Sinh hoạt văn hóa dân tộc

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật tiểu thuyết cao duy sơn (Trang 44 - 50)

Chương 2: HIỆN THỰC CUỘC SỐNG VÀ CON NGƯỜI TRONG TIỂU THUYẾT CAO DUY SƠN

2.1. Bức tranh hiện thực miền núi đa dạng

2.1.2. Sinh hoạt văn hóa dân tộc

Thế giới nghệ thuật trong các tiểu thuyết về đề tài miền núi có sức hấp dẫn và cuốn hút riêng bởi vẻ đẹp tâm hồn và bản sắc dân tộc của người miền núi qua những câu chuyện đầy giá trị nhân văn. Tây Bắc càng quyến rũ và bí ẩn với nhiều sắc màu văn hóa của các dân tộc anh em. Là một nhà văn sống, gắn bó với thị trấn Trùng Khánh – Cao Bằng, Cao Duy Sơn am hiểu sâu sắc và tường tận bản sắc văn hóa của con người nơi đây. Từ đó, Cao Duy Sơn chắt lọc những tinh túy của văn hóa các dân tộc, nhất là dân tộc Tày để tạo nên một không gian văn hóa đặc sắc với tấm lòng trân trọng và tự hào về những giá trị văn hóa cổ truyền. Cao Duy Sơn xây dựng không gian xã hội miền núi mang đậm bản sắc Tày với những phong tục: Chợ tình, tục lệ khai vài xuân, tục cướp vợ, tục trốn nhà chồng về nhà mẹ đẻ, tục lượn then của trai gái…: “Tiếng lượn then là sợi “khau thương” “khau Tài” trói lời nguyện ước trăm năm. Muốn lấy được lời hát của bạn gái mình động lòng nhớ thương, trai

Tày phải cầm khăn tay trắng phất qua đầu ba lần, cùng với một tiếng hú cất lên thống thiết làm hiệu”.

Dẫu Tây Bắc đang ở những năm tháng thăng trầm, khó khăn, cái cũ và lạc hậu vẫn đang tồn tại nhưng văn hóa Tây Bắc, nhất là những phong tục tốt đẹp, những lễ hội đặc sắc vẫn đang góp phần làm phong phú thêm cho đời sống tinh thần của dân tộc. Trong Chòm ba nhà, chúng ta sẽ bắt gặp một nét đẹp văn hóa với tục ăn khoai kiểu “ìu mằn”. Cách xếp lò nướng khoai cũng hết sức độc đáo: “Những hòn to như bát con được chọn đặt làm đế. Tiếp đến là những hòn nhỏ hơn. Xếp được ba lớp thì bắt đầu thu nóc. Thu nóc nghĩa là sẽ xếp kín theo kiểu mái vòm mà không cần hỗ trợ của cây que, chỉ những hòn đất tựa nhau tạo nên. Đây là công đoạn đòi hỏi kinh nghiệm và khéo léo.

Chỉ một sơ suất nhỏ lò sẽ bị sập” [41, tr.38]. Và cách ăn cốm cũng rất sành điệu: “Chị đổ cốm đã trộn với bột hạt dẻ vào một khuôn hình vuông. Chiếc khuôn làm bằng bốn thanh gỗ mỏng, bào nhẵn, chốt góc, có thể dễ dàng tháo ra, lắp vào. Chị dùng một miếng gỗ trông hệt chiếc bàn xoa của thợ nề dàn đều mặt và ép nhẹ cốm trong khuôn. Xong rồi chị đặt thước và dùng dao mỏng xắt cốm thành từng miếng vuông” [41, tr.61].

Phải sống và gắn bó máu thịt với quê hương, Cao Duy Sơn mới dựng lại được một bức tranh văn hóa sinh động của đồng bào Tây Bắc. Nhất là trong tình hình hiện nay, khi bản sắc văn hóa của các dân tộc đang dần phai nhạt, những trang viết thú vị về văn hóa dân tộc Tày của Cao Duy Sơn càng có ý nghĩa sâu sắc hơn. Không gian văn hóa vùng cao gắn bó với nhà văn như một phần máu thịt. Từ chỗ am hiểu khá tường tận vùng đất gắn bó thân thiết với những trang viết của mình, nhà văn viết về miền núi, viết về dân tộc đều coi việc viết về vùng đất, con người mang đặc trưng sắc thái văn hóa miền núi là sự cần thiết.

