Sau 1986, văn xuôi viết về chiến tranh chính là sự tỏa sáng của bản thể, là sự khám phá chiều sâu tâm linh, để văn chương ngày càng trở về đúng với giá trị đích thực của nó. Các nhà văn khai thác hình tượng nhân vật một cách triệt để, toàn diện theo hướng phản ánh chân thực hiện thực chiến tranh và số phận con người. Nhân vật được khắc họa với những nếm trải tận cùng, dồn nén tận cùng, những trăn trở suy tư tận cùng xúc cảm. Các nhà văn đã đi sâu phản ánh số phận con người, những thương tổn về thể xác và cả những chấn thương về tâm hồn không chỉ trong chiến tranh mà cả sau chiến tranh. Nhà văn không chỉ dừng lại để mô tả hiện thực chiến tranh mà soi rọi vào mặt trái của nó để phát hiện ra con người bên trong của số phận mỗi người. Nhà văn đã lột tả được bản chất của chiến tranh và ở mỗi tác giả do đứng ở những góc độ khác nhau nên cuộc chiến hiện lên với nhiều màu sắc, đường nét khác nhau. Chiến tranh đi qua nhưng tàn tích của nó vẫn còn để lại dấu ấn trong hiện tại. Chiến tranh được nhìn từ số phận cá nhân của con người. Đặc biệt là người phụ nữ. Trong nhiều trang viết, Võ Thị Xuân Hà đều ám ảnh nỗi đau chiến tranh: “Nếu bảo rằng tôi không bị ảnh hưởng hoặc không bị đau đớn vì
cuộc chiến tranh mình không trực tiếp tham gia, thì đó chỉ là một cách cố che giấu đi những mất mát của mình mà thôi” [49]. Nhà văn xác nhận: “Tôi không trực tiếp tham gia trong cuộc chiến, nhưng lại đích xác là một đứa con sinh ra từ trong chiến tranh. Gia đình nội ngoại của tôi ngổn ngang thế sự của những số phận trái ngược, trái ngang từ nỗi tang thương của dân tộc trong chiến tranh. Nên hình như tôi không muốn mà vẫn cứ phải dùng những thủ pháp chênh vênh, để nhìn ra chiến tranh - hoà bình, thiện - ác, chính nghĩa - phi nghĩa... từ cái góc nhìn độc đạo của mình” [46].
Võ Thị Xuân Hà cũng như một số nhà văn cùng thời với mình như Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban, Lý Lan, Dạ Ngân… sinh ra trong những năm đất nước còn chìm trong khói lửa đạn bom, nhưng lớn lên trong thời hậu chiến nên họ tiếp cận đề tài chiến tranh qua cách nhìn nhận lại nỗi đau của những người phụ nữ bước ra từ cuộc chiến. Đó là thế hệ cuối cùng có mối liên hệ trực tiếp với chiến tranh. Điều này tạo ra những đặc điểm chung: “các nhà văn thế hệ này càng ngày càng ít là nhà văn quân đội như thế hệ ngay trước đó, tuy nhiên mối liên hệ với chiến tranh vẫn thể hiện trong đề tài tác phẩm, nhiều tác phẩm viết về chiến tranh. Cái khác là ở chỗ cách nhìn về chiến tranh, cảm giác về chiến tranh, cũng như cách khai thác thời kỳ hậu chiến”
[64]. Các tác phẩm viết về đề tài chiến tranh của Võ Thị Xuân Hà không phải là gam màu chủ đạo trong bảng màu sắc văn chương của chị nhưng lại rất sâu sắc với hình ảnh con người trong cuộc chiến và cả trong thời hậu chiến, đặc biệt là giới nữ. Nhà văn khai thác bi kịch số phận nhân vật nữ ở những khía cạnh khác nhau nhưng tất cả đều nhìn thấy được nỗi đau đớn, dằn vặt, những mất mát hi sinh của con người mà nguyên nhân chính là tác động khủng khiếp của chiến tranh.
