Giọng giãi bày, thương cảm

Một phần của tài liệu Ý thức nữ quyền trong văn xuôi võ thị xuân hà (Trang 93 - 97)

3.3. GIỌNG ĐIỆU TRẦN THUẬT

3.3.1. Giọng giãi bày, thương cảm

Giãi bày, thương cảm là giọng điệu chủ đạo trong sáng tác Võ Thị Xuân Hà, đặc biệt là ở những truyện ngắn ra đời trong giai đoạn đầu sáng tác. Đọc những tác phẩm này, chất giọng thủ thỉ như tâm tình, bộc bạch tựa giãi bày thật đa dạng mà đầy thương cảm. Có khi là giọng điệu giãi bày ấm áp chan chứa yêu thương, đôn hậu trong (Nghề giáo, Mùa nước lên, Cổ tích cho tuổi học trò) có lúc trữ tình sâu lắng da diết như trong (Cà phê yêu dấu, Cô gái đúc thánh, Chuyện của con gái người hát rong) khi thì dằn vặt đau đớn, xót xa (Ngọc trong tim, Bông hồng duy nhất, Bạn gái, Những trang bản thảo ) hoặc có lúc lại như trăn trở đầy nghẹn ngào, khắc khoải (Vĩnh biệt giấc mơ ngọt ngào, Lời cầu khẩn, bay lên miền xa thẳm, Dưới cơn gió thoảng...). Giọng điệu này thể hiện tình cảm tha thiết và tấm lòng đôn hậu, sự cảm thông sâu sắc với những phận nữ éo le, bất hạnh của nhà văn. Đó là những trang viết về cuộc sống hẩm hiu, buồn tẻ của Đào trong Lúa hát : “Người đàn bà đang hì hục bắp lên bếp nồi cám lợn. Chị đẩy rơm vào bếp, rồi nhìn lửa cười. Khi nồi cám đã sôi lục bục, thơm nức, chị đứng dậy vớ cuốc ra đồng (…). Trong thời khắc tranh tối tranh sáng, Đào đứng sững người trước cái chuồng bò trống không.

Chị ôm đầu: Trời ơi! Con nâu… Ngoài ngõ, thằng Tư bạn cùng lớp với con gái của họ, núp sau một bụi cây ngó vào. Nó buồn rầu nhìn cái chuồng bò rỗng không như chia sẻ” [12, tr.177- 185]. Bên tai Đào vẳng lời thằng Tư đang chơi trò Bao Công xử án: “Đàn bà chúng con liệu có bao giờ được đối xử công bằng với đàn ông? Vì sao đàn bà lại là chiếc xương sườn của đàn ông”[12, tr.185]. Có khi giọng điệu ấy mang niềm xót thương cho duyên tình bạc bẽo và khát khao yêu thương của Chị trong truyện ngắn Hành trình.Chị đã yêu một người khác, chỉ vì trong khoảnh khắc, chị nhìn thấy chị tỏa sáng ở người ấy.

Chị không thể không tỏa sáng, em hiểu không…Em không thể hiểu ước muốn tỏa sáng ở một người đàn bà …Chị không thể là một hạt bụi được…Em biết không, lúc nãy chị đã buông xuôi tay trong lòng biển. Đúng lúc đó chị lại thấy ánh sáng lấp lánh của những hạt bụi bay trên vũ trụ. Và chị bỗng dưng muốn tha thứ hết thảy, ngay cả chính mình”[12, tr.250-254]. Giọng điệu thủ thỉ, giãy bày đầy thương xót ấy đi sâu, lột tả, khám phá những suy tư, trăn trở, dằn vặt trong tâm hồn nhân vật. Vì vậy, câu văn như tức tưởi, nghẹn ngào, dòng cảm xúc lắng sâu vào bên trong thành niềm đau san sẻ.

