Kể chuyện từ ngôi thứ ba - Người kể chuyện là tác giả hàm ẩn

Một phần của tài liệu Ý thức nữ quyền trong văn xuôi võ thị xuân hà (Trang 77 - 83)

3.1. NGHỆ THUẬT KỂ CHUYỆN

3.1.2. Kể chuyện từ ngôi thứ ba - Người kể chuyện là tác giả hàm ẩn

Đó là những cái tôi đầy ám ảnh khôn nguôi về bản thân và những người cùng giới, về những ẩn ức bị đè nén chưa được giải tỏa. Hình tượng người trần thuật - thể hiện qua nhân vật nữ xưng tôi, do vậy, luôn chứa đựng những bí ẩn, phức tạp. Khi cái tôi không còn đứng ra để dẫn dắt câu chuyện nữa thì nó vẫn cư ngụ ở một nhân vật nào đó, hoặc tác giả cố tình che giấu bằng cách di chuyển điểm nhìn để nội dung câu chuyện được kể nới rộng hơn và câu

chuyện trở nên khách quan hơn. Đó là khi người kể chuyện là tác giả hàm ẩn.

Câu chuyện được kể ở ngôi thứ ba, người kể chuyện giấu mặt với điểm nhìn toàn tri. Điểm nhìn được đặt vào một hoặc một vài nhân vật trong truyện và vẫn có tính chất hướng nội. Vì vậy, dù nhân vật không xưng “tôi” đứng ra kể chuyện thì nội tâm nhân vật vẫn được thể hiện một cách khách quan, rõ nét.

Như vậy, bên cạnh phương thức trần thuật chủ quan, trong sáng tác Võ Thị Xuân Hà còn có phương thức trần thuật khách quan với người kể chuyện toàn năng. Với dạng thức này, người kể chuyện “vô hình” không hề tham gia vào bất kỳ tình huống hay hành động nào trong truyện mà đứng ngoài để quan sát, nắm bắt và thuật lại tường tận cho người nghe. Nói khác đi, người kể ở ngôi thứ ba không phải là một nhân vật trong truyện, do đó cách nhìn nhận đánh giá về con người, về cuộc đời sẽ khách quan và tỉnh táo hơn. Chọn phương thức kể chuyện ở ngôi thứ ba truyền thống, Võ Thị Xuân Hà vẫn thành công.

Hình tượng người kể chuyện ngôi ba luôn thấp thoáng bóng dáng của nhà văn. Là một phần, một khía cạnh của con người tác giả thực, tác giả hàm ẩn là một bậc trần thuật không được thể hiện ở văn bản nghệ thuật dưới dạng nhân vật - người kể chuyện, mà chỉ được độc giả tái tạo trong quá trình đọc như là một “hình tượng tác giả” ẩn tàng. Trong truyện kể, lời giới thiệu, dẫn dắt, bình luận của người kể chuyện, lời nhân vật, tình huống diễn ra hành động của nhân vật, những đối thoại, độc thoại, cách sắp xếp các sự kiện, các kỹ xảo, thủ pháp... tất cả đã được người kể chuyện kể lại theo một cách thức nào đó, qua cái nhìn của một hay nhiều nhân vật nào đó, khi ấy là lúc có sự tham gia của tác giả hàm ẩn vào vai trò người kể chuyện. Truyện ngắn Người đàn bà và những con rối, Nhà có ba chị em, Lúa hát, Dưới cơn gió thoảng, Đêm dài… là những tác phẩm thể hiện hiệu quả lối kể này. Một điều dễ nhận ra trong sáng tác của Võ Thị Xuân Hà là vai trần thuật hầu hết là nữ hoặc mang tính chất nữ tính rõ nét. Vì thế, cách thức lựa chọn và sử dụng từ ngữ kể

chuyện trong tác phẩm cũng mang đậm dấu ấn nữ giới. Mặt khác, Võ Thị Xuân Hà khéo léo sử dụng những ngôi kể phù hợp và kết hợp chúng để tạo sự đa dạng cho nghệ thuật trần thuật.

