Đề tài gia đình là đề tài quen thuộc, phổ biến của văn xuôi sau 1986 khi văn học trở về với cuộc sống đời thường. Mảng đề tài này tỏ ra phù hợp với phụ nữ, là mảnh đất để ngòi bút nữ đào sâu khám phá. Trần Thuỳ Mai với những câu chuyện về gia đình với những cơn sóng ngầm bên trong (Cánh cửa thứ chín, Dịu dàng như cỏ, Một mình ở Tokyô…); Y Ban với những trang viết bạo liệt về hôn nhân, gia đình (Trò chơi huỷ diệt cảm xúc); Nguyễn Ngọc Tư xót xa, cay đắng (Cánh đồng bất tận, Cải ơi! …). Võ Thị Xuân Hà cũng hướng ngòi bút vào những vấn đề nhạy cảm thuộc hôn nhân và gia đình. Tác phẩm của Xuân Hà dành sự quan tâm sâu sắc đến những người phụ nữ đang sống trong cuộc sống hôn nhân và gia đình với đức hy sinh, bao dung, vị tha,
lòng chung thủy, tình mẫu tử... là những phẩm chất biểu hiện bản năng giới - thiên tính nữ.
Viết về đời sống gia đình, Võ Thị Xuân Hà khẳng định bản năng và ca ngợi thiên chức làm mẹ, ca ngợi sự sinh nở “một nơi chốn mà không bao giờ có ở đàn ông” (Duras). Nhân vật nữ trong truyện ngắn Võ Thị Xuân Hà thường tỏa sáng bởi bản năng làm mẹ và tình yêu thương con hết mực. Bản năng đó của giới nữ chính là nguồn cội của sự sống loài người. Không cần nhiều hư cấu, chỉ xuất phát từ chính trái tim người mẹ, bao thế hệ nhà văn nữ đã viết thật chân thành và xúc động về thiên tính Mẫu. Nhìn từ góc độ giới, tinh thần nữ quyền được người phụ nữ biểu hiện qua thiên tính mẹ là sự “xác tín cá biệt nữ” một cách giản dị, tự nhiên và bền vững mà không cần phải hô hào để đấu tranh cho bình đẳng giới. Số phận xã hội của phụ nữ là hôn nhân, đó là bước ngoặt lớn trong cuộc đời của người phụ nữ, đánh dấu sự thay đổi vai trò và vị trí của họ trong gia đình. Từ đây, người phụ nữ sẽ thực hiện những quy chuẩn mới, những đòi hỏi mới khi bước chân vào cuộc sống gia đình. Hành trang và hoàn cảnh cuộc sống mới có khi mang lại cho họ hạnh phúc, cũng có khi trở thành bi kịch chỉ còn là những khổ đau. Tất cả những điều đó đều có thể thay đổi bởi các quan niệm xã hội khác nhau, chỉ có một điều không bao giờ thay đổi đó là thiên chức làm mẹ của người phụ nữ. Làm mẹ là thiên chức cao quý nhất đối với người phụ nữ. Bởi vì “Qua sinh đẻ, người phụ nữ thực hiện trọn vẹn số phận của mình về mặt sinh học; đấy là những chức năng “tự nhiên” của họ vì toàn bộ cơ thể phụ nữ hướng về việc lưu truyền giống nòi” [3, tr.132]. Truyện ngắn Đàn sẻ ri bay ngang rừng đã hơn một lần ca ngợi sự sinh nở của người đàn bà. Võ Thị Xuân Hà miêu tả Diễm “Xoạc cẳng thiếp đi trên bàn đẻ” sau khi cô “hạ sinh được một bé gái, mắt mũi miệng giống đúc nhà chồng” [12, tr.30] trong lần đầu tiên thực hiện thiên chức làm mẹ. Lần thứ hai, Diễm “đau quằn quại và lần lượt cho ra đời
hai thằng cu kháu khỉnh” [12, tr.39]. Trong truyện ngắn Đêm dài, Noãn Miên dù trải qua những mất mát và thiệt thòi nhưng cô vẫn cảm nhận được hạnh phúc vô bờ của người sắp làm mẹ. “Cái thai trong bụng thỉnh thoảng nhoáy một cái khiến lòng cô tràn ngập cảm giác hạnh phúc được làm mẹ. Gương mặt cô lại càng đẹp hơn, bí ẩn hơn” [17, tr.82]. “Miên nằm như thần Eva mang bầu” [17, tr.89].