Trong tiểu thuyết Trong nước giá lạnh, chiến tranh đè nặng lên số phận của những người phụ nữ. Những người đàn bà như Tư Nam đã mất đi tất cả
chính bởi vì sự tước đoạt tàn bạo của chiến tranh. Nó không chỉ lấy đi hạnh phúc, tuổi trẻ của những người phụ nữ tham chiến mà nó còn để lại nỗi đau với những thế hệ phụ nữ hậu chiến, những người sinh ra bởi tại chiến tranh.
Niệm là thứ mà đại úy Trọc viện vào chiến tranh cướp được của Tư Nam, thân phận, tình yêu và hạnh phúc của Niệm, vẻ đẹp thừa hưởng từ mẹ của Niệm, tất cả đều bị chà đạp và hủy hoại bởi chiến tranh. Sinh ra trong đau đớn vô hạn của mạ, trong nỗi tuyệt vọng và phẫn nộ đến độ bật thành hành động nguyền rủa của cha nuôi, Niệm sống âm thầm, thiếu vắng cả cha và mạ suốt những tháng ngày thơ ấu. Lớn lên dù xinh đẹp đến say đắm lòng người nhưng không ai đến gần, không ai hỏi cưới Niệm vì có cha ruột là tên ác ôn. Niệm cộc cằn và cô độc. Niệm lặng lẽ sống với chồng chất những mặc cảm đau đớn, dằn vặt và cả những phẫn uất câm nín. Hơn thế nữa, chiến tranh còn cướp đi niềm khao khát tình yêu, hạnh phúc của Niệm. Niệm buông xuôi tất cả, những tưởng sẽ ngâm mình trong nước giá lạnh mãi mãi nếu không có Thể kéo cô lên và buộc cô làm vợ Thể. Cuộc đời Niệm cũng giống như mạ Niệm đều khó tồn tại được trước bão táp của chiến tranh. Mạ đẹp và Niệm đẹp, vẻ đẹp chỉ có thể là tai họa, là ngang trái và bi kịch khốn cùng không cứu vãn nổi dưới đế giày mang tên chiến tranh. Những người đàn bà khác như vợ và người ở của tên đại úy Trọc cũng đều không thoát khỏi móng vuốt sắc nhọn của chiến tranh. Người đàn bà, vợ gã ác ôn, xinh đẹp, sống lối sống ăn chơi, buông thả, “thiếu tính truyền thống gia đình” [10, tr.59] và là “con me Mỹ mọi” [11, tr.60]. Cô ta là sản phẩm của xã hội đầy tiếng súng nên sống hưởng thụ, sa đọa và đầy nhục thể. Một cô bé giúp việc mười sáu tuổi với bàn tay dịu dàng, thân thể đang tràn trề sinh lực trẻ trung bị tước đoạt, bị chiếm hữu ngay lập tức. Để sau đó, vĩnh viễn hạnh phúc rời xa, cuộc đời cô chỉ còn lại những dằng dặc đay nghiến, lỡ làng… “Tui phung phí thời con gái, phung phí sắc đẹp…làm tui sảy thai” [10, tr.172]. Chiến tranh dựng lên “những
phiên tòa vô hình sau cuộc chiến. Phiên tòa không có chánh án chỉ có những bức tường ngăn cách lòng người. Cuộc chiến tàn khốc đã dựng lên bức tường đó, và cần phải phá vỡ nó để diệt hết những cái vòi bạch tuộc của nó, những chiếc vòi gây độc hại cho những thế hệ nối tiếp” [10, tr.147]. Những con người sống sót sau cuộc chiến luôn ám ảnh ghê gớm những gì họ trải qua, điều đó không cho phép họ mở lòng sống bao dung hay yêu thương chấp nhận mầm sống để lại của kẻ thù, kẻ phản bội. Lời người đàn ông, cha Việt, ngăn cấm Việt đến và yêu thương Niệm đã rất rành rọt: “Tao đã nói là phải tránh xa nó ra. Nó là thứ con hoang hiểu không ? Tao với mẹ mày còn lạ gì con mẹ nó. Thứ đàn bà đi hoang đó máu huyết hôi tanh hàng mấy đời…” [10, tr.98].