Xuất hiện khá thường xuyên trong văn xuôi Võ Thị Xuân Hà, người kể chuyện là “nhân vật vô hình” nhưng tư tưởng lại chi phối toàn bộ sự phát triển của câu chuyện. Đó là khi câu chuyện được kể với nhân vật chính là nàng, cô, người đàn bà bán hương, chị… điểm nhìn được nhà văn trao cho họ nhưng có sự di chuyển sang các nhân vật khác, thể hiện rõ nét hơn chiều sâu và sự phức tạp trong đời sống nội tâm của các nhân vật. Hình thức này thể hiện rõ nhất khi câu chuyện được kể ở ngôi ba, với nghệ thuật chuyển điểm nhìn. Lúa hát mở đầu bằng thứ ánh sáng thăm thẳm của trăng thu, những câu nói vừa cộc cằn, vừa dịu ngọt của chồng và vợ chưa có bình luận nào cả, nhưng người đọc có lẽ đã nhận ra một người kể chuyện thấp thoáng xuất hiện dẫn dắt câu chuyện của họ, lồng vào cái nhìn của cô gái, đan xen cả sự đánh giá: một khát khao đang chờ bùng phát. Câu chuyện được tiếp tục dưới cái nhìn của cô gái, với những trạng thái, tình huống sâu sắc đang diễn ra trong nội tâm. Cô hoàn toàn tỉnh táo và mơ hồ nhận ra một điều gì đó đang len lén chui sâu vào trái tim cô, “sẽ chẳng bao giờ biết rằng có một mối tình đã tan vỡ...”. Bóng dáng tác giả chỉ thể hiện qua những câu nửa trực tiếp: Cô nhón vài hạt muối đưa lên đầu lưỡi, vị mặn của muối giúp cô tỉnh táo [9; tr.146]. Với Dưới cơn gió thoảng, Võ Thị Xuân Hà cũng có sự lựa chọn, trao quyền năng cho người kể chuyện theo cách tương tự. Câu chuyện được mở đầu bằng lời dẫn dắt của một người kể chuyện “giấu mặt”. Sau đó, chuyện được kể dưới điểm nhìn của cậu bé có chiếc mặt nạ Đường Tăng, nhà văn nương vào những bước đi của cuộc đời và tâm trạng của nhân vật để tổ chức tác phẩm. Cái “tôi” thứ hai của tác giả thoáng hiện ra qua những câu nửa trực tiếp: “Cháu không hiểu… Tại sao người lớn lại rắc rối đến thế. Ta quả thật vẫn là một sinh linh yếu ớt, vẫn

luôn là người cần vô chừng một bếp lửa ấm cúng” [9, tr.172]. Khi đó lời người trần thuật hoà quyện, đan xen với ngôn ngữ nhân vật (xuất phát từ điểm nhìn nhân vật). Theo cách gọi của M. Bakhtin, đây là kiểu “câu hàm ẩn nhiều chủ thể”, “câu lai ghép”. Khép lại tác phẩm, từ điểm nhìn của mình, người kể chuyện ngôi ba lại thể hiện vai trò dẫn dắt của mình qua cách nhìn nhận: “Giá như bây giờ bên ta là những người thân. Và một người đàn ông đàng hoàng sẽ dạy ta cách nướng cá thật ngon... Trên cao lồng lộng chỉ có ánh sao lặng lẽ thắp sáng” [9, tr.183].

Qua phương thức trần thuật ngôi ba với sự dẫn dắt của tác giả hàm ẩn, chiều sâu nội tâm nhân vật được bộc lộ rõ nét và đa chiều hơn. Không áp đặt quan điểm, tư tưởng của tác giả một cách khiên cưỡng, những phong phú và phức tạp trong nội tâm nhân vật được thể hiện như nó vốn có. Con người cá nhân, cái tôi bản thể với những khát khao vì thế mà được nâng niu, trân trọng.

Dường như các góc cạnh khác nhau của đời sống đương đại đều được đưa vào ống kính vạn năng của người kể chuyện toàn năng trong văn xuôi Võ Thị Xuân Hà. Chẳng hạn, trong 13 câu chuyện của tập truyện Ăn trái đào hái hoa hồng đào, trừ 3 truyện ngắn là Chiều tà, Ăn trái đào hái hoa hồng đàoGió thổi được kể ở ngôi thứ nhất, người kể chuyện là nhân vật xưng tôi với điểm nhìn nội cảm, còn lại, các truyện: Băng Hắc Long Điểu, Hai bức thư đã được gởi trong tháng mở cửu ngục, Cuộc chuyện với cụ rùa, Cô gái mặc váy ngắn bước lên tàu điện, Xem mi-mô-za nở, Ngửa mặt cười khan, Mặt trời ở lại, Cát vùi trên tầng đất cổ, Sông sâu, Mùa chợ đều là những câu chuyện được kể ở ngôi kể thứ ba, người kể chuyện là tác giả hàm ẩn với điểm nhìn toàn tri và đôi lúc có sự di chuyển điểm nhìn.

Văn xuôi ngày càng khước từ chức năng “toàn tri”, dành sự quan tâm lớn với người kể chuyện ngôi ba hạn định. Đây cũng là nét đổi mới cơ bản trong nghệ thuật trần thuật của Võ Thị Xuân Hà. Câu trả lời dành để mọi người

đoán định. Dù sự tình không được tường minh nhưng ít nhiều cũng để lại một chút buồn, một chút thương, một chút tái tê khó lý giải. Đó chính là hiệu ứng cảm xúc từ kiểu người kể chuyện hạn định này. Và chính cái hiệu ứng ấy đã có tác dụng mạnh trong việc giúp người đọc nhìn lại những hiện thực của cuộc sống con người hậu chiến, và xót xa cho số kiếp của người con gái đáng thương. Đây là cách kể chuyện được Võ Thị Xuân Hà lựa chọn khi kể về Tư Nam trong tiểu thuyết Trong nước giá lạnh hay kể về Hoan trong Ngọa Sinh.

