại như một biểu hiện của ý thức nữ quyền trong sáng tác của Võ Thị Xuân Hà. Độc thoại trong sáng tác văn xuôi Võ Thị Xuân Hà có giá trị biểu hiện sâu sắc, thể hiện cảm hứng nhân văn sâu sắc từ những nỗi đau tồn tại đằng sau bom đạn của chiến tranh như trong truyện ngắn Gió thổi, Đêm

dài, Ngọa sinh, Đàn sẻ ri bay ngang rừng. Với cách sử dụng độc thoại nội tâm, nhà văn thực sự đem lại những xúc động sâu sắc, những cảm xúc thương cảm lắng đọng trong tâm trí người đọc. Nhà văn để nhân vật tự đối diện, phán xét lại chính mình qua những dòng độc thoại chân thật nhất. Nhờ vậy, độc giả có cơ sở để nhìn nhận gương mặt thật đã bị ẩn lấp mà cảm thông chia sẻ hoặc phản đối bất bình. Khuynh hướng quay về nội tâm, để mỗi “cái tôi” thẳng thắn phát biểu là thế mạnh của Võ Thị Xuân Hà. Vì vậy, tâm lý và tính cách của nhân vật đều được “bóc trần” bằng hết, đồng thời, tính chân thực của câu chuyện được bổ sung từ những lời độc thoại sâu lắng. Ngôn ngữ độc thoại dung dị, nặng chất tình, đẫm tính nữ góp phần làm nên phong cách riêng của Võ Thị Xuân Hà.

3.3. GIỌNG ĐI U TRẦN THUẬT

Theo Từ điển văn học, “Giọng điệu là thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng, đạo đức của nhà văn với hiện tượng được miêu tả thể hiện trong lời văn quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm” [18, tr.112].

Giọng điệu trần thuật có một vai trò rất quan trọng. Với người đọc, nó là cảm nhận đầu tiên và cũng là dư vị kết đọng lại sau khi gấp sách. Còn với mỗi nhà văn, giọng điệu nghệ thuật có vai trò quyết định trong việc tạo nên phong cách tác giả. Cụ thể, những nhà văn có phong cách đều có một kiểu giọng riêng trong sáng tác của mình mà khó có thể nhầm lẫn hay cũng khó có ai bắt chước. Có thể nói, giọng điệu nghệ thuật là một yếu tố nghệ thuật có ý nghĩa nhất trong việc xác định phong cách, tài năng của nhà văn. Võ Thị Xuân Hà đã bày tỏ những cung bậc cảm xúc trước hiện thực cuộc sống, con người, và chính những sắc thái cảm xúc ấy tạo nên sự đa giọng điệu trong văn xuôi của chị. Người đọc có thể nhận thấy nhiều giọng điệu trần thuật khác nhau qua hệ thống tác phẩm, nhưng thể hiện một cách rõ ràng nhất những trăn trở xoay

Một phần của tài liệu Ý thức nữ quyền trong văn xuôi võ thị xuân hà (Trang 86 - 93)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)