Cứ như vậy, những người phụ nữ rơi vào bi kịch của sự nhận thức: bi kịch chiến tranh của kẻ tham chiến và bi kịch hậu chiến của kẻ mang danh chiến thắng, bi kịch của những con người bị cộng đồng ruồng bỏ, những con người đó lại tự mâu thuẫn với chính bản thân. Sống với những chấn thương tinh thần nghiêm trọng, họ không thể vượt qua được bức tường ngăn cách, không thể nắm bắt kịp tình yêu và hạnh phúc của đời mình.
Truyện ngắn Bí ẩn một dòng sông mang đến thông điệp cảnh báo về những chấn thương tinh thần do chiến tranh gây nên. Trong những vết thương không mảnh đạn, lòng người ngăn cách chính là nỗi đau đẩy họ vào hoài nghi, mặc cảm, kì thị, phân biệt. Chiến tranh đã và đang dựng lên bức tường thành ngăn cách bằng tư tưởng con người. Trong nhật ký và trong những lần nói chuyện với Vịnh, Hạ, cô gái Bắc kỳ, thường nhắc đến. “Cuộc chiến tranh hơn hai chục năm đã dựng lên bức tường vô hình ngăn cách người Nam và người Bắc” [6, tr.49]. “Cuộc chiến tranh có thể kéo dài làm chai cứng tất cả” [6, tr.51]. “Hạ biết chiến tranh đã để lại nhiều hậu quả, kể cả việc dựng lên bức tường thành đáng sợ kia…Con gái Bắc kỳ không thể làm dâu xứ Huế” [5, tr.53]. Chiến tranh là đau thương, mất mát và chia ly nhưng không thể chịu
đựng nổi sự chia ly ngay cả khi trái tim còn đập. Tình yêu của Vịnh và Hạ đầy mộng mơ và trong trẻo nhưng bức tường tư tưởng vô hình do chiến tranh tạo nên kia đã chia cắt họ. Cả Vịnh và Hạ đều vô cùng đau đớn khi nhận ra hố sâu ngăn trở tình yêu của họ. “Bức tường ngăn cách. Không phải ngẫu nhiên mà Hạ cứ nhắc đến bức tường vô hình ấy. Chiến tranh đã đi qua lâu rồi, vậy mà chúng ta cứ tự dựng lên những rào chắn để làm khổ nhau” [5, tr.71].
Truyện ngắn Ngọa Sinh kể về Hoan, người đàn bà khát khao hạnh phúc làm vợ, làm mẹ. Chị là con gái của người lính đã hi sinh ở cửa ngõ Sài Gòn.
Trong trái tim yêu thương của chị, cha nào có lỗi gì với mẹ con chị. Hoan mang trong người độc tố gây ngọa sinh. Chị sinh ra cậu con trai dị hình dị dạng. Hạnh phúc vợ chồng không còn, chồng chị đay nghiến trong cơn điên giận. “Mẹ kiếp thương thay cho tôi. Cái giống nhà cô, nếu ngay từ đầu tôi biết đã không rước nợ vào thân. Huân huy chương của bố cô là cái thứ đếch gì? Có gỡ được cái vô phúc của nhà cô không? Huân huy chương có tẩy rửa được cái món ngọa quỷ trong cái nhà này không?” [15, tr.13]. Chiến tranh không còn vậy mà nó vẫn thò cái vòi bạch tuộc “mang chất độc hủy diệt lang thang trên cõi dương thế” [15, tr.23]. Nó tiêm nhiễm và hủy hoại bao gia đình, bao cuộc đời. Nó lẩn khuất như những bóng ma dật dờ mà lần lượt cướp đi niềm hạnh phúc thiêng liêng của những người đàn bà. Cướp mất những đứa con bình thường khỏe mạnh, cướp mất tương lai của người làm mẹ. Đó là mất mát quá lớn của con người mà không có giá trị vật chất nào có thể bù đắp nổi.