Võ Thị Xuân Hà còn thể hiện giọng điệu ấy trong cách xây dựng cốt truyện, khi các sự kiện lắng xuống nhường chỗ cho cảm xúc, hoài niệm tràn về trang văn. Trong văn xuôi Võ Thị Xuân Hà, kiểu nhân vật hành động ít hiện diện mà thay vào đó chủ yếu là kiểu nhân vật tâm trạng, cũng vì vậy mà cốt truyện trong rất nhiều sáng tác của chị không thiên về miêu tả các biến cố, sự kiện xảy đến với nhân vật mà thiên về làm nền cho nhân vật bộc lộ tâm trạng. Đó chính là kiểu cốt truyện tâm lí rất phổ biến trong văn xuôi Võ Thị Xuân Hà như Người đàn bà và những con rối, Dưới cơn gió thoảng, Cà phê yêu dấu, Ka-chi đậu trên mái nhà, Bí ẩn một dòng sông, Bầy hươu nhảy múa, Chuyện của con gái người hát rong, Ngôi sao chiếu mệnh… Nói cách khác, rất nhiều tác phẩm của Võ Thị Xuân Hà là kiểu truyện ngắn trữ tình. Do vậy, những biến tấu của giọng giãi bày, thương cảm trong văn xuôi Võ Thị Xuân Hà cũng rất giàu âm sắc và cảm xúc. Có khi là sự giãi bày, thủ thỉ thật ấm áp, đôn hậu về tình thầy trò: “Đêm về, lũ trẻ quây quần bên quanh mâm cơm do con Thắm, con Sao đảm nhiệm. Ồn ào và nghịch ngợm nhưng niềm hạnh phúc mà lũ trẻ được hưởng đã lây sang mẹ con Thùy, thậm chí cả ở những dòng chữ yêu thương mà Thùy gửi cho chồng” trong truyện ngắn Nghề giáo.

Có khi là sự thương cảm, đầy bao dung và trân trọng nỗi khát yêu, dám sống, dám yêu của người đàn bà trong truyện ngắn Mây giăng: “Em và anh ấy yêu

nhau. Đúng hơn là em yêu anh ấy và cố tìm mọi cách để được gần gũi…

Nhưng em quyết giành giật tình yêu cho mình dù chỉ trong một thời khắc ngắn ngủi để được biết thế nào là tình yêu của chính mình”[15, tr.53]. Nhưng có lúc lại chất chứa sự thương cảm, xót xa khi nghĩ về nỗi khổ, sự bất hạnh của kiếp người sinh ra mà lại là đàn bà “Tôi ngồi xoài trên nền đất chùa, bấm đốt tay tự đếm. Nếu đàn ông sinh ra được làm đàn ông rồi, thì phải tu tiếp để kiếp sau được làm đàn ông tiếp. Kiếp sau nữa được làm đàn ông tiếp. Rồi đàn bà cũng tu bao nhiêu kiếp để sau đó được làm đàn ông. Sau đó, hạ giới sẽ hết

đàn bà… Ôi đàn bà! Ôi Vương phi Ỷ Lan! Ôi mẹ tôi! Chị tôi! Tôi nữa!”

[15, tr.65]. Viết về phụ nữ, giọng điệu Võ Thị Hảo cũng là giọng cảm thương lẫn day dứt, hoài nghi: “Ồ không, em tưởng ta yêu cái linh hồn bé bỏng, tội nghiệp của em sao? Ôi! Khốn khổ, khốn khổ thay cho đàn bà, kiếp người ngắn ngủi mà các người thì suốt đời đeo đuổi những điều cao siêu mây gió” (Tim vỡ); “Một mình nàng quằn quại với nỗi đau. Nỗi đau của cả giới đàn bà. Vậy mà nàng phải chứa chấp nó trong trái tim bé nhỏ” (Tim vỡ). Y Ban viết thật bạo liệt nhưng có lúc giọng điệu cũng đầy thương cảm. Nhà văn đã đứng về phía những người phụ nữ nhỏ bé để lớn tiếng bênh vực họ “Thị chỉ muốn thiên hạ hiểu cho được những nỗi thống khổ của những người đàn bà nghèo phải rời bỏ quê hương đi làm ăn. Thị chỉ muốn thiên hạ hiểu cho những nỗi thống khổ của đàn bà. Thị chỉ muốn thiên hạ nhận ra sự tốt đẹp của đàn bà để tha thứ lỗi lầm cho họ” (I am đàn bà).

