Giọng triết lí đắn đót

Một phần của tài liệu Yếu tố tính dục trong tiểu thuyết nguyễn đình tú (Trang 65 - 69)

CHƯƠNG 2. TÍNH DỤC VỚI CÁCH XÂY DỰNG NHÂN VẬT VÀ KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT NGUYỄN ĐÌNH TÚ

3.1. TÍNH DỤ – NHÂN TỐ TẠO CÁC SẮC ĐỘ GIỌNG ĐIỆU ĐẶC THÙ

3.1.2. Giọng triết lí đắn đót

Với tiểu thuyết hiện đại, nhà văn không chỉ nhìn thấy hiện thực ở bề mặt cuộc đời mà còn tìm hiện thực ẩn chìm bên trong con người, soi ngắm số phận cá nhân để khái quát những vấn đề nhân thế. Tác phẩm thường được cấu trúc như dòng chảy của lịch sử tâm hồn với điểm nhìn của người trần thuật thiên về khám phá, chiêm nghiệm. Giọng điệu triết lí được đan dệt từ lời nhân vật, phối hợp những tâm tư, trải nghiệm ở nhà văn nhằm diễn tả sự phức tạp, nhiêu khê của cuộc sống mà con người không thể lường hết.

Trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú, sắc điệu triết lí toát lên khi đề cập đến những vấn đề phức tạp trong cuộc sống, trên hành trình nhân vật khắc khoải đi tìm những giá trị đích thực cùng những bày tỏ và nhận định khái quát của tác giả về con người, về cuộc đời. Sự gắn bó với “cô người yêu bé nhỏ”

của Thạch cũng là sự lớn lên từng ngày của Yến. Chính quá trình hiểu nhau đó lại khiến mối quan hệ đậm mùi nhục cảm của họ đi vào ngõ cụt. Hơn ai hết, Thạch đã xót xa nhận ra cái kết cục hiển nhiên đó: “Yến đã trưởng thành rồi. Con chim đã mọc đủ lông đủ cánh rồi, nó phải bay theo những đường lượn của riêng nó, không thể cứ bắt nó lượn duy nhất một kiểu trước tổ ấm của mình” [53, 93]. Cái chua chát, hoài nghi về cuộc đời và con người xuất

phát từ trải nghiệm nhân sinh sâu sắc. Đặc biệt, những phát biểu có tính khái quát ấy thường được lồng vào lời nói, suy nghĩ của nhân vật một cách tự nhiên.

Với cách nói ví von giàu tính suy ngẫm, chiêm nghiệm, Nguyễn Đình Tú sử dụng cái nghịch dị để thể hiện sự hỗn tạp, trớ trêu của cuộc đời. Ở đó, cảm giác cuộc sống thật như một trò đùa để hoài nghi tất cả:

Và sau khi sinh hoạt, thằng nào cũng ngỡ bạn tình của mình chỉ là một con bò cái ngu muội, còn mình là người đã nắm chắc chiếc dây thừng trong tay [53, 85].

Tôi cũng bắt đầu nhận ra rằng, trong tình yêu, con bò cái mới là kẻ dẫn dắt người cầm thừng. Giường chiếu chính là nơi làm cho kẻ cầm thừng lúng túng và mất phương hướng trước con bò cái đáng yêu của mình [53, 189].

Tình dục từ xưa được xem là đặc quyền của phái mạnh, mà phái nữ chỉ có thể bị động trong cảm xúc. Nhưng ở thế giới hiện đại với sự phát triển không ngừng của phái nữ, ý thức phái tính ngày càng bộc lộ mạnh mẽ. Sự bình đẳng giới đưa đến đời sống tình dục mới, đôi khi phái yếu lại là người làm chủ, giữ thế thượng phong.

Đời sống phát triển theo nhiều dạng thức, trong đó nổi bật lên với cái gọi là mua bán “khoái cảm trần gian”. Thấu cảm điều này, Nguyễn Đình Tú một mặt hiểu được sự vô nghĩa lí của ham muốn và thỏa mãn, mặt khác thấm thía được cái xót xa, bi đát của những chung chạ kiểu nắng sớm mưa chiều:

“Cái trò ăn bánh trả tiền có bao giờ nhuốm màu lãng mạn đâu? Cục súc lắm, thô thiển lắm, tởm lợm lắm, thói đời xưa nay thế cả, mới mẻ gì đâu mà giả dạng ngỡ ngàng, bực bội?” [53, 200].

Đằng sau mỗi câu chuyện tính dục là những suy tư về cuộc sống, về con người, về tình yêu và hạnh phúc. Ở đó, tình yêu và tình dục chưa hay đã

hòa hợp thì khao khát muôn đời của con người vẫn là được sống, được yêu.

Mỗi trang văn, vì thế, là những suy nghĩ, những trăn trở, day dứt khôn nguôi của một cây bút đầy nhiệt tâm, giàu trải nghiệm.

Bên dòng suy tưởng của Thạch, hiện lên câu chuyện với ẩn ức nhàu nhĩ trong Đại. Kết cục mà Đại phải trả giá, qua giọng văn cảm thông của nhà văn, như được xoa dịu đi. Giọng điệu triết lí ở đây dù mang tính chủ quan nhưng đồng cảm, sẻ chia với con người:

Bênh vực người con gái mà mình yêu quý cũng là một ham muốn. Và ham muốn ấy đáng phải trả cho nó tám năm thụ án lắm chứ.

Hãy suy nghĩ lãng mạn và nhuốm màu triết lý như thế cho sự tồn tại này dễ thở hơn, cho sự sống này có sinh khí hơn, và cho những đắng cay này bớt cay đắng hơn [53, 259].

Triết lí về bản thể cũng lặp đi lặp lại trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú.

