CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ XÂY DỰNG TRƯỜNG THPT ĐẠT CHUẨN QUỐC GIA
1.5. QUẢN LÝ CÔNG TÁC XÂY DỰNG TRƯỜNG THPT ĐẠT CHUẨN QUỐC GIA
1.5.1. Kế hoạch hóa việc xây dựng trường THPT ĐCQG
Kế hoạch hóa là chức năng cơ bản. Căn cứ vào quá trình phát triển của tổ chức căn cứ vào mọi tiềm năng đã có và sẽ có dự báo trạng thái kết thúc của tổ chức (và những trạng thái trung gian) vạch rõ mục tiêu, nội dung hoạt động và hệ thống các giải pháp, biện pháp, xác định có tính chắc chắn và đảm bảo sự cam kết về các nguồn lực, nhằm đưa tổ chức đạt được mục tiêu đã đề ra.
Kế hoạch hóa là công việc cần làm đầu tiên trong quá trình xây dựng trường THPT ĐCQG. Nó có vai trò khởi đầu, định hướng, là cơ sở huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài nhà trường, là căn cứ cho việc kiểm tra đánh giá quá trình thực hiện các mục tiêu trong quá trình quản lý xây dựng trường THPT ĐCQG.
Tuy nhiên do điều kiện cụ thể và đặc thù của từng trường mà mức độ
kế hoạch hóa khác nhau. Lập kế hoạch xây dựng trường THPT ĐCQG phải trả lời được các câu hỏi:
- Làm cái gì? chỉ rõ mục đích công việc, chủng loại, tính chất, nội dung, đặc trưng, số lượng…
- Tại sao phải làm như thế? nêu mục đích, sự cần thiết phải làm việc đó;
- Khi nào làm? chỉ rõ thời gian bắt tay vào công việc, thời gian hoàn thành, thời vụ, định kỳ hay tùy lúc…
- Ở đâu? chỉ rõ địa điểm, vị trí ..
- Ai làm? Chỉ rõ ai phụ trách, một hay nhiều người, ai tham gia, quan hệ với ai
- Làm như thế nào? Nêu rõ phương pháp thực hiện, kỹ thuật, số lượng, tiêu chuẩn cần đạt, giá trị mục tiêu, mức độ mong đợi
Nguyên tắc lập kế hoạch xây dựng trường THPT ĐCQG: Phải đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu; các mục tiêu phải rõ ràng, có thể đạt được và xác đáng; các tiền đề kế hoạch phải thích hợp, các chiến lược, sách lược phải được nhận thức đầy đủ và thực thi rõ ràng; những yếu tố hạn chế phải được xác định và lường trước; phải đảm bảo cam kết về thời gian và nguồn lực để hoàn thành; kế hoạch phải linh hoạt và thay đổi đúng hướng
Kế hoạch hóa quản lý xây dựng trường THPT ĐCQG là việc đưa toàn bộ hoạt động quản lý vào công tác kế hoạch, trong đó chỉ rõ bước đi, biện pháp thực hiện và đảm bảo nguồn nhân lực để đạt tới các mục tiêu của nhà trường.
Cụ thể mỗi trường phải lập đề án xây dựng trường đạt chuẩn QG của trường mình. Trong đề án phải phân tích những thuận lợi, khó khăn, những tiêu chí đã đạt được, những tiêu chí chưa đạt, tìm hiểu nguyên nhân vì sao chưa đạt, cần những sự hỗ trợ nào từ ngành, từ các cấp chính quyền, những tiêu chí nào mà nội lực nhà trường cần phải giải quyết và phấn đấu để đạt.
Cần phân tích từng tiêu chí trong các tiêu chuẩn, từ đó xây dựng lộ trình thời gian phấn đấu theo từng bước.
Kế hoạch thực hiện các tiêu chuẩn như sau:
Tiêu chuẩn 1: Tổ chức và quản lý của nhà trường
- Tham mưu Sở GD - ĐT xây dựng kế hoạch tuyển sinh hằng năm với số lượng học sinh đảm bảo không quá 45 học sinh trong một lớp. Số lớp phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, phòng học và số lượng đội ngũ nhà trường.
- Có kế hoạch bố trí tổ chuyên môn phù hợp, xây dựng và đề bạt đội ngũ tổ trưởng, tổ phó, các tổ chuyên môn đề xuất các chuyên đề có tác dụng nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy - học;
- Có kế hoạch bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của mỗi giáo viên và của cả tổ chuyên môn; đạt các qui định về đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo;
- Bố trí nhân viên tổ Tổ văn phòng đủ về số lượng, đảm bảo năng lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
- Thành lập Hội đồng trường và các hội đồng khác trong nhà trường hoạt động có kế hoạch, nền nếp, đạt hiệu quả thiết thực góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng nền nếp kỷ cương của nhà trường.
- Xây dựng tốt Tổ chức Đảng và các đoàn thể:
Tiêu chuẩn 2: Cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên
Có kế hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ dự nguồn đủ các tiêu chí quy định. Xây dựng kế hoạch tổ chức Hội thi dạy giỏi từ cấp trường và tham gia hội thi ở cấp tỉnh;
Tiêu chuẩn 3: Chất lượng giáo dục
- Xây dựng các biện pháp nhằm không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học để đảm bảo các chỉ tiêu về học tập và hạnh kiểm, chỉ tiêu về đảm bảo sĩ số.
- Có kế hoạch chặt chẽ về thời gian tổ chức, nội dung các hoạt động giáo dục ở trong và ngoài giờ lên lớp.
- Đảm bảo các điều kiện để cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh sử dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà trường, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá. Cán bộ quản lý, giáo viên đều sử dụng được máy vi tính trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập nâng cao nghiệp vụ.
Tiêu chuẩn 4: Tài chính, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học
- Có kế hoạch từng bước về công tác xây dựng cơ sở vật chất được đảm bảo như : Có đủ số phòng học cho mỗi lớp học, diện tích phòng học, bàn ghế học sinh, bàn ghế giáo viên, bảng đúng quy cách; phòng học thoáng mát, đủ ánh sáng, an toàn; Có phòng y tế nhà trường
Xây dựng phòng học bộ môn; phòng thiết bị dạy học, phòng thí nghiệm với đầy đủ trang thiết bị dạy học;
Kế hoạch bố trí phòng làm việc của Công đoàn; phòng hoạt động của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh;, phòng họp từng tổ bộ môn, phòng thường trực, kho;
Kế hoạch xây dựng cảnh quang sư phạm nhà trường, khu sân chơi sạch, đảm bảo vệ sinh và có cây bóng mát;
Có đủ nước sạch cho các hoạt động dạy học, nước sử dụng cho giáo viên, học sinh.
Tiêu chuẩn 5: Quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội
Có kế hoạch trong việc xã hội hóa giáo dục đối với nhà trường, huy động hợp lý và có hiệu quả sự tham gia của gia đình và cộng đồng vào các hoạt động giáo dục, tăng cường điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị để nâng cao hiệu quả giáo dục của nhà trường.