Do tính phân mảnh, lắp ghép, rời rạc của văn xuôi hiện đại nên điểm nhìn trần thuật trong tác phẩm cũng có sự thay đổi. Đó là hiện tượng di chuyển điểm nhìn, trần thuật đa điểm nhìn. Nhờ vậy, bản chất phức tạp của cuộc sống và những góc khuất tâm hồn của nữ giới mới được “lật tẩy” từ nhiều góc nhìn khác nhau. Tất nhiên, một tác phẩm có điểm nhìn di động sẽ làm nên tính phức điệu, đa thanh, vốn là đặc điểm cách tân nổi bật của văn xuôi hiện đại, phá vỡ sự độc tôn của tính đơn âm, đơn giọng. Hiện thực cuộc sống và con người trong sáng tác của Võ Thị Xuân Hà không chỉ cố định bởi một điểm nhìn duy nhất, bất biến mà nó được thuật lại qua sự luân chuyển điểm nhìn, cách đa dạng hóa điểm nhìn. Sự linh hoạt trong lối kể đa điểm nhìn góp phần thể hiện đậm nét thế giới nội tâm đầy ẩn ức của những nhân vật nữ. Những nhân vật nữ trong sáng tác Võ Thị Xuân Hà thường biến đổi theo xu thế tích cực, thanh lọc tâm hồn người cùng với sự dịch chuyển điểm nhìn. Do đó, điểm nhìn trần thuật trong văn xuôi của Võ Thị Xuân Hà có khuynh hướng

“chạm” đến điểm nhìn đạo đức. Đó phải chăng là niềm tin không lúc nào vơi cạn của nhà văn về bản chất hướng thiện của con người, hướng đến sự trân trọng và cảm thông cho những cảnh ngộ éo le của con người, đặc biệt là người phụ nữ. Tường thành, Trong nước giá lạnh với sự dịch chuyển linh hoạt từ người kể chuyện sang nhân vật, từ nhân vật này sang nhân vật khác là những tác phẩm minh chứng cho cách kể chuyện này.

Một số truyện ngắn của Võ Thị Xuân Hà có sự dịch chuyển điểm nhìn bởi các nhân vật. Bản chất cuộc sống vốn đa sắc, vì thế việc soi rọi ở nhiều góc quay, tiếp cận ở nhiều vị trí cũng chưa thể dám chắc là đã bao quát được hết mọi vấn đề. Chính vì vậy, trong sáng tác Võ Thị Xuân Hà, cùng một câu chuyện, một vấn đề nhưng lại được trao cho nhiều người kể chuyện ở nhiều điểm nhìn khác nhau. Bằng kinh nghiệm, kiến giải riêng, mỗi lời phát ngôn của các nhân vật là cách phát ra tín hiệu thăm dò, nhận thức về đối tượng. Hai bức thư đã được gởi trong tháng mở cửa ngục là một trong những truyện ngắn đậm tính nữ, với sự kết hợp sử dụng linh hoạt các ngôi kể và sự di chuyển rất sáng tạo trong điểm nhìn. Câu chuyện được bởi người kể chuyện giấu mặt và thể hiện ra dưới hình thức của hai bức thư. Trong thư, người kể chuyện khi thì là nhân vật nhà văn trong bức thư thứ nhất, khi thì là nhân vật cô gái trong bức thư thứ hai. Với hai ngôi kể chính, nhà văn đã có sự chuyển đổi linh hoạt giữa các phương thức trần thuật. Ở bức thư thứ nhất, người chuyện kể giấu mặt để nhân vật nhà văn dẫn dắt câu chuyện theo lời kể về cô gái. Đồng thời, nhà văn xưng tôi tự kể chuyện viết văn của chính mình. Ở bức thư thứ hai, người kể chuyện hiện thân qua nhân vật cô gái và chuyển ngôi kể để cô gái xưng tôi tự kể chuyện mình. Như vậy, sự thay đổi kết hợp linh hoạt giữa ngôi kể và điểm nhìn đã đem giọng điệu riêng cho câu chuyện và vì vậy cái tôi cá biệt nữ được bộc lộ chân thực mà phức tạp.

Võ Thị Xuân Hà đã và đang làm mới người kể chuyện, hạ bậc dần vai trò thống trị của người kể chuyện thượng đế toàn năng, lạ hóa người kể chuyện ngôi một và khéo léo “se duyên” cả hai ngôi kể. Thế nên, những câu chuyện kể của chị thường là tập hợp hệ thống các điểm nhìn. Với cách làm này, điểm nhìn nghệ thuật không chỉ được gia tăng mà còn thường xuyên xê dịch, đổi ngôi. Viết nhiều về người phụ nữ, lên án những quan niệm, những rào cản khiến người phụ nữ phải sống trong câm lặng và đau khổ, Võ Thị

Xuân Hà đã đặt người kể chuyện vào những vị trí khác nhau để họ cũng vẽ lên một bức tranh đa màu sắc, góp thành một phòng triển lãm tranh với muôn vàn cách đánh giá, muôn vàn tiếng nói đồng vọng về con người và cuộc đời.

Một phần của tài liệu Ý thức nữ quyền trong văn xuôi võ thị xuân hà (Trang 77 - 83)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)