Sự hy sinh mất mát nào cũng là đau đớn đối với người đã chết và cả người đang sống mà con người không có sự lựa chọn nào khác.
Nhân vật Miên trong truyện ngắn Đêm dài lại chịu đựng bi kịch do chiến tranh tạo ra theo cách khác. Miên yêu anh bộ đội và những tưởng sẽ hạnh phúc mãi mãi trong tình yêu cháy bỏng. Nhưng tàn dư đạn bom còn sót lại sau cuộc chiến đã cướp mất Lượng. Anh hi sinh để cứu sống đồng đội mà không
kịp biết rằng Miên đã mang trong mình giọt máu của anh. Miên “trốn nhà, đi như mộng du suốt mấy đêm dài. Cô khóc lặng trong lòng. Không kêu gào . Không trò truyện. Cô câm nín ngôi trước mộ Lượng nhìn di ảnh anh. Cô không phải vợ anh, Chẳng có ai công nhận, cả bố mẹ và gia đình họ hàng cô không ai muốn công nhận. Ngay cả gia đình anh…họ sẽ không bao giờ chấp nhận cô” [17, tr.81]. Miên bỏ học, vào Tây Nguyên sinh con. Miên chấp nhận tha hương, ly tán người thân khi mà chiến tranh không còn. Miên mất Lượng là thiệt thòi, dang dở, lỡ làng. Bình, người đồng đội được Lượng cứu muốn bù đắp cho Miên, lấy Miên và chăm sóc mẹ con Miên nhưng chiến tranh với những di họa của nó không buông tha Miên. Có thai với Bình, Miên trải qua nỗi đau đớn kinh hoàng khi “sinh ra một cái bọc thịt” [17, tr.87]. Còn “Bình bị chất độc màu da cam hành hạ, đã trở nên lú lẫn, la hét suốt ngày” [17, tr.87]. Đó là loại vết thương vô hình của chiến tranh nằm trong cuộc đời Miên. Nó không hiện hữu ra bằng mảnh đạn hay máu rỉ nhưng nó đau đớn dai dẳng và âm thầm tàn phá cuộc đời Miên. Một lần nữa, di họa của chiến tranh đã phủ lên đời Miên những đêm dài thăm thẳm cô đơn, dằn vặt. Qua những mất mát của cô, chúng ta như thấm thía thêm nỗi kinh hoàng của chiến tranh mà ánh sáng vàng vọt của thời bình chưa đủ sức để sưởi ấm và hoàn sinh tái tạo.