Những nhà văn nữ đã gặp gỡ nhau ở tấm lòng, ở thiên tính nữ. Nhiều truyện của Võ Thị Xuân Hà cứ rưng rưng xúc cảm khi nói về giới nữ. Chuyện của con gái người hát rong được kể như một khúc tâm tình tha thiết. Người nghe như được đắm chìm vào không khí buồn buồn của câu chuyện. Tâm trạng da diết, đắng cay của nhân vật được thể hiện qua những lời bài hát xen vào với việc miêu tả tâm trạng nhân vật: “đến lượt tui nước mắt mờ cầm đàn.

Tui cầm lòng để tha thiết khúc dang dở: “Ân tình kia bỗng như khói mờ, ngày tháng xưa nay còn đâu. Bao mộng xưa nay như giấc mơ, ôi giấc mơ tan trong ngỡ ngàng” [13, tr.223].

Những tác phẩm viết về chiến tranh của Võ Thị Xuân không thiên về giọng thành kính, trang trọng sử thi mà bàng bạc chất giọng cảm thương. “Một cuộc chiến đấu thành công? Một sự thay đổi cục diện? hay một cuộc chết chóc lớn?

Không, nhất định phải thắng, cho dù có hi sinh ít nhiều…Phía dưới sông một điệu hò cất lên buồn da diết: Hò ơi…Trước bến Văn Lâu. Ai ngồi ai câu. Ai sầu ai thảm…Hò ơi…Ai thương ai cảm. Ai nhớ ai trông…Hò ơi…”[10, tr.158]. Câu hò đan xen với lời kể tạo ra giọng điệu cảm thương đến nhức buốt. Trở về với cuộc sống thời bình nhưng dường như nỗi đau còn đeo đuổi, bám riết và hành hạ những người tưởng như may mắn thoát chết sau cuộc chiến. Họ tiếp tục bị dày vò về thể xác, giày xéo về tinh thần, chơi vơi giữa dòng xoáy định mệnh chiến tranh. “Tôi thấy thương cha tôi với những tội lỗi mà ông đã gây ra cho mạ tôi, cho bao người khác, cho chính sự xuất hiện của tôi trên cõi đời. …Họ xa lánh quá khứ đau thương mà cha tôi là hiện hữu của quá khứ đó. Hay họ xa lánh kẻ đã vấy máu, dù cố sức rửa sạch nhưng mùi tanh của những linh hồn còn phảng phất? Họ xa lánh tôi vì tôi là kết quả của một chuyện tình méo mó? Hay họ xa lánh tôi vì tội nghiệp cha nuôi tôi?Tất cả...”[10, tr.182-183]. Bằng sự cảm thương được thủ thỉ giãi bày thể hiện niềm thương xót đến tê dại, đớn đau, nhà văn đã lột tả sắc nét sự hủy hoại ghê rợn của chiến tranh đối với con người cả về thể xác lẫn tinh thần. “Mặc dù chiến tranh đã chấm dứt, mặc dù mọi sự đã dần đi vào quỹ đạo, mà những con người nhỏ bé vẫn ngơ ngác, sợ hãi cái ngày hôm qua…”[10, tr.183].

Đọc văn Võ Thị Xuân Hà, có một điều dễ nhận ra đó là ngay cả khi nói về đau khổ, bi kịch trớ trêu, hay lòng thù hận, chị cũng sử dụng một giọng văn đằm thắm, dịu dàng, đầy nữ tính chứ không bạo liệt và khô khốc, gai góc.

Chất giọng thủ thỉ giãi bày đầy thương cảm hòa quyện nhuần nhụy trong chất giọng chất vấn, hoài nghi. Giọng điệu ấy của Võ Thị Xuân Hà như ngạc nhiên, xót xa, phẫn uất. Sự chua xót, phẫn uất nhưng rất đỗi đằm thắm dịu dàng và cam chịu, những cảm xúc như tràn ra trang viết, ám ảnh người đọc bởi sự xót xa, sự ngạc nhiên về điều vẫn thường diễn ra trong cuộc sống bình dị ấy. Đây rõ ràng là giọng điệu của một người phụ nữ, một tâm hồn đậm tính nữ, khẳng định nét riêng trong giọng văn của Võ Thị Xuân Hà.

Một phần của tài liệu Ý thức nữ quyền trong văn xuôi võ thị xuân hà (Trang 93 - 97)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)