Đọc Ngược dòng, Võ Thị Xuân Hà tái hiện hình ảnh người phụ nữ đang trong kỳ thai nghén. Hạnh cảm nhận sự hiện hữu của đứa con “Đứa con trong bụng của chị khẽ cựa quậy” [9, tr.97]. “Nó đạp mạnh lắm” [9, tr.99]. “Đứa con trong bụng cục cựa như muốn chìa tay ra trước ánh nắng mặt trời rực rỡ…Hạnh hít một hơi thật mạnh, thắt bụng vào như muốn trêu chọc đứa con”
[9, tr.100]. “Đứa con lại đạp lục bục trong bụng” [9, tr.104]. “Đứa con ngủ không được yên trong bụng cứ cục cựa” [9,tr.110]. Hạnh “nghĩ đến đứa con chưa ra đời và những điều tốt đẹp đang chờ nó” [9, tr.110]. Người đàn bà luôn lắng nghe mầm sống bẻ bỏng đang được nuôi dưỡng trong bản thân mình. Sinh linh chưa chào đời đó chính làm nơi dựa của người đàn bà. Cuộc sống chao đảo nhưng vì có con mà những người làm mẹ như Hạnh mới có thể giữ được thăng bằng để vượt qua. Nhưng cuộc sống quá nghiệt ngã đối với những người đàn bà làm mẹ khi còn quá trẻ, Võ Thị Xuân Hà mô tả nỗi đau chưa kịp ý thức của họ và xót xa. Trong tiểu thuyết Tường thành, nhà văn kể lại cuộc đời bất hạnh của cô gái điếm trẻ con và khắc sâu nỗi đau mất con đến hóa dại của nó. “Nó hóa điên hóa dại …Nó đi khách có thai…Bây giờ cứ ôm cái gốc chuối chỗ chôn cái thai nhi mà không chịu ra viện” [11, tr.318]. Đọc những dòng tâm sự trong truyện ngắn Vụng dại, chúng ta thấm thía nỗi đau ám ảnh của những người mẹ đánh mất con mình. Nhân vật tôi quyết định bỏ đi giọt máu chưa tượng hình để sau đó cô mãi mãi sống trong mùa đông tàn lụi. “Em sẽ bỏ đứa con này. Nó sẽ không có hình hài, không có quá khứ và tương lai” [17, tr.122].
“Tôi đang chia tay với đứa con không hình hài của mình” [17, tr.123], “Đi nhé, con. Sắp tới mùa đông rồi. Mùa đông tàn trong đời mẹ con mình. Mẹ hứa với con, suốt cuộc đời này mẹ sẽ luôn gởi áo ấm cho con, con ơi” [17, tr.125].
“Tim tôi bỗng nhiên thót lại. Tôi nhớ đứa con lang thang của mình. Mùa đông đã đến tôi phải đan cho con những chiếc áo ấm. Tôi bắt đầu xù lên như một con nhím điên khùng” [17, tr.231].
Tiểu thuyết Trong nước giá lạnh thể hiện nỗi đau của người đàn bà làm mẹ khi đứa con là kết quả của cuộc cướp đoạt bởi kẻ thắng thế trong chiến tranh. Tư Nam sinh con trong đau đớn quằn quại cả về thể xác lẫn tinh thần. Với cô đứa trẻ
“nó chỉ là con tôi thôi. Đừng ai hành hạ nó” [10, tr.210]. Cuốn tiểu thuyết hấp dẫn người đọc không chỉ là câu chuyện oái oăm của chiến tranh mà trên hết là ở tình mẫu tử thiêng liêng chính bởi lòng yêu thương con vô bờ bến của người làm mẹ. “Tôi mừng rỡ chạy đến gần. Mạ đưa tay vuốt tóc tôi, nắn nhẹ bầu ngực tôi như thầm đo nắn kết quả cuộc sinh thành của mình. Mạ có vẻ ưng ý về tôi.
Nụ cười người thoảng qua tôi như luồng sinh khí tiếp thêm cho tôi sức sống vô cùng vô tận. Khi tôi lau giọt nước mắt, ngẩng lên thì mạ đã không còn ở đó nữa. Rõ ràng bộ ngực tôi vừa ấm lên bởi bàn tay dịu dàng của mạ”[10, tr.162].
Thiên chức của người phụ nữ là làm vợ, làm mẹ. Điều hạnh phúc tưởng như quá đỗi tự nhiên đó không phải người phụ nữ nào cũng có được. Trong văn xuôi Võ Thị Xuôi Hà, những người phụ nữ làm vợ thật khó có thể tìm thấy sự bình yên và hạnh phúc gia đình. Bi kịch làm vợ, nỗi đau đàn bà của họ biểu hiện rất phức tạp song tất cả đều nói lên nỗi thống khổ của những người phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi, hi sinh. Võ Thị Xuân Hà cũng là một người phụ nữ chịu bi kịch đổ vỡ gia đình, một mình gồng gánh nuôi con. Chị thấm thía vô cùng những đau đớn của người đàn bà bất hạnh khi làm vợ. Mỗi trang văn như tiếng lòng ngân vọng, chị kể chuyện đàn bà làm vợ với tất cả
máu thịt của chính mình, của giới mình. Trong chùm truyện ngắn Chuyện của người con gái hát rong, Tôn Nữ Huyền Ngọc Thủy Châu là người đàn bà đẹp mỏng manh như một cái ly dễ vỡ nhưng cô không thể làm cho chồng thỏa mãn ái ân. Vì vậy, Chú Thanh, chồng cô trăng hoa với chị Sen, vú nuôi làm công trong nhà. Từ một người đàn bà đẹp người đẹp nết, cô đã sinh ra bất mãn và tuyệt vọng trước sự đổ vỡ hạnh phúc vợ chồng và đứa con gái bé bỏng bị chết tức tưởi. Cô chọn cách dùng tiền để mua đàn ông phục vụ cho những ham muốn tầm thường, hòng xua đi nỗi cô đơn đè nặng trong lòng cô.