Bước chân vào thế giới nghệ thuật tiểu thuyết của Cao Duy Sơn, người đọc sẽ bắt gặp bản sắc miền núi làm nên cái hồn dân tộc qua những câu chuyện đầy tính nhân văn. Bản sắc ấy trước hết là không gian văn hóa miền núi ngập tràn trong các trang viết về dân tộc miền núi. Đó là những đặc trưng văn hóa như trang phục, ẩm thực, lễ hội vui chơi hay cúng tế, những tập tục sinh hoạt cộng đồng… của người dân miền núi. Như lời nhận xét của nhà văn Hữu Thỉnh: “Cao Duy Sơn đem đến cho người đọc mảng sống đặc sắc, tươi sáng về những con người miền núi, vừa cổ kính vừa hiện đại mộc mạc, chân chất. Không để đánh mất mình trong những hoàn cảnh éo le, đau đớn…”.

Chúng ta sẽ bước vào một không gian lạ, không gian có núi cao, trời rộng của vùng rừng núi phía Bắc, nơi từ đó nhìn xuống “Thác Phia Bjóoc đổ xuống từ độc cao gần sáu mươi sải tay. Triệu triệu những bụi nước từ dòng thác như tấm lưới khổng lồ tung lên trời cao, rồi chùm xuống vạn vật cách đó cả vài trăm thước”. Một không gian đầy hoa lá rừng, trưa tháng bảy, tiếng ve ran trên những cành phượng cao vút, dưới gốc những cánh đỏ rữa ra trên mặt đất ẩm ướt, có dòng sông Dâng vẫn sáng lên lấp lánh trong ánh điện hắt xuống từ những ngôi nhà hai bên bờ. Giữa dòng hàng chục mảng luồng thấp thoáng như những chiếc lá đè sóng lướt nhẹ, mảng của đám thả câu dăng, của dân buôn trở đầy bắp cải từ Háng Sliềng xuôi xuống khiến dòng nước xao động, lan sóng tớp táp vào bờ, những điệu lượn Then réo rắt, lễ hội cúng thác Đàn trời của dân làng Phja Đeng…[39, tr.15].

Đây chính là không gian văn hóa miền núi không thể lẫn. Nhưng điều đáng lưu ý ở đây là sự tác động của không gian đời sống vào tư duy của con người, nó quy định phần nào tính cách, suy nghĩ, lối ứng xử xủa con người tạo nên con người văn hóa. Nhân vật bước ra từ không gian ấy đa số là những con người hồn nhiên, chân thực trong những mối quan hệ dòng tộc, gia đình, tình yêu. Mảy Ban, Mảy Nhung (Người lang thang); Thục Vy, Diệu, Vương

(Đàn trời) là những con người tinh tế, rụt rè trong những khoảnh khắc tình yêu chớm nở nhưng cũng vô cùng mãnh lỉệt, tha thiết, thủy chung trọn vẹn trong tình yêu vợ chồng. Họ kiên nhẫn đợi chờ như hình ảnh của dòng sông Dâng cần mẫn chảy và đôi khi dễ tin đến xót xa trong tình yêu để phải đánh đổi cả cuộc đời. Đó là nét tính cách vừa mềm mại vừa quyết liệt như thác Phia Bjóoc giữa đại ngàn Tây Bắc hoang sơ.