Sau những dòng thổn thức nhẹ nhàng nhưng cuộn trào bởi bản năng là tiếng nói rất người. Sự hòa hợp giữa tình và cảnh là những thổn thức của tự nhiên mà chính những lúc cô đơn con người càng khát khao giao hòa nhất: “Mùa đông thường đem lại cho Kiên sự tủi thân. Trong cơn lạnh giá, dường như con người ta cảm nhận rõ sự cô đơn hơn. Và mỗi khi mùa đông đến, trong lớp chăn ủ ấm, Kiên nhận ra sự rạo rực khác thường của cơ thể” [55, 233].

Sự cô đơn trong bản thể còn ở dạng không thể hòa hợp như quy luật vốn có mà đi theo một lối khác vì “xét cho cùng là lỗi ở thượng đế chứ đâu phải lỗi ở Tráng”. Đối với Tráng, Quỳnh có cảm giác ngưỡng vọng, như đứng trước những gì chính cô không lí giải được: “Tráng là một chàng trai trong sạch, thánh thiện và tinh khiết đến vô trùng. Những cái gì thánh thiện người ta thường vọng tâm tôn thờ hơn là kéo vào lòng mình mà yêu thương, ôm siết, cắn cấu” [55, 339].

Đi tìm bản thể, nhân vật tiểu thuyết đương đại thường rơi vào tâm trạng cô đơn, khủng hoảng. Con người trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú cũng vậy, sau những giờ phút đối diện với bản thể họ đã tìm cái chết hay thả mình vào những ham muốn vô độ, bệnh hoạn như một lựa chọn thích hợp. Thực tại hiện tồn trở nên vô nghĩa. Mỗi tác phẩm là một cuộc tìm kiếm bản thể đầy giằng xé. Ngẫm, suy, triết lí… chính là một trong những yếu tố đậm nổi, chúng làm thành một giọng chủ đạo trong bản hợp âm nhiều chất giọng của anh.

Giọng triết lí trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú không diễn đạt một cách ồn ào mà đắn đót qua từng số phận, từng tình huống nhân vật trải qua để từ trong đó bật lên cái chiêm nghiệm sâu cay của những ẩn ức: “Bao nhiêu đêm thần tiên chế ngự tôi rồi. Bao nhiêu đêm bản thân tôi chế ngự tôi rồi.

Đêm nay để quỷ chế ngự xem có khác gì những đêm qua không? Đời người được bao nhiêu đêm!” [53, 217].

Ý nghĩa triết lí bị bóp méo, ý thức vươn đến cuộc sống đúng nghĩa được nhào nặn lại qua bi kịch méo mó tâm hồn của Thạch. Đó là cả thế giới vỡ vụn, thế giới của ảo giác, bản năng, vô thức; thế giới của những con người tìm đến khoái lạc về thân xác nhưng ám ảnh, hoảng loạn về tinh thần. Bi kịch của các nhân vật nằm ở chỗ không tìm được ý nghĩa sống và vì vậy cũng là bi kịch của sự buông thả theo đam mê, nhục vọng. Chính trong buông thả họ càng khát khao được sống, và khi khát khao đến bế tắc, cái chết là sự giải thoát, cái chết cũng mang đầy chiêm nghiệm:

Sự sống hình vòm cung không màu, không mùi, không vị có gì đáng để níu kéo Quỳnh nữa đâu. Tự nhiên Quỳnh nghĩ đến sự vô nghĩa của việc có mặt trên cõi đời này. Hai mươi năm cho một đời người thì cũng không phải là quá ngắn ngủi. Người ta sống để ăn, để mặc, để học hành, vui chơi, làm việc, giao ái và muộn phiền. Quỳnh đã hưởng hết những điều cần hưởng, đã tiêu hết những thứ cuộc đời ký gởi, nếu có

kéo dài thêm sự sống chỉ để nhận về mình những muộn phiền mà thôi [55, 344].

Triết lí tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú bắt nguồn từ những cách nghĩ riêng và có phần phi chính thống. Những lời bàn luận đắn đót thường khiến tác phẩm trở nên mới mẻ, bất ngờ. Người đọc, hoặc gật gù đồng ý hoặc cau mày nghi ngại, song đều phải ngẫm nghĩ. Vì vậy, tính vấn đề của tác phẩm, chiều sâu của câu chuyện được nâng cao.

Trước ý nghĩa vô thường của đời người, Nguyễn Đình Tú biết cái tất yếu của việc “trời sinh ra những kiếp ngọc đời thì trời cũng sinh ra kiếp bụi đời” [54, 184]. Dù vậy qua những kiếp bụi đời đầy mất mát và khổ tâm, ngòi bút nhà văn nồng nàn yêu thương nhưng cũng đầy day trở. Trước nguy cơ tan vỡ tình người, nhà văn với nhạy cảm, nhức nhối về cõi đời, cõi người ấy đã riết róng gióng lên hồi chuông gọi mời tha thiết: “Bây giờ là lúc không phải chỉ dành tặng nhau những tấm lòng. Tình bạn tốt đẹp phải là cùng nhìn về một phía, cùng nắm chặt tay nhau đi cùng một hướng” [55, 394].

Nhìn chung, điều đáng quý trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú là những suy nghĩ bắt nguồn từ những day dứt của tác giả trước những ấn ức tình dục của nhân vật với nhiều trạng huống khác nhau. Tuy việc lý giải ở đây vẫn chủ yếu dựa trên cảm tính, nhưng không thể phủ nhận rằng chính giọng điệu triết lí đã đưa người đọc tới sự cảm nhận sâu sắc và thấm thía về tình yêu và tình dục ngày nay.

Một phần của tài liệu Yếu tố tính dục trong tiểu thuyết nguyễn đình tú (Trang 65 - 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)