Cô trượt dài trong nỗi đau đớn của người đàn bà thất bại khi làm vợ. Còn người đàn bà trong câu chuyện Con đường đi qua sườn đồi lại mang nỗi khổ tâm riêng. Chị “ngồi cong cong trước gió, một người đàn bà không soi gương”[12, tr. 17]. Chị thổ lộ: “...chợt nhận ra một điều kì lạ lắm...Thật là khó quen với hạnh phúc, còn nỗi đau khổ thì ai cũng khư khư ôm lấy”[12, tr.20]. Chị kể về cô gái hay chị tự kể về mình, tác giả không nói rõ nhưng chỉ biết rằng sự thật làm vợ của người đàn bà quá buồn thương. “Sắc đẹp của cô trở thành tai họa nên ngay sau khi cha cô mất, Cô bằng lòng cho bà lão gả cô cho một người hiền lành nhất trong làng...Nhưng để sống yên ổn với chồng, cô phải lén hái lá găng để ngậm. Lá găng làm cho da dẻ cô dần dần sần sùi, giọng nói khàn đi. Bây giờ, cô ấy không còn đẹp như xưa nữa...Hình như chị cố giấu điều gì. Hoặc là những giọt nước mắt...”[12, tr.22-23]. Người đàn bà đẹp người ấy muốn bình yên làm vợ nên buộc phải cắt xén bản thân, thậm chí hủy hoại nhan sắc vốn có. Nhưng làm sao chị có thể hạnh phúc khi chị không được là chính mình. Diễm trong Đàn sẻ ri bằng ngang rừng có lẽ là người may mắn hơn. Chồng cô rất yêu cô. Nhưng cô cũng không thoát khỏi “vết thương vĩnh viễn của kiếp đàn bà”[12, tr.29]. Gia đình chồng khiến cô “đâm ra thù ghét”, “ông bố chồng gầm lên như tên đồ tể...Bà mẹ chồng đần độn vừa đi vừa càu nhàu: nó cãi lần nữa thì tao trả, con dâu trưởng thế trông cậy
vào ai”[12, tr.25]. Một gia đình cổ hủ, bảo thủ và gia trưởng, làm sao Diễm thỏa mãn với tình yêu của chồng, vì vậy, hạnh phúc với Diễm chẳng thể trọn vẹn. Tiểu thuyết Tường thành tái hiện bi kịch của người làm vợ trong xã hội hiện đại đầy cám dỗ và tệ nạn. Dì của Cầm Kỳ sống trong uất ức, ghen tuông và đầy hoài nghi. Dì Chân là người vợ lúc nào cũng lo cay cáy bởi chồng rất dễ ngoại tình. Dì “căm hận, luôn đề cao cảnh giác” với Phương Nam. “Dì nói (về Phương Nam) mà chảy nước mắt ra”[11, tr.113]. Nỗi khổ làm vợ của Dì Chân là nỗi lo thường trực khiến cuộc sống của dì luôn căng thẳng, chờ đợi mà bất lực. Làm vợ ông chủ bút “nổi tiếng” thật không phải là diễm phúc của Dì. Đồng cảm với nỗi khổ người đàn bà làm vợ, Võ Thị Xuân Hà còn ca ngợi những người phụ nữ chịu thương chịu khó, đôn hậu, vị tha và giàu lòng hi sinh như Đào trong Lúa và Đất, như Hồng trong Ngày hội lúa, như người đàn bà trong Lúa hát...Những người phụ nữ khát khao hạnh phúc gia đình, khát khao được làm tròn thiên chức của mình, luôn được Võ Thị Xuân Hà dành cho những dòng văn thấm đẫm yêu thương và trân trọng.
Viết về đề tài gia đình với hai phương diện nổi bật là thiên tính mẹ và thiên chức làm vợ, văn xuôi Võ Thị Xuân Hà đã dành cho người phụ nữ những trang viết đậm bản sắc giới. Người vợ, người mẹ trong sáng tác của chị luôn sống hết lòng vì chồng vì con. Họ là những người đàn bà giàu tình yêu thương và đức hi sinh. Họ nâng niu, vun đắp hạnh phúc và tận tâm vì tương lai con trẻ. Bằng sự nhạy cảm và tinh tế rất đàn bà, Võ Thị Xuân Hà đã góp cho giới nữ tiếng nói nữ quyền giàu sức lan tỏa và lay động lòng người.
Những trang viết về người vợ, người mẹ của chị vì thế chạm đến chiều sâu tình cảm người đọc và tìm được sự đồng điệu tự nhiên và chân thành nhất.