Trong hầu hết tiểu thuyết của mình, nhà văn Cao Duy Sơn thường đề cập đến đạo đức, văn hóa ứng xử của con người trong đời sống. Biểu hiện văn hóa miền núi trong những “người con của núi” được biểu hiện ở cách ứng xử nghĩa tình của vợ chồng, cha con (Đàn trời). Lê vợ của Vương vẫn nhẹ nhàng, tình cảm xem Diệu “từng là người tình của chồng mình” giống như một đứa em gái, tình cảm thân thiết như hai chị em ruột thịt. Lê không hề để bụng những “quá khứ mặn nồng của chồng” mà trái lại nàng luôn tôn trọng những kỷ niệm một thời của anh để rồi nàng luôn làm một người vợ đảm đang, tháo vát, lo toan mọi việc trong gia đình. Lo lắng chạy vạy trước sau, khi nghe tin anh bị “mất việc”. Thục Vy vẫn lặng lẽ một mình về nhà Thức để dành tình cảm của mình cho con gái của Mỹ, vì cô biết rằng đứa bé đang thiếu hơi ấm của người mẹ, đang thiếu sự chăm sóc của người cha khi sống một mình như vậy. Hay như Phung (Người lang thang), cô vẫn biết tình yêu của Ngấn dành cho Diên rất sâu nặng. Tuy nhiên, nỗi buồn trong cuộc đời riêng không làm cho Phung ích kỉ, tàn nhẫn. Cô tự nguyện cùng chồng nuôi con cho Diên, vì cô đồng cảm với số phận của Diên cùng là người phụ nữ, cùng đem lòng yêu người mình thương nhưng kết cục không trọn thì rất là đau khổ.

Cô thương đứa bé giống như là con đẻ của mình. Tất cả đều xuất phát từ tấm lòng cao thượng, tinh thần nhân đạo của con người miền núi. Sự cư xử sòng phẳng, công bằng, yêu ghét rõ ràng, quyết liệt nhưng thấm đẫm đạo đức nghĩa tình của những con người miền núi Tây Bắc là một trong những nét đặc trưng

tiêu biểu. Sự hiếu thảo, kính trọng của người con đối với cha. Thức nhận ra rằng: “Trên đời này chỉ có cha là người nghèo khổ vĩ đại nhất mà thôi. Cha luôn giản dị và điềm tĩnh chỉ cho mình thấy con đường cần đến…dù mình chưa đi hết những lời người răn dạy nhưng bao giờ người cũng đúng” [39, tr.441].

Văn hóa trong tính cách của con người còn là hình ảnh của thị xã Bình Lãng mạnh mẽ “Một thị xã miền núi nơi anh đã sinh ra, nghèo nhưng thơ mộng. Giờ mọi thứ đã đổi thay nhưng dân phố Giáp vẫn thế”. Hình ảnh thị xã gợi liên tưởng đến những người phụ nữ lam lũ, “Họ miệt mài bên vườn rau, mùa nào thức nấy bán cho dân thị xã giữa cái chợ xanh từ thời họ Hoàng”, bóng dáng của những người con gái, người mẹ, người vợ nhẫn nhịn và cam chịu giữa cuộc đời thường…

Đời sống văn hóa miền núi còn biểu hiện ở đời sống tinh thần với những quan niệm, phong tục của người bản xứ. Trong tư duy văn hóa tâm linh của người miền núi quan niệm “Trời cao! Ngài sinh ra con người, lại sinh ra cả giống chó lợn, ngài cho người này cái đầu biết nghĩ, cũng lại chỉ cho kẻ khác cái bụng đựng đồ ăn…”. Làng có thần làng, rừng có thần rừng. Để giao tiếp với thế giới tâm linh thì lễ cúng là điều không thể thiếu của đồng bào.

Trong Đàn trời của Cao Duy Sơn ta sẽ bắt gặp những lễ cúng như lễ cúng thác Phja Bjóoc: “Trên một mỏm núi cao, dưới chân dòng sông cuồn cuộn va đập, lão Mạc ngả chiếc mâm gỗ trên mặt cỏ đẫm nước, rồi cẩn thận bày đồ lễ.

Một miếng thịt lợn sống hai ký, một chai rượu, một nắm hương và một con dao quắm, tất cả được xếp trên mâm thấm nước ướt nhòe …” [39, tr.442]. Tin vào thế giới tâm linh là một cách tìm chỗ dựa tinh thần của người miền núi trong đời sống và trước tự nhiên, nó phản ánh đặc điểm tư duy và văn hóa tín ngưỡng của con người. Hay như trong Người lang thang, người đọc sẽ bắt gặp phong tục của người Tày: “Khi người chồng được vợ báo cho biết mình

sắp được làm cha của đứa trẻ đầu tiên, phải chuyển đồng bạc ở cổ cho người vợ giữ…” [ 38,tr.207].