Qua truyện ngắn Đàn sẻ ri bay ngang rừng, Võ Thị Xuân Hà tái hiện vong hồn của người lính chết trận với những khát vọng nhân bản. Bằng cách thể hiện mới mẻ, trong tác phẩm, nhà văn đã dựng lên thế giới cõi âm – thế giới của những người chết trận cùng sinh tồn với thế giới của những người đang sống. Đây chính là hướng tiếp cận mới của nhà văn khi viết về chiến tranh. Vì thế, tác phẩm này vừa có tác dụng tô đậm thêm tính khốc liệt của trận chiến vừa làm nên giá trị nhân văn sâu sắc. Diễm, cô em chồng của Nẫm, luôn nhớ đến Nẫm, nghĩ về Nẫm mà ngay từ khi yêu, cô đã cảm thấy tình yêu
dợm mùi thuốc súng. Khi sinh con, Diễm mơ thấy Nẫm về. “Trong đáy ví lủng củng son phấn của tôi có mẩu thư hoen ố của anh Nẫm: “…Yên ắng quá. Chúng con thèm nghe tiếng gà gáy, tiếng trẻ con khóc…” Tôi bần thần nghĩ: liệu có thước phim nào mô tả được hết sự khủng khiếp của những phút giây yên ắng giữa cuộc chiến? Anh Nẫm giờ nằm đâu giữa bạt ngàn lau lách quanh thành cổ” [12, tr.35]. Nẫm và cả cuộc chiến ám ảnh hiện hữu trong cuộc sống lẫn ý nghĩ của Diễm. Một nỗi tiếc thương, một sự tưởng nhớ về những người đã hi sinh vĩnh viễn không thể trở về dù chỉ còn là sự trở về của tro cốt. Nẫm chỉ có thể trở về sau cuộc chiến và chỉ có sống bằng ký ức của những người thân yêu. Linh cảm và giấc mơ của Diễm về Nẫm cũng chính là biểu hiện của con người tâm linh. Xét cho cùng, đó chính là sự mách bảo của bản năng sống. Trong cuộc sống có nhiều điều mà sự giải thích vượt ra ngoài tri thức nhân loại. Việc khám phá sâu vào cõi tâm linh, mở ra những miền phong phú bí ẩn khôn cùng của con người, xuất phát từ khát vọng khám phá con người ở nhiều thang bậc giá trị chính là con đường mới đạt đến những khát vọng nhân bản.
Văn xuôi viết về chiến tranh của Võ Thị Xuân Hà đã tái hiện số phận bi kịch của những người phụ nữ. Trong và sau chiến tranh, họ phải chịu đựng những nỗi đau, những mất mát quá lớn mà không có giá trị vật chất nào có thể bù đắp nổi. Đó chính là cái nhìn về mặt trái của hiện thực chiến tranh. Qua những tác phẩm này, chiến tranh được phản ánh một cách toàn diện, đa chiều với tinh thần nữ quyền khá sâu sắc. Đó chính là những phương diện nội dung làm nên giá trị nhân văn của tác phẩm. Sự tác động khinh hoàng của chiến tranh đến số phận con người thể hiện qua thân phận và nỗi đau của những người phụ nữ được phản ánh chân thực, sâu sắc và toàn diện hơn bao giờ hết.
Tất cả nhằm thể hiện cái nhìn mới về chiến tranh mà Võ Thị Xuân Hà, người phụ nữ cầm bút đã khẳng định bằng các tác phẩm kể trên. Vì thế, tiếng nói nữ
quyền cất lên từ những trang viết về chiến tranh có sức lay động mạnh mẽ, chan chứa tinh thần nhân văn cao đẹp. Chiến tranh không chỉ tước đoạt tuổi thanh xuân, sinh mạng và hạnh phúc của những người phụ nữ mà nó còn gây lên những chấn thương tinh thần không thể chạy chữa, nó tước đoạt quyền làm mẹ, làm vợ, quyền được yêu thương và đối xử công bằng. Những người đàn bà như Tư Nam, Niệm, Hạ, Hoan, Miên...mãi mãi chịu đau khổ, bất hạnh bởi chiến tranh. Như vậy, với cách nhìn mới về một đề tài cũ, Võ Thị Xuân Hà đã dám nhìn thẳng vào mặt trái hiện thực cuộc chiến và thời hậu chiến để phản ánh bao điều còn day dứt, trăn trở. Đó cũng là một cách thể hiện ý thức nữ quyền, một thái độ thẳng thắn để nói lên tiếng nói của chính giới mình. Số phận và nỗi đau của người phụ nữ trong chiến tranh và cả trong thời hậu chiến đều là những nỗi đau thân phận của con người. Giọng văn của Võ Thị Xuân Hà cứ nhẹ nhàng đưa người đọc đến với hiện thực tàn nhẫn, để từ đó hướng ngòi bút vào nỗi đau của người phụ nữ cũng như quyền sống của họ. Đó là tiếng nói tri ân thể hiện sự cảm thông sâu sắc dành cho giới mình.