CHƯƠNG 2. TÍNH DỤC VỚI CÁCH XÂY DỰNG NHÂN VẬT VÀ KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT NGUYỄN ĐÌNH TÚ
2.2. TÍNH DỤC – HẠT NHÂN XÂY DỰNG KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT
2.2.1. Không gian đời thường đậm tính nhục cảm
Dưới góc nhìn tính dục, không gian trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú gắn liền với môi trường hiện thực được thu hẹp trong từng đời tư, từng số phận nhân vật. Nơi đó, con người bộc lộ mình ở phần bản năng nhất và sống trọn vẹn với những cảm xúc thực nhất; nhưng tiếc rằng, cảm giác tìm sự ấm cúng, yên bình trong không gian ấy nhiều lúc không thực.
Không gian đời thường trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú tập trung bó hẹp trong phòng ngủ hay những chốn riêng tư chỉ tồn tại hai nhân vật. Mặc dù
không gắn liền với không gian đêm như các tiểu thuyết khác nhưng chúng vẫn khơi gợi khao khát thỏa mãn sâu kín.
Trong không gian phòng ngủ, nhân vật tự bộc lộ sự cuốn hút, kích thích giới tính vốn bị dồn nén. Ở đó, tình yêu của Thạch và Yến bắt đầu có dư vị của nhục dục trong một ngày Yến đến và “tôi đã biết thế nào là cơ thể của một người con gái”. Lúc ban đầu này cả Yến và Thạch đều cảm nhận được sự rạo rực bởi đã “háo hức quá rồi. Mê mẩn quá rồi. Sốt ruột quá rồi. Dục tốc.
Dục tốc”. Như vậy, chính không gian riêng tư và sự tồn tại của dục tính đã đem đến sự hòa quyện. Từ không gian phòng ngủ đến những nơi tương tự đẫm màu nhục cảm khác, đôi tình nhân đã đi đến tận cùng của cảm xúc: “Em đã cho tôi đưa cái của tôi vào người em ngay trên chiếc xô pha bọc da đặt dưới phòng khách. Tư thế lúc này thật kì quặc. Cũng bởi cả hai đều không chuẩn bị cho cái việc, xét cho cùng, là rất thường tình mà con người sẽ phải làm quen với nó từ khi động dục cho đến lúc chết” [53, 89].
Trải qua giây phút bỡ ngỡ, sự chuẩn bị, chủ động của nhân vật đã chuyển đổi không gian đời thường từ vô tình đến cố ý đậm tính nhục dục. Sau này, khi đã thực sự thoải mái trong việc hòa hợp, Thạch cùng Yến thường có thói quen “hẹn hò” ở khách sạn. Ở đây, không gian khách sạn cũng là không gian đời thường đặc thù của tiểu thuyết hiện đại.
Đôi lúc nhân vật cũng “lạ hóa” không gian đời thường để thay đổi
“khẩu vị” yêu. Không gian bao la, cảnh và tình hòa quyện trong yên tĩnh, tình cảm của Đại và Duyên đã thực sự đơm hoa, kết trái sau những ngày tháng chôn giấu. Họ ăn trái cấm trong khao khát vô thức với vẻ đẹp bình thản của đất trời, cùng “ngồi bên nhau dưới góc cây tai voi, bên thềm hoa dạ thảo, mắt nhìn ra hồ, sóng lòng dào dạt, bờ hồ vắng ngắt, gió mơn man da thịt” cuối cùng “cả đám hoa dạ thảo ven hồ nát bấy dưới hai thân hình căng tràn sức
thanh xuân” [53, 131]. Nhờ vậy, yếu tố tính dục được nhìn nhận một cách tự nhiên, đẹp trong khao khát vốn có của con người.
Sau những khám phá thần tiên, nhân vật của Tú phơi trải đầy đủ phần ẩn giấu trong không gian đời thường. Với Đại, “cái mùi nồng nồng ngai ngái”
ám ảnh anh trong suốt thời gian thiếu vắng không gian đời tư ở hai người. Về Hà Nội trọ học, không gian yêu đương của Đại với Duyên là căn phòng trọ của Đại. Lúc này, “họ đã tự tin hơn khi làm chuyện ấy” và chủ động trong không gian riêng: “Hai người đi ăn cơm bụi rồi về phòng đóng cửa lại, ôm ấp nhau” [53, 145]. Cái phòng trọ chật chội ấy lại là thiên đường cho sự hòa hợp tâm hồn, thể xác của họ: “Thôi thì lại về nhà trọ của Đại vậy. Vắng vẻ, yên tĩnh, kín đáo thế biết làm gì hơn bây giờ (…). Rồi cứ thế những bàn tay lần mò, bóc gỡ, tìm kiếm, sờ nắn… Chẳng mấy chốc tất cả đã phô bày ra trước mắt nhau. Da thịt gọi da thịt. Hứng thú gọi hứng thú” [53, 148].
Trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú, các nhân vật nữ từng bước chủ động trong mối quan hệ và dần bộc lộ cá tính qua nhu cầu thỏa mãn. Đó cũng là nhu cầu khẳng định ý thức phái tính mà giới nữ đang vươn đến. Đưa Đại gần với thiên nhiên, Duyên đã đạt đến kết quả của việc đem lại khoái thú trong Đại:
Sóng biển vỗ ì oạp. Gió thổi trên những rặng phi lao u u. Giữa đất trời bao la, trong khoảng không gian khoáng đạt, hai cơ thể thanh tân dập dềnh bên nhau. (…) Họ nhấp nhỏm dưới ánh trăng mờ. Họ mê mải dưới ánh trăng mờ. Họ lên xuống khoan nhặt giữa ánh trăng mờ.
Họ hổn hển giai điệu dục tính dưới ánh trăng mờ [53, 153].
Nhân vật dùng tình dục để giải tỏa những ẩn ức của mình và không gian đời tư là nơi họ bộc lộ tất cả những nỗi niềm. Lần đầu “làm phò” với Kiên dưới “mái nhà tồi tàn trong khu xóm liều rìa ga”, trên “sàn nhà lạnh giá nghe rõ những rộn rạo trong từng đốt xương sống” trong tâm hồn của những
kẻ lạc loài, đối với Quỳnh có lẽ cái mùi vị đó là điều ngọt ngào trong đắng cay của những ngày lạc mẹ. Để rồi sau này, trong những phòng ngủ ấm áp, Quỳnh tạo cho mình cuộc chơi tìm khoái cảm, thỏa mãn sự buông thả trong khao khát tìm lại mùi vị xưa. Chủ động, khơi gợi trong cõi riêng tư, không gian quanh Quỳnh đã nhuốm màu hoan lạc. Có thể nói, phòng ngủ là chốn riêng tư, nơi ấy con người thể hiện tận cùng bản thân mình. Nhưng ngoài sự hòa hợp thăng hoa cùng tình yêu, phòng ngủ còn ghi dấu những khoái cảm lạc loài, cô đơn. Cũng như Quỳnh, Galacloai sống trong thế giới của riêng gã, thế giới của những gay chìm: “Phòng ngủ liền với phòng tắm sang trọng theo phong cách Nhật (…). Ở góc phòng phía trong cùng đặt một bộ Linga-Yôni bằng đồng cao tới nửa mét” [53, 214].
Không gian đời thường có cái vẻ yên ả nhưng xáo động, bùng nổ trong khoái lạc giao hoan. Đối với Diệu và Hưng mã, nó ồn ã, vồ vập: “Chúng em ăn ngủ với nhau ở bất kì chỗ nào có thể ngả lưng xuống được” [54, 184]. Đó có thể là trong thùng xe mà Hưng biến thành phòng ngủ của mình hay trong nhà Diệu khi vắng mặt bà. Nhưng đam mê nhục dục và những ngọt nhạt của Hưng không thể bên Diệu mãi. Trong Phiên bản, tình nghĩa vợ chồng của Hương ga và Tùng hêrô lí tưởng trong giới giang hồ, nhưng chính không gian đời thường nhất của họ cũng nhuốm màu bạo lực. Phòng ngủ vợ chồng Hương ga với rất nhiều vết máu của đâm chém, “nhìn đâu cũng thấy màu đỏ nhức nhối (…), máu còn dính đầy nơi thành giường, chỗ bậu cửa, trên chăn gối…” lẫn với giọt nước mắt ái ân và những tiếng tặc lưỡi gọi nhau đi giết người làm bạn đọc thấy rõ họ đã sống một kiếp người buồn nản làm sao, nhưng cũng nhân bản và nồng nàn yêu thương làm sao. Chính ở nơi tổ ấm dịu ngọt nhất, Hương ga “trở về căn phòng của mình với nỗi chán chường, hoang hoải” và “chợt nhận ra rằng phòng ngủ của em quá nhiều máu, cứ như thế này thì chả khác gì căn phòng của một cặp vợ chồng đồ tể” [54, 304].
Tạo dựng không gian đời thường, tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú nhìn nhận yếu tố tính dục đậm tính nhân văn. Trong môi trường ấy, nhân vật hiện lên với đầy đủ các trạng thái cảm xúc nhục dục, lột tả được cái phần sâu kín của những ẩn ức dồn nén. Nhờ thế, người viết dễ dàng đi sâu vào thế giới “vi mô” của đời sống tâm hồn con người với những khao khát, những bản năng rất người.