Trong mối quan hệ với tự nhiên, người miền núi còn có mối quan hệ đặc biệt với nguồn nước. Nguồn nước là cội nguồn văn hóa. Con suối gắn với cuộc đời của mỗi người miền núi như cái đai lưng trên váy áo con gái, trẻ con sinh ra được tắm bằng nước suối…con gái trước khi về nhà chồng phải vén váy rửa sạch gót chân. Khi chết, cũng nguồn nước ấy rửa sạch bụi trần trên thân thể để người chết thanh thản về thế giới bên kia. Hình ảnh dòng sông Dâng, thác Đàn trời trở đi trở lại trong tiểu thuyết Cao Duy Sơn như một biểu tượng văn hóa đầy ám ảnh. Nguồn nước tô điểm cho vẻ đẹp của rừng núi.

Con người vùng cao nghĩa tình với cả thiên nhiên.

Thế giới nghệ thuật của Đỗ Bích Thuý cũng chính là những bức tranh thiên nhiên, những phong tục, sinh hoạt mang sắc hồn dân tộc. Tuy vậy, ở nhiều tác phẩm Đỗ Bích Thuý chú ý đến sự suy thoái đạo đức của miền núi trước sự xâm thực của đời sống đô thị hoá. Truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy bao giờ cũng mang “sức hút mạnh mẽ của một lẽ sống nào đó mà chị rút ra từ cuộc đời” [59, tr.6]. Truyện Con dê bốn mắt là truyện ngắn viết về miền núi hôm nay với đám cưới “mổ hai con bò, mâm bát linh đình từ ba ngày trước, người ra người vào nườm nượp”, không còn cảnh người đi mừng đám cưới cốt ở cái tình và sự chân thật có gì mang nấy: chục con gà làm giống, một cái chảo, cái cặp bếp, cái muôi, thìa gỗ… làm tài sản cho đôi vợ chồng mới; mà miền núi hôm nay đi mừng đám cưới bằng tiền, “đưa tiền hết”! cùng cái quán thịt chó, mấy thằng trai phóng xe máy vèo vèo phụt khói, cô gái miền núi đánh đổi tình yêu đẹp của mình vì con ngựa tía cao to lừng lững cùng người trai cao lớn, bắp tay cuồn cuộn hơn hẳn. Bên cạnh đó, nhà văn lại bộc lộ khả năng cảm nhận tinh tế của mình về con người miền núi khi đề cập đến vấn đề đời tư, đời sống nội tâm của kiếp người và đời sống văn hóa các dân tộc cao

nguyên trong hàng loạt các truyện ngắn khác như Tiếng đàn môi sau bờ rào đá, Đêm cá nổi, Như một con chim nhỏ…Còn nhà văn Cao Duy Sơn lại đề cập đến những mối quan hệ con người với con người đủ mọi cung bậc cảm xúc từ đó thể hiện những quan niệm nhân sinh, phương cách ứng xử nhân ái và cao thượng giữa con người với con người.

Tiểu thuyết đề tài miền núi sau năm 1975 của Cao Duy Sơn còn phản ánh thực trạng bản sắc văn hóa của nhiều dân tộc thiểu số đang có nguy cơ mai một, biến mất do nhiều yếu tố tác động từ ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai. Một số giá trị văn hóa truyền thống chưa phù hợp với cuộc sống hiện đại vì giới hạn nhận thức cũng như cơ hội tiếp cận với đời sống văn minh tiên tiến, các loại hình văn hóa hiện đại còn hạn chế. Nhưng trong tư tưởng của người viết, dù thế nào thì miền núi trước sau vẫn là “một xứ sở gói trong mây trắng, xa vời những ham hố, xảo thuật, mưu mô. Một vương quốc lí tưởng để thanh lọc tâm hồn, nguyên sơ như bãi cải nương nở vàng, đắng ngọt, sạch tinh, không biết đến mùi vị gì ngoài hương đất”. Vì thế âm hưởng ngợi ca, trân trọng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và kêu gọi trở về với miền núi là đặc điểm mà người đọc bắt gặp trong hầu hết tiểu thuyết về đề tài miền núi thời kì này.

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật tiểu thuyết cao duy sơn (Trang 44 - 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)